Đầu tư cho sinh viên sư phạm là đầu tư từ gốc!

06:00 | 25/01/2013

1,061 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Trong các biện pháp nhằm cải thiện chất lượng giáo dục của Việt Nam hiện nay, biện pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, mà gốc là sinh viên ngành sư phạm rất được quan tâm.

Chưa có nhiều chính sách thu hút người tài

Về vấn đề đào tạo sư phạm, Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định, ông Nguyễn Văn Tuấn kiến nghị cần có chính sách để thu hút học sinh giỏi vào sư phạm.

Ông Tuấn cho rằng, có bột mới gột nên hồ, nhưng cũng có hồ loãng, hồ khê… do đó chỉ có đội ngũ giáo viên giỏi mới cho ra thế hệ học sinh giỏi. Ngành giáo dục cần đầu tư cho sinh viên ngành sư phạm.

Một trong những nguyên nhân khiến các trường sư phạm chỉ tuyển được học sinh có học lực trung bình là do, trước đây chúng ta thu hút học sinh giỏi vào sư phạm bằng cách miễn học phí. Nhưng sau khi có chính sách cho sinh viên vay tiền đi học, số lượng thí sinh giỏi mặn mà với ngành sư phạm không còn nhiều. Vì vậy đầu vào của sư phạm hiện nay không còn là sinh viên có điểm cao mà thí sinh có điểm trung bình cũng có thể vào được. Sau 4 năm đào tạo, không thể biến được một sinh viên trung bình thành một người giỏi.

Chất lượng giáo viên là một khâu yếu của ngành giáo dục hiện nay. 

“Nếu không có giáo viên giỏi, chất lượng giáo dục vẫn có thể đi lên nhưng chắc chắn không thể lên mạnh mẽ như chúng ta mong muốn” - ông Tuấn khẳng định.

Theo Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Hòa Bình, ông Trần Trọng Đắc, để triển khai có hiệu quả Chiến lược không có gì quý hơn là sự chuẩn bị, do đó Bộ GD - ĐT cần chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho việc thực hiện chiến lược phát triển giáo dục. Ông Đắc đề nghị Bộ GD và ĐT cần sớm để lực lượng sinh viên sư phạm được tiếp cận với mục tiêu chiến lược này, từ đó khi ra trường những lực lượng này không cần đào tạo, bồi dưỡng lại.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng: Chương trình hành động đã rõ ràng, vấn đề đặt ra là làm gì và làm thế nào. Hiện nay, chất lượng đào tạo của các trường sư phạm còn hạn chế, nội dung giáo dục còn nặng về lý thuyết, có mặt xa rời thực tế. Những hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra, vậy việc đầu tư cho hai trường đại học sư phạm trọng điểm đặt vấn đề bồi dưỡng giáo viên và việc làm cho sinh viên sư phạm khi ra trường.

Bên cạnh đó, ông còn cho biết, một số trường hiện nay còn có tâm lý “ngại”, chưa tạo điều kiện cho sinh viên sư phạm về thực tập, khiến việc tiếp cận thực tế giảng dạy còn gặp nhiều khó khăn.

Coi ngành sư phạm là gốc của giáo dục

Thứ trưởng Bộ GD -ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII và 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020, giáo dục Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp và đổi mới đất nước, song cũng còn không ít yếu kém, bất cập, chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhiều ý kiến cho rằng để thực hiện Chiến lược, cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, mà gốc là sinh viên ngành sư phạm.

Với vai trò là trường ĐH trọng điểm, ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết trường tập trung thay đổi chương trình hướng tới nội dung của các trường trong khu vực, sự tương đồng trong chương trình và trong cách giảng dạy… Trường sẵn sàng cung cấp đội ngũ chất lượng và giàu kinh nghiệm trong công tác chuẩn bị chương trình và sách giáo khoa năm 2015.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định phải đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống đào tạo sư phạm mô hình, từ chương trình, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đặc biệt là năng lực sư phạm, các giáo viên phải sử dụng được năng lực tin học và ngoại ngữ trong công việc.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng cần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên hiện tại và bổ sung đội ngũ mới.

Trong giai đoạn này sẽ tập trung phát triển các trường sư phạm và đại học sư phạm kỹ thuật trọng điểm. Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 tiếp tục hoàn thiện mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015 và duy trì, phát triển cho trẻ em dưới 5 tuổi theo nhu cầu và khả năng của từng địa phương. Chương trình SGK phổ thông mới cũng được Bộ coi trọng theo hướng chú trọng phát triển năng lực học sinh, vừa đảm bảo tính thống nhất trong toàn quốc, vừa phù hợp với đặc thù từng địa phương, sách sẽ chú trọng nội dung giáo dục đạo đức, thể chất, quốc phòng, các giá trị văn hóa truyền thống, giáo dục kỹ năng sống và hướng nghiệp cho học sinh phổ thông.

Theo đó, Bộ GD-ĐT đã đưa ra những chương trình hành động. Trong đó việc thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 tập trung đào tạo theo nhu cầu xã hội, quy hoạch nhân lực ngành giáo dục. Khắc phục cơ bản tiêu cực trong dạy thêm, thi cử, lạm thu và sử dụng các nguồn thu không đúng mục đích; tiêu cực trong đào tạo vừa làm vừa học, đào tạo liên kết nước ngoài; hoàn thiện mạng lưới các trường ĐH, CĐ; tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và xóa mù chữ cho người lớn; đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015; cải thiện chế độ chính sách đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục…

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng, về vấn đề đội ngũ giáo viên đạt chuẩn bằng cấp nhưng chưa đạt trình độ thực sự đang là một bài toán cần phải xử lý, giải quyết từng bước. Việc này Bộ đã có chương trình liên quan tới hai trường ĐH Sư phạm trọng điểm. Theo đó, Bộ đã có chương trình phát triển giáo viên và các trường sư phạm, sẽ có rà soát lại cơ sở đào tạo giáo viên; có đầu tư, bao gồm đầu tư về tài chính, đặc biệt nâng cao chất lượng đội ngũ hiện tại và bổ sung đội ngũ mới. Trên cơ sở đó xây dựng căn bản nội dung phương pháp dạy, lấy đó làm nguồn lực thay đổi giáo dục phổ thông. 

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành khảo sát xem có bao nhiêu trường hợp giáo viên về hưu, bao nhiêu trẻ em được sinh ra, từ đó xác định chính xác số lượng giáo viên mà ngành sư phạm cần đào tạo, như vậy Bộ sẽ quy hoạch lại mạng lưới trường sư phạm. Để thay đổi chất lượng giáo viên hiện nay cần tập trung thay đổi chất lượng đầu vào, đó là thu hút được sinh viên giỏi thi vào sư phạm. Việc thu hút nhân lực chất lượng cao ngành sư phạm hiện nay, nếu chỉ khuyến khích bằng học bổng là chưa đủ thuyết phục mà cần làm sao để họ thấy được tương lai khi ra trường. Bởi vậy việc quy hoạch nguồn nhân lực sư phạm đóng vai trò quan trọng trong tính toán đủ để học xong sinh viên sư phạm có việc làm, có vị trí tương xứng với ngành học.

 

Nhã Anh