Cứu chùa Trăm Gian liệu có phải qua “trăm cửa”?

09:21 | 08/09/2012

1,623 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Dư luận vẫn đang nổi sóng về vụ chùa Trăm Gian ở xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ bị trùng tu sai quy cách, vi phạm Luật Di sản gây hậu quả tai hại. Ngôi chùa hiện vẫn đang ngổn ngang chắp vá, chờ đợi được cứu chữa.

Vụ việc xảy ra với chùa Trăm Gian, di sản danh tiếng chỉ cách khu vực nội thành Hà Nội vài km, về tính chất là không mới. Nó cũng giống rất nhiều di sản hay thắng cảnh nổi tiếng, bỗng dưng bị… “đè nghiến ra xẻ thịt” để khi các cơ quan chức năng vội vã “lao xuống” hiện trường như một cách “làm dáng” chứng tỏ sự sốt sắng thì mọi sự cũng đã rồi.

Mấy năm trước, suối Giải Oan nổi tiếng trong khu thắng tích Yên Tử - Uông Bí, Quảng Ninh đã bị cắt xẻ tan nát, lòng suối bị khoét rộng để cắm cầu và lầu xi măng diêm dúa. Đình Yên Phụ ven Hồ Tây thơ mộng cũng từng không thoát khỏi cơn bão trùng tu ào ạt để trở nên mới hóa chỉ trong thời gian ngắn. Tại chùa Phật Tích - Tiên Du, Bắc Ninh, trong quá trình trùng tu chùa, chân móng tháp đồ sộ cũng được phát hiện nhưng không ngăn được một cơ ngơi mới mẻ mọc lên…

Và điều trước kia từng là nỗi ngạc nhiên của dư luận thì dần dần đã trở nên phổ biến đến mức quen thuộc. Là mỗi lần một ngôi đình, ngôi chùa bị trùng tu vội vã, thiếu nghiên cứu, thiếu khoa học đến mức gần như trở thành phá hoại, thì bài học đau xót không đủ vọng đến nhiều công trình khác được trùng tu sau đó. Vậy là đã có di sản bị làm cho biến dạng, méo mó thì rồi sẽ tiếp tục có những di sản khác phải bước lên “đoạn đầu đài”. Tình trạng này kéo dài, ngoài sự thiếu hiểu biết, sự vội vã và tư lợi, thì thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm cũng là những nguyên nhân cơ bản. Giá như ở chùa Trăm Gian nổi tiếng, giả sử đối xứng ngược lại từ điểm giữa là ngôi chùa bị mới hóa hiện nay, trước kia cũng có liên tiếp các cuộc họp bàn của các cấp quản lý, trưng cầu ý kiến chuyên gia, nghiên cứu các phương án trùng tu và chọn lựa cơ quan, đội ngũ trùng tu đảm bảo chất lượng thì sự thể chắc đã không đến nỗi đau đầu và đau lòng.

Bây giờ, câu hỏi lớn đặt ra là liệu có thể cứu lại chùa Trăm Gian đến mức nào cho gần hơn cả với nguyên bản trước khi bị xâm hại? Để câu hỏi ấy không chỉ treo lên “làm cảnh” như đã “làm cảnh” ở không ít trường hợp, đòi hỏi sự kiên quyết của cơ quan chức năng. Liệu có ai dám dỡ bỏ những gì mới mọc lên vốn không phải là hạng mục cũ của chùa? Hay rồi lại có sự xuê xoa, rằng đã tốn bao tiền của, tâm sức, xây lắp nên cả hệ thống với gỗ, đá, gạch, cát, xi măng chắc khỏe… bây giờ chẳng lẽ lại…? Liệu việc tái sử dụng cấu kiện, vật liệu cũ sẽ được làm lại triệt để đến đâu hay đã mối mọt, bong tróc rồi thì thay thế, sơn mới luôn cho… bền đẹp? Rất nhiều cái “liệu” mà nếu không nghiêm túc, cẩn trọng sửa chữa thì việc cứu chùa Trăm Gian cũng vòng vèo, lôi thôi qua “trăm cửa” rồi cũng trở nên chắp vá, cũ mới lẫn lộn và di sản nổi tiếng, vốn đã suy yếu bởi thời gian, sẽ càng thêm bị hủy hoại bởi bàn tay con người.

Công việc cứu chùa còn phụ thuộc vào một cái “liệu” mấu chốt nữa là liệu các cơ quan chức năng có dám công khai đứng lên trước công luận, nhận phần thiếu trách nhiệm của mình? Và khi đã nhận rồi thì có thực sự xắn tay vào mà lấp cho đầy cái phần đã thờ ơ bỏ mặc, đã sai sót làm hỏng? Chính quyền xã, chính quyền và phòng Văn hóa thông tin huyện, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội, Cục Di sản văn hóa… các cơ quan ấy rồi đây sẽ cùng thực hiện trách nhiệm cứu chữa di sản chùa Trăm Gian như thế nào?

Và rồi, có kinh nghiệm, bài học nào tiếp tục được rút ra từ câu chuyện chùa Trăm Gian? Có cùng với những kinh nghiệm, bài học trước đó được áp dụng vào việc trùng tu các công trình khác hay không? Sau vụ chùa Trăm Gian, rồi đây có tiếp không những vụ việc đau lòng? Chùa Thầy, chùa Dạm, chùa Bút Tháp, đình Diềm, đình làng Nôm… cùng rất nhiều các di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh thành và chưa được cấp bằng khác, hãy đợi đấy!

Xuyên Sơn

 

Trái đất kỳ diệu với góc nhìn từ trên cao

Trái đất kỳ diệu với góc nhìn từ trên cao

(PetroTimes) - Nếu thay đổi góc nhìn từ trên cao nhìn xuống, chúng ta sẽ vô cùng mãn nhãn và thích thú với một số khu vực trên Trái đất về vẻ đẹp độc lạ, hấp dẫn của chúng.