Nơi đàn ông bái biệt Lưu Linh

06:50 | 09/03/2015

2,069 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Rượu Mông Pê được nấu từ ngô trồng trên dãy Hoàng Liên Sơn và rượu thóc Sin Suối Hồ từng được coi là thiên hạ đệ nhất tửu ở đất Tây Bắc. Nó là thứ nước trời ban để những chàng trai Mông nơi đây được thỏa sức thưởng thức. Những tưởng thứ rượu ngon hảo hạng đó sẽ khiến những chàng trai bản nơi đây chìm đắm, không thể rời. Ấy thế mà mấy năm gần đây, người Mông ở bản Sin Suối Hồ lại đồng lòng ký vào “nghị quyết” bỏ rượu.

Năng lượng Mới số 401

Lặn ngụp trong hơi men

Chuyến công tác lên Sin Súi Hồ, xã Sin Súi Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu) lần này tôi có may mắn gặp đúng hôm bản Sin Suối Hồ họp. Thanh niên trai tráng tề tựu đông đủ ở nhà Trưởng bản Vàng A Chỉnh. Công dân nào của bản cũng mặc rất chỉnh tề, trai sơ vin áo trắng cổ cồn, con gái diện váy hội… Nom như cả bản cũng chuẩn bị đi hội vậy. Việc bản được ông Chỉnh cắt cử, chỉ đạo đâu ra đấy. Xong việc, Trưởng bản Chỉnh đưa ra lời mời rất thịnh tình: “Cái nhà báo ở lại giao lưu với bản bữa cơm”. Chúng tôi có ý từ chối, ông Chỉnh cười bí hiểm và bảo: “Nhà báo yên tâm đi. Bản giờ không có ai uống rượu nữa đâu. Các chàng trai trong bản đồng lòng ký vào “nghị quyết” bỏ rượu lâu rồi”.

Vườn lan tiền tỉ của anh Hạng A Sà

Quả thực lần đầu tôi lên bản không được mời rượu thật. Trước đây mỗi khi mà bản có công to việc lớn gì, khắp nhà trên nhà dưới là rượu rót tràn bát lớn bát nhỏ. Tấm thịnh tình của bà con người Mông khi đón khách lên nhà chân tình và nồng hậu lắm. Khách đến nhà dù sơ, dù thân đã vào nhà rồi là anh em là chủ nhà mở rượu đãi khách. Khi đó, mọi người không uống bằng chén mà bằng bát mới thỏa cái chí của chàng trai sơn cước. Khách đến nhà cũng vậy không phân biệt, cứ mỗi người một bát. Rượu cạn lại đầy, ở đây chỉ thiếu lòng nhiệt tình uống chứ không thiếu rượu. Chẳng thế mà người Mông có câu, đã đến uống cho say. Say ngủ lại nhà mới thật cái bụng với nhau.

Trưởng bản Vàng A Chỉnh còn kể, khi đó hầu như ở nhà ai cũng biết nấu rượu ngô, rượu thóc. Thứ rượu ngô ở đây mà được “cất” thành rượu uống miễn chê. Cuối năm, các lò rượu bắt đầu nổi lửa, hương rượu thơm phảng phất khắp bản. Chẳng thế mà tửu lượng của phụ nữ nơi đây thuộc diện khá. Riêng đám trẻ trai như chúng tôi, khi đến tuổi trưởng thành đã là một đệ tử của rượu rồi. Mùa đông nơi đây lạnh cắt da cắt thịt. “Chúng tôi thường bảo, không có thứ rượu ngô, rượu thóc thơm nứt chai đưa vào người chắc sẽ bị đông máu mất”, ông Chỉnh cho biết. Chẳng thế mà ở đây mỗi khi có đám ma, đám cưới hay ăn tết, nhà nào cũng phải chuẩn bị vài chum rượu. Đặc biệt là cánh trai tráng gặp nhau là vui quên trời đất.

Tình trạng nghiện thuốc phiện, nghiện rượu khi đó ở Sin Suối Hồ khiến nhiều trai bản nơi đây bỏ bê ruộng nương.

Con trâu, con dê chui qua lỗ điếu bàn đèn mà hết. Ngô, lúa nấu rượu mãi cũng cạn. Vốn là vùng yên tĩnh, tình trạng nghiện ngập khiến nhà trên, nhà dưới nghi kỵ nhau. Bao nhiêu thứ chuyện xảy ra, nào mất gà, mất trâu, mất bò, bao ngô để trong bếp cũng mất. Rồi chuyện vợ chồng đánh nhau xảy ra như cơm bữa. Tất cả giá trị cương thường bỗng dưng đảo lộn. Vốn là người được ăn học đến nơi đến chốn nên Trưởng bản Vàng A Chỉnh hiểu rằng, nếu cứ để tình trạng này xảy ra, chẳng mấy chốc bản mình bị vùi sâu trong làn khói thuốc phiện và rượu mất.

Vận động… bố vợ là khó nhất

Ngày đầu họp bản, có đông đủ nam, phụ lão ấu, Trưởng bản đưa ra cuộc họp bàn cách vận động cánh trai tráng cai rượu, người già bỏ thuốc phiện. Ý tưởng của ông Chỉnh vừa đưa ra, mọi người bực mình bỏ về gần hết. Những tưởng Trưởng bản bảo gì, chứ bảo người già bỏ thuốc phiện, người trẻ cai rượu, khác nào bảo mặt trời không mọc nữa. “Mọi người bỏ về tôi đã dự trù trước. Ít nhất tôi cũng thông báo cho họ biết là cần phải tìm con đường mới mà đi, chứ không thể sáng, tối, trưa, chiều say mèm ra được”, Trưởng bản Chỉnh nhớ lại.

Những ngày sau đó, Trưởng bản Chỉnh không nản mà thay đổi cách vận động, ông đến những nhà dễ bảo trước. Nào ngờ ông tiếp tục bị dội ngay gáo nước lạnh, nhiều người cãi “lý” với ông Chỉnh: “Anh về xem bố vợ anh ý, ông ấy cũng là “thành viên” tích cực của “hội” rượu đấy”. Mọi người nói vậy ông Chỉnh cũng bực lắm nhưng ông thấy họ nói cũng có cái “lý” của họ, người nhà mình chưa bảo được, làm sao vận động được người khác.

Một hôm Trưởng bản mang bao ngô đến nhà bố vợ là ông Sùng A Tráng. “Bố à! Cả bao ngô này chỉ đổi được vài lít rượu thôi. Muốn có được bao ngô này, vợ con đổ mồ hôi sôi nước mắt mới đưa nó từ nương về. Bố cứ uống rượu tiếp, cả Sin Suối Hồ này gom ngô lại cũng không đủ cho bố nấu rượu đâu”. Ông Tráng biết con rể có ý vận động mình bỏ rượu, ông chống tay lên nách mà “mắng”: “Cái thằng, tý tuổi đã đòi trứng khôn hơn vịt. Bao năm nay người Mông uống rượu có sao đâu. Anh vận động ai, chứ vận động tôi thì đừng hòng”.

Thất bại nối tiếp nhau khiến ông Chỉnh có lúc cũng mệt mỏi, nhưng mỗi khi nhìn nhận rõ thực trạng của bản, ông lại quyết tâm vận động cho bằng được.

Hết mùa ngô năm đó, Trưởng bản lại đến bố vợ, ông vừa tới cổng thấy mẹ vợ vui ra mặt. Năm nay được mùa ngô, giá cao, bố vợ lại không nấu rượu nữa khiến cả nhà cùng vui. Vừa gặp con rể, ông Tráng đã vui mừng nói: “Ta tưởng, bỏ rượu ta không sống nổi. Nào ngờ, tinh thần lại tỉnh táo hơn. Vượt cái dốc khỏe và nhanh hơn trước”.

Bố vợ cai được rượu, ông Chỉnh tự tin đến các gia đình khác vận động. Thực ra trước đó, nhiều con sâu rượu trong bản nhìn vào gương ông Tráng, họ tin rằng họ cũng bỏ được. Bỏ rượu là vợ con bớt khổ. Cái lợi của rượu chưa thấy đâu, nhưng cái hại đã nhìn rõ. Rượu vào lời ra, anh em xích mích, chồng đánh vợ chửi con... Cái hay, cái tốt đã rõ, nhưng không phải ai cũng bỏ được ngay. Thời gian đầu chỉ có vài người bỏ, dần dần, họ tự nhìn gương nhau mà so sánh. Nhà ai bỏ rượu, cuộc sống khá giả hơn hẳn các gia đình khác.

Nhà Sùng A Chớ trước đây nghèo lắm! Vợ chồng làm quần quật trên nương, trên rẫy lăn ra như bi mà không đủ ăn. Nhà Chớ đông con. Cái nghèo đến từ nhiều lỗi. Vợ con thiếu cơm ăn, áo mặc nhưng năm nào Chớ cũng phải dành ra vài tạ ngô để nấu rượu. Thứ rượu ngô men lá đã ăn vào đường gân thớ thịt của Chớ. Chớ có thể nhịn ăn, nhịn mặc nhưng không thể bỏ rượu. 

Nhà nghèo lại nghèo hơn, qua cơn  thuốc phiện là đến tệ nạn nghiện rượu. Rượu vào lời ra, cái đầu không điều khiển được cái chân, cái tay, nhiều lần Chớ đánh cả vợ con. Có lẽ cả năm chẳng mấy lúc Chớ được tỉnh táo. Thế rồi, khi cánh đàn ông trong bản được quán triệt sẽ ra “nghị quyết” bỏ rượu. Trưởng bản Vàng A Chỉnh là người đầu tiên “cai” cái thứ nước trời ban đó. Những ngày đầu, Trưởng bản đến vận động, Chớ nhếch mép coi thường. Chớ còn lôi rượu ra mời để thử lòng Trưởng bản. Đến mấy lần Chớ vẫn vậy, Trưởng bản đành dùng cách khác là vận động những người dễ hiểu hơn làm trước.

Bản Sin Súi Hồ đẹp tựa như một khu du lịch

Sau mấy mùa rẫy, Chớ tự dưng thấy những bạn rượu của mình cứ xa rời mình dần. Trước đây Chớ ới một câu, bạn bè đã đầy nhà. Chén chú chén anh vui quên trời đất, nay gọi mỏi mồm không có ai đến. Tự dưng Chớ thấy mình cô đơn quá. Rượu ngon uống mãi cũng chán, uống mà không có bạn lại càng chán hơn. Tự dưng Chớ cũng thấy mình cần thay đổi, lời Trưởng bản hôm trước còn văng vẳng bên tai: “Chớ à! Anh bỏ rượu là vợ con anh bớt khổ. Anh cũng bớt rước bệnh tật vào người”. Thế là từ bữa đó, Chớ mang chum rượu ra ngoài sân đập tan. Đi đâu, Chớ uống cũng hạn chế. Những lúc tỉnh táo, bìu ríu bên vợ con, Chớ mới cảm nhận được cái hay, cái đẹp ở đời khi bỏ rượu. Thằng lớn, cái bé có tấm áo mới để mặc như thôi thúc Chớ bỏ rượu.

Giờ đây, mỗi khi bản có công to, việc lớn, không ai bảo ai, rượu không được rót ra. Ngay cả việc các gia đình tiếp khách cũng không mời rượu như trước nữa. Nhiều gia đình đã bán bộ nấu rượu cho đồng nát. Một số giữ lại làm kỷ niệm và để tự dăn mình. Cánh trai bản Sin Súi Hồ bỏ được rượu khiến các bản người Mông gần đó không tin. Họ đã cất công vượt cả mấy chục kilômét đường rừng đến xem sự thực ra sao. Có thể “nghị quyết” của Sin Súi Hồ sẽ có tác động lớn tới vùng núi cao này, các bản khác sẽ làm theo. Bởi lẽ bỏ rượu là nhiều tệ nạn khác khắc tự tàn lụi.         

Cuối cùng gặp… lan

Con đường bê tông dẫn vào bản Sin Súi Hồ uốn lượn quanh co qua những vườn lan. Bản Sin Súi Hồ đẹp tựa như một khu du lịch sinh thái. Giữa tiết trời se lạnh, sương mù bảng lảng từng vườn lan ẩn hiện trong mây mờ như lung linh huyền ảo. Hôm chúng tôi đến ông Chỉnh đang lững thững ngoài vườn. Ông nhẹ nhàng vén từng nhành lan lên để kiểm tra. Lúc cắt, lúc tỉa với hành động rất cẩn trọng, nom ông yêu loài hoa này đến nhường nào. Ông Chỉnh bảo: “Địa lan đang là cây xóa đói giảm nghèo hữu hiệu ở đất này”.

Sau cả chục năm vật lộn với công cuộc tái thiết bản, những chàng trai đã bước ra khỏi cơn say và làn khói thuốc phiện. Giờ thay vì ngồi đàm tiếu bên mâm rượu, những chàng trai Mông có thú chơi tao nhã hơn là bàn về cách trồng phong lan và địa lan. Theo ông Chỉnh, cây địa lan đã có ở đất này từ ngàn đời nay. Trước đây bà con khai thác ở rừng, mang về nhà chơi. Cuối năm, bà con mang cho người thân ở miền xuôi. Bẵng đi vài năm, những chậu lan ở đất này nở hoa rất đẹp. Con đường nhựa lên xã hoàn thành, những người chơi lan ở vùng thấp nghe tiếng đã cất công vượt mấy chục kilômét  đường rừng đến bản tìm mua hàng. Lúc đầu bà con chỉ bán với giá vài trăm nghìn một chậu. Dần dần nguồn lan khan hiếm đã đẩy giá tăng lên gấp 4-5 lần. Địa lan là cây dễ trồng, nhà nào trong bản cũng làm vài chậu. Đến nay toàn bản có khoảng 3 nghìn chậu địa lan.

Nhận thấy đây là loại cây dễ chăm sóc, ít sâu bệnh lại rất hợp với điều kiện khí hậu của bản, hơn nữa giá trị kinh tế lại rất cao trong khi đầu tư ban đầu lại rất thấp nên Trưởng bản Vàng A Chỉnh đã không hẹp hòi, giấu bí quyết mà quyết định phổ biến cho bà con trong bản trồng để có thêm thu nhập. Ông Chỉnh tổ chức hẳn một cuộc họp bản để tuyên truyền. Vốn là người có uy tín lại có khả năng thuyết phục người nghe nên khi anh nói bà con nghe ngay, làm theo luôn. Người này học người kia, người biết chỉ người chưa biết, chẳng mấy chốc số lượng chậu lan của bản tăng lên đáng kể.

Nhờ việc trồng lan mà nhiều gia đình nơi đây sửa nhà, tậu xe máy, mua tivi. Cái tư duy lấy của rừng, của nương thay đổi đã giúp bà con nơi đây từng bước thoát nghèo. Theo ông Chỉnh, trước đây hơn trăm hộ dân của bản đều thuộc diện khó khăn. Quanh năm bới đất, lật cỏ cũng không kiếm đủ miếng ăn. Từ ngày chuyển sang trồng lan, cuộc sống của bà con đã khấm khá hơn hẳn. Chăm một chậu địa lan mất ít công, vậy mà trị giá của nó bằng cả tấn ngô. Với đà phát triển như hiện nay, chẳng mấy chốc, bản Sin Súi Hồ trở thành vùng trọng điểm về trồng lan. Mỗi nhà chỉ cần trồng 100 chậu lan là có thể thoát được nghèo.

Giờ đây đến bản Sin Súi Hồ không có chuyện rượu rót tràn cung mây và khói thuốc phiện bay vất vưởng trong mỗi gia đình nữa. Các chàng trai người Mông nơi đây đã đoạn tuyệt với quá khứ buồn đau. Thay vì bàn chuyện rượu, chuyện thuốc phiện, họ cùng giúp nhau trồng lan và nhân rộng vườn lan để làm giàu.

Phóng sự của Linh Nhi