Thị trường ASEAN: Cơ hội và giải pháp thông thương trong dịch Covid-19
Thị trường gần gũi và tiềm năng
Sau 26 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập ASEAN, ASEAN luôn là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và khu vực thị trường ASEAN không ngừng phát triển trong các năm qua và đạt được các thành tựu đáng kể. Đến thời điểm hiện nay, ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của doanh nghiệp Việt Nam, sau Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu.
![]() |
ASEAN đang là khu vực có vài trò ngày càng quan trọng đối với kinh tế thế giới. |
Năm 2020, dưới các ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với ASEAN đạt 53,6 tỷ USD, giảm 6,8% so với năm 2019. Tuy nhiên, sang năm 2021, thương mại đã phục hồi và lấy lại được đà tăng trưởng. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và ASEAN trong 08 tháng đầu năm 2021 đạt 46 tỷ USD, tăng tới 35,2% so với cùng kỳ năm 2020 (cao hơn mức tăng trưởng xuất nhập khẩu trung bình của Việt Nam với thế giới - 27,5%) và tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm chưa có dịch bệnh Covid-19).
Thành tựu trên là kết quả của những nỗ lực tìm hiểu, khai thác các lợi thế, cơ hội mà khu vực thị trường ASEAN mang lại. Về mặt địa lý, thị trường ASEAN là khu vực thị trường có khoảng cách địa lý gần gũi, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận chuyển hàng hóa, chi phí lưu kho bãi. Doanh nghiệp cũng có nhiều lựa chọn phương thức vận chuyển hàng hóa như vận tải đường bộ, đường biển và đường hàng không.
Về mặt văn hóa, thị hiếu, thị trường ASEAN là một khu vực văn hóa thống nhất trong đa dạng. Tuy mỗi nước đều có phong tục, tập quán đa dạng đặc sắc nhưng đều có nền tảng văn hóa nông nghiệp nên lối sống cũng có những nét gần gũi, tương đồng. Về thị hiếu người tiêu dùng, hàng hóa của Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, giá thành khi xuất khẩu sang ASEAN. Hầu như tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đều có thể coi ASEAN là đích đến. Xuất khẩu thành công sang thị trường ASEAN sẽ là bước đầu để hàng Việt Nam tiếp tục thâm nhập các thị trường khác.
Thị trường ASEAN cũng là khu vực thị trường giàu tiềm năng đối với doanh nghiệp Việt Nam. Với quy mô dân số hơn 655 triệu dân, trong đó hơn 50% thuộc độ tuổi lao động, tỷ lệ dân số thuộc tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng, khu vực thị trường ASEAN có tiềm năng tiêu dùng mở rộng, có khả năng hấp thụ hàng hóa tốt. Hiện nay, hầu hết hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này đều được hưởng ưu đãi với mức thuế quan 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) hoặc hưởng một số ưu đãi đặc biệt hơn theo các Hiệp định/Thỏa thuận thương mại song phương với từng nước như Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào, Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam - Campuchia...
Trong thời gian tới, các nước ASEAN sẽ đẩy nhanh triển khai các biện pháp nhằm phục hồi kinh tế hậu Covid-19 như cam kết mở cửa thị trường, đảm bảo chuỗi cung ứng, thuận lợi hóa thương mại. Đây là các điều kiện hết sức thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng khai thác hơn nữa tiềm năng khu vực thị trường này.
Tăng cường thông thương
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại châu Á, trong đó có các nước ASEAN, để duy trì hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu đã có với khu vực thị trường ASEAN và tận dụng các cơ hội để đa dạng hóa và mở rộng thị trường tại khu vực này. Bộ Công Thương đã đưa ra một số vấn đề mà doanh nghiệp cần quan tâm, lưu ý để tăng cường thông thương, duy trì và phát triển thị trường.
![]() |
Doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật thông tin về dịch Covid-19 để xuất nhập khẩu hàng hóa được thuận lợi. |
Thứ nhất, doanh nghiệp cần thường xuyên, liên tục cập nhật thông tin về các chính sách, quy định của thị trường sở tại, đặc biệt là các yêu cầu đối với hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm phòng chống, kiểm soát Covid-19. Các quy định, yêu cầu này có thể thay đổi nhanh, bất ngờ, tùy theo diễn biến của dịch bệnh. Để hỗ trợ doanh nghiệp, trong thời gian qua, Bộ Công Thương liên tục triển khai các hoạt động phổ biến thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận thị trường; cập nhật yêu cầu mới của các nước.
Do đó, doanh nghiệp có thể chủ động tiếp cận các thông tin này tại một số kênh thông tin chính thức của Bộ Công Thương như website Bộ Công Thương (www.moit.gov.vn), cổng thông tin thị trường nước ngoài (www.vietnamexport.com), Báo Công Thương (www.congthuong.vn).
Thứ hai, doanh nghiệp cần chủ động xác thực thông tin đối tác tại nước sở tại bằng nhiều cách khác nhau để hạn chế các rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng và thanh toán. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng phần nào ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp các nước. Thêm vào đó, việc hạn chế đi lại khiến khả năng xác thực thông tin đối tác cũng gặp hạn chế.
Do đó, khi trao đổi, giao dịch kinh doanh, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ thông tin về đối tác như thông tin về tư cách pháp nhân, nguồn hàng hóa, khả năng tài chính… để tránh các rủi ro khi hợp tác. Doanh nghiệp có thể liên hệ với cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước sở tại để đề nghị hỗ trợ kiểm tra thông tin đối tác trước khi quyết định ký hợp đồng hoặc thực hiện các giao dịch.
Thứ ba, trong bối cảnh gần đây một số nước ASEAN gia tăng áp dụng các rào cản thương mại hoặc biện pháp phòng vệ thương mại để hỗ trợ khôi phục sản xuất trong nước trong và sau đại dịch, hỗ trợ hoạt động xuất khẩu, các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước trong trường hợp doanh nghiệp có mặt hàng bị ảnh hưởng hoặc bị điều tra.
Để tránh các rủi ro không mong muốn, doanh nghiệp cũng cần chủ động nắm bắt thông tin đầy đủ, chính xác để có kế hoạch sản xuất phù hợp, có kế hoạch đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm thị trường thay thế, không để phụ thuộc vào một thị trường nhất định.
Thông tin về các rào cản thương mại, vụ việc phòng vệ thương mại thường xuyên được đăng tải trên các kênh truyền thông của Bộ Công Thương cũng như được phổ biến tại các hoạt động hướng dẫn tiếp cận thị trường. Bộ Công Thương đã và sẽ đồng hành với các doanh nghiệp để giải quyết các vụ việc, bảo vệ tối đa quyền lợi của doanh nghiệp.
Thứ tư, doanh nghiệp cần chú trọng đa dạng hóa đối tác và thị trường xuất nhập khẩu, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tạo ra nhiều tác động tiêu cực nhưng cũng mở ra những cơ hội kinh doanh mới. Doanh nghiệp có thể liên hệ với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để nhờ hỗ trợ kết nối với các nhà nhập khẩu, hệ thống phân phối tại nước sở tại, nắm thông tin và chủ động tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương để đưa hàng Việt Nam thâm nhập dễ dàng hơn.
Tùng Dương
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chủ động làm việc với phía Hoa Kỳ về các vấn đề đàm phán
-
Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một
-
P4G 2025: Việt Nam khẳng định vai trò tiên phong trong chuyển đổi tài chính xanh
-
Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo!
-
Xuất siêu sang Mỹ: Việt Nam xứng đáng được đối xử công bằng
-
VPI dự báo giá xăng dầu giảm 3,2 - 4,6% trong kỳ điều hành ngày 8/5
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 7/5: Sản lượng điện từ nhiên liệu hóa thạch của Mỹ giảm xuống dưới 50%
-
Tin tức kinh tế ngày 6/5: Vốn FDI vào Việt Nam tăng gần 40%
-
Quốc hội thảo luận tại tổ về 3 dự án Luật quan trọng
-
Quyết định tăng sản lượng của OPEC+ có tác động gì đến thị trường dầu mỏ toàn cầu?