Trao quyền chủ động cho doanh nghiệp trong huy động và sử dụng dòng vốn nội bộ
![]() |
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh) |
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà bày tỏ sự ủng hộ đối với phương án 1 tại khoản 3 Điều 18 của dự thảo Luật, liên quan đến nguyên tắc huy động và cho vay vốn. Theo phương án này, doanh nghiệp được phép quyết định cho các công ty con - nơi doanh nghiệp nắm giữ trên 50% vốn điều lệ - vay vốn, với điều kiện giá trị mỗi khoản vay không vượt quá 50% vốn chủ sở hữu và tổng giá trị cho vay không vượt vốn góp thực tế của doanh nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, quy định này sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Việc cho phép doanh nghiệp chủ động sử dụng dòng vốn nhàn rỗi để các công ty con vay sẽ giúp tối ưu hóa nguồn lực nội bộ, đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị thành viên. Ngoài ra, do các công ty mẹ thường có hệ số tín nhiệm tốt hơn, việc thu xếp nguồn vốn từ công ty mẹ sẽ giúp công ty con tiếp cận vốn với chi phí hợp lý hơn so với việc tự huy động trên thị trường.
Để quy định này đi vào thực tiễn một cách hiệu quả, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà kiến nghị cần bổ sung thêm các quy định rõ ràng, cho phép doanh nghiệp được toàn quyền quyết định về nguồn vốn sử dụng để cho vay cũng như lãi suất áp dụng đối với các công ty con. Đồng thời, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh sự cần thiết phải quy định rõ ràng việc hoạt động cho vay vốn nội bộ này sẽ không bị điều chỉnh bởi các luật khác như Luật Các tổ chức tín dụng, nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp phải bổ sung ngành nghề kinh doanh hoặc xin giấy phép hoạt động như một tổ chức tín dụng.
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đánh giá cao dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp lần này đã thể chế hóa chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về đổi mới, phát triển doanh nghiệp nhà nước; đồng thời tiếp thu các ý kiến đóng góp trước đó, như cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, tạo cơ chế linh hoạt và phù hợp hơn với thực tiễn.
Việc trao quyền chủ động cho doanh nghiệp trong việc quản lý dòng vốn nội bộ được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, phát huy tối đa nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong tiến trình phát triển và hội nhập.
Huy Tùng
-
Trao quyền chủ động cho doanh nghiệp trong huy động và sử dụng dòng vốn nội bộ
-
Đề xuất tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030
-
Tăng cường phân cấp, tăng quyền tự chủ cho doanh nghiệp nhà nước
-
Chuyến thăm 4 nước của Tổng Bí thư tạo thêm động lực và nguồn cảm hứng để đất nước bước vào kỷ nguyên mới
-
Hôm nay, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi)