Đừng hỏi - Hãy hỏi

08:11 | 03/12/2012

|
(Petrotimes) - Bạn đọc: Trong một bài trên mạng leanhchi.com, tác giả Lê Anh Chí có nhắc tới lời của Tổng thống Hoa Kỳ thứ 35 là John F. Kennedy trong đoạn sau đây: “Câu nói nổi tiếng của Tổng thống Kennedy: Ask not what your country can do for you, ask what you can do for your country. Tạm dịch: Hãy đòi hỏi: chẳng phải những điều tổ quốc có thể làm cho anh. Hãy đòi hỏi: những điều anh có thể làm cho tổ quốc anh”. Xin hỏi Học giả An Chi có nhận xét gì về bản dịch này của ông Lê Anh Chí. Và ông có nhận xét gì về cách dùng thức mệnh lệnh phủ định của ông Kennedy. Xin cảm ơn! Lê Đình Phương (Q7, TP HCM).

Học giả An Chi: Chúng tôi có thể trả lời ngay rằng, tác giả Lê Anh Chí không phải là người biết tiếng Anh. Ngay ở hai từ đầu tiên thì ông cũng đã dịch sai; chẳng những thế mà cách diễn đạt bằng tiếng Việt của ông ở đây cũng… mù mờ với hai câu:

“Hãy đòi hỏi: chẳng phải những điều tổ quốc có thể làm cho anh.

Hãy đòi hỏi: những điều anh có thể làm cho tổ quốc anh”.

Chúng tôi thậm chí còn mạn phép tự hỏi đó có phải là tiếng Việt chính cống hay không nữa là đằng khác! Còn về cách hiểu tiếng Anh thì, ngay từ đầu câu, ông đã sai một ly, đi một dặm rồi. Ở đây, “not” là một phó từ (adverb) đi chung với động từ “ask” để tạo thức mệnh lệnh phủ định (negative imperative) cho động từ này. Vậy “ask not” đương nhiên có nghĩa là “đừng hỏi”, đối lập với “ask” ở vế sau là “hãy hỏi”. Việc ông Lê Anh Chí tách “not” ra khỏi “ask” để gắn nó với phần còn lại của câu (“what your country can do for you”) mà dịch thành “chẳng phải những điều tổ quốc có thể làm cho anh” chứng tỏ ông đã không hiểu được ngữ pháp của thứ tiếng này. Ông Kennedy thì đối lập “Ask not” với “Ask” còn ông Lê Anh Chí thì đồng hóa hai ý đó mà dịch thành “Hãy đòi hỏi” thì chẳng tội nghiệp cho từ ngữ lắm ư! Thực ra, lời của ông Kennedy có nghĩa là: “Đừng hỏi đất nước bạn có thể làm gì cho bạn; hãy hỏi bạn có thể làm gì cho đất nước mình”.

Kennedy không nói “do not ask” hoặc “dont ask” mà nói “ask not”. Đây hiển nhiên là một lối nói trái với tập quán ngôn ngữ hiện hành nhưng thực ra là một lối nói đã từng tồn tại trong tiếng Anh ngày xưa. Hẳn là bạn và nhiều bạn đọc khác đã biết đến tác phẩm “Chuông nguyện hồn ai” của Ernest Hemigway nói về cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha hồi thập niên 30 của thế kỷ trước, mà tên trong tiếng Anh là “For Whom the Bell Tolls”. Nhan đề này của Hemingway thực ra là một điển tích lấy từ một câu của bài “Meditation 17” trong tác phẩm “Devotions upon Emergent Occasions” (1624) của John Donne (1572–1631) mà câu mở đầu là:

“Perchance he for whom this bell tolls may be so ill as that he knows not it tolls for him […] and I know not that”. (Có lẽ kẻ mà tiếng chuông cầu hồn này rung lên có thể bị bệnh đến nỗi hắn không biết nó vang lên vì hắn […] và tôi không biết điều đó).

Trong câu này, Donne đã viết “he knows not” thay vì “he does not [hoặc “doesnt”] know” (hắn không biết) và “I know not” thay vì “I do not [hoặc “dont”] know (tôi không biết) như hiện nay. Cũng John Donne, trong bài thơ “Song”, đã viết:

First, we lovd well and faithfully,

Yet knew not what we lovd, nor why […].

(Ban đầu ta yêu nhau thắm thiết, chân tình

Tuy chẳng biết yêu gì [ở nhau] và vì sao […]).

Ở đây, thay vì “did not [hoặc “didnt”] know” thì Donne lại viết “knew not”.

Một người nữa ta có thể kể ra đây chính là văn hào William Shakespeare. Trong lời độc thoại nổi tiếng của Hamlet (kịch Hamlet, hồi III, cảnh I), Shakespeare viết:

“No traveler returns, puzzles the will,

And makes us rather bear those ills we have

Than fly to others that we know not of?”

(Không một du khách nào còn quay trở lại, nỗi sợ làm cho tâm trí rối bời và bắt ta phải cam chịu mọi khổ nhục trên cõi thế này còn hơn là bay tới những nỗi khổ nhục khác mà ta chưa hề biết tới? – Đào Anh Kha, Bùi Ý, Bùi Phụng dịch).

Shakespeare cũng viết “we know not” thay vì “we do not [hoặc “dont”] know”) như ngày nay. Và đặc biệt là tên của hoa lưu ly trong tiếng Anh là “forget-me-not” (“đừng quên tôi”), cũng được cấu tạo theo thức mệnh lệnh phủ định của động từ trong tiếng Anh ngày xưa. Tác phẩm cuối cùng mà chúng tôi muốn dẫn là bốn bản tiếng Anh xưa của Kinh Thánh (King James Bible - Cambridge Ed.; King James 2000 Bible - ©2003; American King James Version và American Standard Version), đối chiếu với một bản tiếng Anh hiện đại là “English Standard Version” (©2001). Sau đây là “Acts 23:5” (Sách Công vụ các Tông đồ 32 : 5) theo từng ấn bản nói trên:

King James Bible (Cambridge Ed.):

“Then said Paul, I wist not, brethren, that he was the high priest: for it is written, Thou shalt not speak evil of the ruler of thy people”.

King James 2000 Bible (©2003):

“Then said Paul, I knew not, brethren, that he was the high priest: for it is written, You shall not speak evil of the ruler of your people”.

American King James Version:

“Then said Paul, I knew not, brothers, that he was the high priest: for it is written, You shall not speak evil of the ruler of your people”.

American Standard Version:

“And Paul said, I knew not, brethren, that he was high priest: for it is written, Thou shalt not speak evil of a ruler of thy people”.

Kinh Thánh – Cựu ước và Tân ước (bản dịch năm 1926, Nxb Tôn giáo in lại) đã cho đoạn tương ứng bằng tiếng Việt như sau:

“Phao-lô trả lời rằng: Hỡi anh em, tôi chẳng biết là thầy cả thượng-phẩm; vì có chép rằng: Chớ sỉ-nhục người cai-trị dân mình”.

Bốn bản trên đều viết khác cách nói ngày nay: “wist not” (“wist” là quá khứ giản đơn của “to wit” = biết) hoặc “knew not” nhưng English Standard Version (©2001) thì viết theo ngữ pháp hiện đại là “did not know”:

“And Paul said, “I did not know, brothers, that he was the high priest, for it is written, You shall not speak evil of a ruler of your people”.

Nhưng tại sao tổng thống đời thứ 35 của Hoa Kỳ lại theo xưa mà không nói cho đúng với ngữ pháp của tiếng Anh hiện đại? Đó là do ông muốn “chơi” tu từ, dùng lối nói cổ xưa để tăng cường tính chất long trọng cho lời hùng biện của mình trong diễn văn nhậm chức ngày 20/1/1961 tại Washington. Chính vì Kennedy “chơi” kiểu lạ nên Lê Anh Chí mới không biết được rằng “ask not” là “đừng hỏi” mà dịch lời của ông này thành một câu ngộ nghĩnh:

“Hãy đòi hỏi: chẳng phải những điều tổ quốc có thể làm cho anh”.

Chúng tôi thậm chí còn không biết câu này của ông Lê Anh Chí có phải là tiếng Việt hay không nữa.

Cuối cùng, xin nói rằng người viết diễn văn cho ông Kennedy là Ted Sorensen, chứ không phải Shriver như ông Lê Anh Chí đã khẳng định.

A.C