Phía sau những “đại gia” bị sa lưới pháp luật

16:36 | 26/03/2024

2,116 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Qua theo dõi các vụ án trọng điểm vừa qua đều thấy một điểm trùng hợp, sau khi các ông chủ doanh nghiệp bị sa lưới pháp luật là đến các... quan tham. Có cán bộ đương chức, lại có cả những vị đã “hạ cánh” hàng chục năm mà vẫn không an toàn.
Phía sau những “đại gia” bị sa lưới pháp luật
Ảnh minh họa

Văn hóa lãnh đạo của Đảng thể hiện trên nhiều lĩnh vực, tự nhiên, tự giác, xuyên thấm trong đời sống xã hội. Văn hóa lãnh đạo thể hiện ở chỗ, Đảng biết tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định sao cho có hiệu lực và hiệu quả.

Văn hóa lãnh đạo thể hiện thông qua việc cán bộ, đảng viên có đức, có tài, gương mẫu, tiên phong trong thực thi công vụ. Đã là thủ lĩnh thì phải thực hành đạo đức làm trọng, chứ không chỉ rao giảng đạo đức. Không chỉ kêu gọi mà phải bắt tay làm việc, kiểm tra, giám sát, cùng gỡ khó với mọi người.

Có người hỏi, vậy văn hóa cầm quyền thì sao? Có “trùng” với văn hóa lãnh đạo? Xin thưa rằng, cầm quyền là khái niệm rộng, là quản trị đất nước bằng việc xây dựng Nhà nước pháp quyền - nhà nước của dân, do dân và vì dân. Thước đo văn hóa cầm quyền của Đảng được thể hiện sâu sắc trong mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Đảng là người lãnh đạo, nhưng nhân dân là chủ, mọi hoạt động của Đảng đều vì tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Thế nhưng, văn hóa lãnh đạo và văn hóa cầm quyền luôn gắn kết với nhau. Văn hóa cầm quyền bảo đảm dân chủ trong thực tế, để làm sao cho dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng một cách thật sự. Văn hóa trong Đảng là một dòng, một nhánh lớn trong dòng chảy văn hóa dân tộc. Trong công cuộc đổi mới đất nước, trong các văn kiện chính thức của Đảng ta đã nhiều lần nhắc tới việc xây dựng văn hóa trong Đảng, cũng có tác giả dùng cụm từ “xây dựng văn hóa Đảng” với ý nghĩa tổng quát hơn là văn hóa cầm quyền của Đảng.

Vấn đề bao trùm, xuyên suốt được ví như “sợi chỉ đỏ” của văn hóa trong Đảng là mọi chủ trương, đường lối và hoạt động của Đảng phải vì lợi ích của Tổ quốc, của dân tộc, của nhân dân. Đại hội XIII của Đảng một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu “Tập trung xây dựng Đảng về mặt đạo đức”. Đây được xem là nhiệm vụ cơ bản và cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Xây dựng Đảng về đạo đức - điều chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục làm để Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh, sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu của thời đại số. Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc lịch sử, Bác Hồ dặn lại “Trước hết nói về Đảng”. Người nói đến nguyên tắc ứng xử quan trọng nhất trong nội bộ Đảng - tự phê bình và phê bình: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”.

Đến hôm nay, sau gần 55 năm Bác đi xa, những điều Bác căn dặn vẫn nóng hổi tính thời sự. Đảng ta trong các Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, XII và XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã nêu rõ những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; chỉ rõ các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đảng yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên hằng ngày phải tự soi, tự sửa để làm trong sạch mình trước, để tập thể chi bộ, đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Nói tự soi, tự sửa không phải là “sách vở” mà là cách nói bắt đầu từ những điều thiết thực trong đời sống.

Thấy rõ những sai lầm, khuyết điểm, và dũng cảm, kiên trì sửa chữa là dấu hiệu của một Đảng mạnh. Có một động từ được dùng với nghĩa như một danh từ nói về quyết tâm lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm diệt trừ cái xấu, cái ác: “Đốt lò”! Công cuộc chống tham nhũng trong những năm qua đã góp phần cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, xử lý nghiêm minh những cán bộ hư hỏng, tha hóa, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.

Tình trạng trên nóng dưới lạnh đã giảm, hay nói cách khác là dưới cũng ấm dần lên. Thế nhưng, mức độ tham nhũng, hậu quả tham nhũng thì thật khủng khiếp! Nhìn lại mấy vụ án lớn như AVG, Việt Á, vụ án ở Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC), Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Tập đoàn Phúc Sơn… mà thấy kinh hoàng về sự tham lam, trí trá vô hạn độ của những kẻ bất lương.

Đáng lo ngại nhất là phía sau những “đại gia” đều có những cán bộ có máu mặt trong bộ máy công quyền chống lưng. Phía sau “quan chức” là sân sau. Đó chính là một dạng điển hình của tham nhũng ở cấp độ cao, mà đặc trưng nổi bật là có sự cấu kết chặt chẽ giữa những doanh nghiệp tư nhân lớn với các quan chức cao cấp của chính quyền. Cần thấy rõ đây là biểu hiện nguy hiểm nhất của tham nhũng nói chung và tham nhũng trong kinh tế tư nhân nói riêng. Chủ doanh nghiệp đã dựa vào các mối quan hệ thân quen của người có chức vụ, quyền hạn để thao túng. Đây chính là biểu hiện mới cần chú ý trong đấu tranh chống tham nhũng.

Qua theo dõi các vụ án trọng điểm vừa qua đều thấy một điểm trùng hợp, sau khi các ông chủ doanh nghiệp bị sa lưới pháp luật là đến các... quan tham. Có cán bộ đương chức, lại có cả những vị đã “hạ cánh” hàng chục năm mà vẫn không an toàn vì can tội thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý và nhận hối lộ. “Vụ Phúc Sơn” gần đây nhất là một điển hình, sau khi Hậu “pháo” bị khởi tố, bắt giam, lần lượt đến Chủ tịch, nguyên Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi, rồi Bí thư Tỉnh ủy, cùng với Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc dính vòng lao lý.

Thật là đau xót! Trong số các bị can, bị cáo và những người liên quan có những cán bộ từng có một thời có công, có đóng góp cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Con đường nào dẫn họ sa vào bẫy hiểm, vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân? Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân cơ bản là họ đã không thắng được cám dỗ của vật chất, tiền tài, danh vọng; họ đã bị chi phối, lũng đoạn. Họ đã quên một điều, danh dự mới là thiêng liêng, cao quý nhất. Danh dự của mỗi cá nhân hay tập thể chính là sự coi trọng, đánh giá cao của dư luận xã hội, dựa trên các giá trị tinh thần, đạo đức của người đó, tập thể đó.

Hải Đường