Hoàn thiện hành lang pháp lý, thúc đẩy phát triển bền vững
Yêu cầu cấp thiết sửa đổi luật sau 17 năm thực thi
Luật Năng lượng nguyên tử được Quốc hội khóa XII thông qua năm 2008 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2009. Sau 17 năm thực thi, luật đã bộc lộ nhiều hạn chế như chưa theo kịp yêu cầu quản lý hiện nay, thiếu tính tương thích với các luật mới ban hành và chưa đáp ứng được yêu cầu nội luật hóa các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Năng lượng nguyên tử là cấp thiết để đảm bảo tính đồng bộ và hiệu lực thực thi trong hệ thống pháp luật quốc gia.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng giải trình tại Quốc hội |
Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) gồm 12 chương, 73 điều, giảm 20 điều (tương đương hơn 20%) so với luật hiện hành. Dự thảo Luật được xây dựng bám sát 4 nhóm chính sách lớn đã được Chính phủ thống nhất tại Nghị quyết số 240/NQ-CP ngày 17/12/2024. Các chính sách này bao gồm: Thúc đẩy phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử; đảm bảo an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân; phân cấp trong quản lý nhà nước; tạo thuận lợi cho thanh sát hạt nhân, quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; tăng cường năng lực ứng phó sự cố và xác định rõ trách nhiệm dân sự trong các tình huống gây thiệt hại hạt nhân.
Bộ Khoa học và Công nghệ, cơ quan chủ trì soạn thảo đã tổ chức Ban soạn thảo và Tổ biên tập với sự tham gia của đại diện nhiều bộ, ngành Trung ương, địa phương cùng các chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm. Việc xây dựng dự thảo Luật được thực hiện nghiêm túc, theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tăng cường quản lý, phát triển bền vững và thực hiện cam kết quốc tế
Tại phiên họp, các ĐBQH bày tỏ nhất trí cao với mục tiêu và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, khẳng định việc sửa đổi luật là cần thiết để thể chế hóa chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển năng lượng nguyên tử. Việc hoàn thiện cơ sở pháp lý sẽ giúp tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân, phát triển bền vững các ứng dụng của năng lượng nguyên tử và thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Các đại biểu cũng góp ý cụ thể về nhiều nội dung của dự thảo như: đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, quy định hành vi bị cấm, các điều khoản chuyển tiếp, chính sách ưu tiên và ưu đãi của Nhà nước đối với lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát để đảm bảo sự thống nhất với các luật khác, kể cả các luật đang được Quốc hội xem xét sửa đổi.
Một số nội dung quan trọng khác cũng được các ĐBQH tập trung thảo luận, trong đó có đề xuất về việc nghiên cứu thành lập Quỹ An toàn hạt nhân để đảm bảo nguồn lực ứng phó các tình huống khẩn cấp. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị rà soát kỹ các quy định về phân cấp quản lý nhà nước, hoạt động thanh sát hạt nhân, trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân, tham vấn cộng đồng trong xây dựng nhà máy điện hạt nhân, bảo vệ an toàn nguồn phóng xạ, quản lý chất thải và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, thăm dò và khai thác nhiên liệu hạt nhân...
Một số ý kiến cũng tỏ ra thận trọng với việc xã hội hóa lĩnh vực năng lượng nguyên tử, nhấn mạnh yêu cầu kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình triển khai các hoạt động liên quan.
![]() |
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận phiên họp |
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng dự án Luật. Ông khẳng định, dự thảo Luật có nhiều nội dung mới, mang tính chuyên sâu và kỹ thuật cao. Tuy nhiên, các cơ quan đã nỗ lực tối đa để hoàn thiện dự thảo.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, toàn bộ ý kiến đóng góp của các ĐBQH tại hội trường cũng như thảo luận tại tổ sẽ được ghi nhận đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan để tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật, trình Quốc hội xem xét, quyết định trong thời gian tới.
Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) kỳ vọng sẽ tạo dựng nền tảng pháp lý vững chắc, góp phần đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững trong lĩnh vực công nghệ cao, bảo đảm an ninh năng lượng và hội nhập quốc tế sâu rộng trong kỷ nguyên mới.
Huy Tùng
-
Doanh nghiệp được trao nhiều quyền hơn trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi)
-
Việt Nam đang từng bước làm chủ và phát triển ngành công nghiệp hạt nhân
-
Bảo đảm thống nhất, không bỏ sót quyền hạn của địa phương
-
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Động lực chiến lược cho phát triển kinh tế bền vững
-
Việt Nam đang từng bước làm chủ và phát triển ngành công nghiệp hạt nhân
-
Hoàn thiện hành lang pháp lý, thúc đẩy phát triển bền vững
-
“Chìa khóa” tái khởi động điện hạt nhân
-
Tập đoàn Hoa Điện Trung Quốc muốn mở rộng đầu tư năng lượng tái tạo tại Việt Nam
-
Việt Nam - Hoa Kỳ tăng tốc hợp tác chiến lược trong lĩnh vực AI và công nghiệp bán dẫn