Cô Tô - ánh mắt không ngủ

06:50 | 02/06/2014

1,786 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mỗi khi sương mù hay bão tố, hải đăng Cô Tô không chỉ đơn thuần giúp những con tàu bình yên vượt sóng mà còn là những cột mốc khẳng định chủ quyền tại vùng biển Đông Bắc Tổ quốc. Nhưng mấy ai hiểu được rằng, đằng sau ánh sáng đó là sự thầm lặng đầy cống hiến của những người đang ngày đêm làm nhiệm vụ canh gác nơi đầu sóng ngọn gió.

Hiên ngang “mắt biển”

Để lên được Trạm Hải đăng Cô Tô chiếc xe máy chở chúng tôi phải ì ạch chạy suốt quãng đường 5km từ trung tâm huyện. Nhất là đoạn từ chân núi lên, xe phải chạy ở số thấp mới có thể leo lên con dốc khúc khuỷu, trơn trượt bởi lớp rêu xanh phủ dày. Nhiều lúc, cứ lo chiếc xe sắp hết hơi do phải gồng mình chở hai con người cùng cả đống đồ trong cái trưa nắng như đổ lửa. Lên đến nơi, cả người và xe chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm nhờ gió, những tán cây xanh mát ở độ cao hàng trăm mét.

Đèn biển trên đảo Cô Tô

Cảm nhận đầu tiên, Trạm đèn Cô Tô cũng không nổi bật như Hải đăng Long Châu (Hải Phòng, Kê Gà (Bình Thuận) hay Hải đăng Vũng Tàu, Hải đăng Mũi Dinh (Ninh Thuận) vốn có từ thời Pháp thuộc, tuổi của Hải đăng Cô Tô trẻ hơn, vóc dáng khiêm tốn hơn, nhưng ở nó toát lên vẻ vững chãi, hiên ngang. Toàn bộ trạm đèn phảng phất khá đậm nét theo kiến trúc bền, đẹp của người Pháp. Tường phủ lớp vôi vàng, có những đoạn dày đến gần nửa mét, hành lang dài hun hút với tiếng gió rít như xé vải, bên trong thì mát lạnh. Các khu phòng khách, nhà bếp, phòng ăn, phòng ngủ, phòng làm việc ở đây cũng được bài trí rất ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ.

Về lai lịch ngọn Hải đăng này, theo Trạm trưởng Nguyễn Công Giang: Từ năm 1959, nhận thấy sự cần thiết phải có một ngọn hải đăng giúp ngư dân vùng biển Vân Đồn - Móng Cái đánh bắt xa bờ thay vì quanh quẩn trong Vịnh Bái Tử Long, ngành giao thông vận tải (GTVT) đã nghiên cứu và lựa chọn xây dựng ở cao điểm đảo Cô Tô. Đến năm 1961, trạm chính thức đi vào hoạt động tọa lạc độ cao hơn 100m, chiều cao tâm sáng 118m so với mặt nước biển với tầm hiệu lực đạt 22 hải lý. Năm 1992, trạm tiếp tục nâng cấp mở rộng diện tích lên 500m2 với phần tháp đèn rộng 3,4m, chiều cao từ cột móng lên đỉnh tháp là 16m. Mùa đông, đèn chiếu sáng từ 17h30-6h sáng hôm sau, mùa hè từ 18h30 - 5h sáng hôm sau.

Đến nay, trạm đèn còn được trang bị hệ thống điện gồm máy phát điện, điện năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Đây cũng là nguồn năng lượng giúp cho hải đăng không phụ thuộc điện lưới hay điện máy nổ, được tích lũy trong một hệ thống ắcquy để đảm bảo trong mọi điều kiện thời tiết thì hải đăng vẫn sáng. Nhưng điều đó không có nghĩa là cuộc sống, công việc của họ đã hết khó khăn, vất vả ở nơi đầu sóng ngọn gió…

Nghề lặng thầm

Công việc của những người ở Trạm Hải đăng tưởng chừng như nhẹ nhàng nhưng lại rất quan trọng đối với ngư dân và tàu thuyền trên vùng biển Đông Bắc Tổ quốc. 9 cán bộ, nhân viên đang làm việc tại trạm thuộc biên chế Xí nghiệp Bảo đảm an toàn hàng hải Đông Bắc Bộ, Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc - Bộ GTVT.

Nhấp chén chè xanh, câu chuyện của những người gác đèn cứ thế mà tự nhiên rôm rả, nhất là mấy ngày vừa rồi qua thông tin báo đài tình hình biển đảo khiến mấy anh em trăn trở, chính vì thế quyết tâm thực hiện nhiệm vụ bám biển, bám đảo như càng thôi thúc các anh. Mỗi người một lý do riêng để làm bạn với cây đèn biển, nhưng khi chọn nghề này, các anh đã sớm coi đảo là nhà, biển cả là quê hương thứ hai. Hầu hết các anh đều quê ở vùng biển Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng... đã quen nghe tiếng sóng tiếng gió. Trong số cán bộ, công nhân, đều là những cư dân đất liền ra đảo, thì Trạm trưởng Giang may mắn hơn cả là người nối nghiệp gác đèn từ cha mình cách đây đã 30 năm, gia đình anh đều định cư trên đảo, chính bởi sự gắn bó cuộc đời, sự nghiệp ở Cô Tô mà người dân nơi đây đặt tên cho gia đình anh là “gia đình thần đèn”.

Trạm trưởng Nguyễn Công Giang (bên phải) trao đổi cùng tác giả

Nghề gác đèn cũng đầy rẫy những khó khăn, vất vả và nguy hiểm. Để duy trì cho “mắt biển” hoạt động thông suốt, dù nắng mưa hay giông bão, hằng ngày công việc của các anh ở đây phải trèo lên trèo xuống vài chục lần để kiểm tra kỹ thuật bất kể thời gian, thời tiết thế nào, họ phải thường xuyên bảo trì cả một hệ thống điện mặt trời, bình ắcquy và máy phát điện, luôn tư thế sẵn sàng cho những ngày mưa bão. Bắt đầu từ sáng sớm, tùy theo ca trực mà anh em sẽ kiểm tra toàn bộ hệ thống phản quang, lau chùi bóng đèn và các thiết bị chiếu sáng, kiểm tra máy nổ phát điện, theo dõi thông số kỹ thuật để kịp thời phát hiện và điều chỉnh. Mỗi ngày vào lúc 8h và 15h, trưởng trạm phải báo cáo về cơ quan tình hình khu vực, phân công anh em chia ca trực từ 18h ngày hôm trước đến 6h hôm sau.

Mùa mưa bão cũng là khoảng thời gian vất vả, gian khổ nhất của người làm nghề gác đèn. Do ở trên đồi cao, mỗi khi giông tố, lốc, hay mưa bão trạm đèn Cô Tô mỗi năm phải hứng chịu hàng trăm trận “viếng thăm” của “thần sét”. Thường thì sét rất “ưa” cột đèn (có lần còn giết chết lợn, gà, xới tung cả nền gạch sâu hàng chục centimét), hậu quả của những trận sét đánh là cháy toàn bộ hệ thống đèn chính và các thiết bị điện, điện tử phục vụ cho đèn hoạt động. Nếu như dưới mặt đất gió đang cấp 4, cấp 5 thì lên trên đỉnh hải đăng cao 16m, gió đã mạnh lên thành cấp 7, cấp 8, những ngày bão, gió lại càng hung dữ hơn gấp bội. Tuy nhiên, đèn không sáng tàu thuyền sẽ không biết đường cập bến, biết bao người sẽ phải thiệt mạng trong đêm bão, vì vậy CBCNV ở đây phải thay nhau túc trực, kịp thời xử lý vận hành hệ thống đèn phụ ngay tức khắc.

Nếu để nói để theo đuổi nghề thì phải có duyên và nghiệp và sự nhiệt tình yêu nghề thì mới gắn bó được với nghề, cũng có không ít người chỉ gắn bó được một thời gian đã phải bỏ việc vì không chịu được sự cô đơn, khó khăn thiếu thốn quá khác biệt so với đất liền. Đối với anh Giang, hàng chục năm qua dù công việc lặp đi lặp lại nhưng anh chưa bao giờ cảm thấy nhàm chán với công việc của mình, anh cũng cho rằng, đây là cái nghề mà sẽ theo anh đến lúc về hưu dù thu nhập không phải là cao so với nhiều ngành nghề khác trong đất liền. Hơn nữa, nghề này có đặc thù thử thách rất khắc nghiệt, đó là sự cô đơn, thiếu thốn về tình cảm, đây là điều không phải ai dễ dàng chịu đựng được. Thử hình dung rằng một công việc cứ  xoay vòng 24/24h, quanh năm suốt tháng, từ những ngày trời yên, biển lặng đến bão tố và các dịp lễ, tết…

Nếu không có lý trí, bản lĩnh theo thì không dễ dàng theo đuổi nghề này được. Gần 30 năm, người cán bộ nhà đèn này xoay vần cuộc đời mình với những đêm dài thức trắng bên những ngọn đèn biển ở đảo Cô Tô. Ký ức của anh Giang vẫn còn nhớ rất rõ, nhiệm vụ gác đèn trên Cô Tô trước đây chưa lâu là muôn vàn khó khăn, thiếu thốn không chỉ về vật chất mà cả tinh thần. Vào thời điểm khánh thành và những năm sau đó, những người “thắp đèn” như phải hằng đêm chèo thuyền nan đi đốt đèn biển bằng dầu hỏa, giữa biển cả bao la, cán bộ nhà đèn nhiều lúc thực sự cô độc. Bởi, mọi thông tin liên lạc lúc bấy giờ với đất liền chỉ dựa hoàn toàn vào thư từ và điều kiện xa xôi khó tránh được cảm giác cô quạnh, nhớ nhung gia đình. "Những lúc như vậy, chẳng biết làm gì để nguôi ngoai, chúng tôi lại ngồi cầm bút lên và viết cho thỏa nỗi nhớ, chờ dịp để gửi về đất miền", anh Giang nhớ lại.

Gian khổ dành phần ai?

Không chỉ vậy, những người “thức” cùng biển còn phải từng ngày, từng giờ vật lộn với sóng gió, bão táp… để hoàn thành nhiệm vụ. Quanh năm sống với mưa, nắng, gió nơi đảo xa một chuyến công tác thường kéo dài 3-9 tháng, cả năm được về thăm nhà 1-2 lần cũng là khó khăn lớn của anh em gác đèn. Ngoài anh Giang, tất cả anh em ở đây đều đã lập gia đình nên mỗi khi nhớ nhà hay cha mẹ, vợ con ốm đau, các anh lại lo lắng nhiều hơn, đa số anh em đều thiếu thốn về mặt tình cảm do xa gia đình và khoảng cách địa lý.

Anh Phạm Quý Nhâm, quê huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) cũng nhiều năm gắn bó với đảo, trải lòng: “Ở đây chỉ có cánh đàn ông tự chăm nhau, vài ngày mới vào nhà dân đi chợ một lần, cũng trồng rau, nuôi gà, đến mùa thì đi câu kiếm bữa cá tráp, cá dìa. So với những đảo chỉ có hải đăng và biên phòng, chúng tôi còn vui chán. Xa nhà mãi rồi cũng quen, chỉ nao lòng nhất những đêm giao thừa, xem cảnh người nô nức xem bắn pháo hoa mà nhớ nhà da diết”. Còn anh Phạm Văn Huy, quê ở Thái Bình, đã gắn bó 17 năm với nghề hàng hải, 5 năm với ngọn hải đăng Cô Tô. Làm nhân viên ở trạm nên cứ 3 tháng một lần anh Huy mới về thăm gia đình, đi từ sáng sớm đến tối mịt mới có mặt ở nhà.

“Ban đầu khi đi làm xa về nhà, bạn bè hỏi làm nghề gì thì nói làm ở hải đăng, nghe rất oách. Nhưng có ai biết được đằng sau công việc, chúng tôi còn biết bao điều tâm sự, muốn được chia sẻ. Thời gian đầu mới ra đảo, giao thông cách trở, thông tin liên lạc khó khăn, dễ có vài năm các anh mới trở vào đất liền thăm gia đình. Tuy nhiên, do xác định được tâm lý ngay từ khi ra đảo nên anh em phải khắc phục mọi khó khăn, tư tưởng luôn vững vàng để vượt qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ của người gác đèn biển” - Anh Huy bộc bạch.

Đảo Cô Tô nhìn từ trạm đèn

Nghề trông đèn biển nhiều khi cũng buồn, do đặc thù công việc lặp đi lặp lại cũng chỉ có leo bậc thang, lên ngóng đèn ra biển. Đêm nhìn ra biển tối thui, chỉ có trăng sao làm bạn vì thế mà lắm lúc cũng thấy cô đơn, các đoàn công tác, hay khách du lịch ra thăm đảo, đôi khi chỉ chú ý tới thăm hỏi và tặng quà cho các đơn vị bộ đội và các hộ dân trên đảo mà quên mất những người gác đèn biển. Thậm chí, có người “miêu tả” việc các anh: “Tối thì bật đèn lên, sáng ra thì tắt. Xong thì… ngồi chơi xơi nước cả ngày”. Nghe mà ai cũng phải cười ra nước mắt. Do ở trên núi cao, cách xa khu dân cư nên thức ăn cũng chỉ toàn đồ khô...  Nhưng khổ nhất là chuyện nước sinh hoạt, đảo vốn đã khan hiếm nước, các anh lại ở trên đồi cao thì còn khan hiếm hơn do việc vận chuyển rất tốn kém. Mùa mưa lượng nước cũng đủ dùng, còn mùa khô, các anh ở đây phải mua nước từ đất liền chuyển ra, trong đó chi phí vận chuyển đã đội giá lên cả trăm lần. Ý thức được điều đó, tranh thủ có cơn mưa là các anh phải tận dụng mọi thứ để có thể chứa nước, từ cái cốc con, mái nhà, lan can của đèn biển đến cả những vũng nước mưa dưới nền đất.

Hải đăng là cuộc sống!

Đúng là dân biển cũng chẳng biết làm gì ngoài… đi biển, chính điều đó hải đăng còn là linh hồn, mang ý nghĩa sống còn của ngư dân. Anh Nguyễn Văn Sơn, ngư dân xã Đồng Tiến chỉ tay về ngọn hải đăng, giãi bày khá triết lý: Hải đăng Cô Tô là tình cảm hết sức thiêng liêng đối với chúng tôi. Từ xưa, các cụ nhà tôi đã kể rằng, chính những người phụ nữ trong các gia đình chài lưới ven biển “sáng kiến” ra việc… xây dựng đèn biển. Nghe có vẻ lạ, nhưng anh ngẫm xem, đối với ngư dân những đốm sáng giữa đại dương đêm tối mênh mông như đôi mắt người thân đang ngóng đợi đã giúp cho người đi biển nhanh chóng tìm đường về bến. Hải đăng như một phần máu thịt, hậu phương cho chúng tôi vậy!”.

Với những ngư dân già như bác Nguyễn Văn San, bố anh Sơn, thì kinh nghiệm (nhìn trời đất) hay công nghệ hiện đại (tàu đánh cá thế hệ mới, hệ thống dẫn đường, định vị…) thì ngọn đèn biển vẫn như người bạn đường không thể thay thế của tàu cá. “Chúng tôi yêu ngọn hải đăng như yêu mạng sống của mình vậy. Đèn dẫn chúng tôi về với người thân trong đêm giông bão, đèn kéo anh em lại gần nhau giữa ngư trường mênh mông, với tôi đèn biển như người thân trong nhà vậy. Từ năm 1961, khi có đèn, người làng tôi mới dám đi xa hơn, đánh những con cá to hơn, lô mực ngon hơn. Với người trong đất liền thì đèn biển chỉ… đẹp, lạ trong mắt họ thôi, còn với ngư dân thì đèn biển quan trọng lắm!” bác San tâm tình.

Trời đã xẩm tối, chúng tôi chia tay Cô Tô cũng là lúc những con tàu đầy ắp cá đã kịp về bến. Từ xa, Hải đăng Cô Tô lung linh như vẫy gọi bên những con người đang ngày đêm lặng lẽ giữ bóng hình đất nước.

Hữu Tùng - Mạnh Kiên