Bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo bỏ 5 triệu USD vào 3 thùng xốp mang đi "biếu"

14:16 | 06/03/2024

352 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hồ sơ vụ án thể hiện bà Đỗ Thị Nhàn và các thành viên đoàn thanh tra đã nhận tiền của SCB để bưng bít, bỏ qua những sai phạm trong đại án Vạn Thịnh Phát.

Sáng 6/3, TAND TPHCM tiếp tục phiên tòa xét xử với bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 đồng phạm.

Bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo bỏ 5 triệu USD vào 3 thùng xốp mang đi biếu - 1
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa sáng 6/3 (Ảnh: Hải Long).

Nghỉ việc được bà Lan cho 20 tỷ đồng

Trong phiên tòa sáng nay, đại diện VKSND TPHCM tiếp tục công bố cáo trạng.

Theo đó, cơ quan công tố dành nhiều thời gian để công bố những hành vi sai phạm của những bị cáo bị xét xử về tội Vi Phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động liên quan khác tới hoạt động ngân hàng.

Cáo trạng thể hiện những bị cáo bị xét xử về những tội trên đã thực hiện nhiều hành vi sai phạm liên quan tới việc cấp khống nhiều khoản vay cho các công ty trong "hệ sinh thái" Vạn Thịnh Phát gây thiệt hại hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo bỏ 5 triệu USD vào 3 thùng xốp mang đi biếu - 2
Đại diện Viện kiểm sát công bố cáo trạng (Ảnh: Trung tâm Báo chí TPHCM).

Sau khi công bố sai phạm của nhóm liên quan tới việc nâng khống các khoản vay, đại diện VKSND TPHCM công bố sai phạm của các bị cáo bị xét xử về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo cáo trạng, Phạm Thu Phong làm việc tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB cũ) từ năm 2007, sau đó tiếp tục công tác tại Ngân hàng SCB đến cuối năm 2018, tháng 4/2019 nghỉ chính thức. Phong trải qua nhiều vị trí, chức vụ khác nhau, như: Kiểm Soát viên, Phó Trưởng phòng Kiểm soát nội bộ, Thành viên Ban Kiểm soát, Trưởng ban Kiểm soát SCB.

Trong thời gian Phạm Thu Phong giữ vai trò Trưởng Ban kiểm soát Ngân hàng SCB, từ ngày 20/11/2012 đến ngày 26/12/2018, Ngân hàng SCB đã phát sinh 338 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc "hệ sinh thái" Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, với 403 khoản vay tại Ngân hàng SCB, trong đó các khoản vay của các khách hàng này còn dư nợ đến ngày 17/10/2022 là 89.106 tỷ đồng nợ gốc.

Phạm Thu Phong đã không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ quy định của Ban Kiểm soát và Trưởng ban Kiểm soát trong quá trình SCB cấp tín dụng đối với nhóm khách hàng thuộc nhóm Trương Mỹ Lan theo số liệu như nêu trên nên đã không phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có biện pháp xử lý đối với các sai phạm của Ngân hàng SCB trong hoạt động cấp tín dụng này, dẫn đến các khoản vay còn dư nợ đặc biệt lớn, Ngân hàng SCB không có khả năng thu hồi nợ.

Hành vi của Phạm Thu Phong đã gây thiệt hại cho SCB 90.317 tỷ đồng. Khi Phạm Thu Phong nghỉ việc tại Ngân hàng SCB, Trương Mỹ Lan đã cho Phạm Thu Phong 20 tỷ đồng. Quá trình điều tra vụ án, Phạm Thu Phong đã tự nguyện nộp lại số tiền trên.

Bưng bít sai phạm

Tiếp đó, đại diện cơ quan công tố chuyển qua công bố sai phạm tới những hành vi của những bị cáo từng là cán bộ Ngân hàng nhà nước.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, tại các Thông báo của Văn phòng Chính phủ về thanh tra Ngân hàng SCB, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (TTGSNH) thuộc Ngân hàng Nhà nước đã thành lập đoàn thanh tra tại SCB năm 2017-2018 và triển khai thành 2 đợt thanh tra.

Bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo bỏ 5 triệu USD vào 3 thùng xốp mang đi biếu - 3
Bị cáo Nguyễn Văn Hưng (Ảnh: Hải Long).

Đợt 1, ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (thuộc Ngân hàng Nhà nước), thành lập đoàn thanh tra liên ngành gồm 18 thành viên phối hợp với Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.

Bà Đỗ Thị Nhàn làm trưởng đoàn thanh tra. Đoàn liên ngành được giao thanh tra hoạt động cấp tín dụng từ 30/6/2014 và thực trạng nợ xấu, kế hoạch tái cơ cấu, các khoản lãi và phí phải thu, đánh giá hoạt động quản trị. Đợt 1 thanh tra diễn ra 45 ngày ở SCB hội sở chính và 12 chi nhánh.

Ban đầu, kết quả thanh tra xác định, SCB sai phạm tại tất cả các nội dung thanh tra như: tăng trưởng tín dụng, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro; tỷ lệ cấp tín dụng vào các dự án bất động sản, xử lý nợ xấu; đặc biệt là sai phạm trong việc cấp tín dụng hầu hết đều rủi ro mất vốn…

SCB đã có ý kiến nếu các dự án, phương án tái cơ cấu theo kết quả thanh tra phải phân loại nợ xấu thì lợi nhuận SCB sẽ âm rất lớn và khả năng nhà băng này bị phá sản là rất cao.

Cáo trạng cũng chỉ ra các nội dung báo cáo thể hiện không trung thực, không đầy đủ, giảm nhẹ sai phạm, vi phạm của Ngân hàng SCB tại các dự án…; báo cáo không đúng về việc phân loại nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro.

Đặc biệt, tại phần kiến nghị, đoàn thanh tra đã đề xuất Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện cho Ngân hàng SCB thực hiện tái cơ cấu, cho phép nhà băng này xây dựng đề án tái cơ cấu.

Cáo trạng xác định kết luận thể hiện không trung thực, không đúng so với kết quả thanh tra về tình hình, thực trạng tài chính, vi phạm, sai phạm và các kiến nghị đối với SCB. Đặc biệt tại phần kiến nghị, đoàn thanh tra đã đề xuất Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện cho SCB thực hiện tái cơ cấu.

Việc SCB vi phạm hầu hết các quy định của Ngân hàng Nhà nước về lỗ lũy kế, âm vốn sở hữu, nợ xấu cũng được bỏ ngoài kết luận thanh tra. Việc này nhằm tránh cho SCB bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

Từ đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước không có đủ thông tin để xử lý sai phạm của SCB và ngăn chặn hành vi phạm tội của bà Trương Mỹ Lan.

Đoàn thanh tra nhận tiền

Theo cáo trạng công bố tại tòa, tháng 7/2017, Võ Tấn Hoàng Văn (nguyên Tổng giám đốc SCB) và Đinh Văn Thành (nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng SCB) biết bà Đỗ Thị Nhàn làm Trưởng đoàn sẽ thanh tra SCB nên báo cho bà Trương Mỹ Lan biết.

Quá trình thanh tra, Văn và Thành đã tìm cách kết nối với Cục trưởng Nhàn, thiết kế cuộc gặp cho Chủ tịch Vạn Thịnh Phát tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước và lần hai tại khách sạn Daewoo, Hà Nội.

Bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo bỏ 5 triệu USD vào 3 thùng xốp mang đi biếu - 4
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn (Ảnh: Hải Long).

Sau đó bà Lan giao nhiệm vụ cho Văn dẫn đoàn SCB ra Hà Nội gặp bà Nhàn để giải trình và bàn cách tháo gỡ những vi phạm của SCB. Sau cuộc gặp gỡ, bà Nhàn báo lại với Văn về việc đồng ý giúp.

Thực hiện theo chỉ đạo của bà Lan, Văn cùng lái xe riêng của mình nhiều lần dùng ôtô chở tiền đến hối lộ bà Nhàn, tổng cộng 5,2 triệu USD, tại phòng làm việc trong trụ sở Ngân hàng Nhà nước và nhà riêng. Trong đó có 3 lần đưa 5 triệu USD được chất đầy 3 thùng xốp đựng hoa quả do Văn chở đến. Sau mỗi lần đưa tiền cho Nhàn, Văn đều thông báo cho bà Lan biết.

Cụ thể, ngày 22/3/2018, Văn đưa cho bà Nhàn 200.000 USD tại phòng làm việc. Đầu tháng 10/2018, Văn cùng lái xe đến nhà riêng của Nhàn tại Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội, đưa 2 triệu USD. Mấy ngày sau, Văn tiếp tục đến nhà bà Nhàn đưa 2 triệu USD. Cuối năm 2018, Văn cùng Tuấn tiếp tục đến nhà Nhàn đưa thêm một triệu USD.

Ngoài việc đưa tiền hối lộ cho bà Nhàn, Võ Tấn Hoàng Văn còn khai nhận là người trực tiếp đưa tổng cộng 390.000 USD cho Nguyễn Văn Hưng (khi đó là Phó chánh thanh tra Cơ quan TTGSNH) vào các dịp lễ, Tết và các lần ra Hà Nội công tác năm 2018. Văn còn trực tiếp và chỉ đạo nhân viên dưới quyền tại SCB đưa tiền, quà bồi dưỡng cho thành viên đoàn thanh tra từ vài chục triệu đến vài nghìn USD.

Đại diện VKS đã công bố 89 trang cáo trạng, chiều nay sẽ công bố tiếp phần còn lại.

Theo Dân trí

Trương Mỹ Lan vừa là bị cáo, vừa tư cách bị hại

Trương Mỹ Lan vừa là bị cáo, vừa tư cách bị hại

Trong đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1, bị cáo Trương Mỹ Lan là một trong 86 bị cáo bị xét xử. Tuy nhiên, bà cũng là bị hại đối với hành vi của ông Nguyễn Cao Trí.

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc