Địa linh sinh nhân kiệt

15:03 | 22/04/2013

|
(Petrotimes) - Bạn đọc: Thưa học giả An Chi! Lâu nay ta thường nghe nói "Địa linh sinh nhân kiệt" có nghĩa là đất linh thiêng thì sinh người hào kiệt. Nhưng tôi lại thấy từ điển thành ngữ của Trung Quốc ghi là "Nhân kiệt địa linh". Nếu theo như ý nghĩa này thì ngược lại, nhờ có người hào kiệt nên mảnh đất đó trở nên linh thiêng. Riêng cá nhân tôi thấy, có lẽ đây mới là hợp lý. Cũng lại có câu "Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh. Thủy bất tại thâm, hữu long tắc linh". Tạm hiểu là: Núi có danh không phải vì cao mà vì có tiên, sông nước linh thiêng không phải vì sâu mà vì có rồng. Như câu này thì hoàn toàn cũng có thể hiểu như là "nhân kiệt địa linh". Xin ông luận giải thêm và ý của ông thế nào? Bảo Sơn (Viện Dầu khí)

Học giả An Chi: “Hán Đại thành ngữ đại từ điển” (Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, Thượng Hải, 1997), quyển từ điển thành ngữ thuộc loại lớn nhất của Trung Quốc, ghi nhận cả hình thức gốc nhân kiệt địa linh 人傑地靈 lẫn biến thể địa linh nhân kiệt 人傑地靈, mà không có địa linh sinh nhân kiệt. Quyển từ điển này giảng nhân kiệt địa linh theo hai nghĩa: “1 - Chỉ nơi có nhân vật kiệt xuất ra đời hoặc đến (ở, hoạt động, v.v…), nhờ đó mà trở nên nổi tiếng”; “2 - Về sau cũng dùng theo nghĩa là nhân vật kiệt xuất thì sinh ra ở vùng đất đai linh tú”. Còn địa linh nhân kiệt thì được quyển từ điển này giảng là “nhờ có nhân vật kiệt xuất mà vùng đất (sinh ra nhân vật đó) cũng trở thành linh thiêng”. Cũng có ý kiến cho rằng, ở đây ta có hai danh ngữ (địa linh - nhân kiệt) đẳng lập, có nghĩa là vùng đất linh thiêng và nhân tài kiệt xuất. “Từ điển tục ngữ Hán Việt” của Lê Khánh Trường – Lê Việt Anh (NXB Thế giới, 2002), chẳng hạn, giảng là đất thiêng người tài (câu 1.052).

Riêng câu địa linh sinh nhân kiệt 人傑地靈 thì tuy không được quyển từ điển trên đây ghi nhận nhưng lại tồn tại ở nhiều nguồn khác nhau và nói chung, được hiểu như bạn đã nêu: “Đất linh thiêng thì sinh người hào kiệt”.

Về phần mình, chúng tôi cho rằng, hai lời giảng của “Hán Đại thành ngữ đại từ điển” về câu nhân kiệt địa linh là những cách hiểu hợp lý và biện chứng.

Còn“Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh. Thủy bất tại thâm, hữu long tắc linh” thì vốn là bốn vế của hai câu đầu tiên trong bài “Lậu thất minh” (Bài minh về căn nhà nhỏ hẹp) của Lưu Vũ Tích đời Đường. Minh là một loại hình văn bản có vần thời xưa khắc trên đồ dùng, để tự thuật hay tự răn về nếp sống, về đạo đức của cá nhân (về sau mới phát triển thành một thể văn độc lập). Bài minh này bộc lộ thái độ ung dung tự tại của Lưu Vũ Tích, không a dua theo thói đời ham chuộng danh lợi, nhất mực giữ nếp sống thanh bạch, trong sạch của riêng mình. Đây là thái độ của một kẻ ẩn dật, an bần lạc đạo. “Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh. Thủy bất tại thâm, hữu long tắc linh”, hiểu theo đúng quan niệm của Lưu Vũ Tích là: “Non chẳng cần cao, chỉ cần có tiên ở thì nổi tiếng; nước không cần sâu, chỉ cần có rồng sống thì linh thiêng”. Hiểu rộng ra là “phẩm chất đâu cốt ở hình dung sắc tướng bên ngoài”.

Cuối cùng, xin lưu ý bạn rằng, trong tiếng Việt, người ta thường dùng biến thể địa linh nhân kiệt, mà “Từ điển tiếng Việt” của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê chủ biên giảng là “đất thiêng sinh người hiền tài, kiệt xuất”.

A.C