Tìm giải pháp để phát triển ngành logistics

11:21 | 18/12/2023

277 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Để phát triển ngành logistics, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và đặc biệt là các trường đại học.

Vừa qua, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Logistics vùng Đồng bằng sông Hồng” nhằm mục đích tạo không gian kết nối để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý chia sẻ các tri thức hiện đại và kinh nghiệm phong phú hướng đến phát triển ngành logistics.

Hội thảo “Logistics vùng Đồng bằng sông Hồng” nhằm kết nối các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong khu vực chia sẻ tri thức và kinh nghiệm phong phú về lĩnh vực logistics. Với hơn 70 bài tham luận, hội thảo tập trung thảo luận 3 vấn đề: “Nhận diện hiện trạng tổ chức và kết cấu hạ tầng logistics”; “Đào tạo nguồn nhân lực và các chính sách phát triển logistics”; và “Định hướng và các giải pháp phát triển logistics”.

Tìm giải pháp để phát triển ngành logistics
Chuyên gia, nhà khoa học, quản lý giáo dục chia sẻ về logistics tại hội thảo

Tại hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý, các đại biểu tham dự hội thảo đã có nhiều trao đổi xung quanh việc nhận diện và đánh giá hiện trạng tổ chức, kết cấu hạ tầng logistics vùng Đồng bằng sông Hồng, TP Hà Nội, vai trò của một số địa phương vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ hiện nay; các chính sách, nguồn lực cho phát triển logistics; bối cảnh, xu hướng phát triển logistics...

PGS, TS. Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT nhận định, hiện nay, logistics đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển đất nước nói chung và vùng Đồng bằng sông Hồng, Thủ đô Hà Nội nói riêng. Logistics giúp lưu thông hàng hóa, dịch vụ một cách thuận lợi, từ đó, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; kết nối thị trường trong nước với quốc tế, giúp doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn nguyên liệu, hàng hóa, dịch vụ từ khắp nơi trên thế giới, từ đó, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Để phát triển ngành logistics tại Việt Nam hiện nay, các ý kiến có chung quan điểm, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và đặc biệt là các trường đại học, với vai trò cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.

Tìm giải pháp để phát triển ngành logistics
PGS.TS Bùi Tất Thắng trình bày tham luận tại hội thảo

PGS.TS Bùi Tất Thắng - Khoa Kinh tế và đô thị (Trường ĐH Thủ đô Hà Nội) cho biết, Việt Nam đang có hơn 30.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực logistics, chiếm 89% là doanh nghiệp trong nước, 10% là doanh nghiệp liên doanh và 1% là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia,... Nhưng doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm 30% thị phần, còn lại miếng bánh thị trường logistics trong nước dành cho doanh nghiệp nước ngoài.

“Doanh nghiệp trong nước vừa nhỏ vừa yếu về vốn, nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Chính vì vậy, ở cả chiều mua và chiều bán, doanh nghiệp logistics trong nước đều bị hạn chế”, PGS.TS Bùi Tất Thắng nhận định.

Dẫn dự báo của Viện Nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Tất Thắng cho biết, đến năm 2030, ngành logistics ở nước ta cần bổ sung 2,2 triệu nhân lực, trong đó có khoảng 200.000 nhân lực chất lượng cao, có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn, có kỹ năng nghiệp vụ và năng lực ngoại ngữ. Trong khi đó, sinh viên tốt nghiệp từ các đơn vị đào tạo chỉ có 2.500 sinh viên, học viên mỗi năm.

“Được đánh giá có mức thu nhập cao so với mặt bằng chung, nhân sự ngành Logistics được phân chia theo nhiều cấp bậc, với vị trí khởi đầu thường là nhân viên với mức lương khoảng 8 triệu đồng, và vị trí cấp cao có thể có mức lương lên tới hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Với nhu cầu đào tạo nhân lực cao như vậy nên mặc dù hiện đã có một số trường đại học đang đào tạo nhân lực bậc đại học cho lĩnh vực logicstics, trong đó có Đại học Thủ đô Hà Nội, nhưng đây vẫn là lĩnh vực còn nhiều dư địa để các trường đại học và dạy nghề khác, tiếp tục mở rộng và đặc biệt là nâng cao chất lượng đào tạo thông qua hợp tác, liên kết giữa các trường đại học trong nước và quốc tế”, PGS.TS Nguyễn Tất Thắng nhấn mạnh.

Còn theo PGS.TS Bùi Duy Phú, Khoa Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng Trường ĐH Đại Nam cho hay, bên cạnh công cụ Blockchain, các doanh nghiệp logistics còn quan tâm nhiều đến khía cạnh tài chính mà Fintech mang lại. Đây là những sản phẩm có tính hấp dẫn cao đối với các doanh nghiệp logistics. Thực tế hiện nay, các trường đại học kinh tế lớn đào tạo sinh viên chuyên ngành Toán tài chính hay phân tích và dự báo dữ liệu đều có những môn học tiếp cận với Fintech. Tuy nhiên trở ngại lớn nhất là đa phần họ lại chưa được trang bị kiến thức chuyên sâu về kinh tế, logistics. Do đó rất cần đào tạo một cách bài bản các kiến thức này để làm việc hiệu quả hơn trong việc hỗ trợ hoạt động logistic và chuỗi cung ứng.

N.H

Phát triển Logistics xanh hướng tới chuỗi cung ứng bền vững cho sản phẩm nông sản và dược phẩmPhát triển Logistics xanh hướng tới chuỗi cung ứng bền vững cho sản phẩm nông sản và dược phẩm
Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023: Logistics và Chuyển đổi số cho Đồng bằng sông Cửu LongDiễn đàn Logistics Việt Nam 2023: Logistics và Chuyển đổi số cho Đồng bằng sông Cửu Long