Thi đại học: Siết chặt các trường thi riêng

16:16 | 23/06/2014

782 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi tuyển sinh đại học theo hướng “3 chung” vẫn diễn ra bình thường và đề thi sẽ ra theo hướng mở, thí sinh không phải học kiến thức thuộc lòng.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Bùi Văn Ga cho biết thí sinh sẽ không phải lo học thuộc quá nhiều bởi cách ra đề năm nay sẽ tập trung phát huy những đổi mới đã được xã hội đánh giá cao.

Thứ trưởng khẳng định: “Đề thi sẽ tiếp tục ra theo hướng mở và tăng tính thực tiễn để phát huy năng lực của thí sinh”. Ông cũng cho biết chủ trương của Bộ GD-ĐT là đề thi nằm trong chương trình phổ thông nên ban đề thi sẽ có giáo viên phổ thông nhiều hơn giáo viên đại học (ĐH).

Trước lo lắng về việc thí sinh có thể dễ dàng đoán được chủ đề của đề mở, theo Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) Trần Văn Nghĩa, đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo phương thức “ba chung” của năm 2014 vẫn giữ ổn định như năm trước và tiếp tục ra theo hướng tăng cường câu hỏi mở. Đối với các môn khoa học xã hội, việc ra đề thi trước tiên phải bốc thăm chọn chủ đề một cách ngẫu nhiên, sau đó cán bộ ra đề thi theo các chủ đề đã chọn. Như vậy, các vấn đề thời sự nóng có thể có trong đề thi nhưng được chọn ngẫu nhiên, cách đặt vấn đề cũng sẽ có những kỹ thuật riêng để đề thi đáp ứng yêu cầu phân hóa cao.

Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH 2014

Ngoài ra, để bảo mật việc ra đề thi và bảo mật đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ, công tác biên soạn được tổ chức tại một địa điểm biệt lập và vận hành theo quy trình nghiêm ngặt.

Nói thêm về sự thay đổi đề thi môn văn trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, tại hội thảo về đổi mới kiểm tra đánh giá chất lượng học tập môn ngữ văn ở trường phổ thông, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng đề thi bám sát chương trình không có nghĩa là không thoát khỏi những tác phẩm đang giảng dạy trong sách giáo khoa.

Theo Thứ trưởng, quá trình dạy và học sẽ giúp học sinh hình thành khả năng đọc hiểu, cảm thụ. Đây là năng lực cần đánh giá chứ không phải kiểm tra học sinh nhớ được những gì. Như vậy, tác phẩm trong đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ khối C, D có thể nằm ngoài sách giáo khoa hiện hành nhưng không vượt quá yêu cầu năng lực của thí sinh.

Hướng dẫn của Bộ GD-ĐT cũng nêu rõ: “Nếu thí sinh có những suy nghĩ, kiến giải riêng mà vẫn hợp lý thì vẫn được chấp nhận. Nếu thí sinh có kỹ năng làm bài tốt nhưng chỉ đi sâu bàn luận vào một vài khía cạnh cơ bản thì vẫn đạt điểm tối đa”.

Các giáo viên đánh giá đây là chủ trương phù hợp với cách ra đề mở, khuyến khích sự sáng tạo của học sinh và cũng không còn bắt buộc người chấm phải “đếm ý cho điểm” như trước đây nữa. 

Theo quy định mới của Bộ GD-ĐT, năm nay, các trường ĐH, CĐ phải công bố môn thi chính. Đến thời điểm này, 32 trường ĐH, CĐ đã công bố danh sách 231 ngành học có nhân hệ số môn thi chính trong kỳ thi tuyển sinh sắp tới. Đa số trường đều chọn nhân hệ số đối với các ngành có môn ngoại ngữ và các môn năng khiếu. Ngoài ra, các trường cũng chọn các môn khoa học như toán, văn, lịch sử, địa lý… làm môn thi chính.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, cách thức tuyển sinh này sẽ giúp các trường có cơ hội tuyển được thí sinh có năng lực phù hợp với đặc thù đào tạo. Với cách này, các trường sẽ tuyển thí sinh có năng lực cao nhất ở một môn thi chính. Điều đó giúp khắc phục tình trạng thí sinh có điểm cao trong môn thi quan trọng của khối thi nhưng lại không trúng tuyển vì những môn khác có điểm thấp; ngược lại, thí sinh có môn phụ được điểm cao lại trúng tuyển dù môn chính có điểm kém. Cách đổi mới này cũng giúp những thí sinh có năng lực, sở trường riêng có điều kiện phát huy thế mạnh của mình thay vì phải dàn trải đều ở cả 3 môn thi như các năm trước đây.

Trước những băn khoăn của dư luận xã hội về việc buông lỏng chất lượng đầu vào ĐH, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhấn mạnh: “Trong đề án tuyển sinh riêng của các trường, Bộ đã yêu cầu phải công bố các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào. Trong đó đối với thí sinh vào ĐH thì phải có kết quả phổ thông tối thiểu từ 6 trở lên, CĐ phải từ 5,5 trở lên. Những thí sinh này nếu thi ĐH, CĐ cũng có khả năng đậu. Với quy định đó thì xã hội không lo chất lượng đầu vào sẽ bị giảm sút vì chỉ có khoảng 50 -60% số thí sinh đủ điều kiện này. Đồng thời năm nay, Bộ có chủ trương đổi mới thi cử, đặc biệt là khâu ra đề thi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua cho thấy đề thi đã được cải tiến nhằm đánh giá được tư duy của các em. Vì vậy, kết quả thi phổ thông cũng được đánh giá một cách chính xác hơn. Do đó, chất lượng xét tuyển vào ĐH từ kết quả phổ thông của các em cũng không lo bị hạ thấp.

Để giám sát chất lượng tuyển sinh của các trường, Bộ sẽ tiến hành kiểm tra công tác tuyển sinh ở tất cả 62 trường có tuyển sinh riêng. Việc kiểm tra sẽ được tiến hành sau khi các trường tuyển sinh xong để đánh giá và rút kinh nghiệm. Nếu phát hiện tiêu cực ở bất cứ trường nào, vào thời điểm nào thì cũng đều bị xử lý”.

Khánh An