Truyền hình thực tế: Đổi mới hay là tắt (!?)

19:00 | 25/12/2013

1,092 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Các game show ngày càng chán ngán và tẻ nhạt. Lượng khán giả qua từng mùa đang ngày càng sút giảm. Đã đến lúc nhà sản xuất cũng như nhà đài cần có động thái tích cực để các chương trình mới mẻ hơn và sáng tạo hơn. Phải sản xuất những chương trình thực tế nhân văn, ý nghĩa hay đơn giản là giải trí lành mạnh đến với công chúng. Nếu không chẳng còn bao lâu nữa, truyền hình thực tế sẽ bị khán giả quay lưng.

Càng về sau càng nhạt

Cách đây mấy năm, khi các chương trình truyền hình thực tế bắt đầu lên sóng đã tạo ra làn gió mới trong làng giải trí Việt. Không những công chúng hồ hởi đón nhận mà các sao cũng nhiệt tình tham gia để được điểm mặt chỉ tên hằng ngày trên sóng truyền hình. Nhưng tiếc rằng, việc lạm dụng quá mức, khai thác ồ ạt, đua nhau làm đã khiến cho các chương trình đang ngày càng nhạt dần.

Mới đây thôi trong đêm chung kết “The Voice”, thí sinh Thảo My đã lên ngôi trong sự ngỡ ngàng của nhiều khán giả. Thực tế sân khấu cho thấy, cô là thí sinh “đuối nhất” trong đêm chung kết. Điều này đã khiến cho không ít khán giả đặt câu hỏi có hay không việc sắp xếp kết quả của cuộc thi? Nhưng thực tế trong 4 thí sinh lọt vào vòng chung kết, khó để chọn ra cá nhân nào xuất sắc bởi không có ai thực sự nổi bật. Và so với 3 thí sinh đã từng quen với sân khấu biểu diễn thì lựa chọn Thảo My là biện pháp an toàn hơn cả đối với nhà sản xuất. Trước đó, quán quân của “Vietnam Idol” mùa thứ 4 hay “Vietnam’s Got Talent” mùa thứ 2… cũng được trao cho những chiến thắng chưa thực sự thuyết phục.

Thảo My đăng quang "The Voice"

Có lẽ không khó để lý giải chuyện này. Khi mà các cuộc thi hát diễn ra với tần suất dày đặc thì tài năng… ở đâu ra? Đến mức những cuộc thi trước còn ngại hoặc hạn chế những thí sinh đã từng có thời gian “làm quen” với sân khấu để đảm bảo tiêu chí tìm kiếm những tài năng tiềm ẩn. Thì nay, vơ bèo vạt tép khiến cho nhiều thí sinh có “chuyên môn đi thi”, vì nhảy từ cuộc thi này sang cuộc thi khác. Không khó để tìm thấy những gương mặt quen của “Vietnam’s Got Talent” trên sân khấu của “Giọng hát Việt”, hay thí sinh “Vietnam Idol” trên sân chơi của “The Voice”... Vì thế nên không ít những quán quân đăng quang rồi… lặn mất tăm. Nếu xét về hiện tượng thì có thể thấy chưa bao giờ, chúng ta lại có đội ngũ nghệ sĩ trẻ hùng hậu đến thế. Liên tục các quán quân được vinh danh và nghiễm nhiên danh chính ngôn thuận được bước vào thế giới showbiz. Chỉ tiếc một điều rằng, cho đến nay những gương mặt trụ lại được, có tên có tuổi thực hiếm.

Thực tế các chương trình đều không thoát ra được tình trạng chỉ thu hút mùa đầu, còn nhạt dần về sau. Khi đã nhạt thì BTC chương trình lấp liếm bằng những chiêu trò của nghệ sĩ hay những màn tung hứng đánh lạc hướng khán giả của những giám khảo... Bằng chứng là sau 5 mùa thì “Vietnam Idol” đã giảm độ nóng, “Giọng hát Việt” mới chỉ mùa thứ 2 mặc dù đã thay đội ngũ giám khảo có “máu mặt” nhưng vẫn hết nhạt. Đến giờ thì chương trình nào “vớ” được những tài năng thực sự thì là… may mắn, còn lại là những màn tranh đấu nhạt nhòa.

Game show phải sáng tạo

Nhìn vào lịch phát sóng của VTV có thể thấy nhà đài đang bị “thao túng” bởi show của các hãng truyền thông tư nhân. Và chính vì chỉ đóng vài trò là một đơn vị cho thuê sóng nên VTV đã không thể kiểm soát được các chương trình truyền hình thực tế. Mà minh chứng rõ nhất là ê-kíp chương trình “Người giấu mặt” đã phải ra mặt xin lỗi và rút kinh nghiệm khi bộ phận truyền thông của nhà sản xuất gửi nhầm một số hình ảnh phản cảm của chương trình ra bên ngoài. Rõ ràng ở đây VTV6 đã không thể “quản” được nhà sản xuất.

Thực tế cho thấy, không chỉ VTV6 mà những chương trình phát trên VTV3… cũng đầy rẫy csandal. Thậm chí, có khán giả đã phải nhận xét rằng “không phải scandal thì không là truyền hình thực tế”. Đành rằng, vì nhiều lý do lợi nhuận và hợp đồng đã ký kết… buộc các nhà sản xuất phải tung nhiều chiêu trò để lôi kéo quảng cáo, tác động đến công chúng. Nhưng hiện tượng scandal ngày tăng theo cấp số nhân và không ít chương trình còn có sự giúp sức của giám khảo, những người cầm cân nảy mực tại cuộc thi đã khiến khán giả ngao ngán.

Cát Tường - Á quân "The Voice 2013"

Nhiều câu hỏi đã từng đặt ra rằng, vì sao có nhiều cuộc thi hát trên truyền hình, vì sao các game show lại chiếm lĩnh sóng truyền hình nhiều như thế, vì sao liên tiếp dính scandal vẫn không bị dừng sóng? Có lẽ câu hỏi này chỉ có nhà đài mới có thể trả lời được. Bởi việc phân chia thời gian việc phát sóng là do nhà đài “độc quyền”. Và sự độc quyền này lại được đặt vào tay nhà sản xuất. Vậy nên với sự độc quyền này, các nhà tổ chức tha hồ thao túng. Họ sẽ có mọi quyền với người chơi: người chơi phải làm theo đúng những gì nhà tổ chức yêu cầu, tạo ra những tình huống đúng như tính toán, thậm chí còn không được sáng tạo. Điều này đã được thể hiện trong nhiều cuộc chơi khiến cho bây giờ truyền hình thực tế đã không còn kịch tính đến phút cuối đối với khán giả. Chưa kể, một phụ huynh trở về từ cuộc thi “The Voi kid” đã từng đăng đàn nói rõ về những bất cập của cuộc thi. Nhưng đáng tiếc là dư luận lại nhanh chóng để trôi qua vụ việc mà không làm rõ để những mùa thi tiếp theo được tốt hơn.

Bản chất của các gameshow là dành sự sáng tạo tối đa cho người chơi, còn nhà tổ chức chỉ giữ cho luật chơi được tuân thủ. Nhưng khi về đến ta thì  tư duy của nhà tổ chức lại khác, họ phải chú trọng vào lợi nhuận, làm sao để kiếm được nhiều tiền nhất, vì thế mà bất biến đến sự sáng tạo, chỉ cần nóng và “hot” để độ phủ sóng càng nhiều càng tốt. Chương trình vì thế mà mất đi bản chất thực. Đó là lý do khiến cho các game show ngày càng chán và tẻ nhạt. Lượng khán giả qua từng mùa ngày càng sút giảm.

Vì thế, đã đến lúc chính nhà sản xuất cũng như nhà đài cần có động thái tích cực hơn để các chương trình mới mẻ hơn và sáng tạo hơn, những chương trình thực tế nhân văn, ý nghĩa hay đơn giản là giải trí lành mạnh đến với công chúng. Đây là vấn đề khó đang được đặt ra với nhà sản xuất và cả nhà đài.  Bởi với sự phát triển như vũ bão của các kênh truyền hình hiện nay, thì tiêu chí của nhà đài cũng ngày càng trở nên dễ dãi. Đơn giản là nếu khó quá thì lấy đâu ra chương trình mà lấp sóng, vậy nên chính họ nhiều lúc cũng đành nhắm mắt làm ngơ.  Và rõ ràng, so với các chương trình khác thì game show tuy bị chê nhưng vẫn câu được quảng cáo, vẫn có lượng người xem nhất định. Vì thế, mặc cho khán giả phản đối, kêu ca, nhà đài vẫn kệ, để cho nhà sản xuất “tung hoành”.

Thế nhưng, ở cái thời mà ngồi một chỗ cũng xem được truyền hình khắp thế giới thì nhà đài và nhà sản xuất cũng cần và nên sớm thay đổi. Nếu không chính họ sẽ tự đào thải chính mình khi người xem sẵn sàng chuyển kênh hoặc tắt tivi. Ngay từ bây giờ, họ phải bắt đầu làm mới chính mình và cũng nên có chỗ giành cho  các gameshow do chính người Việt sáng tạo ra. Vì điều đó mới lâu bền, có chỗ đứng lâu dài chứ đừng vì lợi nhuận để rồi buộc khán giả phải xem những trò hề trên sóng. 

Xuyên Sơn