“Ba riêng” để ngăn chặn tiêu cực trong thi cử

11:11 | 27/12/2013

1,029 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Nếu tư duy kiểu cũ, kiểm tra kiểu cũ, kiểm tra theo kiểu học thuộc thì không ngăn được tiêu cực. Việc chúng ta đang làm hiện nay là thay đổi căn cơ cách học, cách dạy, các trường cần ra đề y hệt kỳ thi 3 chung mà cần nghiên cứu hình thức, cách thi, nội dung thi mới để hạn chế bất cập trong quá khứ”.

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga trong chương trình Đối thoại trực tuyến tại Cổng TTĐT Chính phủ với chủ đề: “Những điểm mới trong tuyển sinh cao đẳng, đại học năm 2014”.

PV: Thưa ông, sau kỳ thi 3 chung, chúng ta đang tiến tới kỳ thi 3 riêng, ông đánh giá ra sao về kỳ thi này này?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Kỳ thi 3 chung (chung đề, chung đợt, chung kết quả) đã kéo dài hơn 10  năm - là kỳ thi có chất lượng và được dư luận đánh giá cao. Tuy nhiên, ngay từ năm 2011, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã giao một số trường ĐH trọng điểm nghiên cứu để đưa ra phương án đổi mới tuyển sinh, tính đến việc thay đổi phương án thi 3 chung. Bởi nếu tiếp tục kỳ thi như vậy thì sẽ không phù hợp với mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT, chuyển từ cung cấp kiến thức cho học sinh sang kiểm tra năng lực của học sinh; thay đổi phương thức tuyển sinh để định hướng cho cách dạy và học.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT giao quyền tự chủ cho các trường ĐH theo Luật Giáo dục Đại học và Nghị quyết T.Ư 8, phù hợp với xu thế phát triển mới của GD ĐH Việt Nam và xu thế chung của thế giới.

Trong chương trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, chúng tôi đã quyết định phê duyệt chương trình đổi mới kỳ thi 3 chung thành kỳ thi 3 riêng: riêng đề thi, riêng ngày thi và kế quả chấm điểm riêng. 

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định phương án TS riêng sẽ khắc phục những thiếu sót của "3 chung".

Kỳ thi 3 riêng này sẽ cung cấp kiến thức cho học sinh, cung ứng đầy đủ những phương pháp tuyển sinh của các trường. Bên cạnh đó, nhà trường cũng kiểm tra được năng lực thật sự của học sinh thay vì kiểm tra kiến thức học thuộc lòng của thí sinh. 

Ngoài ra, giao quyền tự chủ tuyển sinh cho nhà trường là đúng đắn vì chủ trương này đã giao được công việc chuyên môn của nhà trường theo từng ngành. Do đó, nhà trường có cách đánh giá, xét tuyển năng lực thí sinh sao cho phù hợp với tiêu chí của trường. Những chuyện bất cập, tiêu cực trong vấn đề này cũng không thể xảy ra. Việc dạy thêm, học thêm sẽ được hạn chế tối đa vì theo phương án tuyển sinh mới, học sinh sẽ biện luận cho kỳ thi của mình qua chính kiến thức mà mình tiếp thu được từ các năm học cũng như trong cuộc sống.

PV: Liệu khi tự chủ tuyển sinh, các trường ra đề thi thì có dẫn đến tình trạng học lệch?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Khi giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường, học sinh có nhiều cơ hội hơn để lựa chọn theo đúng sở thích cũng như năng lực môn học mà mình theo đuổi. Các môn thi cũng chủ động được hơn, ví dụ kỳ thi ba chung là chúng ta thi khối A là: Toán – Lý – Hóa, nhưng ở kỳ thi riêng, nhà trường có thể lựa chọn ba môn: Toán – Vấn đáp – Kiểm tra năng lực. Các trường không nhất thiết phải thi các môn như Bộ yêu cầu. Tuy nhiên, một số học sinh vẫn chưa quen với cách thi mới thì có thể đăng ký vào các trường thi ba chung trong vòng 3 năm tới.

PV: Vì kỳ thi chỉ còn vài tháng nữa là bắt đầu, đề án mới này có quá gấp rút và chúng ta liệu có thể dời sang năm 2015 để thực hiện?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Sự xáo trộn về kỳ thi theo tâm lý của học sinh và phụ hunh sẽ nặng nề, lo lắng nhưng nếu không thực hiện năm nay thì sẽ khó thực hiện ở các năm sau. Bộ cũng có tính đến vấn đề cho  quá độ ba năm để các trường cũng như học sinh chuẩn bị kỹ hơn thực hiện đề án này. Việc tổ chức kỳ thi ba chung sẽ tạo cho học sinh phát huy đúng năng lực học của môn học mình theo đuổi. Nhà trường cũng lựa chọn được thí sinh theo từng môn, và tất cả các môn học sẽ không bị bỏ rơi nếu như kỳ thi ba riêng này được thực hiện.

Năm 2017, tất cả các trường ĐH, CĐ sẽ phải tổ chức tuyển sinh riêng.

PV: Mục đích của việc tổ chức kỳ thi riêng này là thế nào, thưa ông?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Mục đích đầu tiên chính là sự lựa chọn thí sinh. Kỳ thi này sẽ tổ hợp được mọi kiến thức của học sinh, thí sinh được lựa chọn đúng yêu cầu của nhà tường mà kỳ thi ba chung không làm được. Lộ trình đã được đặt ra và các trường sẽ thực hiện theo yêu cầu của Bộ. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng, không thể để lẫn lộn thí sinh thi ba chung và thí sinh thi riêng với nhau, không sử dụng kết quả thi ba chung để xét đầu vào cho trường thi riêng với mục đích lấp đầy chỉ tiêu tuyển sinh.

PV: Có cách nào sẽ bỏ kỳ thi Đại học mà vẫn lọc được thí sinh không, thưa ông?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Nếu bỏ kỳ thi Đại học, thì chúng ta phải có sự phân luồng rất tốt từ ngay cấp THCS. Học sinh phải cố gắng học tập, rèn luyện hoàn thiện mình, hoàn thiện kỹ năng sống để đi theo con đường mà mình lựa chọn. Tâm lý ăn sâu của phụ huynh là luôn muốn cho con em mình đi học Đại học, nhưng tâm lý đó cần phải thay đổi.

Tư duy của phụ huynh phải thay đổi vì cả xã hội và nhà trường đều tham gia phân luồng học sinh ngay chính từ khi bước vào lớp 1. Chúng tôi đã dự tính, năm 2020 sẽ phân luồng được 30% học sinh như thế, sự phân luồng sẽ có một lộ trình nhất định vì hiện nay, chúng ta vẫn chưa có chính sách cho học sinh học nghề.

PV: Khâu ra đề và bảo mật đề thi vẫn luôn là vấn đề nhức nhối, dẫn đến những tiêu cực như luyện thi và dạy thêm tràn lan. Bộ GD-ĐT đã có phương án nào xử lý những tiêu cực này?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Việc chúng ta đang làm hiện nay là thay đổi căn cơ cách học, cách dạy, các trường cần ra đề y hệt kỳ thi 3 chung mà cần nghiên cứu hình thức, cách thi, nội dung thi mới để hạn chế bất cập trong quá khứ. Bộ GD-ĐT cũng đã thành lập những trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH, tách bạch quản lý nhà nước, ban hành chính sách và kiểm soát chất lượng đối với nội dung giảng dạy chuyên môn.

Hình thức tuyển sinh riêng này không lặp lại hình thức thi trong quá khứ. Đổi mới lần này đi 1 con đường khác, các trường phải suy nghĩ hình thức tuyển sinh, cách thi, đề thi riêng của mình… Ví dụ ra đề yêu cầu kiến thức tổng hợp, học sinh có luyện thi cũng khó đạt yêu cầu. Vấn đề có tái diễn luyện thi phụ thuộc nhiều vào phương thức thi, đề thi để chọn học sinh, các trường cũng không nhất thiết phải kiểm tra thuộc lòng.

Bên cạnh đó, các trường tham gia tuyển sinh riêng phải cam kết với Bộ GD-ĐT không để tái diễn tình trạng tràn lan lò luyện thi và phải đề xuất các giải pháp khác nhau để hạn chế tiêu cực trong tuyển sinh riêng. Hiện nay, Bộ đang chờ các trường gửi đề án và yêu cầu có kèm giải pháp.

Bài học cay đắng nhất đối với các hệ đào tạo tại chức, liên thông, văn bằng 2 là không khống chế được ngưỡng đầu vào. Các trường chỉ lo lấy đủ chỉ tiêu, thi không ai trượt… dẫn đến việc xã hội quay lưng, đào tạo chất lượng kém không phù hợp yêu cầu.

Bộ đã nhận thấy và rút kinh nghiệm từ việc quản lý đào tạo không chính quy, nên sẽ đưa vào quy chế tuyển sinh đối với thi riêng phải có ngưỡng chất lượng tối thiểu được xã hội chấp nhận, để cấm các trường tuyển sinh ồ ạt.

PV: Năm 2013 sắp khép lại, ông có lời khuyên gì cho các bạn học sinh đang học năm cuối cấp?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Các em hãy hoàn toàn yên tâm về việc đổi mới phương pháp tuyển sinh. Dù có thay đổi như thế nào, thì kiến thức các em tiếp thu ở nhà trường vẫn không thay đổi, bên cạnh đấy, các em lại có nhiều cơ hội hơn để vào được môi trường học mà các em yêu thích. Việc thay đổi phương pháp tuyển sinh là việc phải làm để đáp ứng được xu thế của xã hội cũng như đáp ứng được nguồn cung ứng lao động mà hiện nay xã hội đang đòi hỏi chất lượng thực sự của sinh viên khi ra trường. Chúc các em một năm học thành công.

Xin cảm ơn ông!

Khánh An