Bản tin Năng lượng xanh: Mỹ, Nhật Bản công bố hợp tác thúc đẩy phản ứng nhiệt hạch hạt nhân

14:09 | 13/04/2024

Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hôm thứ Tư (10/4), Mỹ và Nhật Bản đã công bố quan hệ đối tác chung nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển và thương mại hóa phản ứng nhiệt hạch hạt nhân.
Bản tin Năng lượng xanh: Mỹ, Nhật Bản công bố hợp tác thúc đẩy phản ứng tổng hợp hạt nhân

Mỹ, Nhật Bản công bố hợp tác thúc đẩy phản ứng tổng hợp hạt nhân

Mối quan hệ hợp tác này được công bố khi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ở Washington để dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Hôm thứ Ba, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ David Turk và Bộ trưởng Giáo dục, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản Masahito Moriyama đã gặp nhau tại Washington để thảo luận về phản ứng nhiệt hạch.

Bộ Năng lượng Mỹ cho biết, mối quan hệ hợp tác sẽ tập trung vào những thách thức khoa học và kỹ thuật trong việc cung cấp phản ứng nhiệt hạch thương mại và mở rộng hoạt động giữa các trường đại học Hoa Kỳ và Nhật Bản, các phòng thí nghiệm quốc gia và các công ty tư nhân.

Các nhà khoa học, chính phủ và các công ty đã cố gắng trong nhiều thập kỷ để khai thác phản ứng nhiệt hạch, phản ứng hạt nhân cung cấp năng lượng cho mặt trời, để cung cấp năng lượng điện không có carbon. Phản ứng này có thể được tái tạo trên Trái đất bằng nhiệt và áp suất bằng cách sử dụng tia laser hoặc nam châm để hợp nhất hai nguyên tử nhẹ thành một nguyên tử đậm đặc hơn, giải phóng một lượng lớn năng lượng. Không giống như các nhà máy chạy bằng phản ứng phân hạch hoặc phân tách nguyên tử, các nhà máy nhiệt hạch thương mại, nếu được xây dựng, sẽ tạo ra rất ít chất thải phóng xạ tồn tại lâu dài.

Cuối năm ngoái, Nhật Bản đã thành lập một diễn đàn công nghiệp nhiệt hạch để thương mại hóa công nghệ này với sự tham gia của các công ty kỹ thuật và năng lượng. Diễn đàn dự kiến ​​sẽ đưa ra khuyến nghị cho Chính phủ Nhật Bản về các tiêu chuẩn an toàn và công nghệ, đồng thời đóng vai trò là đầu mối liên lạc cho các dự án ở nước ngoài.

Một nhóm công nghiệp nhiệt hạch đã ca ngợi sự hợp tác này. Andrew Holland, người đứng đầu Hiệp hội Công nghiệp Fusion có trụ sở tại Washington, cho biết sự kết hợp này rất quan trọng, các quốc gia có cùng chí hướng nên hợp tác hướng tới mục tiêu chung.

Tháng 12/2023 tại Dubai, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về khí hậu khi đó là ông John Kerry đã đưa ra một kế hoạch quốc tế với sự tham gia của 35 quốc gia nhằm thúc đẩy phản ứng nhiệt hạch.

Nhật Bản hợp tác với Mỹ để cắt giảm chi phí điện gió ngoài khơi

Trong một tuyên bố được đưa ra nhân chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Fumio Kishida, trong cuộc gặp Tổng thống Joe Biden, Nhà Trắng cho biết Nhật Bản đã nhất trí hợp tác với Mỹ để giúp giảm chi phí của các dự án điện gió ngoài khơi,

Tuyên bố cho biết, theo thỏa thuận, Nhật Bản và Mỹ sẽ hợp tác để đẩy nhanh sự phát triển về kỹ thuật, sản xuất và các lĩnh vực khác liên quan đến trang trại gió nổi,. Tokyo sẽ đóng góp 120 tỷ yên (784 triệu USD) để phát triển công nghệ gió nổi thông qua Quỹ Đổi mới Xanh.

Mỹ đã đặt mục tiêu lắp đặt 15 gigawatt công suất gió nổi ngoài khơi vào năm 2035 - đủ để cung cấp năng lượng cho hơn 5 triệu ngôi nhà - để giúp thay thế nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất điện và chống biến đổi khí hậu.

Kế hoạch của Mỹ cũng kêu gọi cắt giảm hơn 70% chi phí lắp đặt hệ thống điện gió ngoài khơi hoạt động ở vùng nước sâu xuống còn 45 USD/MWh trong thập kỷ tới. Việc lắp đặt năng lượng gió nổi thường lớn hơn và tốn kém hơn so với các cấu trúc cố định ở đáy.

Trung Quốc cho rằng cuộc điều tra của EU về trợ cấp cho các nhà cung cấp tuabin gió của Trung Quốc cản trở sự hợp tác giữa Trung Quốc và châu Âu

Hôm thứ Năm (11/4), quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết các cuộc điều tra trợ cấp do Liên minh châu Âu (EU) khởi xướng đã can thiệp vào sự hợp tác cùng có lợi giữa Trung Quốc và châu Âu và Trung Quốc kiên quyết phản đối điều này.

Trong động thái mới nhất liên quan đến Trung Quốc, Liên minh châu Âu cho biết họ sẽ điều tra các khoản trợ cấp cho các nhà cung cấp tua-bin gió của Trung Quốc xuất khẩu vào các nước thành viên EU .

Phát biểu này được đưa ra khi người đứng đầu Cục Phòng vệ Thương mại của Bộ Thương mại Trung Quốc có cuộc gặp với Martin Lukas, Tổng Giám đốc Cơ quan phòng vệ thương mại của Ủy ban Châu Âu, tại Brussels.

Tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng các cuộc điều tra do EU tiến hành cho đến nay đều nhằm vào các doanh nghiệp liên quan đến năng lượng mới của Trung Quốc, việc này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin của các công ty Trung Quốc trong việc thực hiện hợp tác đầu tư và thương mại tại EU

Quan chức thương mại Trung Quốc cho biết đây là cuộc điều tra thứ tư do Liên minh châu Âu khởi xướng trong hai tháng qua, sử dụng luật trợ cấp nước ngoài chống lại các công ty Trung Quốc.

Quan chức Trung Quốc cho rằng trong quá trình điều tra, EU “cố ý bóp méo định nghĩa về trợ cấp và các tiêu chuẩn thủ tục không công khai và minh bạch, đây là hành động bảo hộ gây tổn hại đến sân chơi bình đẳng dưới danh nghĩa cạnh tranh công bằng”.

Trước đó, hôm thứ Ba (9/4), Giám đốc Cạnh tranh của EU Margrethe Vestager cho biết Ủy ban châu Âu đang điều tra các điều kiện để phát triển các Công viên gió ở Tây Ban Nha, Hy Lạp, Pháp, Romania và Bulgaria mà không cung cấp thông tin chi tiết về lý do tại sao các quốc gia này được nêu tên./.

Thanh Bình

Reuters

  • vietinbank
  • bao-hiem-pjico
  • rot-von-duong-dai-agri
  • vpbank