Rau xanh rớt giá mạnh: Nông dân xoay sở thế nào?

07:08 | 01/03/2017

654 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Công việc của nhà nông là làm ra sản phẩm rau, củ cung cấp cho thị trường. Còn việc làm sao để sản phẩm lưu thông được lại là việc của các cơ quan chức năng, mà cụ thể ở đây là ngành công thương. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu như điều tiết tốt thị trường theo các hệ thống và doanh nghiệp tham gia phân phối sẽ tạo nên một dòng chảy thì chẳng những rau, củ được tiêu thụ tốt, đời sống người trồng rau khá lên, mà người tiêu dùng cũng yên tâm sử dụng.

Rau tốt bời bời… nông dân chán nản

Ngày nay đi qua những con đường quanh các xã chuyên canh các loại rau, củ như Vân Côn, Tiền Yên, Song Phương (huyện Hoài Đức, Hà Nội) rồi đi dọc Đại lộ Thăng Long, đoạn Km13 qua các xã gặp những ruộng rau xanh non mướt mát. Từng hàng rau bắp cải sắp đến ngày thu hoạch, cây nào cũng cuộn bắp tròn chắc nịch. Những luống su hào, súp lơ lá xanh tươi tốt đang được người dân thu hoạch, củ nào, quả nào cũng tròn trịa, tươi ngon. Những luống rau cải chíp mơn mởn những mầm non. Những giàn cà chua trĩu quả, rơi đỏ cả gốc cây...

Ngồi bên vệ đường, chị Nhàn, nông dân xã Song Phương bán rau rẻ như cho, khách hỏi là giá nào chị cũng bán. Chị cho hay, mặc dù được các công ty đặt hàng cung cấp cho lưới che, đặt các loại giống, phân bón, thuốc và cam kết bao đầu ra sản phẩm nhưng năm nay giá cả toàn thị trường xuống thấp nên họ cũng thu mua giá rẻ khiến nông dân lỗ vốn. “Vì muốn vớt vát thêm chút, nên mấy nhà bàn nhau gồng gánh ra chợ hoặc đi bán hàng rong, chịu khó một tí thì mới được giá cao” - chị Nhàn chia sẻ.

Dọc Đại lộ đoạn Km13, người dân bán hàng ngay tại ruộng. Thấy một người đàn ông xách một xô cà chua đi đổ ở một hố gần đó, tôi hỏi sao lại đổ đi nhiều thế? Thì ông vừa thở dài, vừa nói: “Tôi thấy rẻ quá nên cứ để quả chín ở ruộng. Để lâu quá nên nó bị hỏng thế là phải đổ đi. Vụ rau năm nay coi như mất trắng. Tiền thu về không bằng tiền công bỏ ra. Ngoài tết năm ngoái được giá, người ra đồng thu hoạch như trẩy hội, ai cũng hứng khởi. Nhưng năm nay, rau xanh ngập chợ, giá rẻ như cho nên cà chua chín rụng đầy gốc cũng không buồn hái, bắp cải nhiều hộ chỉ bán được cho lái buôn những loại hàng đẹp còn lại phải cho bò, cho lợn ăn”.

rau xanh rot gia manh nong dan xoay so the nao
Người của cửa hàng ăn đang thu mua bắp cải

Tình trạng này không chỉ ở Hoài Đức mà bà con nông dân Đan Phượng cũng điêu đứng vì giá cả các loại rau củ giảm mạnh. Ông Nguyễn Văn Tâm - một nông dân cho biết: “Các loại rau, củ năm nay rẻ lắm, rẻ không bằng một nửa những năm trước. Năm trước, rau thơm bán được 5.000-10.000 đồng/kg tùy thời điểm, năm nay chỉ được 2.000 đồng/kg. Hôm qua, gia đình tôi đã phá bỏ đi 2 luống rau quá lứa vì không bán được nên không thu hoạch”. Ông Tâm nhẩm tính, nếu như năm trước với diện tích 2 sào rau, gia đình ông có thể thu về 2-2,5 triệu đồng, nhưng vụ rau năm nay chỉ thu về chưa đầy 1 triệu đồng.

Cung lớn hơn cầu

Khi được hỏi về việc tại sao trong một thời gian dài, giá rau, củ, quả giảm mạnh, ông Nguyễn Duy Hồng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật Hà Nội cho rằng: Vụ đông xuân không chỉ là vụ rau chính của Hà Nội mà là vụ chính của toàn bộ khu vực Đồng bằng sông Hồng nên diện tích rau gieo trồng vụ này gấp đôi diện tích các vụ khác. Cụ thể, theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, toàn thành phố có 12.000ha rau phân bố ở 22 quận, huyện, thị xã, tương đương 29.000ha gieo trồng/năm, với sản lượng rau đạt gần 600.000 tấn/năm. Mặt khác, ngoài sản lượng rau tự sản xuất, thị trường Hà Nội còn được cung cấp một lượng lớn rau, củ từ các tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam…

Vậy tại sao những năm trước cũng vào chính vụ đông xuân mà giá rau xanh vẫn cao ngất ngưởng?

Thực tế, nhiều năm trở lại đây, do nhận thấy nguồn thu nhập cao từ trồng rau xanh, nhiều nông dân ở các vùng sản xuất đã chuyển đổi từ trồng lúa, trồng màu sang trồng rau. Nhiều doanh nghiệp đến tận vườn thuê nông dân canh tác rồi bao tiêu sản phẩm.

Theo bà Phương, nông dân tại làng Phương Viên, xã Song Phương, huyện Hoài Đức thì hiện nay người dân ở xã đều được chia đất để canh tác theo đầu người (1 sào đất/người). Vài năm gần đây, nhà nhà đều trồng rau theo đơn đặt hàng. Những năm trước giá rau còn cao, nhưng gần đây giá đã rớt thê thảm. Lại gặp thời tiết thuận lợi nên lượng rau càng nhiều, thị trường không kịp tiêu thụ.

Không riêng vùng Hoài Đức mà ở cả vùng Tây Tựu (Bắc Từ Liêm), diện tích trồng rau so với trước tăng mạnh, trung bình mỗi hộ đều trồng 2-3 sào. Thậm chí, nhiều hộ còn phá bỏ diện tích trồng hoa để chuyển sang trồng rau vì theo đà năm ngoái, lợi nhuận từ trồng rau xanh cao hơn.

Một nguyên nhân khác khiến giá rau rớt mạnh là hiện nay nhiều đơn vị, trường học tổ chức tăng gia sản xuất. Cùng với đó, ngày càng có nhiều người dân tự trồng rau sạch, đã tận dụng triệt để mọi chỗ, mọi nơi để gieo trồng rau ăn nên lượng hàng tiêu thụ rất chậm.

Làm gì khắc phục tình trạng “được mùa mất giá”?

Câu chuyện rau xanh “cung vượt quá cầu” khiến nông dân lâm vào cảnh “được mùa mất giá” hoàn toàn không mới đối với tình trạng chung của nông sản ở Việt Nam. Bất kể là trồng cây gì và nuôi con gì mà vụ này được giá thì vụ sau sẽ ồ ạt nhiều người đổ nhau nuôi, trồng.

rau xanh rot gia manh nong dan xoay so the nao
Rau thu hoạch tại ban công chung cư non xanh mơn mởn

Những năm trước đó, vào dịp cận tết và sau tết, rau xanh luôn là mặt hàng khan hiếm và bị đẩy giá cao. Có những thời điểm người ta so sánh giá rau còn đắt đỏ hơn cả cá, thịt. Ăn rau sạch dường như trở thành một điều xa xỉ, vì giá quá đắt. Thế nhưng, bắt đầu năm nay giá rau xanh đã hạ nhiệt. Ngay cả trong các siêu thị rau sạch, rau an toàn thì giá cũng đã hạ xuống nhiều so với trước, vì nguồn rau đã phong phú hơn. Sự nhập nhèm về chất lượng rau sạch, an toàn trong các cửa hàng, siêu thị đã khiến nhiều người dân chuyển sang mua rau tại chợ.

Điều này cũng có nghĩa là rau xanh trong tương lai sẽ không còn là mặt hàng khan hiếm để có cớ tăng giá. Đây là lẽ tự nhiên, bởi một đất nước nông nghiệp như Việt Nam, rau xanh phải là thức ăn dồi dào nhất, an toàn nhất, có thể tự cung tự cấp mà không phải trông chờ vào bất cứ nguồn hàng ngoại nhập nào.

Thực tế, rau, củ, quả Việt vẫn phải chịu thua thiệt so với nhiều mặt hàng ngoại nhập trên thị trường nội địa. Nguyên nhân vẫn do việc điều tiết thị trường đang bị thương lái cầm trịch. Việc này Bộ Công Thương cần điều tiết theo các hệ thống và doanh nghiệp tham gia phân phối, tạo nên một dòng chảy. Ví dụ, rau miền Bắc đang rẻ, còn trong miền Trung hay miền Nam đắt thì ngành công thương phải điều tiết cho hợp lý. Tuy nhiên, các bên hiện vẫn chưa ngồi lại với nhau, giữa sản xuất và phân phối không gặp nhau nên việc liên kết với nhau thành chuỗi, quản lý về chất lượng và số lượng vẫn đang còn bỏ ngỏ.

Rất mong ngành nông nghiệp, ngành công thương cần có tầm nhìn dài hạn phối hợp chặt chẽ để có những chính sách phù hợp, tạo điều kiện tốt nhất cho người nông dân yên tâm sản xuất. Có như vậy những người nông dân không chán nản mà bỏ ruộng bỏ vườn hay tìm đến một loại cây khác để canh tác rồi sau đó tái diễn cảnh thiếu nguồn cung, mặt hàng rau xanh lại bị “hét” giá.

Minh Lê

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...