Bi kịch trên rẻo cao: Trẻ con sinh ra từ trẻ con

07:17 | 30/10/2015

839 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chuyện những cặp vợ chồng “thiếu nhi”, đang tuổi ăn tuổi lớn thì bỏ học giữa chừng về nhà làm cha, làm mẹ năm nào cũng diễn ra ở Đồng Ruộng, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái). Tảo hôn và “sản phẩm” từ tảo hôn đang khiến cho tương lai của cả một cộng đồng trở nên mờ mịt, chất lượng giống nòi ngày càng suy kiệt.

Vừa hết tuổi teen, đã ràng buộc vợ chồng

Sổng Thị Giàng là cô gái xinh đẹp, ngoan ngoãn nức tiếng ở bản Đồng Ruộng. Mới 14 tuổi, Giàng ưng rồi chịu bắt vợ với anh hàng xóm Giàng A Long. Đang ở cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới nhưng Giàng và A Long đã gánh trên vai trách nhiệm làm cha, làm mẹ nặng nề. Nhưng do còn quá trẻ, hiểu biết hạn chế, cũng như những đôi “chim ri” khác trong bản, họ hoàn toàn bản năng khi thực hiện vai trò của mình.

Có với nhau hai mặt con, cái nghèo, cái đói càng bám chặt lên đôi vai người chồng chập chững trưởng thành. A Long làm quần quật suốt ngày, làm bù cả phần người vợ trẻ còn kém sức sau hai lần vượt cạn. Nhưng thật không may năm 2014, khi con trai thứ hai vừa đầy tháng, A Long “đi gỗ” (chở gỗ đi bán - PV), bị cả súc gỗ và chiếc xe Win nặng mấy tạ dìm xuống con suối ngay đầu bản. Giàng góa chồng khi mới vừa hai mươi tuổi.

Một nách hai con nheo nhóc, ruộng nương ít ỏi, trước còn trông chờ vào việc làm thuê, làm mướn của chồng, nay chỉ còn ba mẹ con đùm dúm nhau trong căn nhà nhỏ. Đi làm thì con không ai trông, ở nhà nuôi con thì đói, cực chẳng đã, Giàng dắt díu con về nhà cha mẹ đẻ ở trong căn bếp, phần để đỡ buồn, phần vì tránh những cuộc viếng thăm không được chào đón của những người đàn ông lạ.

Vàng Thị Pàng có chồng nhưng số phận cũng hẩm hiu, nhạt nhẽo như bát nước lã. Pàng đã “lập kỷ lục” ở thôn Đồng Ruộng này khi 12 tuổi cô đã lấy chồng, 13 tuổi sinh con đầu lòng. Bây giờ mới bước sang tuổi 20 nhưng Pàng đã cắp nách 3 đứa con. Nhà Pàng nghèo lắm nhưng cái rủi chẳng đến một mình, chồng Pàng là Giàng A Vảng lại dính vào cờ bạc. 

bi kich tren reo cao tre con sinh ra tu tre con
Sổng Thị Giàng và con ở trong căn bếp cùng với bà nội đã gần 90 tuổi.

Năm ngoái được chút tiền Nhà nước hỗ trợ kinh phí làm nhà, nhưng anh chồng cũng mang tiền đi ném vào các canh bạc thâu đêm. Đã thế còn có tật vũ phu, nhậu say là đánh đập vợ. Không ít lần anh ta còn dẫn vợ hai, vợ ba về hành hạ cả 3 mẹ con, Công an xã phải triệu tập lên giải quyết mới tạm ổn thỏa. Chồng bỏ bê việc nhà, vừa chăm con đang tuổi ăn tuổi học, vừa làm nương rẫy, mới hai mươi tuổi nhưng nhìn Pàng như phụ nữ 40, gầy gò, xanh xao, vàng vọt cùng 3 đứa con nheo nhóc…

Những hệ quả buồn

Nạn tảo hôn là câu chuyện buồn muôn thuở bao năm nay chưa thể giải quyết dứt điểm ở một bộ phận bà con dân tộc thiểu số, nhất là bà con dân tộc Mông. Nguyên nhân của nạn tảo hôn là do hủ tục, sự hiểu biết hạn chế, tục “bắt vợ”… Đời sống khó khăn, quan niệm trọng nam khinh nữ, người phụ nữ chỉ là cái bóng trong gia đình, với nhiệm vụ lao động, sinh con đẻ cái nên các gia đình đều mặc nhiên coi việc con cái đến tuổi cập kê thì gả chồng?!

Gần đây, việc trở dạ của Giàng Thị Vang (18 tuổi) khiến cả thôn Đồng Ruộng một phen lo lắng. Vang mang thai lần thứ 2 được hơn 6 tháng thì bỗng nhiên trở dạ. Hôm đó, cả nhà lại đi ăn giỗ xa, chỉ có bà nội đã già yếu và con nhỏ ở nhà, Vang đau bụng quằn quại, chỉ kịp gọi điện cho chồng rồi ngất đi. Khi cán bộ y tế xã có mặt, thì chỉ cứu được mẹ. Điều đáng buồn ở đây, đã hai lần mang thai nhưng Vang chưa từng đi siêu âm hay khám sức khỏe. Thậm chí, khi sinh non thai đôi nguy hiểm tính mạng như vậy, sản phụ vẫn cương quyết ở nhà, không tới bệnh viện để điều trị.

Có lẽ ở Đồng Ruộng, chưa ai quên câu chuyện về Giàng A Súa, cậu bé “con giời”, người có bản năng sống cực kỳ mạnh mẽ. Em chính là con đầu lòng của cặp đôi Vàng Thị Pàng và Giàng A Vảng đã nói đến ở đầu bài. Súa chào đời khi mẹ em chỉ 13 tuổi. Em bị đau mắt nặng trong nhiều ngày, người mẹ non chẳng biết con sốt cao, bỏ ăn rồi ngủ mê đi. Bà mẹ trẻ con cứ ngỡ con ngoan ngủ. Cho đến phiên chợ rừng, mấy tiểu thương người Kinh phát hiện ra, thì bác sỹ chỉ còn cứu được cho em một bên mắt.

Trẻ em ở Đồng Ruộng chưa đến tuổi đi học, thường ở nhà la lủi tự trông nhau cho bố mẹ đi nương. Làm bạn với các em chỉ có cây cỏ, khúc gỗ, đàn gà, đàn lợn quanh nhà. Ốm đau nhẹ thì tự khỏi, nặng mang đến thầy cúng.

Những em đã lớn, đang đi học càng ít được bố mẹ quan tâm hơn, dường như việc cho các em đến trường đã là một cố gắng rất lớn rồi. Có khi cả tháng bố mẹ mới xuống trường thăm con một lần. Hiện nay, trường Tiểu học Kiên Thành có 27 em học sinh người Mông đến từ Đồng Ruộng ở nội trú.

Thầy Đỗ Văn Long, hiệu trưởng nhà trường tâm sự: “Có những em đã ở nội trú nhiều năm nhưng vẫn còn rất “hoang dã”, dù có nơi phơi quần áo cao ráo, sạch sẽ nhưng các em vẫn quen phơi lên bờ rào, ăn cơm vẫn lén chan nước lã dù có canh rau nấu chín, chân thường xuyên đi đất…”.

Theo thống kê của Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho thấy ở khu vực Tây Bắc, trong độ tuổi 10-19, cứ 10 em trai thì có 1 em có vợ, 5 em gái có 1 em có chồng. Nhiều xã, tỷ lệ tảo hôn lên tới trên 50%. Dân tộc Mông có tỷ lệ tảo hôn cao nhất với 33%, dân tộc Thái 23,1%, dân tộc Mường chiếm 15,8%. Các tỉnh có tỷ lệ tảo hôn cao nhất trong cả nước như: Lai Châu, Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái...

Công an nhân dân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc