Nút thắt 2 thập niên

07:45 | 24/05/2016

2,219 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chỉ tay về phía đoàn người, xe chen chúc đang nhích dần từng mét, ông Học than thở như vừa hỏi vừa tự trả lời: “Hai mươi năm nay tôi chứng kiến cảnh này rồi, phải chăng đây là sự bất lực của chính quyền?!”.

Điểm đen ám ảnh người dân

Gia đình Luật sư Thế Học sống ở Linh Đàm đã mười mấy năm. Ông kể, trước đây, quanh khu hồ sen (Liên Đàm) mênh mông này có nhiều di tích, đền chùa cổ kính vốn rất thanh bình, yên tĩnh. Khi những biệt thự và hơn chục nhà 10 tầng mọc lên giữa bán đảo, Linh Đàm vẫn nổi tiếng là khu đô thị mới kiểu mẫu của Hà Nội. Không khí trong lành, cảnh quan mặt nước, cây cối um tùm mát rượi quanh năm.

Đường Nguyễn Hữu Thọ, con đường huyết mạch rộng gần 30m từ bán đảo ra đường Giải Phóng hình thành vào năm 2000.

Những tưởng đây sẽ là nét vẽ cuối cùng cho bức tranh đô thị xanh mẫu mực của thủ đô. Thế nhưng, chỉ vài căn nhà sát đường Giải Phóng không thể di dời đã khiến nét vẽ ấy thắt lại bề ngang còn chừng 10m, có chỗ chỉ 5-6m, kéo dài 400m dang dở... từ đó đến nay.

Gia đình ông Học có tới 6 người hằng ngày phải đi làm. Nhiều năm liền, quanh mâm cơm chiều chỉ toàn chuyện khó chịu về đường tắc, kẹt xe nơi cửa ngõ bán đảo, đến nỗi đã trở thành nỗi ám ảnh dai dẳng nhất đối với ông.

Kể câu chuyện bức xúc này, gương mặt khắc khổ của ông Học lúc nào cũng đanh lại: “May mà sau khi có đường trên cao chạy qua, mạn chùa Tứ Kỳ và mạn cầu Dậu mở rộng hơn thì còn có lối thoát. Nhưng hiện nay, cư dân bán đảo lại tăng thêm gần bốn chục ngàn nữa, không hiểu bao giờ cái nút cổ chai này mới được tháo gỡ?”.

nut that hai thap nien
Nút thắt Linh Đàm nhìn từ đường Giải Phóng

Là một luật sư, ông đã từng đi tìm hiểu quy hoạch, thậm chí còn lọ mọ đi dò hỏi, điều tra cư dân quanh khu này xem nhà ai làm quan to, thế lực ra sao mà có thể ngáng đường vụ giải phóng mặt bằng này. Cuối cùng ông Học vỡ ra rằng, mấy gia đình ở đó cũng là dân “chân trắng” cả. Họ cũng chẳng muốn ở trong cái nút thắt này để chịu áp lực ba bề bốn bên như vậy. Chỉ là vì không chấp nhận chính sách đền bù nên họ không đi.

“Đã qua bốn đời chủ tịch quận, huyện, nút giao cắt này vẫn là điểm đen giao thông bế tắc nhất thủ đô. Trớ trêu nhất là cả hai đường ra của bán đảo đều là hai nút thắt” - ông Học ngán ngẩm.

Ông Trần Văn Chuyền, trú tại số nhà 26, đường Nguyễn Hữu Thọ là người hằng ngày chứng kiến cảnh “lầm than… khói - bụi” nơi ngã ba này: “Ở đây tắc đường thường xuyên vào buổi chiều. Xe máy thì leo lên hết vỉa hè. Chỗ eo này quá nhỏ, người đi lại thì quá đông nên tình trạng xe va chạm, tai nạn khá nhiều. Việc làm tiếp con đường này quá chậm, người dân chúng tôi chỉ mong sao sớm giải tỏa được ngã ba này”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, từ năm 1994 Thủ tướng Chính phủ và UBND TP Hà Nội đã ban hành hai Quyết định thu hồi đất tại xã Hoàng Liệt (nay là phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) cho Dự án đường giao thông quanh hồ Linh Đàm và mở đường Nguyễn Hữu Thọ. “Nút cổ chai” Linh Đàm thuộc tổ 12, phường Hoàng Liệt có 8.142m2 đất bị thu hồi, liên quan đến 25 hộ dân và hai tổ chức. Đến nay còn lại bốn hộ dân với hơn 3.660m2 chưa giải tỏa được.

Theo lãnh đạo quận Hoàng Mai, mấu chốt của sự chậm trễ này là do những hộ dân trong phạm vi ảnh hưởng dự án không đồng thuận với phương án hỗ trợ, bồi thường, tái định cư, mặc dù quận đã áp dụng đúng khung, quy định chung của thành phố. Thậm chí, quận còn xin ý kiến thành phố, xây dựng phương án đặc thù, theo hướng gia tăng hỗ trợ, nhưng vẫn không nhận được sự đồng tình.

Như vậy, 400m đường cuối cùng của con đường này nối với đường Giải Phóng đã gần hai thập niên nay thách thức lưu thông của hơn ba vạn dân trong bán đảo. Ngoài mặt cắt đường bị co hẹp hơn một nửa, giao thông ở đây còn bị tác động lớn từ ba tuyến xe buýt và hệ thống đường sắt chắn ngang với mỗi ngày hàng chục chuyến tàu chạy qua.

Nhìn dòng người, xe chen chúc căng thẳng tại đây, không ai không bức xúc. Ngoài thiệt hại vô hình về thời gian của người tham gia giao thông thì thiệt hại về kinh tế do tắc đường gây ra là rất đáng kể.

Một tài xế taxi nhẩm tính, mỗi ngày, lượng nhiên liệu bị hàng chục ngàn loại xe đốt lãng phí ở ngã ba này vào giờ cao điểm “bỏ rẻ” cũng khoảng 50 triệu đồng. Đây là con số ước đoán, bởi số thực khó ai có thể kiểm chứng. Như vậy, 20 năm qua, chừng khoảng 35 ngàn tỉ đồng đã bốc hơi vô ích ở nút cổ chai Linh Đàm. Đó là chưa tính đến thiệt hại sức khỏe, tinh thần do áp lực giao thông và ùn tắc gây ra.

nut that hai thap nien
Cảnh tắc đường ngày nào cũng xảy ra nơi cửa ngõ ra vào của bán đảo Linh Đàm - đường Nguyễn Hữu Thọ ra đường Giải Phóng

Trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng nói Việt Nam hôm 15-3-2016, Trung tá Nguyễn Đức Thịnh, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông số 14 (Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội) tặng cho điểm giao cắt Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng cái tên “nút thắt cổ chai đặc biệt”: “Khi mỗi chuyến tàu chạy qua, lưu lượng từ Nguyễn Hữu Thọ đổ ra tuyến đường Giải Phóng hai chiều rất đông. Cho nên điều phối giao thông ở tuyến đường này rất vất vả. Vì những chuyến tàu, vì những đường hẹp kéo dài nên hễ chúng tôi mở chỗ này lại ùn tắc chỗ khác. Đây là điều bất khả kháng đối với lực lượng cảnh sát giao thông”.

Giữa tháng 5, mùa hè nóng nực sắp tới, chúng tôi lại tìm gặp Trung tá Nguyễn Đức Thịnh để hỏi về việc đối phó với “cái bàn cờ rối loạn” nút thắt này. Ông than, lực lượng chức năng trên địa bàn phường Hoàng Liệt đã phải rất vất vả vào những giờ cao điểm. Có những hôm vào giờ cao điểm có đến 7 chuyến tàu chạy qua, việc các phương tiện giao thông khác phải nhường đường cho tàu càng làm cho tình trạng ùn tắc giao thông khó kiểm soát.

Ngày nào Đội cũng cắt cử người túc trực ba ca từ 6 giờ đến 22 giờ cùng với sự hỗ trợ thêm của 2 đồng chí cảnh sát trật tự, 3 đồng chí lực lượng tự quản của phường trong giờ cao điểm để tăng cường chống ùn tắc, điều hành giao thông tại đây. Cơ quan chức năng cũng xắn tay áo, cho cắm biển báo cấm ôtô theo hướng từ Giải Phóng rẽ vào Nguyễn Hữu Thọ trong hai khung giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều.

“Vừa qua, Đội cũng đã đề xuất lên Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Ban An toàn giao thông quận Hoàng Mai tổ chức lại giao thông trên tuyến đường bằng cách phối hợp với ga Giáp Bát, phối hợp với Tổng cục Đường sắt điều chỉnh giờ tàu cao điểm” - Trung tá Thịnh cho biết.

Chính quyền còn nợ dân câu trả lời?

Để tìm hiểu vì sao đoạn đường 400m không được giải tỏa bàn giao cho đơn vị thi công, chúng tôi đã tìm đến một trong những thân chủ chưa chịu bàn giao đất cho dự án - ông Nguyễn Đại Phong.

Ông Phong chẳng giấu nỗi bức xúc: “Tất cả các hộ dân còn lại đều đồng nhất với phương án quy hoạch đô thị để giảm ùn tắc giao thông Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng. Các hộ dân nơi đây luôn sẵn sàng di dời, bàn giao mặt bằng để thi công phần dở dang của tuyến đường, tuy nhiên, hơn 10 năm nay do chưa có sự thống nhất được giá cả đền bù giữa doanh nghiệp đầu tư với người dân nên chúng tôi chưa thể di rời”.

Ông cho rằng: “Các cơ quan chức năng không công khai quy hoạch, không có bản đồ dải thửa diện tích đất cụ thể bị thu hồi, việc thu hồi và đền bù có dấu hiệu đánh đồng, thu hồi quá diện tích. Việc thu hồi làm đường đến đâu thì phải có mốc, chỉ giới đường đỏ rõ ràng. Cái điều người dân muốn biết rõ thì hội đồng giải phóng mặt bằng lại úp mở… Sự kiểm kê về diện tích đất, định giá giá trị đất tại thời điểm hiện tại nghe cũng không lọt tai vì không thể mua được một chỗ ở mới. Chúng tôi hiện ở trong tình cảnh đi không được ở cũng chẳng xong. Đây chính là một trong những lý do điểm nút giao thông Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng tắc vẫn hoàn tắc”.

Với bà Nguyễn Thị Trực, cũng là một trong những hộ dân của tổ 12 thì: “Lúc đầu có quyết định gia đình tôi bị thu hồi toàn bộ đất đang ở với hơn 300m2 đất, nhưng chỉ được bồi thường 52 triệu đồng và không được tái định cư. Khi đó chúng tôi rất hoang mang với hơn 10 nhân khẩu, không biết tới đây gia đình sẽ sống như thế nào? Với số tiền đấy gia đình tôi không thể mua được một chỗ ở mới. Về sau lại có văn bản đồng ý cấp đất tái định cư và được đền bù 9,8 triệu đồng/m2… Chính sách, văn bản mà quận Hoàng Mai đưa ra cứ tréo ngoe khiến người dân chẳng biết lối nào mà lần”.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Lan, Bí thư Chi bộ một cụm dân cư ở khu Linh Đàm tâm tư: “Nhiều năm qua, không chỉ cư dân Linh Đàm bức xúc. Trong các cuộc họp của các cấp chính quyền địa phương, việc giải phóng nút thắt này luôn được quan tâm, nhưng vẫn tồn tại như một nan đề mà chính quyền còn nợ dân câu trả lời”.

Bà Lan, ông Học và nhiều cán bộ ở địa phương đều biết, cách nay gần 2 năm, ngày 14-7-2014, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký Quyết định số 3758/QĐ-UBND, phê duyệt quy hoạch chi tiết khu đô thị Nam hồ Linh Đàm, tỷ lệ 1/500, trên địa bàn phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai). Trước đó, đã nhiều quyết định được đưa ra với hiệu lực thi hành thấp không khỏi khiến một số người dân ngờ vực về kết quả cuối cùng, nhưng đa số người dân Linh Đàm vẫn tin rằng Hà Nội không thể “bó tay” trước ngã ba nhỏ bé này, trong khi hàng chục dự án giao thông lớn nhỏ và khu đô thị mới ở thủ đô vẫn đang được dựng lên theo dòng thời gian.

Nhiều năm qua, có thể nói, báo chí đã tốn rất nhiều giấy mực, chính quyền các cấp cũng đã tích cực vào cuộc với hàng trăm cuộc họp, hàng chục văn bản chỉ đạo, quyết định đã được ban hành, nhưng kết quả cuối cùng thì vẫn bế tắc.

Sự bế tắc nằm ở chỗ không đồng thuận được giữa người dân và các cơ quan chức năng về phương án, chính sách đền bù để giải phóng mặt bằng. Lúc thì vướng ở các cơ quan chức năng với chính quyền, cấp dưới với cấp trên; lúc lại mắc ở người dân với liên ngành của thành phố.

20 năm, số tiền giải phóng mặt bằng được đưa ra nay đã thay đổi, tăng lên gấp hàng trăm lần dự toán ban đầu, phương án đền bù cũng thay đổi vài ba lần, nhưng nút thắt này vẫn tồn tại như một thách thức.

Vài chục tỉ đồng đền bù giải phóng mặt bằng so với hàng ngàn tỉ đồng thiệt hại mỗi năm do ách tắc giao thông quả là con số đáng phải suy ngẫm.

Điều đáng lo ngại hơn, từ năm 2015 đến nay, tổ hợp chung cư HH với 12 tòa tháp 36-41 tầng ở cửa ngõ bán đảo Linh Đàm đã hoàn thiện và đi vào hoạt động với số dân cư mới khoảng 30 ngàn người. Dân ở đây thường mỉa mai gọi là “chung cư tổ kiến”. Dự báo dân số của toàn khu đến 2017 sẽ khoảng 80 ngàn.

Mật độ cư dân đột ngột tăng gần gấp ba đã phá vỡ mọi tính toán của các nhà quy hoạch. Giờ đây, bán đảo Linh Đàm đã không còn yên tĩnh nữa và áp lực từ giao thông, môi trường đến hạ tầng đang gia tăng từng ngày.

Về phía chính quyền, khi chúng tôi tìm đến phường Hoàng Liệt, lãnh đạo UBND đã giao cho ông Nguyễn Văn Hà, cán bộ giao thông đô thị phường Hoàng  Liệt trả lời thắc mắc của chúng tôi. Mặc dù đã cố gắng tìm kiếm lời giải từ ông Hà, song chúng tôi cũng chỉ nhận được từ ông những thông tin rất chung chung và “xưa như trái đất”: “Đoạn thắt tiếp giáp hai đường Nguyễn Hữu Thọ và Giải Phóng có chiều dài khoảng 400m, nằm trong Dự án vành đai hồ Linh Đàm giai đoạn 1 đã triển khai từ năm 1999 đến nay vẫn chưa được thực hiện xong.

Đoạn đường này “thắt nút cổ chai” với lưu lượng mật độ giao thông rất lớn, lại thêm điểm gác ghi chắn tàu hỏa tuyến đường sắt Bắc - Nam nên ảnh hưởng đến việc di chuyển của các phương tiện tham gia giao thông".

Ông Hà cho biết thêm, dự án vành đai 3 cầu Thanh Trì đoạn qua Hoàng Liệt đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2010. Vậy mà đã qua hơn 5 năm vẫn chưa được đấu nối điểm đầu phố Hoàng Liệt và phố Linh Đường thông ra ngã ba Pháp Vân trên đường Giải Phóng chỉ vì… vướng đường sắt. Hằng ngày vào giờ cao điểm học sinh và phương tiện giao thông thường xuyên bị ùn tắc tại điểm “tam lộ” giao nhau vừa hẹp vừa ngoắt ngoéo này - “nút cổ chai” thứ hai của bán đảo Linh Đàm.

“UBND phường Hoàng Liệt đã nhiều lần có công văn đề nghị lên UBND quận Hoàng Mai và UBND TP Hà Nội sớm chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện khớp nối hạ tầng giao thông trên các tuyến đường trên, để đảm bảo việc đi lại cho các phương tiện giao thông, tránh ùn tắc như hiện nay” - ông Hà khẳng định.

“Đô thị mới Linh Đàm đã có thời nổi lên như một mô hình tiêu biểu về nhà ở cao tầng của người dân Hà Nội, là khu đô thị kiểu mẫu để nhân rộng tại các đô thị ở nhiều địa phương trên cả nước. Thời ấy nay còn đâu!

Được biết, gần đây UBND TP Hà Nội lại có văn bản yêu cầu quận Hoàng Mai quyết liệt giải phóng mặt bằng dự án này và việc khơi thông điểm nghẽn tại đường Nguyễn Hữu Thọ sẽ được khởi công trở lại vào đầu năm 2016. Nhưng nay đã là tháng 5-2016, tất cả vẫn im ắng!

Điều mong ước giản dị và chính đáng của những người dân nơi đây xem chừng còn nhiều gian nan, trắc trở.

Thói quen xấu xí

Ùn tắc giao thông ở Hà Nội đã trở thành nỗi ám ảnh triền miên của người dân Hà Nội. Vào giờ cao điểm, hàng chục tuyến đường của thủ đô thường xuyên kẹt cứng, cho dù lực lượng cảnh sát giao thông, dân phòng được huy động tối đa.

Tại ngã tư đã có đèn tín hiệu giao thông mà vẫn phải cần tới 4-5 chiến sĩ cảnh sát giao thông cầm gậy để ngăn dòng xe cộ lấn đường, “vượt rào”.

Trong dòng xe cộ chật trội, ai cũng cố len lên trước người khác cho bằng được. Người tuân thủ luật lệ, người biết nhường đường thì luôn bị chậm chân, bị chèn ép. Người ta luôn sẵn sàng phi xe lên vỉa hè và lấn làn đường một cách vô tư, điều này thậm chí đã dần trở thành thói quen của rất nhiều người dân thủ đô vốn có tiếng thanh lịch.

Những tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc có thể kể như: Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến, Cầu Giấy, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng, Chùa Bộc, Nguyễn Thái Học, Giải Phóng, Trường Chinh…

Trong dòng người di chuyển ngột ngạt, ken kín mặt đường đó, chỉ cần một sự cố va chạm hay một người đi ngang ngược, thiếu ý thức là khiến hàng ngàn người khác cùng “chôn chân” chịu hậu quả. Điều này tiếc thay lại xảy ra hàng ngày, như cơm bữa.

Mặc dù thành phố đã mở rộng thêm nhiều tuyến đường, dựng lên hàng chục cây cầu cạn, cầu vượt và hầm chui, nhưng dường như vẫn chưa thể giảm mật độ giao thông trên các tuyến đường đang mỗi ngày phải “gánh” tới gần 4 triệu lượt lưu thông của xe máy và 500 ngàn xe ôtô. Số phương tiện này tăng thêm mỗi năm từ 10-15%. Hàng chục dự án giao thông trọng điểm đã được triển khai từ 2011 đến nay cùng việc thực hiện đồng bộ các giải pháp cấp bách với các giải pháp lâu dài trong phát triển giao thông của thủ đô, nhưng thực tế cho thấy các “điểm đen” giao thông vẫn tồn tại một cách hết sức nhức nhối.

Xác định tình trạng ùn tắc giao thông thực sự chưa được cải thiện, tồn tại nhiều bất cập, bộc lộ sự yếu kém trong tổ chức giao thông, phân làn, luồng xe của cơ quan quản lý, UBND thành phố đưa ra mức dự kiến tổng kinh phí để thực hiện Chương trình giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2016 - 2020, là 2.167 tỉ đồng và được phân bổ chi tiết theo từng năm. Không thể phủ nhận những nỗ lực của chính quyền trong việc áp dụng các biện pháp xử lý ùn tắc giao thông của Hà Nội.

Tuy nhiên, trong tình trạng số lượng phương tiện cơ giới đường bộ tăng nhanh gấp nhiều lần so với tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt vẫn diễn biến phức tạp và hàng chục dự án giao thông đang còn xây dựng dở dang... thì ý thức chấp hành luật của người khi tham gia giao thông chính là mấu chốt của tình trạng tắc đường hiện nay.

Tiến Dũng - Nguyễn Hoan

Năng lượng Mới 525