GS. Ngô Văn Lệ: Tái đào tạo là việc rất bình thường!

06:50 | 04/09/2013

1,543 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp than phiền về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực nước ta, bởi hầu hết sinh viên khi ra trường doanh nghiệp đều phải đào tạo lại mới có thể sử dụng được. Tuy nhiên, theo GS. Ngô Văn Lệ - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, tái đào tạo là việc rất bình thường!

PV: Thưa thầy, hiện nay giáo dục đại học nước ta được đánh giá là nặng về lý thuyết, thiếu thực tế khiến sinh viên ra trường rất bỡ ngỡ khi bắt tay vào công việc?

GS. Ngô Văn Lệ: Theo quan điểm của tôi, ở bậc giáo dục phổ thông thì cần trang bị kiến thức chung, giống nhau cho mọi học sinh, không nên có sự khác biệt giữa các vùng miền nhưng ở bậc đại học thì phải ngược lại, phải “trăm hoa đua nở”, bởi đại học là nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn của từng địa phương, từng ngành nghề. Trong khi đó, mỗi địa phương, mỗi vùng, mỗi một ngành có đặc thù riêng nên việc đào tạo theo đó cũng phải cụ thể, không nên chỉ đào tạo một cách chung chung như hiện nay.

Ví dụ, ngành nông nghiệp thì nông nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long không thể giống với nông nghiệp vùng Tây Nguyên hay đồng bằng sông Hồng… Nhưng trong giáo dục đại học hiện nay, chúng ta chỉ đào tạo ngành nông nghiệp nói chung, giống nhau trên cả nước là không thực tế, không chuyên sâu, không tạo ra được nguồn nhân lực có chất lượng.

GS. Ngô Văn Lệ - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM

PV: Theo thầy, cần làm gì để nâng cao chất lượng giáo dục đại học?

GS. Ngô Văn Lệ: Theo tôi, trước hết cần tăng cường tính tự chủ cho các trường đại học. Bởi chỉ có nhà trường mới hiểu được năng lực đào tạo của mình và có hướng đào tạo hiệu quả nhất, chứ bây giờ giáo dục phổ thông giống như “vị thành niên” thì bị thả nổi còn giáo dục đại học như “người trưởng thành” thì bị quản lý quá chặt, về nội dung, ngành nghề đào tạo.

Đại học là phải tính đến năng lực của trường, của từng địa phương cụ thể. Ở các tỉnh cũng có trường đại học, cũng phải giải quyết yêu cầu nhân lực của vùng mình trước, phải tính toán cụ thể là tập trung đào tạo ở những ngành nào, xem trong vòng 5 – 10 năm nữa thì cần bao nhiêu kỹ sư nông nghiệp, bao nhiêu giáo viên, bác sĩ?… Chứ không nên cứ đi lo chuyện bao đồng, dẫn đến đào tạo không chuyên sâu, thiếu hiệu quả; ngành thì thiếu, ngành thì quá dư thừa nhân lực.

PV: Hiện nay, nhiều doanh nghiệp “than” rằng chất lượng đào tạo nhân lực của chúng ta rất kém, đa số những sinh viên ra trường doanh nghiệp đều phải đào tạo lại mới sử dụng được? Ý kiến của thầy về vấn đề này như thế nào?

GS. Ngô Văn Lệ: Nhiều người cho rằng việc tái đào tạo, tức ra trường rồi phải đào tạo lại là điều rất ghê gớm nhưng tôi thấy đó là việc rất bình thường. Bởi trường học có nhiệm vụ riêng của trường học, là đào tạo nền tảng chứ không thể giải quyết yêu cầu cụ thể cho công ty này, công ty kia, hoặc một vài trường hợp đơn lẻ được. Do đó, yêu cầu sinh viên mới ra trường phải thích ứng ngay với công việc thực tiễn ở từng doanh nghiệp là bất khả thi. Điều quan trọng là khi ra trường rồi, trên nền tảng được đào tạo từ trường lớp, người lao động vận dụng cụ thể vào công việc như thế nào.

Nếu nhà trường đã đào tạo tốt các nền tảng cơ bản thì không có quyền trách nhà trưởng. Ví dụ, bản thân tôi đi học, trường học có dạy tôi làm hiệu trưởng đâu, nhưng khi được giao nhiệm vụ ở vị trí này thì tôi phải tái đào tạo để đáp ứng yêu cầu công việc. Cho nên, việc tái đào tạo là bình thường, xã hội cũng nên nhìn nhận vấn đề này một cách bình thường thôi, không nên quá khắt khe.

PV: Xin cảm ơn GS!

Mai Phương