Sẽ đổi mới trong tổ chức thi và tuyển sinh

16:30 | 23/09/2013

577 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bộ GD-ĐT cho biết sẽ đổi mới công nhận tốt nghiệp THPT dựa trên kết quả đánh giá cả quá trình kết hợp với kỳ thi cuối cấp học; và các trường ĐH, CĐ xét tuyển dựa trên kết quả tốt nghiệp để tránh cồng kềnh, tốn kém.

Có thể sẽ bỏ thi đại học

Theo Bộ GD-ĐT, thực trạng các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng ở Việt Nam có rất nhiều hạn chế, đòi hỏi bức thiết phải đổi mới.

Đề thi vẫn chủ yếu coi trọng ghi nhớ kiến thức, ít chú ý đến đánh giá năng lực vận dụng. Việc đề thi chỉ chú ý đến yêu cầu tái hiện kiến thức đã là nguyên nhân của tình trạng dạy học theo lối "đọc-chép", mở “lò luyện thi”, học tập đối phó…

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết: “Không coi trọng việc kết hợp kết quả đánh giá quá trình với kết quả thi tốt nghiệp THPT và với tuyển sinh đại học, cao đẳng; kết quả tốt nghiệp THPT và trúng tuyển vào trường ĐH, CĐ chỉ phụ thuộc vào kết quả thi nên chưa đảm bảo khách quan, công bằng với người học”.

Cách thi và tuyển sinh sẽ được thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế.

Trong đề xuất hướng đổi mới thi - công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ cho giai đoạn tới, Bộ GD-ĐT cho hay, đề thi không chỉ tập trung vào việc đánh giá HS biết cái gì mà quan trọng hơn là đánh giá học sinh làm được gì từ những điều đã biết, tức là tập trung đánh giá năng lực người học. Định hướng này buộc đề thi không thể chỉ kiểm tra trí nhớ mà phải yêu cầu vận dụng tổng hợp, thực hành, kiểm tra năng lực sáng tạo… của học sinh.

Việc thi - công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ cần kết hợp kết quả đánh giá trong quá trình học tập (chủ yếu ở cấp THPT) và kết quả thi, kiểm tra kết thúc (để tốt nghiệp), kết quả thi, kiểm tra đầu vào (để tuyển sinh). 

Cùng với đó, Bộ GD-ĐT sẽ chủ trương đổi mới chương trình giáo dục THPT theo hướng tăng cường phân hóa, định hướng nghề nghiệp và chuẩn bị tốt cho học sinh học tiếp sau giáo dục phổ thông bằng cách có ít môn học bắt buộc, có nhiều môn học hoặc chủ đề để học sinh tự chọn; đồng thời triển khai phong phú các hình thức kiểm tra, thi và đánh giá trong quá trình dạy học, việc công nhận tốt nghiệp THPT, phải dựa trên kết quả đánh giá trong quá trình giáo dục về phẩm chất và năng lực của học sinh và kết quả đánh giá cuối cấp học. 

Trong đó, đánh giá kết quả học tập theo hướng học xong môn/lĩnh vực học tập nào thì đánh giá kết quả đạt chuẩn đầu ra môn/lĩnh vực đó; kì thi cuối cùng (thi tốt nghiệp) đề thi sẽ yêu cầu vận dụng tổng hợp kiến thức, kĩ năng của nhiều lĩnh vực/ môn học để giải quyết một vấn đề chung theo 02 lĩnh vực lớn là khoa học xã hội- nhân văn và khoa học tự nhiên hoặc cũng có thể chỉ thi 2 môn Toán và Ngữ văn.

Về tuyển sinh đại học, cao đẳng, Bộ GD-ĐT cho biết có thể các trường tổ chức tuyển sinh theo hướng dựa vào kết quả công nhận tốt nghiệp THPT và có thể kiếm tra/ thi thêm một vài môn hoặc chuyên đề theo yêu cầu đào tạo của mỗi ngành, mỗi trường.

Bộ GD-ĐT cho biết, các đề xuất này sẽ khắc phục được cơ bản những hạn chế về kiểm tra, đánh giá và thi cử hiện hành. Kết quả kiểm tra, đánh giá thực chất hơn, công bằng, khách quan và trung thực hơn; giảm bớt sự cồng kềnh, tốn kém của một số kỳ thi; tác động tích cực trở lại việc dạy và học.

Đổi mới giáo dục song hành đổi mới sách giáo khoa

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, về mặt lý thuyết, đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục phải đi trước rồi mới đến đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa, tuy nhiên, công tác chuẩn bị cho đề án này vẫn đang được làm đồng thời. Riêng môn Ngoại ngữ đã đổi mới chương trình, sách giáo khoa và đang triển khai ở những nơi có đủ điều kiện.

Thứ trưởng nhấn mạnh: “Chương trình hiện quá tải không phải do nhiều kiến thức hoặc cao quá. Nguyên nhân là do hiện chỉ có một bộ sách giáo khoa, người viết muốn đảm bảo tính khoa học thì trình bày các môn phải chặt chẽ, logic, nên một số kiến thức hàn lâm dù không thực sự cần thiết nhưng vẫn phải đưa vào”.

Mặt khác, chương trình bị cắt khúc, lớp trên - dưới và giữa các môn không liên thông với nhau nên một phần kiến thức bị thừa. Mục tiêu giáo dục là toàn diện, chưa chú ý đến tính phân hóa, học sinh học tất cả các môn như nhau, giáo viên coi trọng trang bị kiến thức nên cố gắng nhồi nhét khiến việc học trở nên nặng nề.

Năm 2015 sẽ có bộ sách giáo khoa thiết thực và gần gũi với cuộc sống,

Thứ trưởng nhận định: “Thiết kế chương trình đang gây quá tải. Các yếu tố như cơ sở vật chất thiếu, tính thực hành ít, đội ngũ giáo viên năng lực hạn chế, phương pháp dạy học lạc hậu cũng làm việc học nặng hơn. Trong đề án đổi mới, tính hàn lâm trong nội dung sẽ được cắt, các môn học sẽ được tích hợp, phân ra theo định hướng nghề nghiệp của các em”.

Như vậy, sau năm 2015, ngành giáo dục chỉ chọn một số môn cơ bản, thiết thực, gần gũi với cuộc sống nhằm hình thành năng lực, giúp học sinh biết giải quyết các vấn đề và tình huống trong cuộc sống thường nhật. Số môn học sẽ giảm mạnh, mỗi học kỳ học sinh không học cùng lúc quá 8 môn. Cụ thể thay đổi như sau:

Cấp học

Chương trình hiện hành

Chương trình sau năm 2015

Tiểu học

11 môn học + 3 hoạt động

3 - 6 môn học + 4 hoạt động

THCS

13 môn học + 4 hoạt động

8 môn học + 4 hoạt động

THPT

13 môn học + 5 hoạt động

3 môn học bắt buộc, 3 môn tự chọn và 4 hoạt động (lớp 11 và 12).

 

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng nói thêm, trong điều kiện linh hoạt hiện nay, Bộ sẽ phát huy tính tự chủ, giao lại quyền cho các cơ sở giáo dục và chỉ giám sát, quản lý về mặt nhà nước. Các trường được tự do về mặt học thuật, chỉ cần làm đúng theo hành lang pháp luật chứ không phải theo sự chỉ đạo của cấp trên để phát huy được tính tự chủ, sáng tạo.

Khánh An