Người dân thờ ơ với cúm A/H7N9

12:10 | 12/04/2013

1,209 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trong khi các cơ quan chức năng Việt Nam đang “tích cực chủ động phòng chống dịch cúm A/H7N9” vì lo ngại dịch sẽ tràn vào lãnh thổ, thì nhiều người dân Hà Nội vẫn khá thờ ơ trước dịch bệnh nguy hiểm này.

>> Hà Nội trước nỗi lo dịch cúm A H7N9

>> Bộ Y tế sẽ sớm ban hành phác đồ điều trị cúm A/H7N9

Người bán: Không xem, không biết, không quan tâm

Dạo một vòng quanh các chợ Dịch Vọng, Phùng Khoang, Hà Đông…trên địa bàn Hà Nội, đều dễ nhận thấy tình trạng buôn bán gia cầm không rõ nguồn gốc vẫn diễn ra tấp nập. Nói là "không rõ nguồn gốc" nhưng thực chất đa số gà thải loại được nhập lậu, có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Tại chợ Phùng Khoang, giá thịt gà hiện bán tại chợ phổ biến ở mức: gà ta lông giá từ 120.000 – 140.000 đồng/kg, gà ta làm sạch 150.000 – 180.000 đồng/kg, gà công nghiệp 65.000 – 80.000 đồng/kg, gà mía còn lông 80.000 – 90.000 đồng/kg.

Khi được hỏi về dịch cúm A/H7N9, một số người bán thịt gia cầm tại chợ Hà Đông (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Cũng thấy nghe trên báo đài mấy hôm nay nói về cái dịch cúm gia cầm có cái tên là gì ấy. Nhưng thấy bảo đó là ở nước khác, chứ có phải ở mình đâu mà lo với ngại”.

Điều đáng nói là tất cả các hàng bán thịt gia cầm ở các chợ khi được hỏi đều chỉ nói qua loa về nguồn gốc gia cầm là “gà quê”, nhưng người mua vẫn  khá đông.

Gà nhập lậu tràn lan thị trường là nguy cơ rất lớn lây lan dịch cúm A/H7N9.

“Suốt ngày cắm mặt vào mấy sọt gà vịt, thời gian đâu mà quan tâm đến tin tức nọ kia. Cái dịch cúm gia cầm mà anh vừa nhắc tôi chưa nghe thấy bao giờ. Nếu nó nguy hại thì đã thấy bà con bà con buôn bán trong chợ xôn xao bàn tán, nhưng có thấy gì đâu. Gà vịt của tôi đều được mua tại các trang trại dưới quê, con nào con ấy “tươi hơn hớn” thế này thì làm gì có bệnh. Gà làm sẵn mới lo chứ gà còn gà “sống” thế này thì đảm bảo 100% khỏe mạnh…” - một tiểu thương tại chợ Dịch Vọng cho biết.

Tại các hàng bán thịt gia cầm làm sẵn ở chợ Dịch Vọng. không khí mua bán vẫn hết sức nhộn nhịp. Theo quan sát của phóng viên, phần lớn gà không có dấu kiểm dịch, không có nguồn gốc rõ ràng.

Người tiêu dùng thờ ơ

Mặc dù nhận thức của người tiêu dùng về nguy cơ dịch cúm thì rõ ràng hơn, hầu hết đã nghe thông tin qua báo đài. Nhưng với họ, dịch cúm là một chuyện, còn việc ăn gà thì vẫn... ăn.

Người dân không nên sử dụng các loại gia cầm không rõ nguồn gốc.

 

Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn tỏ ra thờ ơ với bệnh dịch nguy hiểm đến tính mạng này. Bác Nguyễn Thị Hạnh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, hàng ngày bác vẫn mua thịt gà về làm thức ăn cho gia đình, hiện nay “vẫn chưa có vấn đề gì”.

"Từ trước đến nay tôi vẫn tin tưởng vào việc mua hàng quen, hoặc kỹ năng chọn gà. Tôi chỉ mua gà ở hàng quen, vậy nên chủ hàng luôn chọn cho những con gà tươi ngon. Cũng nghe báo đài nói về nguy cơ khi sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc. Nhưng đã là khách quen thì chả ai người ta lấy hàng Trung Quốc ra bán cho mình...”, bác Hạnh cho biết.

Ghi nhận tại các nhà hàng, quán ăn chuyên kinh doanh thịt gà, quán lẩu gia cầm vẫn đông nghịt khách. Cả người bán lẫn người ăn đều tỏ ra vô tư, ít quan tâm tới dịch cúm.

Anh Chung (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Mấy hôm nay thời tiết Hà Nội đột nhiên trở lạnh, nên nhóm bạn tôi tối nào cũng tụ tập đi ăn lẩu. Món lẩu gà luôn là lựa chọn được ưa thích. Cũng nghe về dịch cúm gia cầm ở Trung Quốc, nhưng nếu Việt Nam có bị ảnh hưởng thì mình là người tiếp xúc với thịt chín nên chả sợ. Chỉ những người trực tiếp giết mổ mới phải lo thôi”.

Còn chị Bích (Thanh Xuân, Hà Nội) lại cho rằng: “Tôi mua hay được cho gà, vịt thì cũng mang ra hàng, người ta làm lông sạch sẽ. Mình chỉ mang về chế biến chín là được, vi trùng vi khuẩn gì cũng chết hết”.

Bạn Huế – sinh viên Đại học Thành Tây khách hàng tại gian thịt gà trong chợ Vồ (Hà Đông) nói: "Đây đâu phải đợt dịch đầu tiên nên em nghĩ không đáng sợ, hơn nữa vẫn chưa xảy ra ở Việt Nam, ăn thịt gà so với các loại thịt khác rẻ hơn nên em vẫn mua".

Khi được hỏi về việc quan tâm nguồn gốc và kiểm dịch gia cầm trước khi mua hàng, bạn Oanh nói: "Ít khi em hỏi về nguồn gốc vì thấy như vậy phiền mà hơi kỳ, chủ hàng họ còn mắng cho".

Tính đến thời điểm này, số bệnh nhân nhiễm virus cúm A/H7N9 tại nước láng giềng Trung Quốc đã lên tới con số 24, trong đó 7 người tử vong. Đến nay, chưa có bằng chứng chỉ ra loại virus này có thể lây truyền từ người sang người.

Nguy cơ dịch bệnh có thể xâm nhập vào Việt Nam bất kì lúc nào, vì vậy để bảo vệ sức khỏe của chính mình cùng những người thân gia đình, người tiêu dùng Việt Nam hãy biết nói “không” với những thực phẩm không rõ về nguồn gốc.

 

Nguyễn Hoan