Từ trạm xăng đến trạm… sạc

18:30 | 26/05/2025

805 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chỉ với một triệu đồng tiết kiệm mỗi tháng từ việc đổi từ xe xăng sang xe điện, tài xế công nghệ có thể tự trả góp để sở hữu phương tiện sạch - xanh - tiết kiệm. Hành trình từ trạm xăng sang trạm… sạc đang dần trở nên thực tế hơn bao giờ hết, khi hạ tầng sạc điện được phủ rộng bởi những cái bắt tay chiến lược giữa VinFast, PVOIL và PV Power.

Không ít người cho rằng xe điện là chuyện “của người giàu” như Tesla của ông Elon Musk. Tâm lý ấy hoàn toàn dễ hiểu, nhất là với những lao động phổ thông, một số tài xế công nghệ - nhóm người vốn rất nhạy cảm với chi phí đầu vào. Nhưng thực tế đang thay đổi rất nhanh, và những con số biết nói đang vạch lại ranh giới giữa định kiến và khả năng.

Từ trạm xăng đến trạm… sạc
Một trạm sạc xe điện của PV Power tại Hà Nội.

Theo khảo sát do Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM công bố tại một hội thảo mới đây, trung bình mỗi tài xế chạy xe xăng từ các hãng như Grab, Be, Gojek tiêu tốn từ 70.000 đến 100.000 đồng mỗi ngày để di chuyển khoảng 100km. Trong khi đó, một chiếc xe điện Xanh SM - sản phẩm của VinFast - chỉ tiêu tốn khoảng 20.000 đồng cho cùng quãng đường. Chênh lệch mỗi ngày có thể lên đến 80.000 đồng, và mỗi tháng là hơn 1 triệu đồng.

Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế trực thuộc Viện, đưa ra nhận định rất thực tế: “Nếu tài xế dành khoản tiết kiệm này để trả góp mua xe điện, chỉ trong 24 - 30 tháng là có thể hoàn tất thanh toán. Đó không còn là viễn tưởng, mà là một bài toán khả thi”.

Và một khi chi phí không còn là rào cản lớn nhất, câu hỏi kế tiếp là: Sạc ở đâu?

Tháng 7/2022, VinFast và Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) bắt tay triển khai mô hình trạm sạc điện tại các cửa hàng xăng dầu. Đây là cú bắt tay mang tính biểu tượng: từ một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, PVOIL đã đồng hành cùng lộ trình “xanh hóa” giao thông.

Chỉ sau hơn hai năm, đến đầu năm 2025, hệ thống đã có 423 cửa hàng PVOIL tích hợp trạm sạc xe điện - con số vượt xa mục tiêu 15% số cửa hàng ban đầu. Không chỉ ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, hệ thống trạm sạc còn được mở rộng đến những điểm dừng chân trên quốc lộ, các khu công nghiệp, khu dân cư.

Tiếp đà hợp tác, VinFast còn ký thỏa thuận với Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) - đơn vị thành viên chủ lực của Petrovietnam trong lĩnh vực công nghiệp điện. Thỏa thuận hướng tới mục tiêu triển khai 1.000 trạm sạc điện trên toàn quốc giai đoạn 2025-2030. Trong đó, trạm sạc thí điểm đầu tiên đặt tại Hà Nội đã đi vào vận hành, sử dụng công nghệ sạc nhanh công suất lên đến 120kW - cho phép người dùng sạc nhanh trong vòng 20-30 phút.

Hai doanh nghiệp trụ cột của ngành năng lượng quốc gia - PVOIL và PV Power - đang cùng VinFast tạo thành một mạng lưới phủ sóng hạ tầng sạc điện. Điều từng là mối lo ngại của người tiêu dùng - "sạc ở đâu?" - đang được trả lời rất nhanh.

Từ trạm xăng đến trạm… sạc
Mô hình trạm sạc điện tại các cửa hàng xăng dầu của PVOIL.

Đáng chú ý, nhóm đối tượng hưởng lợi đầu tiên từ xu hướng này không phải các gia đình trung lưu hay doanh nghiệp vận tải lớn, mà chính là tài xế công nghệ - lực lượng di chuyển liên tục, tiêu thụ nhiên liệu nhiều nhất và cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến động giá xăng.

Họ cũng chính là nhóm người có khả năng lan tỏa nhanh sự thay đổi. Một tài xế đổi sang xe điện, không chỉ tiết kiệm tiền cho bản thân, còn tạo hiệu ứng lan tỏa đến cộng đồng xung quanh - từ khách hàng, đồng nghiệp đến người dân chứng kiến trên đường phố.

Sự chuyển đổi này không chỉ là lựa chọn phương tiện, mà còn là sự dịch chuyển tư duy: Từ “chịu đựng giá xăng” sang “làm chủ chi phí”, từ “bắt buộc” sang “chủ động”; từ tác động “cá nhân” sang tác động “cộng đồng”.

Khi nhận thức thay đổi, hành vi tiêu dùng cũng sẽ thay đổi theo. Và đó là nền móng của một cuộc chuyển dịch lớn hơn.

Nhìn rộng hơn, chúng ta đang đứng trước một cuộc chuyển đổi năng lượng mang tính lịch sử. Từ thế kỷ phụ thuộc vào dầu mỏ, than đá và khí đốt - thế giới đang bước vào kỷ nguyên của điện - và đặc biệt là điện xanh.

Nhưng quá trình này không thể chỉ dựa vào công nghệ hay ý chí người tiêu dùng. Nó cần sự tham gia của toàn bộ hệ thống: từ doanh nghiệp sản xuất, nhà đầu tư hạ tầng, đơn vị bán lẻ, đến cơ quan hoạch định chính sách.

VinFast chưa thể tự mình tạo ra mạng lưới trạm sạc rộng khắp. Sự tham gia của PVOIL - hệ thống xăng dầu phủ khắp mọi miền đất nước - và PV Power - nhà sản xuất điện có năng lực lớn - chính là đòn bẩy để quá trình này không chỉ là “xu hướng”, mà là hạ tầng thật, cơ hội thật, người dùng thật.

Một triệu đồng mỗi tháng - tưởng là chuyện nhỏ - nhưng lại đang mở ra một cánh cửa mới: từ trạm xăng sang trạm… sạc. Từ phương tiện chạy xăng sang xe điện. Từ nỗi lo giá nhiên liệu sang sự chủ động tài chính.

Nếu cả hệ thống cùng hành động - từ nhà sản xuất đến nhà cung cấp năng lượng - hành trình “xanh hóa giao thông” rất gần, rất thật và khả thi.

Thuận Thiên