Tăng cường đưa hàng hóa vào thị trường ASEAN

16:23 | 20/10/2022

495 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Theo nhận định của giới chuyên gia, do những diễn biến bất định, khó lường của tình hình thế giới, xuất khẩu hàng hóa bị ảnh hưởng nặng nề. Thay vì tìm kiếm đơn hàng tại các thị trường truyền thống, doanh nghiệp nên tăng cường giải pháp đưa hàng hóa vào thị trường ASEAN.
Tăng cường đưa hàng hóa vào thị trường ASEAN

Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP HCM: Xuất khẩu dệt may khó khăn

Xuất khẩu dệt may thời gian qua rất khó khăn, nguyên nhân chính do lạm phát ở các thị trường xuất khẩu lớn nên sức mua sụt giảm mạnh. Dự báo, xuất khẩu dệt may còn khó khăn kéo dài trong thời gian tới.

Tại thị trường nội địa, sức mua vẫn thấp. Trong khi đó, nguồn cung sản phẩm khá đa dạng và phong phú nên cạnh tranh rất gay gắt. Chưa kể tình trạng hàng không rõ nguồn gốc, hàng nhập lậu thâm nhập thị trường làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong nước. Ghi nhận thực tế cho thấy, doanh nghiệp may mặc tham gia thị trường nội địa đa phần là doanh nghiệp nhỏ, tổ hợp may, còn doanh nghiệp lớn không phủ sóng được trên thị trường nội địa.

Tăng cường đưa hàng hóa vào thị trường ASEAN
Xuất khẩu hàng hóa đang gặp nhiều khó khăn

Như vậy, ngoài thị trường trong nước cùng với những thị trường xuất khẩu truyền thống, doanh nghiệp đang tìm hiểu và phát triển thị trường ASEAN. Đây được xem là thị trường tiềm năng.

Theo tôi, mở rộng thị trường xuất khẩu ở khu vực châu Á không thể một sớm một chiều, song dù lâu cũng phải làm. Doanh nghiệp muốn đa dạng thị trường xuất khẩu không thể bỏ quên những thị trường tiềm năng này.

Tăng cường đưa hàng hóa vào thị trường ASEAN

Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (Hawa): Xuất khẩu sản phẩm gỗ sụt giảm

Sau thời gian tăng trưởng liên tục, từ tháng 4/2022 xuất khẩu gỗ đã chững lại; từ tháng 7/2022 có dấu hiệu tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm 2021. Các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Australia... liên tục giảm mua hàng trong khoảng 3 tháng trở lại đây khiến lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp tăng cao. Nguyên nhân do một số thị trường xuất khẩu bị lạm phát nặng, sức mua giảm đáng kể. Hiện doanh nghiệp đang chờ đợi những tín hiệu tích cực từ xuất khẩu để ổn định sản xuất.

Khảo sát mới đây cho thấy, có đến 47/52 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm gỗ bị sụt giảm mạnh đơn hàng. Trong 52 doanh nghiệp khảo sát, có 14 doanh nghiệp cho biết giảm 70-90% đơn hàng xuất khẩu, 18 doanh nghiệp giảm 30-60%, 15 doanh nghiệp giảm 10-30%. Chỉ có 5 doanh nghiệp lạc quan khi đơn hàng tiếp tục tăng 10-30%.

Theo Hawa, nhà nhập khẩu yêu cầu tạm thời ngưng nhập những đơn hàng đã đặt từ mùa trước. Như vậy, doanh nghiệp trong nước phải ngưng thực hiện kế hoạch sản xuất. Đặc biệt, có tình trạng khách hủy đơn mà không báo trước. Đáng chú ý, khách hàng châu Âu hủy đơn hàng đã đặt và đơn hàng đang sản xuất dở dang cũng hủy ngang. Có khách hàng trì hoãn nhận hàng đến 4 tháng. Có khách hàng chỉ trả đặt cọc và không trả thêm, yêu cầu nhà máy tự bán hàng thanh lý nội địa...

Không kỳ vọng thị trường các nước xuất khẩu truyền thống sớm ổn định trở lại, vì vậy doanh nghiệp chế biến đồ gỗ đang hướng vào thị trường ASEAN, bởi đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp tại các nước trong khu vực ASEAN khá ổn định.

Tăng cường đưa hàng hóa vào thị trường ASEAN

TS Lê Đăng Doanh - Chuyên gia kinh tế: ASEAN là thị trường đầy tiềm năng

Giá tăng cao, sức mua giảm sút, nên việc xuất khẩu sang các nước hết sức khó khăn. Chúng ta không thể cứ nghĩ xuất khẩu năm sau phải cao hơn năm trước được nữa.

Tại thị trường Mỹ, giá hàng hóa tăng cao, người tiêu dùng Mỹ giảm bớt chi tiêu, ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam, nhất là hàng dệt may, hàng điện tử... Đây là điều mà các doanh nghiệp Việt Nam phải lưu ý, do Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đồng thời, Mỹ cũng là thị trường Việt Nam có thặng dư thương mại lớn nhất, lên tới hàng chục tỉ USD mỗi năm. Hiện Mỹ đánh thuế vào hàng Trung Quốc lên đến 270%, hàng hóa Trung Quốc không thể vào được thị trường Mỹ. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt, nhưng không vì thế mà đổ xô vào thị trường Mỹ mà không kiểm soát chặt về chất lượng, tiêu chuẩn xuất xứ sản phẩm...

Chúng ta thắc mắc, tại sao hàng hóa ASEAN vào Việt Nam rất nhiều, nhưng hàng Việt Nam vào các nước ASEAN lại rất thấp? Thời gian tới, doanh nghiệp cần đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường ASEAN, một thị trường đông dân và đầy tiềm năng. Doanh nghiệp Việt đang thiếu một chiến lược hiệu quả để khai thác các thị trường lớn ngay sát bên cạnh này.

Tăng cường đưa hàng hóa vào thị trường ASEAN

Ông Đỗ Hòa - chuyên gia quản trị doanh nghiệp: Hướng đến thị trường khu vực

Giá dầu tăng cao có thể ngay lập tức tác động đến xuất khẩu của Việt Nam. Chi phí tăng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm. Giá dầu tăng cao, các nhà nhập khẩu châu Âu sẽ tính toán, tìm đối tác có khoảng cách gần hơn về địa lý, thay vì những nước ở xa như Việt Nam. Chưa kể như ở Mỹ, khi các nhà máy “hồi hương”, Mỹ sẽ không còn nhập nhiều mặt hàng vốn là thế mạnh của Việt Nam.

Với độ mở cao của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, với tỷ trọng xuất nhập khẩu tương đương 236% GDP, bất cứ “cơn nóng, lạnh” nào của nền kinh tế thế giới cũng sẽ tác động sâu sắc đến Việt Nam. Trước những khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt khi đến với các thị trường Mỹ, châu Âu, cũng như Hàn Quốc, Nhật Bản..., doanh nghiệp cần hướng đến thị trường khu vực, cụ thể là thị trường ASEAN. Đây là thị trường mà doanh nghiệp Việt có vẻ còn đang bỏ ngỏ, cũng như hai thị trường khổng lồ Ấn Độ, Trung Quốc...

Được biết, người Thái Lan, Malaysia sẵn sàng bỏ tiền mua hàng với giá cao nếu đó là những sản phẩm tốt nhất của Việt Nam. Doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể thâm nhập tốt vào thị trường khu vực nếu thực sự muốn làm, thực sự có kế hoạch làm và kiên trì bám đuổi mục tiêu. Chỉ cần sản xuất được sản phẩm thực sự tốt, có chiến lược marketing bài bản, hàng Việt hoàn toàn có thể thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường khu vực ASEAN.

Trước những khó khăn phải đối mặt khi đến với các thị trường Mỹ, châu Âu, cũng như Hàn Quốc, Nhật Bản..., doanh nghiệp cần hướng đến thị trường khu vực, cụ thể là thị trường ASEAN. Đây là thị trường mà doanh nghiệp Việt có vẻ còn đang bỏ ngỏ, cũng như hai thị trường khổng lồ Ấn Độ và Trung Quốc...

Thạnh Hồ