Không nhất thiết phải có lễ phục!

18:59 | 13/08/2013

598 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chuyện lễ phục ở nước ta được bàn đã nhiều năm nhưng vẫn chưa đến hồi kết. Cái việc tưởng như không quá khó đó đã tiêu tốn rất nhiều công sức, tiền bạc của rất nhiều các cấp quản lý. Giờ khác hơn là việc này đã bắt đầu đi vào bước thực hành. Nhưng cái sự tréo ngoe giữa hiện đại và truyền thống một lần nữa đặt Ban Tổ chức và các nhà thiết kế vào thế khó. Và liệu rồi sự phối hợp giữa các bên có ra được một đáp án thuận lòng dân là điều mà dư luận đang quan tâm?! Dư luận cũng cho rằng, việc có lễ phục chưa cần ngay và luôn như nhiều vấn đề văn hóa khác đang gây nhức nhối hằng ngày, hằng giờ.

Đặt vào thế khó

Trên thực tế, vấn đề lễ phục ở cấp cao dù đã được bàn định từ lâu nhưng vẫn nặng về thăm dò, nâng lên đặt xuống, tìm ý tưởng, tìm cách thể hiện bộ lễ phục Nhà nước.

Mới đây, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm lại phát động cuộc thi “Thiết kế mẫu lễ phục Nhà nước” nhằm tìm ra những mẫu lễ phục đáp ứng tâm lý, sở thích và văn hóa của người Việt Nam. Mặc dù chủ trương tổ chức thi để tìm được mẫu thiết kế lễ phục Nhà nước có chất lượng văn hóa, nghệ thuật và có tính ứng dụng, đáp ứng yêu cầu sử dụng cho lãnh đạo trong các dịp lễ trọng, các hoạt động ngoại giao. Nhưng ngay trong tiêu chí đưa ra, các nhà tổ chức đã tự gây khó cho mình, thể hiện sự mâu thuẫn rất khó giải quyết.

Đã nhiều tháng trôi qua, nhưng đề án lễ phục vẫn chỉ nằm trên giấy

Tiêu chí chọn lễ phục Nhà nước, theo đề án đã được phê duyệt, cũng như được thể hiện trong việc phát động cuộc thi, gồm: “Mang tính biểu tượng văn hóa, có tính thời đại và bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam; đẹp, thuận tiện, phù hợp trong nghi lễ quốc gia và quốc tế; phù hợp với điều kiện khí hậu và vóc dáng của người Việt Nam; khuyến khích thực hiện bằng chất liệu truyền thống, sản xuất trong nước”. Đây thực sự là một câu hỏi lớn! Tất nhiên, từ tiêu chí chung đến từng ý tưởng, sáng tạo và triển khai cụ thể của các họa sĩ, nhà thiết kế, nhà sản xuất là cả một bước dài mà lúc đó các tác giả tập trung vào cảm hứng chủ quan với những tìm tòi riêng độc đáo. Các chuyên gia cho rằng, nếu bám theo tiêu chí này có thể gây lúng túng trong cách thể hiện.

Điều có phần trái khoáy là dù tiêu chí đưa ra như thế, nhưng Ban Tổ chức sẽ chọn ra 4 bộ mẫu cho nam và nữ sử dụng trong các hoạt động lễ nghi Nhà nước, bao gồm: 2 bộ mẫu (1 nam, 1 nữ) mang xu hướng hiện đại và 2 bộ mẫu (1 nam, 1 nữ) mang xu hướng truyền thống. Như vậy, đã mong có bộ trang phục có tính thời đại và bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam, cuộc thi lại yêu cầu phải có những bộ cho nam và cho nữ khác hẳn nhau về tinh thần: Hoặc hiện đại, hoặc truyền thống. Đã “thế này” thì làm sao còn “thế kia” được nữa? Các nhà thiết kế sẽ đau đầu đến mức nào để phác thảo ra một bộ mang “phong cách” truyền thống, phải cố có cái gì hiện đại thêm vào cho nó có tính “thời đại” và ngược lại? Ai cũng biết tiêu chí của một bộ lễ phục Nhà nước chỉ cần khi mặc lên người thì có đẹp, trang trọng không? Có tính dân tộc không? Chưa kể đến việc, nước ta mỗi dân tộc đều có những bộ trang phục riêng, việc chọn một trong số nhiều cái có sẵn là cực kỳ khó. Đó cũng là lý do vì sao việc chọn lễ phục cứ mãi loay hoay đến vài năm rồi vẫn không thực hiện được.

“Chiếc áo không làm nên thầy tu”

Trên thực tế, nhiều nước trên thế giới cũng không có lễ phục. Việt Nam ta thì khác, riêng việc khởi động cho dự án này cũng đã mất vài năm bàn bạc. Và rất nhiều những phát ngôn, bình luận được đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Thế nhưng, hình như rất ít người hiểu được rằng, “chiếc áo không làm nên thầy tu”. Liệu có lễ phục rồi thì chúng ta có thể hiện được bản sắc Việt, làm nên giá trị cho người Việt hay không? Khi mà thực tế, chúng ta có hàng chục vấn đề liên quan đến văn hóa người Việt chưa giải quyết được? Hiện tượng sống lệch chuẩn, văn hóa xuống cấp, điện ảnh cả năm không ra được một bộ phim hay, văn học đang dẫm chân tại chỗ… rất nhiều những vấn đề văn hóa khác không được để ý.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: "Tôi không hiểu sao chuyện quốc phục lại phải tốn nhiều công sức, thời gian như vậy. Lẽ ra, nếu họ muốn thì có thể mời đích danh những nhà thiết kế có tiếng ở Việt Nam tập trung vào thiết kế một bộ lễ phục dành cho tất cả người dân Việt. Phải hiểu rõ lễ phục không chỉ dành cho nguyên thủ quốc gia mà bất cứ người dân Việt nào cũng có thể sử dụng. Thật khó hiểu khi các cá nhân liên quan cứ tổ chức hội thảo rồi thi để tìm lễ phục, khi mà chính tôi biết rằng, bản thân họ cũng đang mâu thuẫn giữa yếu tố hiện đại và truyền thống. Một khi chưa xác định rõ mà cứ làm thì sẽ tốn tiền của một cách vô ích. Sao không dành tiền đó để làm những việc hữu ích hơn".

Không thể phủ nhận đời sống văn hóa tinh thần hiện nay có chiều hướng “đi xuống” đến mức “báo động”. Thế nhưng, cơ quan quản lý đang đóng vai trò rất mờ nhạt trong công cuộc khôi phục lại những giá trị văn hóa cơ bản nhất của người Việt. Và hiện tại, thay vì cố công tạo dựng lại những giá trị đó thì ta lại luôn chạy theo những giá trị mang tính hình thức. Và quan trọng nữa là những người đang giữ trọng trách “định hướng” và “tuyên truyền” văn hóa của đất nước đến mọi tầng lớp nhân dân lại không “màng” đến chuyện này. Thay vì đó họ luôn nghiên cứu, phát minh ra những điều mới mẻ để khuất lấp. Mà chuyện lễ phục là một ví dụ…

Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh, chuyện lễ phục cứ từ từ, việc gì phải vội, bởi không nhất thiết phải cần có ngay. Chứ vội vàng rồi cuối cùng phải bỏ hoặc không hợp lý, dân không theo là không được. Ông Thịnh cũng cho rằng, việc cần làm gấp của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch là những việc khác, cụ thể phải giải quyết những tồn tại ở các lĩnh vực như âm nhạc thì thiếu tác phẩm chất lượng, điện ảnh thì chất lượng kém, du lịch thì làm gian dối, bóp chẹt du khách... chứ không phải là những vấn đề cỏn con như lễ phục. “Không có lễ phục cũng chưa làm sao cả, thế giới nhìn vào cũng không thấy người Việt xấu đi, kém đi. Nhưng hình ảnh thiếu văn hóa, văn minh trong cách hành xử của người Việt, nền điện ảnh, văn học thiếu dấu ấn thì đó mới là điều đáng xấu hổ”, ông Thịnh nói.

Rõ ràng, có lễ phục cũng tốt, nhưng không có thì cũng chẳng sao… vì thế, không hà cớ gì mà các ban, ngành liên quan phải “thừa giấy vẽ voi”, phải tổ chức đến một cuộc thi tốn giấy, mực, tiền bạc để cố công cố sức tìm ra một bộ lễ phục cho xứng tầm quốc gia. Lẽ ra, thay vì đó, các nhà quản lý nên làm những việc hữu ích khác cho văn hóa nước nhà.

Bộ VH-TT&DL ban hành Quyết định số 2641/QĐ-BVHTTDL ngày 31/7 phê duyệt đề án lễ phục Nhà nước. Theo đó, mục tiêu của đề án nhằm tìm ra bộ mẫu lễ phục cho nam và nữ để sử dụng trong các buổi lễ trọng, các hoạt động quốc gia và quốc tế, góp phần tôn vinh, giữ gìn bản sắc văn hóa và lòng tự tôn dân tộc, khẳng định vị thế độc lập của một quốc gia có nền văn hiến lâu đời. Bộ VH-TT&DL cũng giao Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chủ trì, phối hợp với các đơn vị, tổ chức thuộc bộ, ngành, địa phương liên quan trong việc triển khai thực hiện đề án. Kinh phí thực hiện từ kinh phí hoạt động sự nghiệp năm 2013 của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm.


Hằng Nga

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...