Giật mình khi ông "thấy nhục", thưa giáo sư!

15:00 | 07/05/2013

2,394 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Trong khi nhiều ý kiến cho rằng không nhất thiết phải có quốc phục thì mới đây một vị GS, TSKH hùng hồn tuyến bố: Không quốc phục, đi họp quốc tế… thấy nhục.

Ông Tô Ngọc Thanh

Giáo sư nọ chính là ông Tô Ngọc Thanh, cũng là tiến sĩ khoa học ngành Âm nhạc dân tộc học, hiện là Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam.

Ông Thanh được mệnh danh là một “pho tự điển sống”, có kiến thức uyên bác, là cây đại thụ về âm nhạc dân tộc, văn hóa văn nghệ dân gian Việt Nam. Ông cũng là người có tên trong “nhân tài đất Việt, là “Nguyên khí quốc gia”.

Vài ngày trước, trả lời báo chí về vấn đề quốc phục, lễ phục, một vấn đề đang được Bộ VHTT&DL lấy ý kiến rộng rãi, ông Thanh cho biết đó là điều cần thiết, đặc biệt ông nói bản thân mình thấy nhục khi đi họp quốc tế lại mặc veston.

Ông Thanh nói: “Tôi là người thường xuyên tham gia các cuộc họp, các sự kiện liên quan đến quốc tế như APEC, nhiều lần thấy nhục khi các đại biểu quốc gia khác mặc quốc phục mang đặc trưng văn hóa của nước họ thì mình lại mặc áo veston. Ví như, Indonexia, các tiểu vương quốc Ả rập, Hàn Quốc… họ vẫn mặc trang phục riêng của họ, trong khi nước mình cũng có những trang phục riêng mang bản sắc văn hóa thì mình vẫn phải mặc veston đi họp…”

Chưa bàn đến chuyện quốc phục có cần thiết hay không nhưng phát ngôn “thấy nhục” của ông Thanh khiến nhiều người sẽ phải giật mình, thảng thốt. Có thể, các đại biểu Việt Nam tham dự các sự kiện mang tính chất ngoại giao “đều thấy được sự cần thiết của những bộ lễ phục vì nó mang tính chất biểu trưng cho tinh thần và văn hóa Việt Nam” như lời ông Thanh nói đi chăng nữa thì chuyện “thấy nhục” của ông cũng hết sức đáng nói!

Bởi nói như ông thì hàng ngàn năm nay chúng ta đều thấy xấu xa đau khổ chỉ vì chuyện không có quốc phục hay sao?

Quốc phục, thực chất đó là đặc trưng của người Việt trong cái sự mặc của dân tộc. Và đặc trưng văn hóa của một dân tộc chắc chắn không phải là thứ mà ta có thể khiên cưỡng, gò ép mà thành. Thử hỏi hiện tại, trang phục nào không thể thiếu trong tủ quần áo mỗi gia đình? Rất tiếc, trong kho tàng trang phục của 54 dân tộc nước ta không có trang phục nào quan trọng đến thế!

Đóng góp ý kiến vào việc chọn quốc phục như ông Thanh là điều đáng hoan nghênh, song thay vì nêu lên luận điểm để tranh luận, chứng minh cần có hay không có quốc phục thì ông lại bày tỏ cảm xúc kiểu dằn vặt tự kỷ không đáng có.

Thưa giáo sư Thanh, gần 70 năm sau ngày độc lập xã hội hiện tại của chúng ta có rất nhiều thứ đáng để cảm thấy xót xa, đáng để quan tâm hơn nhiều lần so với chuyện “vẫn phải mặc áo veston đi họp”! Đó là những chuyện quốc kế dân sinh hay ở lĩnh vực của ông, đó là chuyện làm sao bảo tồn và phát huy các loại hình văn hóa dân tộc dân gian đang ngày mai một; hay là chuyện xét tặng danh hiệu cho các nghệ nhân trước khi họ từ giả cõi đời…

Hơn nữa, không phải đất nước nào trên thế giới này cũng đều có quốc phục để một ai đó phải nhục vì ta… khác người! Trái lại có nhiều nước trên thế giới này dù không hề có quốc phục nhưng họ vẫn có thể rất tự hào vì sự phát triển trong các lĩnh vực, nhất là vấn đề dân sinh.

Và nói gì đi nữa thì việc một GS-TSKH lại “thấy nhục” khi thiếu một bộ quốc phục cũng là điều khiến người ta phải giật mình; nhất là trong lúc công chúng đang lưu tâm đến những chuyện dân sinh, hay các chuyện quyên sinh vì túng quẫn xuất hiện trên báo chí thời gian qua...

Trúc Vân