Đội lốt rượu quê

06:55 | 27/03/2017

2,614 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ lâu đời, người dân Việt Nam vẫn tự hào với những loại rượu tự nấu rồi gọi là “rượu quê”. Rất nhiều vùng miền trong cả nước có thương hiệu riêng cho sản phẩm rượu nổi tiếng của mình.

Dân gian vẫn thường gọi nôm na là “rượu nút lá chuối” (rượu đóng chai và nút bằng lá chuối khô). Với cách nấu rượu truyền thống, thủ công, dù nặng hay nhẹ thì người uống chỉ say chứ hiếm khi bị ngộ độc. Vậy mà những năm gần đây, chuyện ngộ độc rượu dẫn đến chết người đã xảy ra do mác rượu quê đã bị lợi dụng.

Mới đầu năm nay, các vụ ngộ độc rượu liên tục xảy ra ở một số địa phương, đáng chú ý là tại Lai Châu và Hà Nội. Sau một đám tang tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ (Lai Châu) đã có tới 126 người ngộ độc thuộc 5 xã, trong đó có 9 người tử vong. Từ ngày 22-2 đến 19-3, có 25 bệnh nhân ngộ độc methanol phải nhập viện cấp cứu tại Hà Nội, 3 trường hợp đã tử vong.

doi lot ruou que

Trước thực trạng “báo động đỏ” về ngộ độc rượu ấy, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 371/CĐ-TTg yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai, thực hiện nghiêm các quy định về kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung và sản phẩm rượu nói riêng; có giải pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rượu. Các bộ Y tế, Công Thương khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm rượu trên toàn quốc.

Tiếp đó, Bộ Công Thương cũng ban hành Chỉ thị số 02 về việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là rượu dân tự nấu, tự pha chế và rượu không có nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc bộ khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ. Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân trưng bày, kinh doanh các sản phẩm rượu không nhãn mác, không dán tem, không rõ nguồn gốc xuất xứ dưới mọi hình thức.

Thực ra, việc cấm sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ các loại rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ đã có từ lâu nhưng vì địa bàn rộng, lực lượng chức năng mỏng nên công tác quản lý, ngăn chặn không được triệt để. Có cầu thì có cung, nhu cầu sử dụng rượu hằng ngày của người dân khá cao. Dân lao động nghèo thì chỉ có thể mua các loại rượu rẻ tiền để giải quyết nhu cầu cần uống của mình sau một ngày lao động. Vấn đề là ở chỗ, nếu người nấu rượu làm ăn chính đáng, đúng với truyền thống ngàn đời xưa nay thì dù rượu có chút tạp chất cũng không đến mức gây chết người. Phần lớn người dân nấu rượu quê thường “lấy công làm lãi”, dùng bã rượu để chăn nuôi, còn mỗi lít rượu chỉ ăn lãi được vài ba nghìn đồng. Do đó, họ tạo được niềm tin lâu dài với người sử dụng.

Ngày nay, một số người nấu rượu để kinh doanh đã tối mắt vì lợi nhuận, không còn nghĩ gì đến lương tâm, đạo đức nên đã tìm mọi cách sản xuất các loại rượu chứa nhiều chất độc hại, bán với số lượng lớn, giá rẻ, thu lời. Rượu không còn nấu bằng các loại ngũ cốc như gạo, ngô, sắn truyền thống nữa mà họ dùng hương liệu pha với cồn công nghiệp và nước lã. Những cơ sở pha chế rượu ấy đã bị cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ và phạt hành chính; phơi bày hết sự thật về rượu rởm. Thế nhưng, những kẻ tham lam vẫn không từ bỏ việc hành nghề gian dối ấy vì lợi nhuận quá cao, làm họ lu mờ cả suy nghĩ và hành động. Đồng thời cũng ảnh hưởng đến những người làm ăn chân chính, gây tiếng xấu cho hai chữ “rượu quê”.

Nếu không có cuộc ra quân rầm rộ chống rượu rởm mấy tuần nay thì người dân không thể hình dung hết được những cơ sở sản xuất rượu độc hại như thế nào. Thành phố Hà Nội đã thành lập gần 700 đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về chất lượng rượu, đồng loạt triển khai kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ rượu. Lực lượng chức năng đã thu giữ hơn 26.000 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, tiêu hủy hơn 600 lít, xử phạt hành chính 650 triệu đồng. Tiến hành xét nghiệm nhanh 60 mẫu rượu thì 34 mẫu có methanol nằm trong giới hạn cho phép, 5 mẫu có methanol vượt giới hạn cho phép.

Những con số đáng buồn, đáng xấu hổ là Việt Nam ta đứng thứ hai về tỷ lệ người uống rượu bia ở Đông Nam Á, thứ 10 ở châu Á và 29 trên thế giới. 77,3% nam giới Việt Nam có sử dụng rượu, bia (cao nhất thế giới). Đặc biệt, mỗi năm Việt Nam còn tiêu thụ khoảng 200 triệu lít rượu do người dân tự nấu.

Xuất khẩu gạo của ta mỗi năm thu về khoảng 3 tỉ USD, nhưng việc uống bia, rượu cũng hết 3 tỉ USD. Nghĩa là làm được bao nhiêu lúa gạo thì chuyển thành uống bia, rượu hết.

Để kiểm soát được rượu không rõ nguồn gốc, phòng tránh ngộ độc rượu, cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng quản lý thị trường. Để giảm được lượng bia, rượu tiêu thụ lớn như hiện nay, phải bắt đầu từ ý thức tự giác của mỗi người. Những vụ ngộ độc rượu vừa qua cũng là hồi chuông cảnh tỉnh các “sâu rượu”.

Xuân Anh