Đánh giá sức mạnh của Olympic Nhật Bản

07:00 | 18/08/2018

504 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Là đối thủ của đội tuyển Olympic Việt Nam trong trận đấu mang tính tranh chấp ngôi đầu bảng D môn bóng đá nam Asiad vào ngày 19/8 tới đây, Olympic Nhật Bản không phải là ứng cử viên vô địch nhưng dĩ nhiên cũng không hề yếu.
danh gia suc manh cua olympic nhat banHLV Nepal thừa nhận không thể ghi bàn vào lưới U23 Việt Nam
danh gia suc manh cua olympic nhat banVideo tổng hợp diễn biến U23 Việt Nam vs U23 Nepal (2-0)
danh gia suc manh cua olympic nhat banU23 Nhật Bản giấu bài, bung sức quyết chiến U23 Việt Nam

Olympic Nhật Bản không phải là ứng cử viên vô địch của nội dung bóng đá nam Asiad 2018. Họ không được đánh giá cao như các đội Hàn Quốc, Uzbekistan, Iran, Trung Quốc… vì họ chỉ sử dụng lực lượng U21.

Thành phần này của đội Nhật là dùng để chuẩn bị cho Olympic Tokyo trên sân nhà của họ sau đây 2 năm, chứ không phải để cạnh tranh thành tích tại Á vận hội đang diễn ra.

danh gia suc manh cua olympic nhat ban
Olympic Nhật Bản dự Asiad 2018 với thành phần U21 vẫn bị đánh giá là thiếu kinh nghiệm.

Chính vì lý do đó mà thành phần của đội tuyển Olympic Nhật Bản trên đất Indonesia không giống như hầu hết các đội khác. Trong số 20 cầu thủ dự giải, có 4 người vẫn đang là sinh viên đại học, chứ chưa phải là thành viên của các CLB chuyên nghiệp.

Đó là 2 thủ môn Ryosuke Kojima (21 tuổi) và Obi Obinna (20 tuổi), cùng 2 tiền đạo Reo Hatate (20 tuổi) và Ayase Ueda (19 tuổi).

16 cầu thủ còn lại (5 hậu vệ, 10 tiền vệ và 1 tiền đạo) là thành viên của các CLB chuyên nghiệp tại Nhật, nhưng không phải cầu thủ nào trong số này cũng đã đá bóng chuyên nghiệp. Có người chỉ mới khoác áo các đội trẻ.

Trong số đó có trung vệ cao lớn Yugo Tasuta (1m89) chưa hề đá trận chính thức nào cho Shimizu S-Pulse. Trường hợp khác là tiền vệ Taishi Matsumoto được đôn lên đội 1 của CLB Sanfrecce Hiroshima từ năm ngoái, nhưng chưa ra sân trận nào ở sân chơi nhà nghề.

Một số cầu thủ khác thường xuyên được đội bóng chủ quản cho các đội có trình độ thấp hơn, hoặc cho các CLB hạng dưới mượn, như tiền vệ Koji Miyoshi, tiền vệ Ryo Hatsuse, hoặc tiền đạo Daizen Maeda…, nhằm giúp cho các cầu thủ này có cơ hội được thi đấu, dù là thi đấu ở hạng dưới, chứ họ chưa thể đá ở J-League 1.

Chính vì vậy, kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao là vấn đề của các cầu thủ Nhật Bản, so với các cầu thủ trong đội tuyển Olympic Việt Nam.

Đặc biệt, những vị trí được cho là thiếu kinh nghiệm nhất ở đội bóng đến từ xứ sở mặt trời mọc ở giải năm nay là vị trí thủ môn và vị trí tiền đạo, do các thủ môn, các tiền đạo của Nhật Bản dự Asiad 2018 hoặc đang là sinh viên đại học, hoặc chỉ mới đá ở các giải hạng thấp của Nhật.

Đội hình này của Olympic Nhật Bản từng tham dự giải U23 châu Á hồi đầu năm nay và trước đó từng tham dự giải đấu quốc tế tại Thái Lan hồi cuối năm 2017, chung giải với phần đông các cầu thủ trong đội Olympic Việt Nam bây giờ.

Tại giải quốc tế tại Thái Lan cách nay khoảng 8 tháng, thành phần hiện tại của Olympic Nhật Bản từng thất bại trước đội chủ nhà Thái Lan.

Tuy nhiên, có một điểm dễ nhận thấy là từ đó đến nay, tức là trong khoảng 8 tháng đã qua, một số cầu thủ Nhật Bản đã trưởng thành hơn, nhờ thi đấu nhiều hơn cho các CLB chủ quản ở giải trong nước của họ.

Nhìn chung, với việc hơn các cầu thủ Nhật Bản 2 - 3 tuổi, lại được bổ sung thêm 3 cầu thủ trên tuổi 23, Olympic Việt Nam nhiều kinh nghiệm hơn Olympic Nhật Bản, dàn cầu thủ Olympic Việt Nam cũng có phần bản lĩnh hơn.

Dù vậy, do đối phương đến từ một trong những nền bóng đá có trình độ hàng đầu châu Á, nên đội bóng của HLV Park Hang Seo vẫn cần phải thận trọng trước họ. Thận trọng chứ không phải e dè!

DT