Về Nghị định 27/2014 NĐ-CP của Chính phủ: Quản ai và ai quản?

07:00 | 26/05/2014

674 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 25/5 tới đây, Nghị định số 27/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình (GVGĐ) nhằm đảm bảo quyền lợi cho đối tượng này chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định không khả thi và hiện tại khảo sát trên địa bàn Hà Nội, cơ quan chức năng vẫn lúng túng, chưa biết quản ai và ai sẽ quản người giúp việc?!

Năng lượng Mới số 324

Lúng túng từ hai phía

Không phủ nhận những năm qua, GVGĐ đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nó không chỉ mang lại cho người lao động nguồn thu tương đối ổn định mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, nhất là giải phóng phụ nữ làm việc ngoài xã hội với cường độ cao ở thành thị, giải quyết tình trạng phụ nữ thiếu việc làm ở nông thôn. Theo khảo sát của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), người giúp việc phải đối mặt với rất nhiều mối đe dọa gồm: 20,2% bị mắng chửi; 16% gặp nguy cơ bị lạm dụng tình dục; 2,4% bị đánh đập/tát, đẩy ngã; 1,8% bị giữ lương; 2% không được cho về thăm nhà… Trong khi đó, đối tượng sử dụng người lao động cũng than phiền triền miên về chất lượng lao động GVGÐ. Những hiện tượng như người giúp việc trộm cắp tài sản, móc ngoặc với các trung tâm mô giới việc làm rút “hầu bao” của chủ… là có. Vậy nên, Nghị định 27/2014 NĐ/CP mới đây ban hành hướng tới việc bảo vệ quyền lợi cho cả hai đối tượng người lao động và người sử dụng lao động. Tuy nhiên, đa phần hai đối tượng này đều loay hoay hoặc thờ ơ với quyền lợi. Còn các cơ quan chức năng cũng không tránh khỏi lúng túng.

Đơn cử trường hợp của chị Đoàn Thị Hà giúp việc cho gia đình bác Nguyễn Phương Hiện (Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng: “Người khác không biết thế nào nhưng bản thân tôi đã làm việc cho gia đình đến 6 năm, chế độ đãi ngộ cũng tốt nên tôi cũng không muốn… phiền hà thêm”. Hằng ngày chị Hà phải nấu cơm, giặt rũ, trông trẻ… Mỗi tháng chị Hà nhận mức lương 4 triệu đồng. Những ngày lễ tết, hay ốm đột xuất chị cũng đều nhận được mức lương tương tự vì được gia đình thông cảm. Nên khi làm hợp đồng, chị Hà lo ngại phải mất tiền bảo hiểm, cộng với việc ký kết rình rang thì liệu thu nhập có thấp đi? Và gia chủ, khi vướng mắc những thủ tục rườm rà thì có ngại thuê người giúp việc?

Tương tự, trường hợp bác Nguyễn Thị Hằng (Tam Nông, Phú Thọ) dù đã có thâm niên làm nghề giúp việc hơn hai chục năm nay, thay chủ đến cả chục gia đình nhưng bác cũng chưa phải ký một hợp đồng nào. Theo bác Hằng thì làm hợp đồng cũng khó cho đôi bên, nếu có nhu cầu xin đổi việc làm, hay như bản thân bác tuổi cao, sức yếu, làm được ngày nào hay ngày đó, muốn dưỡng sức thì xin nghỉ còn dễ, khỏi ràng buộc. Hiện tại, lương của bác Hằng cũng trên mức tối thiểu, gắn bó với gia đình chủ như một quản gia đáng tin cậy nên những gì nghị định mới ban hành, bác Hằng cho rằng không cần thiết với cá nhân.

Khi được hỏi nội dung này thì ông Phạm Văn Thanh, Trưởng phòng Chính sách Lao động việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội thừa nhận: “Con số lao động GVGĐ trên địa bàn Hà Nội là bao nhiêu chúng tôi cũng chưa nắm được, vì từ trước đến nay vẫn là đối tượng lao động tự do. Hiện, chúng tôi đã có công văn chỉ đạo đến các quận, huyện để có con số thống kê chính xác vào tháng 6 này”.

Như vậy là đến ngày 25/5 tới đây, Nghị định 27/2014 sẽ chính thức có hiệu lực nhưng tất cả các bên đều lúng túng.

Để luật đi vào đời sống

Trước đây, việc quy định Luật Lao động đối với người GVGĐ đã được Bộ luật Lao động năm 1994 đề cập, nhưng phải đến năm 2012, 5 điều trong Bộ luật Lao động sửa đổi mới chỉ ra những căn cứ pháp lý quan trọng bảo vệ quyền lợi cho người làm việc trong lĩnh vực này. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa đạt hiệu quả như đã thấy. Hiện một thực tế rõ ràng rằng, chính người giúp việc còn chưa muốn làm việc theo phương thức chuyên nghiệp thì việc bảo vệ quyền lợi cho họ đương nhiên gặp nhiều khó khăn. Chỉ ra một thực tế, nếu chỉ quản lý trên mặt “đức trị” như hiện này thì nghề GVGĐ còn lâu mới có thể trở thành một nghề chuyên nghiệp, TS Trịnh Hòa Bình, Viện Nghiên cứu Xã hội học cho rằng: “Hiện tại, nghề giúp việc của chúng ta vẫn đang ở thời kỳ mông muội. Nếu chúng ta không minh bạch thì không thể phát triển”.

Ông Bình dẫn ra hiện thực nghề giúp việc gia đình hiện tại dù có thu nhập ổn định nhưng chưa được đánh giá cao. Thực tế, có những giúp việc lương thu nhập còn cao hơn cả công nhân viên Nhà nước. Vì thế cần định hướng nghề phát triển theo hướng công khai và có lề luật. Bấy lâu nay, GVGĐ vẫn hoạt động theo kiểu tự phát, không có đào tạo, những tiêu chí như học thức, kỹ năng nghề hay tối thiểu là trách nhiệm và lương tri nghề nghiệp đều không có một mức đánh giá chung nào nên nảy sinh nhiều vấn đề đụng độ không đáng có, ảnh hưởng đến cả người lao động lẫn đối tượng sử dụng lao động... Vì vậy, pháp luật bảo vệ và cơ quan chủ quản là một điều cần có. Tất nhiên, TS Trịnh Hòa Bình cũng khẳng định với một công việc đặc thù như GVGĐ thì những nghị quyết, chính sách phải thiết thực, đi vào đời sống, chứ không phải chỉ đưa ra trên giấy tờ cho có.

Về phía cơ quan chức năng, ông Phạm Văn Thanh, Trưởng phòng Chính sách Lao động việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội thẳng thắn thừa nhận: “Nếu vẫn tình trạng người giúp việc không được đào tạo bài bản, không có một giáo trình dạy nghề cụ thể và không có một đơn vị để sinh hoạt như hiện nay thì rất khó về mặt quản lý”. Ông Thanh cũng hiến một kế rằng: “Người giúp việc ở địa bàn quản lý nào sẽ được sinh hoạt đoàn thể ở địa bàn đó, có nghĩa là có tổ chức công đoàn cho người giúp việc… thì sẽ dễ dàng cho các cơ quan quản lý”.

Nói về Nghị định 27/2014/NĐ-CP, cơ quan “tham mưu” cho nghị định này bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động và Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cũng mềm mỏng: “Không bắt buộc người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm cho người lao động, mà việc đóng bảo hiểm hay không là phụ thuộc vào thỏa thuận của hai bên. Tuy nhiên, việc ký hợp đồng là nên có và trong hợp đồng cần phải phân biệt rõ, đâu là tiền lương và đâu là khoản tiền bảo hiểm chi trả vào lương”.

Thực tế, Nghị định mới điểm trúng “huyệt” yếu nhất của người lao động khi luôn làm việc theo cảm tính, không chuyên nghiệp, tâm lý ngại thay đổi… khiến người lao động không cả mặn mà với quyền lợi. Thêm nữa, Nghị định 27/2014 cũng có vài điểm không bám sát thực tiễn. Cụ thể có điều khoản, người GVGĐ nếu ở cùng chủ nhà phải được nghỉ ít nhất 8 giờ mỗi ngày, nếu làm cả năm thì được nghỉ 12 ngày có lương, mỗi tháng được nghỉ ít nhất 4 ngày. Trên thực tế người giúp việc làm việc khó định giờ giấc và thường ngày nghỉ thì lại phải lao động nhiều hơn.

Rõ ràng là không có một văn bản ràng buộc xem ra cũng là lý do dẫn đến nhiều sự vụ đáng tiếc xảy ra về nghề GVGĐ. Sai lầm lớn của người lao động là tâm lý ngại rườm rà, không nghĩ đến vấn đề lâu dài, làm việc một cách cảm tính, không chuyên nghiệp… mới nảy sinh những bất cập. Vậy làm gì để quy định về người giúp việc trong Luật Lao động được thực thi có hiệu quả? Thì thiết nghĩ, người lao động phải đổi mới tư duy về nghề, tự ý thức được việc làm và cách làm việc theo lối chuyên nghiệp thì các cơ quan chức năng ngoài việc tăng cường quản lý trên luật thì cũng chú ý đến những đặc thù của từng nghề. Vậy mới nói, mỗi thông tư, nghị định cần bám sát thực tiễn thì mới có thể đi vào đời sống.

Huyền Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc