Tư vấn tâm lý cho học sinh: Muộn còn hơn không

16:57 | 04/01/2018

852 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc thành lập phòng tham vấn tâm lý học đường trong các trường học đáp ứng nhu cầu cấp thiết của học sinh, nhằm hạn chế tối đa thực trạng “trẻ hóa” chứng rối loạn tâm thần, tạo môi trường học tập an toàn, hiệu quả. Tuy nhiên, việc tổ chức tư vấn và trợ giúp tâm lý cho học sinh vẫn chưa được thực hiện triệt để.  

Thực tế đáng báo động

Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, tại Việt Nam, chỉ có 20% người được phát hiện và điều trị sớm căn bệnh rối loạn tâm thần.

Và mới đây nhất, theo nghiên cứu năm 2017, tỷ lệ trẻ em và vị thành niên Việt Nam có vấn đề sức khỏe tâm thần chung là 8-29%, tùy theo địa phương và giới tính. Điều này cho thấy, tình trạng sức khỏe tâm thần của một bộ phận không nhỏ trẻ em và vị thành niên đang thực sự đáng báo động. Và trên thực tế, khi đã bị các vấn đề về rối loạn tâm thần, việc điều trị là vô cùng khó khăn và tốn kém.

tu van tam ly cho hoc sinh muon con hon khong
Tư vấn tâm lý cho học sinh sẽ góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh

Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng - TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: “Học sinh THPT (15-18 tuổi) ở vào giai đoạn sau của tuổi vị thành niên, giai đoạn mà sự phát triển về thể chất đã tương đối ổn định nhưng lại chưa đủ trưởng thành về mặt tâm lý. Sự thay đổi từ vị trí phụ thuộc của trẻ con sang vị trí tự quyết của người lớn đặt trẻ vào tình trạng không ổn định, thất thường. Tuy nhiên, giữa những biểu hiện bất thường về tâm lý và những rối nhiễu tâm thần bệnh lý là một ranh giới đôi khi rất mong manh. Vì vậy, làm sao để phát hiện, tiên lượng và can thiệp sớm là vấn đề đặt ra cho tất cả nhà tâm lý học đường”.

Giáo viên cũng cần được tư vấn

Theo một báo cáo của Quản lý vùng dự án Hà Nội thuộc tổ chức quốc tế Plan tại Việt Nam, trong 2 năm (2015, 2016), tổ chức này đã thực hiện thí điểm tư vấn tâm lý tại 20 trường học của Hà Nội, ngoài hơn 6.000 học sinh, có gần 250 phụ huynh và gần 200 giáo viên tìm đến hoạt động này trong các trường học. Điều này cho thấy, những người gặp phải vấn đề tâm lý không chỉ có các em học sinh và con số này sẽ còn tăng mạnh khi các tình huống sư phạm ngày càng phức tạp do tác động từ bên ngoài xã hội vào học sinh, giáo viên.

Theo một cuộc khảo sát mà Bộ GD&ĐT từng công bố sau khi tiến hành ở một số trường phổ thông và đại học tại Hà Nội, Hải Dương, có đến 93,57% học sinh, sinh viên được hỏi gặp phải những khó khăn, vướng mắc cần phải chia sẻ trong học tập và đời sống hằng ngày.

Tháng 10-2017, việc cô giáo phê bình học sinh trước lớp, bắt nghỉ học 1 ngày để suy nghĩ về hành vi gây mất trật tự trong lớp tại Trường Tiểu học Nam Thành Công (Hà Nội) khiến phụ huynh bức xúc cũng là một ví dụ về việc chậm trễ và thiếu trợ giúp tâm lý cho giáo viên. Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội cho rằng: “Sự việc này cho thấy giáo viên cũng cần tư vấn tâm lý. Hành động của cô có thể tác động lớn tới tâm lý học sinh, bằng chứng là học sinh này đòi chuyển trường. Cô giáo cần hiểu và đánh giá đúng hành động của mình”.

Nhằm đẩy mạnh tư vấn tâm lý để phòng chống bạo lực học đường và hạn chế những trường hợp đáng tiếc do rối loạn tâm lý gây ra, ngày 18-12, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 31/2017/TT-BTC hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông, nhằm góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường. Theo đó, hiệu trưởng các trường có trách nhiệm thành lập tổ tư vấn, hỗ trợ học sinh của trường; chỉ đạo và xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh. Ngoài ra, cần tổ chức khảo sát, xây dựng dữ liệu tâm lý ban đầu đối với học sinh đầu cấp học; phân loại, theo dõi, cập nhật thường xuyên đặc điểm, diễn biến tâm lý của học sinh. Nội dung tư vấn bao gồm tư vấn tâm lý lứa tuổi, giới tính, hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản vị thành niên cho phù hợp với lứa tuổi; giáo dục kỹ năng, biện pháp ứng xử văn hóa, phòng chống bạo lực, xâm hại...

Cùng với đó, hệ thống hỗ trợ tâm lý trẻ em như: các đường dây nóng, cán bộ trợ giúp ở cấp phường, xã cần phải tiếp tục được củng cố. Hơn hết, cha mẹ, thầy cô, những người hằng ngày cận kề bên học sinh phải làm tròn trách nhiệm của mình trong việc quan tâm, chăm sóc, là chỗ dựa tin cậy để các em tin tưởng và giảm thiểu đến mức thấp nhất những trường hợp học sinh tự tử do rối loạn tâm lý.

Phó vụ trưởng Phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) Bùi Văn Linh: Thời gian qua, một số địa phương đã triển khai có hiệu quả công tác tư vấn tâm lý như Hà Nội, TP HCM. Sở GD&ĐT Hà Nội đã triển khai thí điểm thành lập phòng tham vấn tâm lý ở 10 trường THCS, 10 trường THPT trong khuôn khổ Dự án “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng”.

Các phòng tham vấn này đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc tư vấn tâm lý học đường, được học sinh, giáo viên, phụ huynh ủng hộ và tham gia hỗ trợ. Ngoài ra, một số trường đã lập phòng, góc tư vấn tâm lý với các nguồn lực từ ngân sách và xã hội hóa.

Tuy nhiên, do các bộ phận này thường được ghép chung với phòng y tế hoặc phòng Đoàn, Đội và các thiết bị phục vụ công tác tư vấn tâm lý còn rất hạn chế; cán bộ thực hiện công tác tư vấn tâm lý cũng hầu hết là kiêm nhiệm, chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ về tư vấn tâm lý nên gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.

K.An