Thi THPT quốc gia: Nhiều học sinh nói “Không” với môn Sử

15:23 | 04/05/2015

1,297 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
PGS. Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) thông tin: “Không có học sinh nào của trường chọn môn Lịch sử”.

>> Môn Sử lại… buồn!

>> GS Phan Huy Lê giải thích vì sao học sinh không 'yêu' môn Sử

Hiện tại, các thí sinh dự thi THPT quốc gia 2015 đã hoàn tất việc đăng ký môn thi. Kỳ thi này các thí sinh sẽ phải thi 4 trong 8 môn thi.

Trong 8 môn thi bao gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý, Sinh học, Ngoại ngữ. Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn. Trong đó sẽ có 3 môn bắt buộc là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn thi tự chọn.

Hình thức thi như sau: Các môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý thi theo hình thức tự luận; các môn: Vật lý, Hoá học, Sinh học thi trắc nghiệm. Còn lại môn Ngoại ngữ có phần thi viết và trắc nghiệm. Riêng đề thi môn Ngữ văn có 2 phần đọc hiểu và làm văn.

Khảo sát môn tự chọn ở một số trường THPT trên địa bàn Hà Nội cho thấy: Môn tự chọn được các thí sinh lựa chọn chủ yếu là Vật lý và Hóa học. Tỷ lệ thí sinh dự thi môn Địa lý có tăng hơn so với kỳ thi THPT quốc gia năm 2014, còn lại hai môn Lịch sử và Sinh học chiếm số ít, thậm chí có trường không có học sinh nào chọn thi Lịch sử.

(Ảnh minh họa)

Một trong những trường không có thí sinh chọn môn Lịch sử là trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội).

PGS. Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT trường THPT Lương Thế Vinh chia sẻ: Học sinh của trường đăng ký môn Vật lý cao nhất (chiếm hơn 50%), Hóa học (hơn 30%), số còn lại chọn môn Địa lý. Còn lại không có học sinh nào chọn Lịch sử.

Lý giải về điều này, PGS. Văn Như Cương phân tích: “Đặc thù của trường THPT Lương Thế Vinh là học sinh có thế mạnh về ban A, vì vậy các em chủ yếu thi khối A, D và A1. Trường cũng có đào tạo khối C nhưng thường rất ít học sinh của trường chọn khối này để thi. Năm nay số lượng học sinh chọn môn Địa lý có tăng lên là bởi môn học này các em vẫn được mang Atlat vào phòng thi nên vẫn có cơ hội ăn điểm”.

Trường THPT Anhxtanh Hà Nội cũng không có học sinh nào lựa chọn môn Lịch sử. Ngoài ra cũng không có thí sinh nào lựa chọn môn Địa lý và sinh học. Thầy Đào Tuấn Đạt, hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh cho biết: 80% học sinh chọn môn Vật lý còn lại là Hóa học.

Cùng tình trạng chung này, trường THPT Kim Liên (Hà Nội) cũng chỉ có khoảng 5 thí sinh đăng ký thi môn Lịch sử.

Thầy Lê Thiết Sơn- Hiệu trưởng trường THPT Kim Liên cho biết: "Năm nay, học sinh chủ yếu dự thi khối A và D, khối C chiếm tỷ lệ nhỏ. Riêng môn Vật lý có tới 500/600 em chọn. Số học sinh thi môn Địa lý nhiều hơn năm ngoái, gồm 100 em. Toàn trường chỉ có khoảng 5 học sinh đăng ký thi môn Lịch sử”.

Thực tế thì kết quả khảo sát này không gây bất ngờ. Bởi trước nay tình trạng học sinh thờ ơ với môn Lịch sử đã nhiều lần được cảnh báo.

Năm 2015 là năm đầu tiên Việt Nam tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để được công nhận tốt nghiệp, nhằm nâng cao chất lượng học sinh. Tuy nhiên, kết quả từ các đợt khảo sát cho thấy tỷ lệ học sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử rất thấp đã phần nào bộc lộ những yếu kém về phương pháp giảng dạy cũng như chương trình sách giáo khoa để đào tạo cho học sinh về môn học này.

Huyền Anh (Năng lượng Mới)

>> Tuyên dương 110 học sinh giỏi Lịch sử Quốc gia

>> GS Phan Huy Lê giải thích vì sao học sinh không 'yêu' môn Sử

>> Nhà sử học Dương Trung Quốc: 'Đừng trách các em…!”

>> PGS. TS Phạm Mai Hùng: “Đâu phải các em không thích học Sử”