Văn hóa chất vấn!

08:53 | 27/11/2011

563 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chất vấn gì thì chất vấn nhưng cần phải tôn trọng người trả lời chất vấn và phải xuất phát từ cái tâm của mình chứ không phải chất vấn là để nói cho sướng miệng.

Ngày 23/11, trong phiên chất vấn các bộ trưởng tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đã nói Bộ trưởng Đinh La Thăng một câu: “Trả lời vòng vo như thế ai cũng có thể làm Bộ trưởng được”. Đây quả thực là một ý kiến, nếu như nói là đã xúc phạm đến người trả lời chất vấn thì cũng không sai. Và điều đáng buồn hơn nữa là tại sao giữa diễn đàn của Quốc hội, một đại biểu Quốc hội, người được dân bầu ra lại có thể nói năng kiểu như vậy. Nhân việc này, tôi xin kể hầu bạn đọc một câu chuyện mà có từ thời bao cấp.

Hồi ấy ở tại mỏ than Cọc Sáu, Quảng Ninh đúng dịp giáp tết Nguyên đán, do nhu cầu sản xuất nên Ban Giám đốc quyết định tất cả công nhân không về nghỉ tết mà ở lại làm việc bình thường. Tin này đưa ra công nhân phản đối rầm rầm. Một tốp công nhân lái máy xúc EKG và xe “Bò tót” ngồi tán gẫu. Một anh nói rằng: “Làm giám đốc thì có khó gì, cứ ngồi chỉ tay năm ngón, rằng các cậu phải thế nọ, phải thế kia thì thằng nào chả nói được. Ông ấy có chịu rét, chịu mưa, có phải ăn đói như mình đâu…”. Rồi các công nhân khác cũng hùa theo và chủ đề của họ là vạch tội và nói xấu giám đốc. Họ không ngờ rằng, trong lúc họ đang đàm tiếu, thì ông giám đốc đứng ở phía sau và nghe thấy hết. Chờ cho họ nói chán, ông mới xuất hiện và nói: “Vậy ai làm được giám đốc nào?”. Cả đám công nhận xanh mặt và mãi lâu sau một anh mới ấp úng nhân lỗi là đã nói xấu giám đốc.

Ông giám đốc nói: “Tôi không trách các cậu nói xấu tôi, bởi vì khi các cậu đã nói như thế chứng tỏ rằng, ở đây có người đủ tài làm giám đốc. Vậy ai thấy đủ sức làm giám đốc ở cái mỏ Cọc Sáu này thì giơ tay lên”. Tất nhiên là chả ai dám giơ tay, ông giám đốc cho mời các công nhân về hội trường của mỏ rồi tập hợp rất nhiều công nhân khác về. Ông kể lại câu chuyện vừa rồi. Ông nói về kế hoạch sản xuất mà trên giao cho, rồi ông bảo: “Nếu như cho một phần ba công nhân nghỉ việc về ăn tết mà trung bình mỗi người cả đi, về và nghỉ ở nhà là mất đứt một tuần, nhân lên thì sẽ mất bao ngày công lao động. Cho về thì không được. Nhưng không cho về thì cũng không được, bởi lẽ năm hết tết đến ai cũng muốn được về nhà đoàn tụ với cha mẹ, vợ con. Nỗi mong muốn được về tết đó là lẽ bình thường.

Vậy giải quyết việc này như thế nào để vừa đảm bảo được việc công mà lại vừa thỏa mãn được tình riêng”. Rồi ông nói luôn rằng ai xử lý được việc này ông sẽ giao cho người đó làm giám đốc. Cả hội trường im phăng phắc. Và không chỉ các công nhân mới thấy khó xử mà ngay trong Ban Giám đốc cũng không biết việc này phải làm như thế nào. Chờ mãi không thấy ai có ý kiến ông giám đốc mới nêu ra cách xử lý của mình, đó là: “Cử lãnh đạo Công đoàn mang quà tết đến tất cả các gia đình công nhân trong diện không được nghỉ tết. Công đoàn thay mặt Ban Giám đốc chúc tết gia đình và giải thích cho mọi người biết vì sao anh công nhân đó không thể về tết được. Còn chiều ngày 30, Ban Giám đốc sẽ tổ chức một buổi liên hoan tất niên tại nhà ăn của mỏ. Đêm 30 tết Ban Giám đốc sẽ đi chúc tết và mừng tuổi tất cả công nhân đang lao động”.

Giám đốc vừa nói xong cả hội trường vỗ tay rầm rầm và ai cũng thấy rằng, không thể có cách xử lý nào hợp tình hợp lý hơn như thế. Và đám công nhân lúc nãy vừa nói xấu giám đốc bây giờ đã phải tâm phục khẩu phục và bảo rằng, riêng chuyện ông ấy xử lý thế này cũng quá xứng đáng làm giám đốc.

Mượn câu chuyện xưa để nói chuyện nay. Trong tình hình xã hội đang có những khó khăn bộn bề – trong đó có giao thông – việc giải quyết không thể một sớm một chiều, ngày một ngày hai là xong. Hàng chục năm nay chúng ta quản lý xã hội không tốt, quy hoạch, xây dựng đường sá quá kém, ý thức người dân tham gia giao thông khỏi phải bàn là yếu đến mức nào… Bây giờ đòi hỏi rằng phải làm ngay, phải có kết quả ngay, như thế khác nào đánh đố. Người ta trút lên đầu Bộ Giao thông Vận tải về đủ mọi thứ tội và thậm chí cho rằng, việc ách tắc giao thông này là do Bộ Giao thông Vận tải… Đúng là công tác quản lý Nhà nước, xây dựng hạ tầng cơ sở giao thông còn nhiều vấn đề phải khắc phục. Nhưng thử hỏi mỗi người dân, mỗi cán bộ đảng viên đã tự giác chấp hành luật giao thông hay chưa. Nếu nói một cách không ngoa thì đối tượng xin xỏ nhiều nhất, thậm chí cậy chức cậy quyền cậy quan hệ để khỏi bị nộp phạt chính là cán bộ.

Gần đây hưởng ứng những biện pháp quyết liệt của Bộ Giao thông Vận tải, một số doanh nghiệp đã bỏ tiền ra mua xe để chở cán bộ, công nhân viên đi làm. Nhưng rồi lại vấp phải một việc cũng khó xử, đó là nhiều doanh nghiệp hiện nay đang có phong trào làm hết việc chứ không làm hết giờ cho nên chuyện phải đi sớm, về muộn trở thành bình thường. Vậy bây giờ đi xe tập trung, chả lẽ bắt người được về sớm phải chờ người về muộn. Cho nên có những điều biết là tốt đấy, biết là đúng đấy nhưng muốn xử lý được, muốn làm được đâu có phải dễ.

Mới đây, trong một phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã nhận xét rằng vẫn có những đại biểu Quốc hội “lỡ miệng”. Quả thật, đây lại là một ca “lỡ miệng”.

Bấy lâu nay, chúng ta cũng đã nói nhiều về việc đại biểu Quốc hội chất vấn mà thiếu “tầm”; rồi ngay chuyện đại biểu Quốc hội đọc báo, xem phim, ngủ gật trong hội trường cũng đã nói lên một điều rằng, không phải không có đại biểu Quốc hội thiếu nghiêm túc trong việc họp hành. Và qua những lời chất vấn như kiểu của ông Nguyễn Bá Thuyền thì thấy rằng, văn hóa chất vấn cũng có vấn đề. Nếu như ông Thuyền nói rằng, trả lời kiểu lòng vòng như Bộ trưởng Đinh La Thăng thì ai cũng có thể làm bộ trưởng được thì người viết bài này cũng có thể nói rằng, hỏi cái kiểu như của ông Thuyền thì ai cũng có thể làm đại biểu Quốc hội được.

Nâng cao hiệu quả chất vấn ở Quốc hội, đấy là điều mà Quốc hội các khóa gần đây chú trọng và cũng là mong mỏi của cử tri. Vấn đề là chất vấn gì thì chất vấn nhưng cần phải tôn trọng người trả lời chất vấn và phải xuất phát từ cái tâm của mình chứ không phải chất vấn là để nói cho sướng miệng.

{lang: 'vi'}

Như Thổ