Sự "đổi ngôi" về quy mô đào tạo giữa bậc đại học và sau đại học

07:00 | 10/09/2023

170 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một số khối ngành được coi là 'hot' và cơ bản được đào tạo tại các trường đại học, học viện... đang có sự chuyển dịch về quy mô, số lượng người học ở bậc đại học và sau đại học.
Sự "đổi ngôi" về quy mô đào tạo giữa bậc đại học và sau đại học
Báo cáo của Bộ GD&ĐT cho thấy, xét về quy mô đào tạo, số lượng người học tham gia đào tạo đại học chính quy vẫn có xu hướng tăng qua từng năm - Ảnh minh họa

Quy mô đào tạo bậc thạc sĩ lại có xu hướng giảm

Bộ GD&ĐT vừa mới công bố chi tiết quy mô đào tạo các trình độ đối với giáo dục đại học trong ba năm học, từ năm học 2020-2021 đến 2022-2023.

Thống kê cho thấy, mặc dù tỉ lệ tuyển sinh đạt chỉ tiêu có xu hướng giảm, tuy nhiên xét về quy mô đào tạo, số lượng người học tham gia đào tạo đại học chính quy vẫn có xu hướng tăng qua từng năm.

Cụ thể, trong vòng 3 năm học (từ năm 2020-2021 đến năm 2022-2023), quy mô đào tạo đại học chính quy của nước ta tăng từ 436.455 sinh viên lên 497.581 sinh viên, tăng 14%. Tuy nhiên, nếu xét tỉ lệ tuyển sinh đạt được so với chỉ tiêu thì lại có xu hướng giảm, từ 89% (năm 2020-2021) giảm xuống 84,56% (năm 2022-2023).

Trái với đào tạo bậc đại học, quy mô đào tạo bậc thạc sĩ lại có xu hướng giảm. Cụ thể, năm 2022-2023, quy mô đào tạo thạc sĩ giảm gần 9.000 học viên cao học so với năm 2020-2021, giảm 21,8%. Tỉ lệ tuyển sinh đạt cũng giảm từ 72,45% xuống còn 55,86%.

Bức tranh đào tạo bậc tiến sĩ có xu hướng khả quan hơn. Số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy mô đào tạo và tỉ lệ tuyển sinh đạt đối với trình độ tiến sĩ nhìn chung có sự tăng trưởng ổn định qua các năm. Trong vòng 3 năm qua, quy mô đào tạo bậc tiến sĩ ghi nhận tăng khoảng 41,9%, tỉ lệ tuyển sinh đạt cũng tăng từ 34,32% (năm 2020-2021) lên 41,86% (năm 2022-2023).

Quy mô đào tạo ở các trình độ khác cũng có sự thay đổi. Theo đó, quy mô đào tạo đại học liên thông chính quy và đại học liên thông vừa học vừa làm cũng ghi nhận số lượng giảm đáng kể, lần lượt là 40,7% và 74,3%.

Trong khi đó, quy mô đào tạo theo hình thức đại học vừa làm vừa học và đại học từ xa lại có xu hướng tăng qua các năm (lần lượt là 34,5% và 21,4%). Tỉ lệ tuyển sinh đạt với hai hình thức đào tạo này cũng có xu hướng tăng lên. Năm học 2022-2023, tỉ lệ tuyển sinh đạt đối với hình thức đào tạo đại học vừa học vừa làm là 51,93%, đại học từ xa là 65,38%.

Thí sinh chọn ngành y dược, sư phạm giảm

Báo cáo của Bộ GD&ĐT cũng cho thấy bức tranh mất cân đối giữa quy mô đào tạo giữa các khối ngành ở cả bậc đại học và sau đại học.

Về quy mô đào tạo các khối ngành ở bậc đại học, nhìn chung trong 3 năm qua, các khối ngành III, (kinh doanh và quản lý, pháp luật khối ngành), V (Toán và thống kê, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sản xuất và chế biến, kiến trúc và xây dựng, nông lâm và thủy sản, thú y), VII (Nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, khách sạn-du lịch-thể thao và dịch vụ cá nhân, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng) vẫn có quy mô áp đảo hơn so với 4 khối ngành còn lại.

Trong đó, khối ngành III và V liên tục đổi vị trí số 1 cho nhau với chênh lệch về số lượng sinh viên không nhiều. Dù có sự biến động nhẹ, tuy nhiên quy mô sinh viên 2 khối ngành này trong vòng 3 năm qua đều cán mốc trên 500.000 sinh viên/năm.

Các khối ngành còn lại có quy mô đào tạo ít hơn, thấp nhất là khối ngành II (Nghệ thuật) và IV (Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên) với số lượng dưới 25.000 sinh viên/năm. Tình hình biến động về quy mô ở 2 khối ngành này trong 3 năm qua nhìn chung không có nhiều thay đổi lớn.

Khối ngành sức khỏe (VI) và đào tạo giáo viên (I) là 2 khối ngành ghi nhận có nhiều sự biến động mạnh mẽ nhất, trong đó quy mô đào tạo ngày càng giảm.

Cụ thể, năm học 2020-2021, quy mô đào tạo 2 khối ngành này xấp xỉ nhau với số lượng khoảng 150.000 sinh viên/năm. Ở hai năm học tiếp theo, khối ngành sức khỏe tiếp tục giảm đều quy mô đào tạo qua từng năm, đến năm 2022-2023 số lượng chỉ còn 143.775 sinh viên.

Trong khi đó, quy mô đào tạo giáo viên có sự tăng nhẹ ở 2 năm đầu (từ 151.284 sinh viên năm học 2020-2021 tăng lên 151.504 sinh viên vào năm học 2021-2022). Đến năm học 2022-2023, quy mô đào tạo khối ngành này lại bất ngờ giảm sâu tới gần một nửa quy mô đào tạo (năm 2022-2023 chỉ còn 89.321 sinh viên).

Đối với đào tạo sau đại học, quy mô đào tạo các khối ngành đều có xu hướng giảm. Xét riêng từng khối ngành, hiện quy mô đào tạo khối ngành III ở cả bậc thạc sĩ và tiến sĩ đều có quy mô lớn nhất.

Khối ngành V (Toán và thống kê, Máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sản xuất và chế biến, kiến trúc và xây dựng, nông lâm và thủy sản, thú y) và VII (Nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, khách sạn-du lịch-thể thao và dịch vụ cá nhân, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng) lại có sự đổi ngôi về quy mô đào tạo giữa bậc đại học và sau đại học.

Theo đó, đối với đào tạo đại học, khối ngành V có quy mô lớn hơn khối ngành VI (Năm 2023, quy mô đào tạo đại học khối ngành V là 586.024 sinh viên/năm, khối ngành VII là 401.064 sinh viên/năm). Tuy nhiên khi đào tạo bậc sau đại học, số lượng người học ở khối ngành VII lại lớn hơn khối ngành V. Cụ thể, ở bậc thạc sĩ, ngành V có quy mô đào tạo là 14.485 sinh viên, ngành VII 20.411 sinh viên; Ở bậc tiến sĩ, ngành V có quy mô 1.912 sinh viên, ngành VII có quy mô 20.078 sinh viên (năm 2023).

Tương tự với quy mô đào tạo trình độ đại học, hai khối ngành II (nghệ thuật) và khối ngành IV (khoa học sự sống, khoa học tự nhiên) tiếp tục có quy mô đào tạo sau đại học thấp nhất.

Riêng khối ngành đào tạo giáo viên và ngành sức khỏe lại có một chi tiết khá thú vị. Theo đó, quy mô đào tạo khối ngành giáo viên ở bậc thạc sĩ lớn hơn quy mô đào tạo khối ngành sức khỏe (lần lượt là 9.638 sinh viên và 6.408 sinh viên, năm 2023). Tuy nhiên, vị trí này lại thay đổi ở bậc tiến sĩ: Quy mô đào tạo tiến sĩ khối ngành sức khỏe lớn hơn khối ngành đào tạo giáo viên, lần lượt là 937 nghiên cứu sinh và 682 nghiên cứu sinh, năm 2023.

Chênh lệch lớn giữa các khối ngành

Từ số liệu thống kê, báo cáo của Bộ GD&ĐT đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong việc triển khai công tác đào tạo năm học 2022-2023. Trong đó, Bộ GD&ĐT nhận định vẫn có sự chênh lệch lớn giữa các khối ngành. Một số khối ngành (II, IV) tiếp tục gặp khó khăn trong tuyển sinh. Ngoài ra, công tác tác truyền thông tư vấn hướng nghiệp đến thí sinh một số nơi chưa hiệu quả, một số lĩnh vực có nhu cầu nhưng thiếu người học.

Ngoài ra, về đội ngũ giảng viên, số liệu từ báo cáo cũng cho thấy đội ngũ giảng viên toàn thời gian có sự tăng cả về số lượng và chất lượng trong vòng 2 năm, năm 2022 và 2023.

Cụ thể, năm 2023, đội ngũ giảng viên được bổ sung thêm khoảng hơn 2.300 người so với năm 2022. Trong đó, chủ yếu tăng đội ngũ giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ (giảng viên có trình độ thạc sĩ tăng người 1090 người, tiến sĩ tăng 1.060 người). Đội ngũ giảng viên là giáo sư, phó giáo sư lại có sự giảm nhẹ về số lượng (giáo sư giảm 49 người, phó giáo sư giảm 39 người).

Bên cạnh đó, cơ chế tự chủ đã tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo đẩy mạnh công tác tuyển dụng và nhân sự theo hướng nâng cao chất lượng, tăng số lượng giảng viên, giảm tuyển dụng các vị trí viên chức và người lao động phục vụ, hành chính nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

Theo baochinhphu

Phát triển giáo dục đại học gắn liền với chuyển đổi sốPhát triển giáo dục đại học gắn liền với chuyển đổi số
Gắn kết giáo dục đại học với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - nền tảng phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nướcGắn kết giáo dục đại học với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - nền tảng phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước