Cứu vớt những mảnh đời mê ám

09:21 | 10/07/2017

2,522 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những ngày nắng nóng tháng 6 vừa qua, lượng bệnh nhân phải nhập viện điều trị tại một số bệnh viện tâm thần ở Hà Nội tăng cao.

Có mặt tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I (BVTTTW I), chúng tôi đã chứng kiến không ít những ca nghiêm trọng với những hành động điên dại khiến cho người ta phải rùng mình kinh sợ. Song cũng tại đây, chúng tôi được gặp và trò chuyện với một bác sĩ có tay nghề cao và lòng vị tha hiếm có. Ông là bác sĩ La Đức Cương, Giám đốc BVTTTW I.

Người trực tiếp cầm “đường dây nóng”

cuu vot nhung manh doi me am
Bác sĩ La Đức Cương chia sẻ những kinh nghiệm trong khám chữa bệnh nhân tâm thần

Ước tính tại BVTTTW I mỗi năm có khoảng 25.000 lượt người đến khám bệnh, trong đó điều trị nội trú chiếm khoảng 10%. Bác sĩ Cương cùng 572 đồng nghiệp ngày đêm điều trị cho hàng nghìn lượt bệnh nhân nội trú. Ngoài ra, bác sĩ Cương tranh thủ thêm thời gian đào tạo thế hệ trẻ kế cận bằng việc tăng cường trực tiếp “cầm tay chỉ việc”: khai thác, phân tích tâm lý bệnh nhân, thực hành chẩn đoán điều trị.

Bác sĩ Cương có một chiếc điện thoại “riêng”, chỉ dành cho việc tư vấn tâm lý cho bệnh nhân và người nhà. Hàng chục năm qua, bác sĩ Cương là người trực tiếp cầm “đường dây nóng” để giải đáp những thắc mắc, tiếp nhận góp ý của bệnh nhân và gia đình mọi vấn đề liên quan đến điều trị.

“Tôi phải nhờ người quen tìm mua cho một chiếc điện thoại mà pin thật “trâu”, sóng thật khỏe để có thể tư vấn cho người bệnh mọi nơi mọi lúc. Nhiều đêm đang ngủ có bệnh nhân gọi đến, vợ tôi “cằn nhằn” sao không tắt máy mà ngủ? Tôi đành phân trần rằng họ là người bệnh đang rất cần mình, cực chẳng đã họ mới phải gọi mình vào thời gian này. Rồi thì vợ con cũng thông cảm” - bác sĩ Cương chia sẻ.

Gian nan và hạnh phúc

60 tuổi, bác sĩ La Đức Cương có tới 34 năm gắn bó với những bệnh nhân tâm thần. Số ca ông chữa trị thành công lên đến hàng nghìn. Nay đang ở cương vị quản lý, song bác sĩ Cương vẫn thường xuyên trực tiếp điều trị những ca vào loại “khó nhằn” của bệnh viện. Ông chia sẻ về cái duyên nợ gắn bó với nghề…

Tốt nghiệp Khoa Sản - Đại học Y Hà Nội, bác sĩ Cương từng công tác tại Bệnh viện K71, Viện Lao ở Thanh Hóa, Trung tâm Chỉnh hình Sơn Tây... Sau đó ông về BVTTTW I năm 1983 và gắn bó cho đến nay. Thời điểm ấy, cũng như phần lớn những bệnh viện nói chung, cơ sở vật chất của BVTTTW I phải nói là rất nghèo nàn. Chỉ có một dãy nhà cấp 4, còn đa số là nhà tranh vách đất.

Nhận công tác ở đây, hằng ngày bác sĩ Cương phải dậy từ tờ mờ sáng, đạp xe gần 20km để đến cơ quan. Thời kỳ cả nước khốn khó, cái xe đạp cũng chẳng ra gì nên anh bác sĩ trẻ nhiều khi đến được bệnh viện đã gần… trưa vì xe hỏng. Rồi đến chiều lại tất tả đạp xe về nhà để chăm vợ, trông con. Cậu con trai của ông từ bé đã bị viêm phổi, nên thường xuyên là bệnh nhân của bệnh viện nhi. Có thời điểm bác sĩ Cương phải mang cả sổ gạo của gia đình đem… cắm cho nhà thuốc để lấy thuốc cho con.

Ở nhà đã vậy, đến bệnh viện cũng có nhiều nỗi suy tư. Vì tâm thần là một trong những lĩnh vực gần như không có phác đồ điều trị, các bác sĩ đều phải tự mày mò để tìm ra một phương pháp khả thi nhất cho mỗi bệnh nhân. Khoa học kỹ thuật thời điểm ấy cũng còn rất hạn chế. Rồi chuyện bệnh nhân… hành hung bác sĩ thường xuyên xảy ra. Một số bác sĩ, y tá của BVTTTW I thậm chí phải đi điều trị thương tích ở các bệnh viện đa khoa sau mỗi cơn điên của bệnh nhân.

cuu vot nhung manh doi me am
Bệnh nhân được tham gia hoạt động sản xuất giúp phục hồi sau điều trị

Khó khăn, vất vả, thiếu thốn mọi bề, nhiều lần vợ bác sĩ Cương “ra nghị quyết” buộc ông phải chuyển về bệnh viện gần nhà. Cũng có một số bệnh viện đồng ý nhưng ông nhất quyết không chịu.

Ông nhận thấy tâm thần là lĩnh vực khó, thậm chí rất khó trong y học. Nhưng càng khó thì lại càng kích thích sự tìm tòi, sáng tạo để tìm ra được phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. “Có những bệnh nhân có dấu hiệu lâm sàng giống nhau, song lại phải dùng thuốc và cách điều trị khác. Cũng có trường hợp biểu hiện lâm sàng khác nhau, nhưng lại có thể dùng chung một loại thuốc”.

“Đặc biệt, niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi là thấy bệnh tình của người bệnh thuyên giảm, rồi được xuất viện trở về với gia đình. Những lúc ấy bao nhiêu gian nan khó nhọc của cuộc sống thường ngày cũng theo đó mà tan biến” - ông tâm sự với chúng tôi mà mắt ông lấp lánh niềm vui.

Bác sĩ Cương nhớ lại, một trong những ca khó quên trong sự nghiệp y học của mình. Khoảng năm 1987, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Bùi Danh Lợi (quê ở Lý Nhân, Hà Nam). Lợi vốn là du học sinh Việt Nam tại Hungary. Bệnh tâm thần bột phát, Lợi đã đâm chết một điều dưỡng và đâm trọng thương một bác sĩ nước bạn. Có lẽ vì có quá khứ “bất hảo” như thế nên khi bệnh nhân Lợi nhập viện, một số bác sĩ, y tá e dè không muốn nhận ca này.

Nghiên cứu kỹ cách thức chữa trị của các bác sĩ Hungary, qua quá trình thăm khám, bác sĩ Cương bất ngờ phát hiện nguyên nhân của những cơn điên bột phát có một phần là do thuốc. Vì thế, bác sĩ Cương kê đơn thuốc với tiên lượng phù hợp hơn, đồng thời luôn dành thời gian gần gũi tâm sự với bệnh nhân. Sau vài tháng cả bệnh viện phải ngạc nhiên khi thấy sức khỏe tâm thần của Lợi đã ổn định và được xuất viện.

“Đường dây nóng” tư vấn tâm lý

Từ một bác sĩ chuyên khoa, rồi được tín nhiệm bầu giữ các vị trí trưởng khoa, phó giám đốc, rồi giám đốc bệnh viện, bác sĩ Cương vẫn thường xuyên là người trực tiếp điều trị cho không ít bệnh nhân tâm thần loại “nặng”. Đặc biệt từ năm 1999 bác sĩ Cương cùng đồng nghiệp khởi động Dự án “Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng” nhằm phổ biến kiến thức cho toàn dân.

Trong thời gian làm việc tại bệnh viện, bác sĩ Cương gặp bà Nguyễn Thị K (nhà ở Cầu Giấy, Hà Nội) là mẹ của em Trần Văn B (cựu sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội). Học đến năm thứ hai, vì nhiều lý do khác nhau mà B phát bệnh, tự dưng nghỉ học rồi suốt ngày ở nhà nói năng lảm nhảm. B được đưa đến bệnh viện, bác sĩ Cương trực tiếp thăm khám và điều trị. Khoảng 2 tuần sau bệnh tình của B đã thuyên giảm. Tuy nhiên, thỉnh thoảng bà K lại phải gọi điện cầu cứu.

Vậy là hầu như tuần nào bác sĩ Cương cũng đến nhà B để thăm khám, điều trị. Một điều ông không ngờ tới là chồng bà K (vốn là cựu nhân viên Bộ Ngoại giao) lại kiên quyết cho rằng, con mình… không bị bệnh và không phải chạy chữa gì cả. Thành ra bác sĩ Cương phải tư vấn cho cả cậu con trai lẫn ông bố. Kiên trì điều trị gần 5 năm, bệnh tình của B đã thuyên giảm và trở lại trạng thái bình thường.

“Hiện cháu đã tốt nghiệp đại học và tìm được công việc ổn định. Tôi cũng vừa thấy mẹ cháu khoe là cháu đã lấy vợ và có con. Thực sự đây là niềm vui nhất đối với chúng tôi” - bác sĩ Cương chia sẻ.

cuu vot nhung manh doi me am
Khu vực xét nghiệm tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I

Một trường hợp khác, chị N.T.T.M (25 tuổi, ở Hà Nam, nhân viên kinh doanh) do áp lực công việc, cuộc sống mà bị mắc bệnh trầm cảm. Song khi nhập viện, chị M lại cứ khăng khăng mình chỉ bị… căng thẳng một chút thôi và phản đối các biện pháp trị liệu của bác sĩ. Việc điều trị cho M thực sự gặp rất nhiều khó khăn.

Phải mất một thời gian tìm hiểu, tỉ tê tâm sự bác sĩ mới hiểu được căn nguyên bệnh của chị. M là con cả trong gia đình. Từ nhỏ, chị đã là niềm hãnh diện của gia đình. Tốt nghiệp đại học, chị tự tin có thể làm mọi thứ và sẵn sàng kiếm tiền nuôi em trai ăn học như lời hứa với bố mẹ.

Nhưng cuộc sống và công việc mới không dễ dàng như M nghĩ. Phải chật vật lắm M mới tìm được việc. Sau vài tháng tập sự, các công việc, nhiệm vụ giao cho M khó dần lên. Sếp khó tính, đồng nghiệp cứ thăng tiến, còn M thì vẫn không bứt ra được bước khởi đầu. Càng cố “đua” với đồng nghiệp, M càng thấy khó và bắt đầu chán nản. Đi làm hơn 2 năm, M vẫn phải “giật gấu vá vai”, vay chỗ nọ, đắp chỗ kia và cố chứng tỏ mình không làm bố mẹ thất vọng. Em trai M vẫn có tiền ăn học hằng tháng và tin rằng chị mình thành đạt, nhưng bản thân M thì nợ nần chất chồng.

Thất vọng tràn trề, M thấy mình như là “đồ bỏ đi” và sụp đổ niềm tin ở chính mình. Niềm đam mê với công việc mất đi, M luôn bị ám ảnh từ ánh mắt thất vọng của sếp và những xì xào của đồng nghiệp. Chị chán đến công ty, sợ hãi khi nhìn ánh mắt của mọi người. Dần dần, chị thu mình, không giao tiếp. Áp lực công việc, nợ nần chất chồng, ám ảnh doanh số… khiến M triền miên mất ngủ trắng đêm, chán ăn, bước đi nhiều khi cũng không vững.

Nghĩ mình mất ngủ nên quá mệt mỏi, chị M tặc lưỡi đi mua thuốc ngủ uống theo liều tăng dần. Giấc ngủ nặng nề, ngập tràn ác mộng tìm đến với chị, cảm giác chán ăn, sợ hãi vẫn còn đó. Một người bạn đưa chị đi khám ở BVTTTW I. Bác sĩ chẩn đoán chị bị bệnh trầm cảm.

Sau khoảng 1 tháng điều trị bệnh tình của M đã thuyên giảm và được xuất viện đi làm trở lại. Thỉnh thoảng chị vẫn gọi điện cho bác sĩ Cương để nhờ tư vấn về sức khỏe tâm thần cho mình và người thân trong gia đình. “Ngày càng nhiều trường hợp gọi điện đến xin được tư vấn. Bản thân tôi, mỗi ngày tư vấn trung bình 10-15 ca. Hầu hết đều có dấu hiệu mất ngủ, trầm cảm, rối loạn lo âu, đau cơ thể. Cũng có những cuộc tư vấn cho gia đình có người tự tử hoặc có ý định tự tử” - bác sĩ Cương chia sẻ.

Lấy người bệnh làm trung tâm

Cũng theo bác sĩ La Đức Cương, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới bệnh tâm thần, như: di truyền, mất cân bằng sinh hóa, nghiện game, rượu, ma túy tổng hợp… Ngoài ra, do nhiều người ngày càng phải đối mặt với áp lực về kinh tế, công việc, học hành căng thẳng hay biến cố trong đời sống cá nhân cũng gây ra những tác động không nhỏ tới tâm trí.

Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có đến 9 triệu người (chiếm khoảng 10% dân số) có các triệu chứng bệnh tâm thần thường gặp, trong số đó có 200.000 người bị bệnh tâm thần nặng. Với số lượng bệnh nhân khá lớn, nhu cầu điều trị tâm thần, tâm lý là rất cao. Tuy nhiên, cả nước hiện chỉ có 26 trung tâm chăm sóc điều trị cho khoảng 10.000 người bệnh tâm thần. Số người bệnh còn lại vẫn sống trong cộng đồng hoặc lang thang ngoài xã hội, có thể gây nguy hiểm bất cứ lúc nào.

Cũng theo bác sĩ Cương, qua một thời gian dài điều trị cho các bệnh nhân tâm thần ông đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm bổ ích. Đặc biệt, những kinh nghiệm này được tiếp tục củng cố khi ông được tham gia những khóa đào tạo, tham quan ở nước ngoài. Một trong những kinh nghiệm quý là điều trị bệnh tâm thần không dùng thuốc.

Khoảng năm 2010, bác sĩ Cương cùng một đoàn công tác của Bộ Y tế tham quan học tập tại một trung tâm điều trị tâm thần tại nước Bỉ. Những bệnh nhân này được điều trị bằng một phương pháp mới, đó là thông qua những cử chỉ lời nói để động viên, an ủi, lắng nghe… có chủ đích của bác sĩ để giúp giảm thiểu những cơn kích động, tạo những cơ hội để hệ thần kinh được nghỉ ngơi, an dưỡng. Áp dụng phương pháp này tại BVTTTW I cũng thu được những kết quả rất tốt.

Đồng thời, một điều khiến bác sĩ Cương rất ngạc nhiên là, khi đang dẫn các quan khách đi tham quan trung tâm, vị giám đốc trung tâm thường xuyên “bỏ quên” khách để giải đáp những thắc mắc của bệnh nhân đang điều trị tại đây. Đó chính là việc cụ thể hóa quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm. Bất cứ khi nào người bệnh có yêu cầu, thắc mắc thì bác sĩ đều phải giải đáp một cách tận tình, chu đáo.

Bác sĩ Cương chia sẻ, quan điểm đó cũng đang thực hiện một cách rốt ráo ở BVTTTW I. Chăm sóc toàn diện người bệnh tâm thần là công việc đặc thù, người bệnh nặng mới vào điều trị nội trú nên chăm sóc người bệnh rất khó nhọc. Ngoài chăm sóc và điều trị như các chuyên khoa khác, các cán bộ y tế còn phải luôn quan tâm đến các bệnh khác kèm theo, quan tâm đến tâm tư tình cảm người bệnh, chăm sóc từng sinh hoạt như: cơm ăn, nước uống, vệ sinh cá nhân, giấc ngủ cho người bệnh; đồng thời, các cán bộ y tế lại phải luôn cảnh giác người bệnh tấn công bất chợt.

“Tuy chỉ tiêu biên chế ít, thu nhập ngoài lương trước đây không có, hiện nay không đáng kể, môi trường làm việc luôn căng thẳng, nhưng cán bộ, bác sĩ, y tá của bệnh viện luôn có quan điểm nhất quán là: Lấy người bệnh làm trung tâm của sự phục vụ, không phân biệt người bệnh có bảo hiểm y tế hay không” - bác sĩ Cương khẳng định.

Đúng là “trăm nghe không bằng một thấy”, có mặt tại BVTTTW I được làm việc và tham quan, chúng tôi mới có thể cảm nhận được hết những khó khăn vất vả, thậm chí nguy hiểm của các y, bác sĩ, cán bộ bệnh viện. Và chúng tôi thật sự xúc động trước tâm đức, y đức của bác sĩ Cương cũng như rất nhiều y, bác sĩ đang công tác tại đây. Họ thực sự xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ: “Lương y như từ mẫu”.

Bệnh viện Tâm thần Trung ương I được thành lập theo Quyết định số 519 của Bộ Y tế ngày 4-3-1963 trên cơ sở tiếp quản Khu Điều dưỡng cán bộ miền Nam tập kết, lúc đầu có 100 giường bệnh, nằm trên địa bàn huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội (tỉnh Hà Tây cũ).

Năm 1965 Bộ Y tế cho xây dựng bệnh viện với quy mô 300 giường bệnh. Thời kỳ năm 1965 do chiến tranh phá hoại của Mỹ ném bom miền Bắc rất ác liệt, hầu hết các khoa phòng của bệnh viện phải sơ tán đến các xã xung quanh, cho đến năm 1973 mới trở về.

Ngày nay bệnh viện đã phát triển lớn mạnh trở thành một bệnh viện chuyên khoa tâm thần đầu ngành của đất nước, có cơ sở hạ tầng khang trang, có trang thiết bị y tế hiện đại và đồng bộ với đội ngũ y bác sĩ tận tâm và giỏi chuyên môn.

Minh Khang