Khí công… trị bệnh

07:00 | 25/06/2013

3,285 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - “Mình hạc xương mai” nhưng lại có thể nằm dưới tảng đá nặng hàng trăm kilôgam rồi cho người dùng quai búa đập mà không hề hấn gì; dùng hàm răng nhấc bổng… ban thờ nặng 80kg; dùng chân đá cong… nhíp ôtô hay dùng cổ họng uốn cong ngọn giáo... Chuyện cứ tưởng chỉ trong truyện kiếm hiệp mới có nhân vật như vậy nào ngờ, ngoài đời có thật. Ông là võ sư Nguyễn Văn Thắng, thuộc Thăng Long võ phái, đồng thời là Chủ nhiệm Khoa Giải phẫu tế bào, Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội. Tuy nhiên, với ông Thắng, ý nghĩa không phải luyện võ để biểu diễn được những màn kungfu đó mà là sử dụng nó để nâng cao sức khỏe, khắc chế bệnh tật.

Danh tiếng một gia đình

Ông Thắng sinh ra trong một gia đình có truyền thống võ học huy hoàng. Ông là cháu nội võ sư Vũ Thống Thành (bạn thân cụ Đề Thám), là cháu ngoại cụ Cử Tốn (1861-1949) - cử nhân võ cuối cùng của Triều Nguyễn được vua Tự Đức ban tặng 4 chữ “Xạ năng quán quốc” nhằm ghi nhận tài bắn cung siêu việt của cụ và là con của võ sư Văn Nhân, người sáng lập ra môn phái Thăng Long võ phái.

Thừa hưởng những tố chất, tinh hoa võ học của gia đình mình, sau này võ sư Thắng đã dày công nghiên cứu, phát triển thêm bộ môn khí công có tính riêng biệt của võ phái. Nói đến Thăng Long võ đạo không thể không nói đến khí công. 10 năm tập quyền mà không luyện công cũng coi như không. Võ sư Thắng tâm đắc với quan điểm trên. Theo võ sư Thắng: Khí công là công phu tập luyện để điều hòa, phát huy tích lũy và sử dụng hai loại khí là: Tiên thiên khí (khí bẩm sinh do cha mẹ sinh ra) và Hậu thiên khí là loại khí hấp thụ vào cơ thể thông qua đồ ăn thức uống, ánh sáng, môi trường sống v.v... Hai loại khí ấy phối hợp và cộng hưởng với nhau làm thành Chân khí. Chân khí thịnh thì người khỏe, khí suy thì người yếu, khí rối thì người bệnh, khí kiệt thì người chết.

Võ sư Nguyễn Văn Thắng cùng các học trò luyện bài Phật Sơn Quyền

Khí công là gốc của các phái võ Nội Gia, là căn cốt của mọi phương pháp dưỡng sinh Ðông Á. Khí công triển khai qua dịch học đã trở nên rất phong phú và mỗi ngày một phát triển nhất là dựa vào y học hiện đại. Lấy nguyên lý Quân bình âm dương, Ðiều hòa ngũ hành làm căn bản trong luyện khí. Khí công làm gia tăng nội lực, một mục tiêu mà mọi võ gia đều mong muốn. Lại nữa, cũng trên căn bản này, các võ gia còn có thể tự trị bệnh và hơn thế, trị bệnh cho người khác, thể hiện tinh thần của võ đạo.

Theo võ sư Thắng, phương pháp luyện tập khí công không khó, nhưng muốn luyện tập khí công thành tựu thì phải có quyết tâm cao và tốn nhiều công phu. Cũng ví như cách học làm thơ, cách chơi các nhạc cụ thì không khó nhưng muốn trở thành một thi sĩ, một nhạc sĩ có tài thì khó hơn. Chính vì vậy có người nói muốn luyện thành khí công thì phải có “cơ duyên”.

Như “Thiết xa chưởng” là một ví dụ. Tháng đầu tiên, phải làm sao tay không... đóng ngập chiếc đũa đó xuống nền đất cứng. Ý chí kém thì có nước… thủng tay. Nhưng đó mới chỉ là phần đầu. Mỗi tháng sau, người tập phải tăng thêm một cái đũa, để sau 1 năm, một nhát chém có thể đóng liền lúc 12 chiếc đũa xuống đất. Thiết xa chưởng của võ sư Thắng bây giờ có lẽ chẳng ai bì kịp. Đã rất nhiều lần ông kê bàn tay của mình trên nền nhà để mọi người thẳng tay cầm vồ gỗ mà nện thỏa sức chẳng khác nào đưa tay vào cối để giã, trong khi ông vẫn đang tươi cười nói chuyện. “Đặc công Việt Nam đã từng luyện những bài tập cơ bản ấy để lập nên những chiến công trong kháng chiến chống Mỹ” - võ sư Nguyễn Văn Thắng dẫn chứng.

Ngoài ra ông còn biểu diễn được nhiều dạng kungfu như: Thiết đầu công - để đá trên đầu đập nát đá, đầu không can gì, thiết thoái công - đá gãy cột, Thiết chủng công - để hàng tạ đá đè lên tay rồi dùng búa đập nát đá, tay không hề gì. Trong đó, tuyệt đỉnh hơn cả mà giới võ lâm Việt Nam vẫn truyền tụng về ông, đó là chiêu “Nhất dương chỉ” và “Khẩu lợi công” mang tính chân truyền của võ phái.

Chiêu Nhất dương chỉ nằm trong bí kíp Thôi sơn quyền nổi tiếng do cụ Cử Tốn truyền lại. Đó là bí kíp luyện đòn tay. Tuy nhiên, bí kíp tuyệt kỹ này rất hiếm người luyện được. Bởi người có thể luyện được, bắt buộc phải có một nền kiến thức võ học vững chắc và nội công tương đối thâm hậu. Cùng với đó phải là người có đạo đức tốt và sự trung thành tuyệt đối với môn phái. Thực tế, đã có một vài lần khi các đoàn võ thuật của Pháp, Thụy Sĩ... sang thăm, ngoài việc biểu diễn, ông Thắng không ngại ngần để ngón tay xuống đất, cho các võ sinh nước ngoài nặng cả trăm kilôgam “thử nghiệm” đi giày đinh nhảy lên, mà ngón tay vẫn lành lặn.

Để luyện thành công Thôi sơn quyền, phải hết sức vất vả, kiên trì trong nhiều năm trời, có khi cả đời cũng không luyện được. Vì để có được sức mạnh của “nhất dương chỉ”, người luyện phải thâm hậu toàn bộ phương pháp về vận công, đề khí, nội lực có được sức mạnh toàn thân cứng như sắt thép, giáo đâm, búa đập không xây xát... Theo võ sư Thắng, luyện bài này hết sức gian khổ, chí ít môn sinh phải hội đủ 2 chữ tâm - đức, ròng rã khổ luyện hàng chục năm.

Còn Khẩu lợi công thì mới nghe đã rợn tóc gáy, đòi hỏi người tập luyện “bộ gặm nhấm” để làm sao nhai… nát sỏi dễ như ăn lạc. Khi răng và hàm đủ cứng thì chuyển sang kéo, nâng, nhấc vật nặng. Chính bài tập này mà năm 1989, võ sư Nguyễn Văn Thắng đã đứng trên cọc nhọn dùng miệng nhấc cả chiếc ban thờ với đủ đỉnh đồng, hạc, kiếm… nặng 80kg lên khỏi mặt đất, làm chấn động giới võ lâm Việt. Đến nay ông không còn tập bài kinh điển đó nữa mà thi thoảng buồn miệng thì nhai… mấy chục cốc thủy tinh. Theo võ sư  Thắng, để đạt được những công năng như thế, người tập phải trải qua quá trình luyện tập cực kỳ gian khổ, tập nội khí, tập ngoại ngạnh. Chỉ khi nào “nội kiên, ngoại cường”, họ mới có thể trình diễn được những công phu ghê gớm kia. Và cách để có “nội kiên” ở đây chính là tập khí công.

Khí công trị bệnh

Nhắc đến Thăng Long võ đạo người ta biết đến nhiều bài võ dùng binh khí. Song, quyền cước môn võ này chỉ bạo chứ không tàn. Vì vậy, người ta biết Thăng Long võ đạo như một môn võ cứu người hơn là những đòn sát thủ. Khí công dưỡng sinh và trị liệu chân truyền lại mang tính cộng đồng, dành cho tất cả mọi người, mọi lứa tuổi, căn cơ. Người khỏe mạnh tập khí công dưỡng sinh nhằm nâng cao sức khỏe, trường thọ, người đam mê võ tập khí công nhằm tích lũy những kiến thức về sự lưu chuyển của khí, cách vận khí, án khí nhằm nâng cao công năng, người ốm đau bệnh tật cũng có thể tập khí công dưỡng sinh kết hợp trị liệu luôn những căn bệnh mà mình đang mắc phải. Khí công có thể chữa bệnh đã được chứng minh trên hàng chục triệu người đang tập hằng ngày trên thế giới.

“Mỗi chúng ta luôn phải thích nghi với môi trường sống, hay mở rộng ra là vũ trụ.  Sự hòa hợp cao nhất, có liên hệ chặt chẽ và quyết định nhất chính là nhịp thở. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết “thở” để tăng sự hòa hợp tối đa mà mới chỉ dừng lại ở nhu cầu cung cấp ôxy cho cơ thể. Nhịp thở là dòng kênh, là cầu nối giữa con người (tiểu vũ trụ) và đại vũ trụ. Nó đưa tinh khí vào, giúp khí huyết trong cơ thể lưu thông, cường kiện nội tạng. Giống một dòng suối chảy thì không đục, một cỗ máy vận hành thường xuyên thì không han, khí công giúp cơ thể con người luôn trong sáng, bền vững và nếu tập đúng những công pháp trị liệu, có thể phòng tránh và đẩy lùi bệnh tật”, võ sư - bác sĩ Nguyễn Văn Thắng chia sẻ.

Là một võ sư nhưng công việc hằng ngày của võ sư Thắng hết sức bận rộn, ngoài công việc Chủ nhiệm Khoa Giải phẫu tế bào trong Bệnh viện Thanh Nhàn, chiều về ông bắt đầu giảng dạy từ 17 giờ 30 cho đến 21 giờ. Chia sẻ về sức dẻo dai, võ sư Thắng cho biết: Mỗi ngày chỉ cần ngủ hơn 2 tiếng và ăn rất ít, đặc biệt là không ăn thịt, các chất giàu đạm. Còn thời gian rảnh rỗi thì ngồi thiền, luyện võ, đọc sách và viết bài cộng tác cho một số tờ báo.

Y học phương Đông lấy đả thông làm trọng nên các bài khí công từ lâu đã được Võ sư Thắng áp dụng trong điều trị cao huyết áp. Phần lớn bệnh nhân vào đây được tập bài “kim cương khí công” sau một thời gian huyết áp giảm rõ rệt, sức khỏe và tinh thần tốt hơn. Người có các bệnh về thận được hướng dẫn tập 3 công năng để án hỏa, nhiều bệnh nhân đã... khỏi hẳn.

Bệnh nhân tiểu đường, gan nhiễm mỡ, trực tràng được hướng dẫn tập Trang công, sau 180 ngày, tất cả đều có dấu hiệu thay đổi rõ rệt. Theo cụ Phạm Ngọc An, 80 tuổi, ở đường Trường Chinh thì sau 2 tháng tập khí công thì đã giảm chứng đau đầu và huyết áp. Tiếp lời cụ An, anh Sơn Bình, phóng viên một tờ báo tỏ vẻ phấn chấn về kết quả nửa năm tập luyện của mình: “Học khí công của thầy Thắng giúp mình thay đổi về lối sống rất nhiều, sức khỏe nâng lên rõ rệt. Do đặc thù công việc, chủ quan khoản rượu bia, tiếp khách mình cứ “thả phanh”, dần dà mắc gan nhiễm mỡ, tập nửa năm ở đây thì khỏi hẳn”.

Theo võ sư Thắng, nhiều bệnh nhân đến tập khí công bị mắc các bệnh về thận, khớp hay tiểu đường, cao huyết áp, thậm chí liệt nửa người... có thể điều trị bằng khí công kết hợp. Yếu khí tạng nào thì bệnh nhân được hướng dẫn luyện tập vào khí tạng ấy. Với trình độ của bản thân hiện nay, có thể nói rằng, võ sư Nguyễn Văn Thắng là người đã đem những tinh hoa khí công, những bí kíp nội truyền của bản môn, kết hợp với kiến thức về giải phẫu cơ thể để giảng dạy khí công dưỡng sinh phát công giúp đỡ người bệnh.

Môn phái Thăng Long võ đạo hiện vẫn duy trì kỷ luật nghiêm ngặt, những bài tập rất nặng, thậm chí có phần hơi khắc nghiệt vì tinh thần võ đạo, học võ là để rèn luyện thân thể, không phải dùng để đánh người. Môn phái này có nhiều bài quyền được cho là bí kíp gia truyền như "Thiên long thương", "Thượng phương bảo kiếm", "Cử long bát quái đao", "Bát bộ côn", "Tuyết kiếm"... cùng một kho tàng kiến thức về võ học trên nhiều lĩnh vực về khí công chữa bệnh, nội công kungfu, phong thủy - tâm pháp và những bài võ gia truyền sử dụng đủ bát bộ binh khí. Các bài biểu diễn võ, công năng đặc dị của môn phái đã đạt gần 200 huy chương các loại trong các kỳ đại hội võ thuật.
 


Mạnh Kiên