Mộ kết và những câu chuyện huyền bí: Ngôi mộ của kẻ ăn mày

09:42 | 04/04/2014

13,403 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mộ kết (mộ phát) là những ngôi mộ khi được đắp xong hoặc chưa kịp đắp, tự nhiên đất chỗ ấy đùn lên to lớn khác thường. Những ngôi mộ này thậm chí được “đùn” thành gò, đống. Có lời đồn rằng: Gia đình, dòng họ nào có được những ngôi mộ kết này, con cháu đời đời được hưởng vinh hoa phú quý, giàu sang hơn người…

Tình cờ, tôi có dịp ghé qua mấy xã Tân Dân, Chuyên Mỹ... thuộc huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Tại đây, tôi được người dân nơi đây kể cho nghe câu chuyện về sự giàu có nổi tiếng khắp vùng của cụ Chánh Đúc tên thật là Nguyễn Đình Giám, sinh sống ở cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Cụ giàu có vì được hưởng lộc từ ngôi mộ phát.

Bà Thanh (65 tuổi, xã Tân Dân, Phú Xuyên, Hà Nội) cho biết: “Câu chuyện về cụ Chánh Đúc ở đây từ trẻ con đến các cụ già, ai cũng biết. Người ta còn có câu ví von “giàu như ông Chánh Đúc”. Cũng theo lời bà Thanh kể, theo câu chuyện bà được nghe từ các cụ cao niên trong làng, bố ông Chánh Đúc là một người ăn mày, bị chết trên đường đi khất thực bên Hưng Yên. Sau khi chết, ngôi mộ ấy bị mối đùn lên thành đống, từ đó ông Chánh Đúc giàu có nhất vùng.

Nghe bà Thanh kể xong, tôi tìm đường tới xã Chuyên Mỹ, nơi vẫn còn con cháu của cụ Chánh Đúc sống. Tại đây, tôi được ông Lâm Hữu Đào, cán bộ văn hóa xã Chuyên Mỹ khẳng định: “Câu chuyện về cụ Chánh Đúc là có thật. Nghe nói cụ ấy giàu có lắm”.

Một ngôi mộ phát.

Thế rồi chẳng quản đường sá, ông Đào dẫn tôi đến gặp ông Nguyễn Văn Lộc, 73 tuổi, cháu gọi cụ Chánh Đúc là ông cậu (Bà nội ông Lộc là chị gái của cụ Chánh Đúc). Thế rồi ông Lộc kể cho tôi nghe câu chuyện liên quan đến ngôi mộ phát và sự giàu có của cụ Chánh Đúc.

Ông nội cụ Chánh Đúc không rõ tên gì, sinh ra trong một gia đình nghèo, không rõ lai lịch, gốc tích ở đâu. Chỉ biết rằng họ là những người hiền lành, chất phác và lương thiện. Lớn lên, ông nội cụ Chánh Đúc theo học nghề thợ xẻ. Tay nghề của ông nổi tiếng khắp vùng. Mỗi khi làng hết việc, ông mang đồ nề, dụng cụ đi đến các nơi khác làm thuê, lấy tiền về nuôi cha mẹ, vợ con. Mỗi chuyến đi như thế, có khi cả tháng, thậm chí vài tháng ông mới về nhà.

Và trong mỗi chuyến đi ấy, ông nội cụ Chánh Đúc không quên mang theo chiếc hộp đựng thuốc lào được khảm trai tinh xảo. Chiếc hộp này được coi là “vật bất ly thân” của ông.

“Chỉ cần nhìn chiếc hộp đựng thuốc lào ấy, con cháu, người làng nhận ra ngay. Bởi kỹ xảo khảm trai tuyệt đỉnh ấy chỉ người đạt trình độ nghệ nhân nơi đây mới tạo thành và nó còn là “biểu tưởng” khi đó của làng về kỹ xảo khảm trai”, ông Lộc chia sẻ.

Lần ấy, ông nội cụ Chánh Đúc đi mãi không thấy về nhà. Vợ con, người thân của ông đi dò hỏi khắp nơi nhưng không biết tung tích ở đâu. Ông còn sống hay đã chết… không một ai biết. Một thời gian sau, tình cờ, con cháu của ông gặp “vật bất ly thân” kia.

Hôm ấy, làng vào ngày mùa, ngoài đồng lúa chín vàng rực rỡ, nếu không gặt nhanh, thóc sẽ rụng. Cực chẳng đã, gia đình người cháu của cụ Chánh Đúc mới phải tìm thợ. Khi đám thợ gặt ngồi nghỉ ngơi tại đầu ruộng, một người thợ gặt liền bỏ trong túi hộp đựng thuốc lào ra hút. Nhìn chiếc hộp được chạm khắc công phu, đẹp đẽ ấy, người cháu của cụ Chánh Đúc ngờ ngợ. Người ấy liền mời người kia đến nhà cụ Chánh Đúc nói chuyện.

Vừa nhìn thấy vật, cha cụ Chánh Đúc nhận ra ngay “vật bất li thân” của người bố thất lạc bao năm.

Theo lời kể của người thợ gặt, cách đó mấy năm, có một người đàn ông ăn mày đi về qua vùng đất thuộc Khoái Châu (Hưng Yên). Về đến đây, người này vào làng ăn ăn xin và làm thuê cho dân làng. Nhìn thấy hộp thuốc đẹp quá, ông thợ gặt ngỏ lời xin, người đàn ông nọ tặng luôn.

Trời tối, người đàn ông nọ ra điếm canh đê xin ngủ nhờ để sáng mai về sớm. Tuy nhiên, sáng ngày hôm sau, người đàn ông nọ bị ốm và chết. Thương cảm, dân làng gọi nhau mang người đàn ông nọ đi chôn. Mọi người bó ông trong một manh chiếu cũ, khiêng ra đồng để chôn. Vừa đi được một đoạn, mây đen kéo đến kín trời, mưa gió nổi lên. Những hạt mưa to hất xối xả vào mặt đoàn người đưa tang khiến bước chân họ siêu vẹo trên con đường đất lồi lõm, trơn trượt.

Cố thêm được một đoạn, mọi người bảo nhau đặt tạm người chết xuống cái hố nhỏ ven đường, sáng mai sẽ ra mang đi chôn.

Sáng hôm sau, khi dân làng đến nơi, cái hố trâu đằm ven đường, nơi đặt người ăn mày đã bị mối đùn lên thành một ngôi mộ lớn. Nhìn ngôi mộ, dân làng bảo nhau, đây là ngôi mộ kết. Bên trong ngôi mộ này có tơ hồng quấn quanh người chết. Ngôi mộ này chỉ có thể để nguyên, nếu cải táng, con cháu người này sẽ mất lộc. Còn nếu để nguyên cho ngôi mộ “tự lớn” con cháu người này đời đời được hường sự giàu sang và vinh hoa, phú quý muôn đời.

Kể đến đây ông Lộc bảo: “Tôi đã từng sang thắp nhang ngôi mộ tổ ấy. Ngôi mộ ấy rất lớn, to gấp mấy lần so với những ngôi mộ khác. Ngay từ thời cụ Chánh Đúc, ngôi mộ ấy cũng đã to như thế. Hiện nay khu đất có ngôi mộ ấy thuộc sự quản lý của con cháu cụ Chánh Đúc. Bởi sau cái ngày gặp người thợ gặt kia, cụ Chánh Đúc đã sang tận nơi mua khu đất ấy rồi thuê người trông nom, chăm sóc.

(Còn tiếp)

Ngọc Diệp