Tảo hôn có phải là tội hình sự?

07:30 | 17/09/2015

1,614 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 Ngay khi đề xuất bỏ tội tảo hôn khỏi Bộ luật Hình sự được đưa ra đã gây sự chú ý đặc biệt trong dư luận. Các chuyên gia pháp lý cũng cho rằng, tội này liên quan trực tiếp đến hai người chưa đủ tuổi kết hôn nhưng vẫn tiến hành kết hôn. Mục tiêu của họ là yêu nhau và tiến đến hôn nhân, vì vậy hành vi trên không gây nguy hiểm cho xã hội hoặc gây hậu quả cho những người xung quanh.  

tao hon co phai la toi hinh su

Xin đừng khuyến khích vợ chồng trẻ con!

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, việc hạ tuổi kết hôn là “vẽ đường cho hươu chạy”. Chẳng cứ “hươu” miền núi, ở miền xuôi cũng đáng quan tâm khi tỉ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên đang đáng báo động.

Mong manh lý - tình

Cách đây ít lâu, dư luận cả nước xôn xao trước sự việc hy hữu xảy ra trên địa bàn xã Phú Thuận (Phú Tân, Cà Mau). Chuyện là, ông Chủ tịch UBND xã Lê Công Quẩn đã ngang nhiên mượn cả trụ sở ủy ban để tổ chức vu quy cho con gái vừa học xong lớp 10 (mới 16 tuổi), còn chàng rể chỉ học trên một lớp.

Phông màn căng lên, bàn tiệc bày ra, âm thanh ầm ĩ, ánh sáng lấp lánh, trụ sở xã Phú Thuận biến thành một bữa tiệc tùng, nhộn nhịp. Thế nhưng, điều khiến dư luận bức xúc hơn cả chính là việc ông Quẩn tác thành cho cô con gái và chàng rể mới đang ở tuổi học trò.

Được biết, tình yêu học trò dẫn đến con gái ông Lê Công Quẩn mang thai, đành phải tổ chức đám tiệc cho “mở mặt, mở mày” với thiên hạ.

tao hon co phai la toi hinh su

Hệ lụy, sau tiệc cưới con gái, ông Quẩn bị Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Phú Tân kỷ luật cảnh cáo về Đảng và bị UBND huyện này xử phạt hành chính 750.000 đồng về hành vi “Tổ chức tảo hôn”.

Trong sự việc xảy ra tại Phú Thuận, may mắn cả con gái và con rể của ông Quẩn không bị xử lý về hành vi tảo hôn. Thế nhưng, không phải lúc nào các cặp “vợ chồng” tảo hôn cũng may mắn như vậy. Với không ít vụ, gia đình tạo điều kiện cho đôi nam nữ chung sống “như vợ chồng”, rồi sinh con đẻ cái, đến khi cuộc sống “cơm không lành, canh không ngọt”, cha mẹ ruột của bị hại lại quay ra tố cáo, khiến “con rể” phải ra trước vành móng ngựa.

Câu chuyện của chú rể Nguyễn Thanh Phương (24 tuổi, tại thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) bị bắt giam chỉ 10 ngày trước khi cô vợ nhí 15 tuổi của mình sinh con đầu lòng đã khiến biết bao người đau lòng. Nguyễn Thanh Phương bị Viện Kiểm sát Nhân dân thị xã Bình Minh truy tố vì tội “giao cấu với trẻ em” sau ngày cưới 2 tháng. Còn cha mẹ của cô gái bị phạt hành chính do tổ chức đám cưới cho con khi chưa đủ tuổi kết hôn.

Một trường hợp khác từng gây xôn xao dư luận thời điểm cuối năm 2014 liên quan đến vụ “cô dâu 14 tuổi”. Thời điểm đó, Cơ quan CSĐT (Công an quận Ô Môn, TP Cần Thơ) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Văn C (22 tuổi) về tội “giao cấu với trẻ em”.

Theo lời kể gia đình “bị hại” N, sau thời gian quen biết, C và N đòi “góp gạo thổi cơm chung” ra mắt họ hàng 2 bên. Mặc dù bị một số người can ngăn nhưng cả 2 đều dọa chết nếu không được tổ chức lễ cưới. Đám cưới xong, cả hai về nhà ở chung và dự định sẽ đi làm thuê mướn kiếm sống nhưng hệ lụy sau đó khiến không ít người đau xót.

Giáo dục thay cho xử lý hình sự

Cách đây ít lâu, tại huyện Châu Thành (Tiền Giang) xảy ra câu chuyện đau lòng. Bị cáo L.T.T (SN 1989) quen biết với H.T.L (SN 1999) từ tháng 8-2014, đến giữa tháng 9-2014 hai người hẹn hò rồi “đi lại” với nhau. 1 tháng sau, cha mẹ của L phát hiện sự việc liền tố cáo đến công an.

Gia đình “đàng trai” vội vã đến “nhà gái” để giao 30 triệu đồng và một đôi bông tai trị giá 3,5 triệu đồng. Gia đình “nhà gái” đồng ý nhận tiền, vàng và thống nhất tổ chức “lễ cưới”. Nhưng chỉ có tội “giao cấu với trẻ em” bị xử lý, còn tội tảo hôn thì không bị truy cứu.

Luật Hôn nhân & Gia đình quy định, nam từ 20 tuổi và nữ từ 18 tuổi trở lên mới được phép kết hôn. Thế nhưng, dù các ngành chức năng… đã cố gắng tuyên truyền, cũng như vận động, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm thì tình trạng tảo hôn vẫn tiếp diễn. Bởi dường như đối với nhiều người, họ vẫn nghĩ rằng con gái phải lấy chồng sớm; gả con sớm vì gia cảnh khó khăn hay gánh vác chuyện nhà chồng… Khi “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, sự việc bị đưa ra pháp luật đã khiến không ít gia đình “tan đàn xẻ nghé” với bao số phận dập vùi.

Bộ luật Hình sự hiện hành quy định về tội tổ chức tảo hôn, tảo hôn tại Điều 148, tuy nhiên, thực tế rất ít vụ tảo hôn bị xử lý hình sự. Do đó, nhiều ý kiến đề xuất, khi trai gái yêu nhau và lấy nhau trước độ tuổi, cơ quan chức năng nên sử dụng biện pháp giáo dục là chính hay áp dụng các biện pháp khác để xử lý mà không nhất thiết phải xử lý hình sự. Những trường hợp cần thiết răn đe thì áp dụng biện pháp xử lý hành chính mạnh hơn như phạt tiền, các biện pháp giáo dục tại địa phương...  

Bàn về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em cho hay: “Bộ luật Hình sự quy định rất nghiêm khắc nhưng thử hỏi 30 năm qua, đã có ai bị “bỏ tù” vì vi phạm điều này? Trong khi tình trạng tảo hôn diễn ra khá phổ biến.

Theo kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009, ở tất cả 63 tỉnh/thành phố đều xảy ra tình trạng tảo hôn. Đặc biệt, Lai Châu có tới 18,7% số nam giới 15-19 tuổi và 21,2% số nữ 15-17 tuổi đang hoặc đã từng có vợ/chồng. Tỷ lệ này ở Điện Biên cũng rất cao, lần lượt là 14,4% và 17,5%... Vậy, nếu luật quy định mà không thực hiện được thì còn tệ hơn không có luật, vì sẽ tạo tâm lý nhờn luật?”.

Bên cạnh đó, theo GS Cử, quy định hợp lý tuổi kết hôn cũng là một giải pháp tránh “tảo hôn”. Cần thấy rằng, việc hạ tuổi kết hôn của nam giới xuống bằng với nữ giới hiện nay (18 tuổi thay vì 20 tuổi như trước đây) là một việc nên làm. Bởi lẽ, nó góp phần đảm bảo bình đẳng giới, mở rộng cơ hội cho nam nữ trong xây dựng gia đình.

Luật sư Nguyễn Văn Hà - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: “Dự thảo Bộ luật Hình sự dự kiến bãi bỏ tội tảo hôn là phù hợp. Tội này liên quan trực tiếp đến hai người chưa đủ tuổi kết hôn nhưng vẫn tiến hành kết hôn.

Mục tiêu của họ là yêu nhau và tiến đến hôn nhân, vì vậy không thể nói hành vi trên gây nguy hiểm cho xã hội hoặc gây hậu quả cho những người xung quanh. Đến thời điểm hiện nay gần như chưa có vụ tảo hôn nào bị xử lý hình sự mà thường là các vụ hiếp dâm, giao cấu với trẻ em. Như vậy, đây là tội phạm khác chứ không phải tội tảo hôn”.

Ngoài ra, ở nhiều nơi, tảo hôn là phong tục, tập quán đã ăn sâu bén rễ trong đời sống. Không thể một sớm, một chiều xóa bỏ được. Vì thế, chúng ta cần cách tiếp cận khác, thích hợp, khả thi và hiệu quả hơn thay vì xử lý hình sự.

Cần làm nghiêm hơn chứ không phải loại bỏ

Bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Cục phó cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ TB&XH) thì cho rằng: “Hiện nay, tình trạng tảo hôn ở các tỉnh miền núi phía bắc và Tây Nguyên vẫn rất nghiêm trọng, để lại hậu quả nặng nề. Không ít em bé có cơ thể, khung xương chưa đủ khả năng làm mẹ, làm vợ, mang thai dẫn đến tai biến sản khoa rất nguy hiểm.

Bên cạnh đó, trong tảo hôn còn có lấy nhau cận huyết thống, có thể dẫn đến những bệnh như tan máu bẩm sinh, tạo nên gánh nặng rất lớn cho ngành y tế và xã hội. Vì vậy, không những không nên đưa tội tảo hôn khỏi BLHS mà ngược lại, phải siết chặt, làm nghiêm hơn để giảm thiểu gánh nặng cho bản thân trẻ em, gia đình, giống nòi và đặc biệt là ngành y tế”.

Thảo Phượng - Thanh Huệ

Năng lượng Mới số 457