Đạo đức, “tấm lưới” cuối cùng

10:02 | 07/05/2023

1,827 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Các chủ trương, chính sách, quy định, quy chế bao giờ cũng xuất phát từ cuộc sống và trở lại phục vụ cuộc sống. Có những chính sách đúng, nhưng sau một thời gian vận hành, thấy không còn phù hợp thì phải điều chỉnh, sửa đổi, thậm chí bãi bỏ.
Đạo đức, “tấm lưới” cuối cùng
Ảnh minh họa

Chính sách bao giờ cũng đi trước pháp luật, mang tính định hướng và là nền tảng để xây dựng pháp luật. Chính sách hợp lòng dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa, khi nó phản ánh một cách trung thực, khách quan bối cảnh, điều kiện xã hội tại một thời điểm và dự báo khả năng sắp tới. Không chỉ có những chủ trương, chính sách cụ thể, có những bộ luật quan trọng đã phải bổ sung, sửa đổi nhiều lần vẫn chưa bao giờ được coi là hoàn hảo. Đó là điều bình thường, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội.

Mấy hôm nay có nhiều vấn đề nóng được bàn luận trên báo chí và trên mạng xã hội. Ý kiến rất khác nhau. Có ý kiến khách quan, cẩn trọng, xem xét một cách khoa học, có lý và có tình. Ngược lại là những thông tin, lời bàn không đúng, có phần chủ quan, gắn với những bức xúc, những ý đồ cá nhân, phê phán, chỉ trích nặng nề. Thậm chí, không ngoại trừ “hiệu ứng đám đông”, chưa nghiên cứu kỹ, nghe qua tai, qua lời người khác cũng vội vàng “phang” thẳng cánh, xúc phạm danh dự người khác, có trường hợp gây hậu quả rất đáng tiếc.

Có thể điểm qua mấy vụ việc: Vụ cô giáo Lê Thị Dung , nguyên giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, Nghệ an, đã bị TAND huyện tuyên án 5 năm tù về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Bà Dung bị quy kết gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 45 triệu đồng trong 6 năm. Tiếp đến là “vụ” Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu phát biểu về việc quy định giờ chơi đêm của khách du lịch đến tỉnh này không nên kết thúc vào lúc 23 giờ, và nhà chức trách không nên đứng ở cạnh quán bia mà “rình phạt” người uống, nó “phản cảm lắm”. Mới nhất là hôm 4-5, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu...

Sôi động hơn cả là những bàn luận, phản ứng về việc Tòa án Hưng Nguyên “mượn danh luật pháp” để trù dập cá nhân, không đồng tình với bản án thiếu nhân văn mà Tòa đã tuyên. Cụ thể, bà Dung đã nhiều lần thanh toán trái quy định để chiếm đoạt số tiền hơn 48,3 triệu đồng từ ngân sách nhà nước.Tổng số tiền gây thiệt hại cho ngân sách theo cáo trạng là 48,3 triệu đồng, nhưng tại phiên tòa sơ thẩm, viện kiểm sát đã rút xuống còn gần 45 triệu đồng. Dư luận dậy sóng là vì nhiều người cho rằng Hội đồng xét xử phiên tòa sơ thẩm đã áp dụng sai pháp luật. Có người so sánh với bản án dành cho ông T, ông C, làm thất thoát, nhận hối lộ hàng tỷ đồng mà chỉ chịu mức án thấp hơn bà Dung rất nhiều. Đi xa hơn, có ý kiến tham gia vào việc “kết án”, rằng chỉ nên dừng ở mức án treo hoặc thả ngay bị cáo sau khi kết thúc phiên toà (!). Thế rồi trong khi chờ phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử TAND huyện Hưng Nguyên lại gia hạn tạm giam bị cáo Dung thêm 45 ngày. Mạng xã hội lại trào lên đợt sóng thứ hai, cho rằng, như thế là cố tình thách thức dư luận (!).

Câu chuyện “nóng” thứ hai là ý kiến của ông Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, qua đoạn băng video được lan truyền chóng mặt. Người bảo, ông này dũng cảm, thấy các quy định có điều không ổn thì nói giữa dạ mình. Bây giờ cần những cán bộ nói thẳng, nói thật, dám nói dám làm. Công lao là của tập thể, nhưng dấu ấn phải là của cá nhân. Những người bản lĩnh như thế còn hơn chán vạn các vị luôn thu mình lại, cái gì cũng nói dựa, nói theo, sợ liên lụy. Người khác lại bảo, ông này “dại” rồi, chớ nên làm kinh tế bằng mọi giá như thế. Kinh tế phải gắn với văn hóa, với an ninh-xã hội. Và địa phương không được làm trái với quy định của Trung ương. Sau cơn bão mạng, Chủ tịch Bạc Liêu trần tình, rằng: Tôi có vài lời trăn trở muốn nhắn gửi đến các đồng chí trong hội nghị về những điều còn bất cập trong phát triển kinh tế đêm, thu hút du lịch của tỉnh nhà. Cho đến bây giờ, tôi vẫn giữ nguyên quan điểm trong bài phát biểu đó, chúng ta cần phải thay đổi, cởi mở hơn để phát triển. Chỉ có điều khi nói chuyện nội bộ, không có sự chuẩn bị trước nên có vài chỗ chưa rõ, cần giải thích thêm, để tránh hiểu lầm.

Câu chuyện chỉ có thế. Giá như ở cái thời chưa có zalo, facebook, twitter... như bây giờ thì có những vụ việc sẽ chỉ giới hạn ở địa phương đó, có những vụ án oan khuất sẽ “chìm xuồng”. Tiếc rằng, dư luận đã đẩy vấn đề đi quá xa.

Và câu chuyện thứ ba, Covid -19 có còn đáng sợ? Sợ quá đi chứ! Ngày nào cũng hàng nghìn người nhiễm, hàng trăm người đang thở máy, số người nhập viện và tử vong tăng, sao chủ quan thế được? Lại ầm ầm những lời chê trách. Rằng tham bát bỏ mâm, mở cửa du lịch quốc tế có phần vội vàng. Rằng, “lò” nóng quá, nhiều người phạm tội là vì cơ chế không rõ ràng, cho nên cán bộ sở tại, cán bộ y tế giờ không còn nhiệt tình, hăng hái nữa. Luồng ý kiến khác thì bảo, WHO công bố rồi. Có còn tình trạng khẩn cấp nữa đâu.

Theo các chuyên gia của ngành Y tế, tới đây nước ta cũng sẽ nghiên cứu đánh giá để xem xét công bố cấp quốc gia. Có một số ý kiến so sánh Covid-19 với cúm mùa và đưa ra câu hỏi nên xếp bệnh vào nhóm B hay vẫn duy trì ở nhóm A. Việc này hội đồng chuyên môn sẽ họp, đánh giá, xem xét. Nhưng, dù cho Covid-19 thuộc nhóm A hay nhóm B thì các vấn đề đánh giá nguy cơ và đưa ra các biện pháp ứng phó phù hợp là vô cùng quan trọng.

Trên đây là mấy dẫn chứng về việc bổ sung, thay đổi chính sách sao cho kịp, cho sát với thực tiễn cuộc sống. Toàn là vấn đề “nóng rẫy”. Nóng nhưng không thể và không dễ sửa ngay, đừng từ cực này nhảy sang cực khác. Hai chữ C (chính sách - cuộc sống) là câu chuyện quản lý của mọi quốc gia, mọi thời kỳ. Muốn có chính sách đúng thì các nhà hoạch định phải huy động được trí tuệ toàn dân, nhất là các chuyên gia, các nhà lãnh đạo quản lý. Tương tự như vậy, việc bổ sung, sửa đổi chính sách, quy định cũng cần làm thường xuyên. Cái gì hợp lý thì nó tồn tại. Mạng xã hội tuy có những mặt trái, tuy đây đó có người sử dụng mạng “tay nhanh hơn não” nhưng số đông là những người có tri thức cao, có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội. Về mặt nào đó có thể coi đây là một kênh thăm dò dư luận quan trọng.

Sửa những bộ luật lớn thì cần có thời gian, phải kiên trì và công phu. Nhưng sửa những “luật nhỏ”, khắc phục những cái sai, những cái không hợp lý thì cần phải làm ngay, làm nhanh. Ở đây cần nhấn mạnh văn hóa trong Đảng, trong hệ thống chính trị, đề cao lương tâm và trách nhiệm, đạo đức chính là “tấm lưới” cuối cùng để ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực. Đó cũng chính là điều mà chúng ta đang phấn đấu cho một xã hội “công bằng-văn minh”.

Hải Đường