Biệt thự cổ ở Hà Nội

Xuống cấp, biến dạng và… biến mất

20:16 | 09/09/2017

5,022 lượt xem
|
Một phần vẻ đẹp mang đậm đặc trưng Hà Nội là những công trình kiến trúc mang phong cách Pháp. Không chỉ có những công trình đồ sộ như Nhà hát Lớn, Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Mỹ thuật, còn có hàng nghìn biệt thự. Đó là di sản kiến trúc đặc biệt cần được gìn giữ, bảo tồn. 

Quá khứ “một đi không trở lại”

Nhà ngoại tôi là căn biệt thự Pháp cổ nằm trên phố Phan Đình Phùng rợp bóng cây. Ấn tượng từ thuở ấu thơ của anh em chúng tôi là mỗi lần bước qua cánh cổng sắt sơn màu xanh nhạt, hai bên lối đi trải sỏi là những gốc khế, hoa và cây cảnh. Bà ngoại và các chị em của bà thường ngồi ngoài hiên rộng dạy học trò thêu thùa… Thế rồi dần dà vườn khế không còn, cả cái cánh cổng sắt to tướng ngày nào bỗng lọt thỏm giữa những quán xá…

Còn nhà nội tôi nằm trên phố Bùi Thị Xuân. Giữa hai khối nhà là một đoạn ngõ rộng chừng 1,5m, có trần mái vòm, dẫn vào sân và bếp. Mỗi lần đi nắng về, bước qua cánh cửa gỗ, vào bên trong ngõ là cảm giác mát rượi, mọi âm thanh trong đó cứ vang vang. Tôi vẫn gọi đùa đoạn ngõ đó là “tủ lạnh ấu thơ” của mình. Đi qua ngõ là tới khoảng sân trồng một cây hoàng lan có thân to hai người ôm và một giàn nho xanh trải dài suốt đoạn cầu thang lên gác… sau này, do biến thiên của thời gian và kinh tế thị trường nở rộ, cái ngõ nhỏ có mái vòm, cây hoàng lan và cả hai khối nhà đã chập làm một không còn nữa. Ở đó sừng sững một công trình mới - một quán karaoke.

xuong cap bien dang va bien mat
Một biệt thự Pháp cổ trên phố Tăng Bạt Hổ là địa chỉ chung của rất nhiều hộ dân

Chẳng riêng gì tôi, nhiều người Hà Nội chỉ còn ôm ấp những kỷ niệm và hình ảnh lưu lại của những căn biệt thự Pháp cổ. Chỉ còn thương nhớ bâng quơ những bậc cầu thang và thanh vịn gỗ lim đen bóng uốn lượn duyên dáng, những lớp sàn gỗ lên màu thời gian…

Ông Nguyễn Việt Cường, nguyên Chánh thanh tra Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội kể về căn nhà ở phố Quang Trung của mình: “Hồi tôi còn nhỏ, trước cổng có hai cây nho dại, hai cây roi “Tây đen” cao như cây cổ thụ, lúc lỉu quả. Bên trái nhà là vườn dừa thân to, trước cửa còn thảm cỏ. Phía sau là dãy nhà một tầng làm nơi ở cho những người lái xe, nấu cơm, quét dọn...”. Nhưng đến hôm nay, hình ảnh đẹp đẽ ấy chỉ còn trong hoài niệm. Dù được xếp vào nhóm 1 và được đánh giá còn khá nguyên trạng nhưng mặt tiền ngôi nhà hướng ra phố Quang Trung giờ đã bị che kín bởi hàng quán. Căn biệt thự số 33 Quang Trung, sau những thăng trầm của lịch sử, giờ đã trở thành nhà của cả chục hộ gia đình…

Những di sản kiến trúc đặc biệt

Những biệt thự Pháp cổ khi xưa thường là của gia đình người Pháp sang Việt Nam làm ăn, sinh sống. Chủ nhân của các biệt thự này có nguồn gốc từ các địa phương khác nhau ở Pháp và họ mong muốn được sống trong ngôi nhà giống như ở quê hương bản quán. Những kiến trúc sư Pháp thời kỳ đầu như Moncet, Jacques, Lagisquet, Léonard... từ Pháp sang, đã thiết kế những ngôi nhà mang phong cách địa phương khác nhau ở Pháp nhằm thỏa mãn mong muốn ấy.

Nhiều người Hà Nội chỉ còn ôm ấp những kỷ niệm và hình ảnh lưu lại của những căn biệt thự Pháp cổ.

Theo các chuyên gia kiến trúc, các biệt thự Pháp cổ ở Hà Nội có phong cách kiến trúc rất khác nhau, tùy theo xuất xứ của chủ nhân. Đó là phong cách miền Bắc và Tây Bắc nước Pháp với đặc trưng là hệ mái đa diện có độ dốc lớn, phần mái nhô ra khỏi tường khá rộng được đỡ bởi hệ con sơn (console) gỗ nhẹ nhàng. Hệ thống các ban công, cửa sổ cao và hẹp, thường kết thúc bằng cuốn vòm trang trí đơn giản.

Buông lỏng quản lý, thiếu minh bạch

Nhiều căn biệt thự Pháp cổ ở Hà Nội không chỉ xuống cấp, biến dạng vì bị sửa chữa và cơi nới, đổ sập, mà còn bị phá dỡ để thay thế bằng những tòa nhà cao tầng.

Nhiều ngôi biệt thự đã tư nhân hóa quyền sở hữu, chứa tới cả chục hộ gia đình cùng sinh sống. Điển hình như một số biệt thự trong khu phố cổ như Hàng Buồm, Hàng Bạc, Mã Mây, Quán Sứ… Các hộ dân mạnh ai nấy làm, tự ý sửa chữa khiến cho ngôi biệt thự lại càng nhanh xuống cấp hơn.

xuong cap bien dang va bien mat
Biệt thự Pháp cổ trên phố Trần Hưng Đạo đổ sập vì quá xuống cấp

Có vẻ như các cơ quan chức năng ở Hà Nội đã thờ ơ, nửa vời trong công tác quản lý biệt thự cổ. Những con số được thống kê không chính xác, nhiều biệt thự bị người dân tự ý đập bỏ, xây mới, cơi nới, phá hủy kiến trúc ban đầu mà chính quyền không hề can thiệp. Đấy là chưa kể những biệt thự đang rất kiên cố thì lại bị liệt vào danh sách nhà xuống cấp nghiêm trọng.

Trong 63 biệt thự đã tự phá dỡ, xây mới, hiện cơ quan quản lý không có hồ sơ, không xác định được thời điểm xây dựng. Trong đó, 21 biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước; 18 biệt thự đan xen sở hữu đã bán hết cho các hộ có hợp đồng cho thuê; 14 biệt thự đan xen sở hữu chưa bán hết cho các hộ có hợp đồng cho thuê. Ngoài ra, trong 312 biệt thự bị loại khỏi danh mục quản lý theo quy chế, Sở Xây dựng đã tham mưu đưa 60 biệt thự nằm trong danh mục biệt thự quản lý, được Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị cùng Hội đồng chuyên gia xét chọn thuộc các loại 1, 2, 3 vào danh mục biệt thự không thuộc đối tượng quản lý theo quy chế quản lý nhà biệt thự (trong đó 19 biệt thự đánh giá không đúng; 10 biệt thự Sở Xây dựng chưa thống nhất, cần tham vấn ý kiến của Bộ Xây dựng).

Sở Xây dựng cũng đưa 58 biệt thự được Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị cùng Hội đồng chuyên gia xét chọn xếp loại 4 vào danh mục biệt thự quản lý theo quy chế quản lý nhà biệt thự (có 27 biệt thự được chấm điểm lại; 30 biệt thự được 3 tổ công tác liên ngành lập biên bản thống nhất với kết quả của Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị cùng Hội đồng chuyên gia xét chọn xếp loại 4, nhưng bộ phận tổng hợp và hội đồng thẩm định đưa vào loại 3 thuộc Danh mục biệt thự quản lý, trong đó có biệt thự phá dỡ, xây mới; 1 biệt thự không chấm điểm đưa vào loại 1). Có 2 biệt thự Sở Xây dựng báo cáo không tìm thấy (trong đó 1 biệt thự đan xen sở hữu chưa bán hết; 1 biệt thự Nhà nước quản lý). Thực tế đã tìm thấy 1 biệt thự số B1/P18 Hoàng Hoa Thám (số mới: 7, ngõ 55, Hoàng Hoa Thám) và biệt thự số 28 Điện Biên Phủ được Sở Xây dựng đánh giá thuộc sở hữu Nhà nước nằm trong danh mục 44 biệt thự không được bán, thuộc Bộ Quốc phòng.

Ngoài ra, còn 45 biệt thự Sở Xây dựng cho rằng không phải là biệt thự (nhà cổ, nhà mặt phố...) nhưng thực tế có đến 8 nhà là biệt thự gồm: số 114 Đội Cấn; số 108 Hoàng Hoa Thám; số 17 Phạm Hồng Thái; số 42 A, 42 B Hai Bà Trưng; số 8, 10, 20, 34 Quán Sứ…

xuong cap bien dang va bien mat
Di sản kiến trúc “chìm nghỉm” trong cơn lốc đô thị hóa

Dư luận cho rằng, chính sự buông lỏng quản lý, thiếu minh bạch thông tin là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến việc nhiều căn biệt thự tại Hà Nội nằm trong danh mục cấm mua bán, cấm sử dụng, là tài sản của quốc gia vẫn bị các “đại gia” bất động sản lợi dụng kẽ hở của pháp luật thâu tóm, đặc biệt là những căn tọa lạc ở vị trí đất “vàng”.

Vật vã chống lại sức ép đô thị hóa

Giới chuyên môn khẳng định, để bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị của những ngôi biệt thự Pháp cổ, trước tiên phải rà soát, đánh giá, tổng hợp và xác định rõ những biệt thự đáng giữ. Cần phải đánh giá theo những tiêu chí cụ thể, như: giá trị lịch sử văn hóa, chính trị; giá trị nghệ thuật kiến trúc; giá trị quy hoạch cảnh quan đô thị; tính nguyên bản; công năng sở hữu. Từ đó chia ra các nhóm 1, 2, 3 để phân loại biệt thự theo nguyên tắc thẩm định, nhằm tiến hành bảo tồn, tôn tạo hoặc sửa chữa, phá dỡ theo quy định. Đối với các biệt thự bị hư hỏng nặng, xuống cấp có nguy cơ sập đổ thì phải được các cơ quan chuyên môn kiểm tra, có báo cáo thẩm định tình trạng hư hỏng và cấp giấy phép xây dựng. Đồng thời, khi tháo dỡ công trình cũ và xây dựng lại, chủ đầu tư phải đảm bảo giữ đúng kiểu dáng, kiến trúc, hình ảnh nguyên trạng và tuân thủ quy hoạch (mật độ, số tầng cao) của biệt thự cũ. Riêng với nhóm 3, những nhà đã xuống cấp, nằm trong danh mục nhà nguy hiểm, chính quyền thành phố cần giao các cơ quan liên quan lập phương án di chuyển dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để tổ chức sửa chữa, cải tạo hoặc xây dựng lại theo quy định.

xuong cap bien dang va bien mat
Sự biến dạng của biệt thự Pháp cổ ở Hà Nội

Tiếp đó là hoàn thiện quy chế chi tiết quản lý nhà biệt thự cổ. Cần khẩn trương tiến hành điều tra, khảo sát để hoàn thiện các hồ sơ, giấy tờ liên quan đến các khu biệt thự phục vụ cho công tác bảo tồn, sửa chữa. Nếu không có hồ sơ gốc của ngôi nhà thì không thể biết rõ kết cấu của nó. Cũng cần có quy hoạch tổng thể khu biệt thự cổ. Đó là giải pháp mang tính quy hoạch tổng thể, để các biệt thự Pháp cổ được sắp xếp đồng bộ trong cấu trúc thống nhất, hài hòa với cảnh quan, đáp ứng các yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đô thị.

Đề cập đến các giải pháp, ông Vũ Đức Thắng, Phó trưởng Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng cho biết: “Những biệt thự thuộc sở hữu tư nhân, nhất là những nhà có nhiều đồng sở hữu, thì quả là khó khăn trong công tác bảo tồn, gìn giữ”. Ông còn cung cấp thêm: Để quản lý, bảo tồn biệt thự cũ, thành phố đã ban hành nhiều văn bản như Quyết định số 52/2013/QĐ-UBND, ngày 28-11-2013, ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ được xây từ trước năm 1954 trên địa bàn TP Hà Nội; Quyết định số 7177/2013/QĐ-UBND, ngày 28-11-2013, về danh mục các nhà biệt thự cũ...

Thời gian tới, để tiếp tục hỗ trợ có hiệu quả hơn nữa người dân sinh sống tại các biệt thự cũ trong quá trình cải tạo, sửa chữa nhà, thành phố đã giao Sở Xây dựng nghiên cứu, trình văn bản sửa đổi Quyết định 52. Theo đó, khi tiến hành sửa chữa, cải tạo nhà biệt thự cũ thuộc diện quản lý theo quy định, người dân sẽ được hỗ trợ các thủ tục hành chính như cấp phép xây dựng, tư vấn sửa chữa các hạng mục phù hợp với tổng thể ngôi nhà, cảnh quan tuyến phố, giới thiệu những cơ quan kiểm định có uy tín, chi phí thấp, hiệu quả cao... Công tác kiểm tra, giám định cũng được duy trì thường xuyên.

xuong cap bien dang va bien mat
Cả chục hộ gia đình cùng sống trong khuôn viên của một căn biệt thự

Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Hùng: Sau năm 1954, tất cả biệt thự được đưa vào quản lý sử dụng, với nhiều chức năng, không đúng công năng biệt thự. Trong đó, biệt thự bố trí cả cơ quan làm việc, cơ quan ngoại giao thậm chí do khó khăn chỗ ở nên chia cho các cán bộ lúc bấy giờ... TP Hà Nội sẽ làm rõ và quản lý theo quy hoạch, sai đâu phải xử lý đó; Chỉ đạo, cập nhật hồ sơ cho từng loại biệt thự, có mã số, số hóa biệt thự. Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ kiểm định chất lượng biệt thự, đặc biệt là biệt thự nhóm 2, 3 (nguy hiểm) để đảm bảo an toàn cho người sử dụng; Hoàn chỉnh danh mục tổng thể biệt thự trên địa bàn thành phố, xem xét đề xuất bổ sung quy chế.

Theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự được xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn thành phố Hà Nội, tất cả các nhà biệt thự thuộc danh mục quản lý sẽ không được tự ý phá dỡ. Trường hợp biệt thự nhóm 1 và nhóm 2 bị hư hỏng nặng, xuống cấp, có nguy cơ sập đổ, đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng công trình xây dựng và phải được Sở Xây dựng kiểm tra, báo cáo HĐND và UBND thành phố (đối với biệt thự nhóm 1) và UBND thành phố (đối với biệt thự nhóm 2) cho phép phá dỡ, xây dựng lại. Đối với biệt thự thuộc nhóm 2, chủ đầu tư phải có dự án xây dựng lại nhà biệt thự đảm bảo theo kiểu dáng kiến trúc bên ngoài và quy hoạch của nhà biệt thự cũ (mật độ xây dựng và số tầng, độ cao) trước khi được cấp có thẩm quyền cho phép phá dỡ công trình.

Ngân Phương