Tìm ôsin sau tết

07:03 | 11/02/2017

1,037 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với nhiều gia đình ở các thành phố lớn, mỗi khi người giúp việc về quê ăn tết là lại lo ngay ngáy không biết ra tết họ có quay lại hay không. Và sự thật oái oăm mà họ vẫn buộc phải chấp nhận là trong số 10 người về thì đến 7 người không quay lại. Và cả gia đình lại quay cuồng trong việc tìm ôsin mới…

Cuối năm 2016, gia đình nhà anh Phạm Tuấn Việt (ở phố Pháo Đài Láng, Đống Đa, Hà Nội) vui mừng đón chào thành viên mới. Song cũng ngay sau đó, cả gia đình đã phải “nếm mùi đau khổ” khi thuê người giúp việc. Đặc biệt, dù trước khi về nghỉ tết, vợ Việt đã trả lương sòng phẳng, mua đủ thứ quà cáp, lại đưa ôsin ra tận bến xe nhưng mãi đến qua mùng 10 tháng Giêng vẫn chưa thấy cô giúp việc đâu. Gọi điện hỏi thì cô ta mới thủng thẳng: “Quê cháu phải ăn tết đến tháng Hai cơ, nếu cô chú cần thì thuê người khác vậy”.

Hai vợ chồng vốn đều thuộc dạng “cậu ấm cô chiêu” được cưng chiều từ bé, việc nhà việc cửa hiếm khi phải mó tay vào. Sau khi lấy nhau, dù vợ chồng son nhưng vẫn phải thuê một bà giúp việc. Bà giúp việc ngoài 50 tuổi, tuy cẩn thận, biết cư xử song hơi chậm chạp. Nên khi vợ Việt sinh em bé thì gia đình buộc phải thuê một cô giúp việc khác. Cô gái tên Hương, 16 tuổi, cao ráo, trắng trẻo, chỉ phải cái... đoảng. Việc nhà, trông em, cơm nước phải bảo ban mãi Hương mới làm được tàm tạm. Lại nỗi, cô gái này rất mê… công nghệ. Cứ hễ rảnh lúc nào là ôm điện thoại lên facebook, zalo chat chit. Lắm hôm còn quên cả không cho em bé ăn chỉ vì mải… chụp hình tự sướng để up lên mạng. Bực mình, Việt đã phải khéo léo mời cô ta ra khỏi nhà.

ti m osin sau tet
Tìm được một ôsin chăm chỉ, tận tụy sau tết là việc không hề dễ

Cô ôsin thứ hai thì ngược lại, rất đảm đang tháo vát, chu toàn mọi việc. Nhưng lại có một nhược điểm là rất hay xin… về quê có việc. Hầu như tuần nào cô cũng phải về một, hai ngày, hết đám giỗ lại đến đám hỏi, đám cưới, tân gia, việc tang… Nếu không cho thì cô ta mặt nặng mày nhẹ, đá thúng đụng nia, công việc chểnh mảng. Còn nếu cho về thì cô cứ tít mít đi 3-4 hôm mới lên. Thành ra tiếng là một tháng, song cô ta chỉ ở được mười lăm, mười sáu ngày là cùng. Ấy thế mà vợ chồng Việt vẫn phải chịu. Dịp tết này, cô ta nghỉ một lèo từ 20 tháng Chạp cho đến qua mồng 10 vẫn chưa thèm ra. Gia đình cứ gọi là náo loạn…

Nỗi niềm với ôsin thì phải kể đến nhà chị Lan (trú tại phường Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân, Hà Nội). Tháng 11-2016 chị sinh đôi, trước đó đã có một cháu nữa là thành ba. Mặc dù có bà nội từ quê ra trông giúp, song chị vẫn phải mướn thêm một cô ôsin. Vì bà chỉ trông được đứa lớn và phụ việc cơm nước, chứ chăm trẻ sơ sinh thì bà không thạo.

Chị Lan phải về tận Phú Thọ, thuyết phục mãi mới thuê được một chị đã đứng tuổi, không chồng lên giúp việc nhà mình. Vốn là nhà tập thể, đã chật chội thì chớ song phải dành riêng cho chị ôsin một giường, vì chị ta mắc tật… khó ngủ. Phương (chị ôsin) chỉ quen nằm một mình, nếu có người nằm cạnh hoặc gây tiếng động nhỏ là chị ta không thể ngủ được.

Người đàn bà này tuy chưa có chồng, con song do đi làm ôsin nhiều năm nên tỏ ra khá chuyên nghiệp. Việc chăm sóc, tắm táp cho các cháu đều khá tốt. Thậm chí Phương còn biết mát-xa cho cháu bé nữa. Nhưng (lại nhưng) ở với gia đình chị Lan một thời gian, cô ôsin này mới lòi ra cái tật xấu là có tính tắt mắt. Đồ đạc, tiền nong cứ hở ra là cô ta… nhặt. Phương đâu biết chồng chị Lan đã lắp camera, nên cứ vô tư “xoáy” đồ.

Ban đầu chủ nhà chỉ nói xa xôi, bóng gió để chị ta biết ý mà dừng lại. Vậy mà Phương không thèm để ý, liên tục tái diễn việc lấy đồ. Cực chẳng đã chị Lan đã phải nói thẳng. Nghe đến đây thì Phương khóc hu hu và lặng lẽ gói đồ về quê.

Theo một người môi giới rao vặt chuyên cung cấp người giúp việc qua mạng chia sẻ. Mấy ngày nay, các nhân viên của trung tâm đều ù tai vì điện thoại. Số lượng khách gọi điện hỏi trực tiếp lẫn trên diễn đàn tăng đến 200%. Có ngày cả trăm gia đình liên tục bấm máy hỏi dồn, khiến nhân viên điên đầu phải tắt luôn cả điện thoại. Đặc biệt là ngày mùng 6 tết, nhiều công nhân, viên chức khai xuân, có tới hàng trăm cuộc điện thoại hỏi thăm, mong muốn nhờ hỗ trợ”.

Chỉ cần dạo qua một số Group (hội, nhóm) của các “Bà mẹ bỉm sữa” trên mạng Internet, hoặc các diễn đàn cho chị em phụ nữ người ta có thể dễ dàng bắt gặp những lời than thở, nhờ vả… tìm ôsin dịp ra tết. Có mẹ còn lập một topic dãi dài kể chuyện phải thuê xe ôtô về quê để đón ôsin ra làm sao, nịnh nọt cô ta như thế nào… nhằm xả cục tức phải chịu.

Trước tết Loan (giúp việc cho nhà chị Hiền, ở quận Ba Đình, Hà Nội) hứa rằng, nếu như được thưởng một khoản hậu hĩnh, chị ta sẽ lên thật sớm để chăm con cái cho chị Hiền. Dù là chị ta không nói thẳng ra nhưng ý đồ bóng gió ấy thì bất kỳ ai nghe cũng hiểu. Nên chị Hiền đã phải “cắn răng” thưởng cho Loan những 8 triệu, cao hơn cả mức lương tháng 13 của mình để chị ta giữ đúng lời.

ti m osin sau tet
Trung tâm môi giới người giúp việc thường rất đông khách sau tết

Công việc quá bận, mùng 4 đã phải đi làm, lại còn phải lo bao chuyện sau tết, con cái thì bé, không có ôsin thì chết nên chị Hiền mới phải thỏa thuận điều kiện đó. Của đáng tội, chị giúp việc này cực kỳ thạo việc, nhanh nhẹn, lại có sức khỏe. Con chị lại rất quấn ôsin - thế mới khổ. Theo thỏa thuận thì mùng 6 chị ta phải lên rồi, thế mà hết ngày mùng 6 vẫn không thấy chị ta đâu. Cũng không có cuộc điện thoại nào ra trò. Chị Hiền đành phải bấm máy hỏi vì sao thì chị ta lúc đó mới xin phép là nhà có việc, phải mùng 8 mới lên được. Nghe vậy chị Hiền ức lắm, nhưng mà ức cũng không giải quyết được gì, khéo lại mất người như chơi trong khi đã thưởng tết hậu hĩnh rồi. Thế nên chị đành phải nhịn và đồng ý là đợi.

Vậy mà cơ khổ, Loan lại nuốt lời, tối mùng 8 cũng không thấy mặt mũi đâu. Chị Hiền bực lắm, gọi mãi không thấy chị ta nghe máy. Con cái thì khóc ầm lên cứ gọi tên người giúp việc, giờ con còn theo chị ta hơn là mẹ nữa. Chị đành phải thuê một chiếc xe cùng chồng và con về đón chị ta lên làm và sẽ thỏa thuận điều kiện sau.

Lặn lội hơn 100km mới về được nhà người giúp việc. Vừa nhìn Loan, con chị Hiền khóc gào lên và nhoài người ra theo người phụ nữ đó. Chị bực quá, thế là chị ta lại càng có cớ làm kiêu. Chị bảo việc bận quá nên chưa gọi điện cho chị Hiền được. Thái độ kênh kiệu ấy chị Hiền biết chẳng dễ gì thuyết phục. Chị đành đưa ra thỏa thuận tăng thêm 1 triệu tiền lương và còn phải nói giọng ngọt ngào.

Tức đến lộn tiết, nhưng sau tết kiếm ôsin không phải dễ nên chị Hiền đành chấp nhận, nín nhịn để cho chị ta làm một thời gian nữa, sau đó thì có chiến lược khác. Chỉ là chị lo, người mà chỉ vì tiền này không biết có thể chuyên tâm chăm sóc con chị không hay là làm việc lại hời hợt. Chị chỉ còn cách tin vào chị ta và nịnh nọt chị ta cho qua ngày, còn sau này tính sau chứ bây giờ không có giúp việc thì cũng chết dở.

Chị Hoài Anh (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) mấy ngày nay cũng như đứng trên đống lửa. Chị cho biết, gia đình chị rất quý bác ôsin quê Nam Định nên trước khi bác về tết đã thưởng hẳn 10 triệu, lại mua mấy bộ quần áo mới, một túi quà to, cộng tiền xe đi lại. Trong tết chị còn gọi điện thoại hỏi thăm, chúc mừng và chờ người làm sẽ quay lại vào mùng 6 như đã hẹn.

ti m osin sau tet

Nhưng tết đã hết lâu rồi, chị gọi điện thì chỉ nhận được lời hứa mập mờ và đến hôm qua thì bác giúp việc tuyên bố nghỉ hẳn. “May mà còn nhờ được bà nội ở quê lên trông con để đi làm. Nhưng bà cũng không thể ở lâu được. 3 hôm nay mình gọi điện khắp nơi nhờ tìm người mà vẫn chưa được, sốt ruột quá. Chồng thì đi công tác triền miên, 2 con nhỏ, đứa lớn 5 tuổi, đứa nhỏ tuổi rưỡi quấy suốt, mấy hôm nay nhà như bãi chiến trường”.

Cũng vì ôsin về quê nghỉ tết không trở lại, chị Huyền (ở phố Khâm Thiên, Hà Nội) đang phải đôn đáo tìm trường cho con đi học, dù bé mới 15 tháng tuổi. “Ông xã đi vắng công tác xa, mình không thể kham nổi mọi việc nên đã cố chiều chuộng ôsin, mong họ ở lâu dài, đỡ đần mình. Lúc bà ấy về quê mình đã biếu hẳn cái điện thoại, một giỏ quà đủ các thứ, rồi thêm tháng lương 13... Ấy vậy mà hôm qua chưa thấy ra, mình gọi điện về giục thì bà ấy nói ráo hoảnh: “Phải ở nhà ít nhất là hết tháng Giêng, có khi chẳng ra nữa”. Chị Huyền cũng chẳng nhờ được nội ngoại vì cả hai bên đều ở xa, cũng không thể nghỉ ở nhà chăm con, chị đành tính nước cho con đi nhà trẻ, dù xót con còn nhỏ quá.

Bà Mai Thị Hường (phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) cho biết: “Năm nào cũng vậy, gia đình tôi cũng phải chạy đôn chạy đáo khắp các trung tâm để tìm người giúp việc. Ôsin cũ về quê ăn tết là nghỉ hẳn. Trước tết, người giúp việc nhà tôi đã hứa “chắc như đinh đóng cột” là mùng 5 (âm lịch) sẽ lên làm việc, nhưng đợi dài cổ vẫn không thấy bóng dáng ôsin đâu. Gia đình tôi đã gọi về nhà chị ôsin và nhận được câu trả lời gọn lỏn: “Gia đình cháu không cho đi nữa ạ!”.

Bà Hường còn cho biết thêm, trước khi nghỉ tết, người giúp việc xin ứng trước 3 tháng lương (12 triệu đồng) về sửa lại cổng nhà, bà cũng cho ứng trước để “nịnh” ôsin lên làm tiếp. Không những thế, bà Hường còn thưởng thêm cho ôsin 5 triệu đồng nhưng rốt cục ôsin vẫn “nhảy” việc và gia chủ lại một lần nữa “thả gà ra đuổi”! Bà quả quyết, sẽ tìm bằng được cô ôsin này để đòi lại tiền ứng trước. Nếu không trả, bà sẽ đưa ra công an và công bố cho chủ mới biết để cô ta hết đường làm ăn vì cái tính lừa lọc của mình.

Cùng chung cảnh “khát” ôsin, gia đình bà Đoàn Thị Nhung (ở Linh Đàm, Hà Nội) cũng đang “méo mặt” vì việc nhà và trẻ em. Gia đình bà Nhung vốn kinh doanh khách sạn nên cần 2-3 nhân viên dọn phòng. Sau tết, cả 3 nhân viên cũ giúp việc cho gia đình bà đều không... hồi âm. Gia đình bà đã tìm đến một số trung tâm giới thiệu việc làm nhưng đều về không. Thậm chí, bà Nhung đã trả phí môi giới cao hơn gấp 3 lần nhưng các trung tâm đều lắc đầu và hẹn ít nhất ngoài rằm mới có ôsin, còn họ có đến nhà bà nhận việc hay không lại là chuyện khác. Thế là gia đình bà đành phải đóng cửa nhà nghỉ chờ... ôsin.

Nhiều gia đình cho biết, dù đã cẩn thận giữ lại một phần tháng lương cuối năm, thậm chí giữ lại cả chứng minh thư, nhưng ôsin cũng không đoái hoài đến số tiền đó và... lặn mất tăm. Không những thế, nhiều gia chủ muốn “níu” ôsin ở lại làm cho mình đã chủ động tăng thêm lương nhưng họ vẫn nguây nguẩy từ chối, bà Nhung rầu rĩ nói.

Cách đây khoảng chục năm, hễ nghe nói đến một ai đó phải đi làm ôsin nhiều người thường tỏ ra thương cảm bởi lẽ xã hội quan niệm rằng, khi làm đến nghề này là chạm đến... tận cùng của nỗi khổ. Nhưng đó chỉ là chuyện ngày xưa, ôsin thời nay lắm khi còn làm chủ nhà sợ xanh mắt mèo và sống khỏe hơn nhiều đối tượng lao động khác.

Người giúp việc được bao ăn ở hiện nay giá thị trường từ các công ty cung ứng lao động không dưới 4 triệu đồng/tháng, lại được gia chủ mua sắm quần áo, giày dép và thỉnh thoảng lại có quà gửi về quê. Đó là chưa kể đến những hôm trái gió trở giời, ôsin nhớ nhà đòi về quê thì cậu mợ chủ được một phen năn nỉ, xuống nước...

Nhu cầu cần người giúp việc thời nay vô cùng phong phú. Từ việc chăm sóc con nhỏ, chăm sóc người già, lo việc nhà, thú cưng, cây cảnh... người thành thị đều cần đến bàn tay của ôsin. Việc tìm một người làm lo việc nhà không còn là “mốt” của các đại gia, mà ngay cả những công nhân, viên chức có mức thu nhập trung bình khoảng 6-7 triệu/tháng cũng có nhu cầu.

Lâu dần, chính những người dân quê đã tạo nên một “kỹ nghệ săn sóc thành thị”, rồi trở thành một nhu cầu thiết yếu của nhiều gia đình lúc nào không biết. Cũng vì thế mà một lớp người thành phố dần đã hình thành thói quen ỷ lại, khi người giúp việc về quê, bỏ việc là gia đình lại nháo nhào, rối tung và tạo cớ cho ôsin được một phen tăng giá trị của mình.

“Ôsin giờ như cầu thủ ngoại hạng, cứ vào năm mới lại õng ẹo tìm cách tăng lương. Nhiều lúc bực mình muốn “chuyển nhượng” nhưng biết lấy gì để trám vào khoảng trống đó, nên đành ngậm bồ hòn để giá tăng”, anh Huấn, nhân viên một công ty nước ngoài nói về cô ôsin của mình một cách tếu táo mà ngậm ngùi.

Có thể nói, khi được nhận vào giúp việc nhà, chỉ một thời gian ngắn, ôsin hầu như biết rõ mọi việc đã và đang xảy ra trong gia đình chủ, cũng như khoảng cách giữa chủ và ôsin ngày thêm gần gũi. Vì thế, những chuyện tưởng “không bao giờ có thể xảy ra” lại diễn ra rất dễ dàng. Từ chuyện ăn bớt tiền đi chợ, léng phéng với cậu chủ, trộm vặt, nhảy việc... đã làm việc tuyển chọn ôsin vô cùng gắt gao.

Nhiều gia đình trong vòng 1 tháng đã thay đến 5-7 người làm, có cảnh suốt một năm trời không tìm được người làm ưng ý dù chẳng tiếc tiền thuê người. Lẽ tất nhiên không thể nhắc đến những gia đình có tay “nuôi người” và khá giả thuê đến 2-3 người làm cùng lúc nhưng chẳng một ai bỏ việc và õng ẹo đòi hỏi.

Cuộc sống ngày một phát triển kéo theo nhiều nhu cầu cần được phục vụ và chăm sóc, chính những nhu cầu này phần nào đã đưa vai trò người giúp việc lên một vị trí mới; một nghề cần được xã hội tôn trọng và nhìn nhận để có những bước đào tạo bài bản tránh những trường hợp đáng buồn giữa hai phía.

Yên Chi