Thưởng Tết giáo viên: Nói mãi… vẫn khổ!

02:15 | 08/02/2013

753 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Năm hết, Tết đến, người người lại xôn xao bàn tán năm nay thưởng Tết thế nào. Với những người làm nghề dạy học, đặc biệt là những giáo viên miền núi ấy là một khái niệm mơ hồ trong giáo dục.

"Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng"

Nghề giáo không có tháng lương thứ 13, lại chưa có quy chuẩn thưởng Tết, nên các trường đành phải “tự thân vận động” bằng cách tiết kiệm tối đa các khoản chi tiêu và trông chờ vào khoản... kết dư ngân sách cuối năm.

Tiền điện nước, tiền văn phòng phẩm, thiết bị dạy học, công tác phí… là những khoản được nhiều trường học thực hành tiết kiệm tối đa để cuối năm có được phần “dư” chi thưởng Tết cho giáo viên.

Và cũng do tiền thưởng có được nhờ khả năng tháo vát xoay xở của hiệu trưởng nên các trường đều có một “luật bất thành văn”, xem mức thưởng Tết là một bí mật với người ngoài. Vì vậy khi chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp, các giáo viên chỉ mô tả khái quát dưới công thức “một - vài tháng lương”.

Nhưng chúng tôi cũng được biết, không ít các trường nội thành Hà Nội có mức thưởng từ dăm triệu đồng đến trên dưới 10 triệu đồng/người. Nhưng ra đến các trường ngoại thành, đặc biệt là những trường bậc học thấp (tiểu học, THCS) thì bức tranh thưởng Tết đã nhuốm một màu sắc khác.

Thưởng Tết cho giáo viên còn có sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng, các cấp.

Nhắc đến chuyện “thưởng Tết”, hầu hết các giáo viên khu vực ngoại thành đều cười xòa và trả lời: “Đã là giáo viên thì làm gì có thưởng Tết”. Chỉ trừ một vài trường, hiệu trưởng biết cách chi tiêu, vun vén thì các thầy, các cô mới được vài trăm nghìn “động viên” trong dịp tết này.

Cô Nguyễn Thị Quý (giáo viên trường tiểu học Hương Ngải, Hà Nội) cho biết: “Năm nay trường cho mỗi giáo viên 100.000 đồng nên chẳng dám gọi là thưởng Tết. Nếu tính cả Quỹ công đoàn hay phụ huynh biếu thêm thì được 400.000 – 500.000 đồng, như thế đã là tươm tất lắm rồi”.

Một giáo viên ở trường THPT Thạch Thất (Hà Nội) chia sẻ: “Thấy người ta được thưởng Tết thì cũng chạnh lòng lắm, chúng tôi làm bao nhiêu năm, dạy bao nhiêu khóa rồi chẳng có tiền thưởng hay bất kỳ chế độ gì. Chỉ có mỗi khoản 50.000 đồng/giáo viên trích từ quỹ công đoàn, mà tiền quỹ công đoàn cũng là tiền mình đóng góp hằng tháng”.

Miền xuôi đã vậy, miền ngược còn khó khăn hơn, nhiều thầy cô giáo ở trường tiểu học thuộc huyện Mường Tè chia sẻ, Tết đến nhận được gói bánh, gói kẹo hay cuốn lịch của nhà trường đã là tươm tất lắm rồi, đâu dám mơ đến tiền trăm, tiền triệu như những nghề nghiệp khác.

Tuy nhiên, cá biệt có một số trường học thưởng Tết khá cao, như trường hợp một trường THCS thuộc huyện Đan Phượng (Hà Nội), các thầy cô được thưởng tết 2-3 tháng lương, bên cạnh những khoản khen thưởng, phụ cấp của công đoàn hay phụ huynh học sinh.

Nên có quỹ lương tháng 13 cho giáo viên

Thưởng Tết cho giáo viên đúng là vấn đề “nhạy cảm”. Điều này cũng dễ hiểu vì giáo viên là công chức, hưởng lương hành chính sự nghiệp. Các địa phương nếu có điều kiện cũng chỉ trích ngân sách hỗ trợ chứ không có chuyện thưởng Tết.

Thưởng Tết từ lâu đã là niềm vui, là thu nhập chính đáng của người lao động. Các năm trước, lúc kinh tế ấm lên, nhiều doanh nghiệp, đơn vị thưởng rất cao cho người lao động, đặc biệt các ngành như ngân hàng, điện lực, viễn thông… Khi đó nhiều ý kiến so sánh và đề nghị nên có một khoản nào đó để thưởng Tết cho giáo viên để những người "kỹ sư tâm hồn" đỡ tủi phận thì lại vấp ở chỗ cơ chế không cho phép.

Muốn phát triển giáo dục, cần chăm lo tới đời sống của giáo viên. 

Từ năm 2009, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã từng viết thư kêu gọi lãnh đạo UBND các địa phương chăm lo hơn đến đời sống của các nhà giáo trong dịp Tết. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, nhiều địa phương tuyên bố chi tiền ngân sách hỗ trợ giáo viên tỉnh nhà. Tuy nhiên, những năm sau phong trào địa phương chi tiền hỗ trợ đời sống giáo viên dịp Tết xuội dần đi.

Trong Hội nghị Triển khai chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 – 2020 và kết luận 51-KL/TW, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết sẽ từng bước cải tiến lương cho giáo viên trên cơ sở tương quan giữa các ngành nghề khác, cho thấy trước mắt vẫn chưa có đột phá nào trong việc trả lương cho giáo viên.

Còn GS.TS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội nhận xét: Vấn đề lương cũng như thưởng Tết giáo viên từ nhiều năm nay rơi vào một vòng luẩn quẩn. “Sau Nghị quyết T.Ư 2, giáo viên được xếp ngạch lương cao nhất. Nhưng về sau, các ngành khác tiếp tục đấu tranh nên họ lại được điều chỉnh lương, thành thử lương giáo viên lại trở về mức thấp so với các ngành khác. Tương tự câu chuyện lương, chúng ta cũng từng có câu chuyện thưởng Tết bằng lương tháng thứ 13 nhưng rồi vì một số lý do nào đó chúng ta lại bỏ trong khi các doanh nghiệp vẫn duy trì cơ chế này”, GS Đào Trọng Thi nói.

Theo GS Đào Trọng Thi, nếu vấn đề thưởng Tết cứ luẩn quẩn với nguồn ngân sách và gắn với lương thì sẽ không thể giải quyết được trong khi bài toán lớn là lương cho giáo viên vẫn chưa tìm ra lối thoát.

“Theo tôi, nên lập một quỹ gọi là quỹ thưởng Tết cho giáo viên. Thay vì phụ huynh đưa quà, đưa phong bì cho các thầy cô theo cách như đang diễn ra khá phổ biến tại các đô thị thì phụ huynh có thể ủng hộ ngành giáo dục thông qua quỹ này. Cách này sẽ thu hút được sự đóng góp của các doanh nghiệp, các cá nhân hảo tâm lo lắng, quan tâm tới đời sống của đội ngũ giáo viên”, ông Thi đề xuất.

Giáo dục là quốc sách. Chất lượng của nền giáo dục quốc gia lệ thuộc vào chất lượng giáo viên. Nếu chưa có cơ chế đặc thù về lương cho giáo viên thì các ngành chức năng nên tìm cách trả lương tháng 13 cho giáo viên, coi như một khoản tiền thưởng Tết. Có lẽ xã hội, nhiều ngành nghề khác cũng đồng thuận với đề xuất này vì mục đích cuối cùng là để chăm lo cho đời sống giáo viên, cho ngành giáo dục nước nhà.

Vương Tâm