Đỗ gần 100% - Thi làm gì?

10:14 | 18/06/2014

892 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cho đến nay, nhiều địa phương trên cả nước đã chính thức công bố kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2014 với tỷ lệ cao hơn hẳn năm 2013. Theo bình luận của các chuyên gia, kỳ thi quả là không có mục tiêu đánh trượt học sinh nhưng cũng không mấy tác động tích cực trở lại quá trình dạy học và đặt vấn đề nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp này.

Tỷ lệ đỗ lại kịch kim

Ngày 17/6, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đã có báo cáo sơ bộ về kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Cụ thể: tỷ lệ tốt nghiệp của 46 tỉnh, thành của cả nước: giáo dục THPT là 99,01% (năm 2013 là 98,97%); giáo dục thường xuyên (GDTX) là 86,97% (năm 2013 là 78,08%). Nhiều tỉnh có tỷ lệ đỗ cao như Nam Định 99,94%; Quảng Bình với 99,32%; Bến Tre 99,67%; Sóc Trăng 99,59%; Quảng Ngãi 98,48%; Lâm Đồng 98,83%...

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp tại điểm thi THPT Cầu Giấy

Theo Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Mai Văn Trinh, kết quả này phản ánh những điều chỉnh, đổi mới của kỳ thi năm nay đã có tác động tích cực, nâng cao chất lượng đánh giá công nhận tốt nghiệp THPT. Tỷ lệ đậu tốt nghiệp cao theo Bộ GD-ĐT còn là do việc kết hợp sử dụng kết quả thi 4 môn thi với kết quả học tập tất cả các môn của lớp 12 để xét công nhận và xếp loại tốt nghiệp. Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng có nhiều đổi mới về đề thi theo hướng tăng cường câu hỏi đòi hỏi vận dụng kiến thức tổng hợp để giải quyết vấn đề thay vì chỉ ghi nhớ, trả lời theo khuôn mẫu có sẵn.

Tỷ lệ đỗ siêu cao như thế này không còn là điều hiếm gặp trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT mà đã được các chuyên gia giáo dục dự báo nhiều năm nay; thậm chí đã có ý kiến cho rằng nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp để tránh lãng phí và không phản ánh thực chất dạy và học. Trong bối cảnh đó, Bộ GD-ĐT vẫn giữ nguyên quan điểm không nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT mà nên đổi mới kỳ thi này sao cho “nghiêm túc, công bằng và thực chất”.

Thế nhưng, trong suốt quá trình diễn ra kỳ thi, những tiêu cực, sai phạm tại một số hội đồng thi như tại trường THPT Cầu Giấy, Hà Nội và Hội đồng thi trường THPT Trưng Vương, Văn Lâm, Hưng Yên hay một số hình ảnh, video clip nghi sai phạm tại Hội đồng thi trường THPT Nam Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đã cho thấy, kỳ thi tốt nghiệp THPT chưa  nghiêm túc. Đấy là chưa kể tới khả năng "ưu ái" kết quả đánh giá, kiểm tra trong năm lớp 12 của các thầy cô để “giúp” học sinh đỗ tốt nghiệp.

Những tiêu cực trong kỳ thi khiến dư luận băn khoăn, lo lắng, bởi với tỷ lệ như trên thì liệu rằng, một kỳ thi quốc gia như thế này đã phản ánh đúng thực chất quá trình giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh hay không? Và liệu kỳ thi này có đủ tin cậy để Bộ GD-ĐT lấy đó làm căn cứ để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) hay chưa?

Đã đến lúc nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT?

Trước tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT quá cao, PGS Văn Như Cương (Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh) nhận định tổ chức một kỳ thi vất vả, tốn kém mà chỉ để loại vài chục thí sinh thì quá lãng phí sức người, sức của. PGS phân tích: “Nên xét tốt nghiệp cũng là một ý kiến hay bởi nếu để nhà trường tự xét thì tỷ lệ tốt nghiệp không phải là tuyệt đối vì thầy cô biết được sức học của học sinh như thế nào”.

PGS Văn Như Cương cũng nhớ lại, khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân thực hiện đổi mới giáo dục, kết quả tốt nghiệp THPT chỉ đạt dưới 70% và tỷ lệ này được đánh giá là phản ánh đúng thực chất. Ngay cả Hà Nội, cách đây khoảng 10 năm cũng chỉ có vài trường THPT đạt tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100%, tỷ lệ này năm nay có tới 92 trường trên tổng số 230 trường.

GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng bày tỏ quan điểm, với tỷ lệ đậu gần 100% như vậy thì không cần thiết phải tổ chức kỳ thi quốc gia mà nên giao địa phương tổ chức.

Còn theo TS Nguyễn Tùng Lâm (Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng), tỉ lệ đỗ cao, không phản ánh được chất lượng của giáo dục. Thực tế, bên cạnh những học sinh có ý thức tự giác, lo lắng cho việc học vẫn còn một số lượng khá lớn học sinh không tự giác, không lo học. Băn khoăn lớn nhất của các nhà giáo là học sinh mất động lực học.

TS Nguyễn Tùng Lâm băn khoăn: “Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp rất cao, thi cử rầm rộ mà chẳng loại được mấy ai, 99% em học hết lớp 12 là đỗ tốt nghiệp như thế này không tác động được đến sự cố gắng của học sinh, việc dạy học còn lâu mới đạt tới thực chất”.

Đề cập đến việc có nên bỏ thi tốt nghiệp THPT, trong cuộc họp sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT là phương án Bộ GD-ĐT chưa tính đến trong năm học tới.

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng tái khẳng định chắc chắn không bao giờ bỏ kỳ thi tốt nghiệp dù có nhiều dư luận cho rằng với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao như hiện nay thì kỳ thi này không có nhiều ý nghĩa trong việc đánh giá học sinh.

Vương Tâm