Nhịp sống cao nguyên hoang sơ

07:00 | 03/02/2022

358 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Bản Tà Số, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, là vùng đất “cao nguyên của cao nguyên”, do nằm cao hơn đô thị Mộc Châu, được thiên nhiên chưng cất, ban tặng những gì hoang sơ, thơ mộng nhất.
Nhịp sống cao nguyên hoang sơ

Trong hành trình dịp cuối năm lang thang trên cao nguyên Mộc Châu, chúng tôi đi xuyên qua Tà Số, để rồi nhận ra nét quyến rũ hoang sơ, thuần khiết của cuộc sống và con người nơi đây.

Tà Số nằm cách trung tâm huyện Mộc Châu chừng hơn 10km. Những dải ngoằn ngoèo của con đường bê tông mới hoàn thành năm 2019 cứ ngược lên, ngược lên mãi, một bên là những ngọn núi lô nhô đá xám, phía bên kia, nhìn xuống là thung lũng... Ngược dốc mãi, đến một nơi bằng phẳng, hai bên nhà cửa lúp xúp mái xám lẫn mái đỏ, cây mận, cây đào, cây sơn tra... trước sân, bên hàng rào, biết mình vào đến bản.

Khách từ xa tới thăm bản làng, có lẽ sân sinh hoạt cộng đồng là nơi dừng chân thích hợp nhất. Một cậu bé người Mông với trang phục truyền thống đang chơi quay, say sưa một mình. Con quay lim, nhẵn bóng, cỡ chừng đầy một bàn tay người lớn, mang trong nó những thớ gỗ uy lực của rừng già Tà Số.

Nhịp sống cao nguyên hoang sơ

Anh A Lu - Trưởng bản Tà Số 2 - bảo, Tà Số (gồm Tà Số 1, Tà Số 2) có 1.700 nhân khẩu với 300 hộ hoàn toàn là bà con dân tộc Mông. Một năm, người Mông có hai cái Tết, một là Tết truyền thống của người Mông vào ngày 1-12 âm lịch, hai là Tết độc lập vào ngày 2-9. “Tà Số có 6 nhà làm homestay, vừa mới được hơn một năm nay thì dịch bệnh nên lại chững, mà cũng đang tập làm thôi” - A Lu nói.

Theo Chủ tịch UBND xã Chiềng Hắc Vì Văn Biên, Tà Số có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và Ban Quản lý du lịch cộng đồng hồi tháng 9-2020, vì nơi đây ẩn chứa tiềm năng lớn về du lịch thiên nhiên, văn hóa. Đó là khí hậu “tiểu cao nguyên” độc lập, bản làng nằm bên những khu rừng già, thung lũng lòng chảo thơ mộng cùng hệ thống hang động và đặc biệt là cuộc sống còn nhiều nét nguyên bản của bà con dân tộc Mông. Nghề rèn, nghề thêu, nghề làm giấy... được gìn giữ.

Nhịp sống cao nguyên hoang sơ
Đường vào Tà Số

Nhưng, “bí mật” của một vùng đất hoang sơ Tà Số dường như không chỉ có vậy.

Tà Số có một thung lũng như thơ, nơi không có sóng điện thoại, không có điện lưới, chỉ để chăn thả gia súc, gia cầm, trồng cấy... Đó là Hang Táu, dân phượt gọi là “Làng nguyên thủy”.

Đường vào Hang Táu nằm ngang lưng một con dốc trên đường từ thị trấn Mộc Châu đến Tà Số. Chào đón chúng tôi là lối lên lầy lội và tấm biển gỗ đỏ với dòng chữ sơn trắng: Do là khu chăn nuôi, vào phải báo cho (anh Cho: 03775...). Tuyệt đối không mang thức ăn từ động vật vào. Muốn ăn uống phải gọi cho (anh La: 034465...). Muốn đi xe ôm gọi cho anh...

Xe máy của Toàn - một hướng dẫn viên du lịch thạo đường - được độ bánh địa hình và giảm xóc tốt, tăng bo 3 người leo đồi, vượt sống trâu, ổ voi, thả dốc... Nảy tưng tưng trên chiếc xe đi rừng nhiều phen toát mồ hôi, rồi leo bộ chừng 3 cây số, nhưng bù lại, hai bên con đường trả lại cho chúng tôi những thung lũng hoa cải màu trắng như mơ. Những cây mận gầy nở hoa như trong một tản văn về miền núi, rồi vườn đay - loại cây đồng bào Mông thu về lấy phần thân đập dập, phơi khô lấy sợi dệt vải làm váy áo.

Nhịp sống cao nguyên hoang sơ
Vườn chanh leo đường vào Hang Táu

Nhưng ngay trước cửa vào thung lũng là bãi sình đen quánh như bánh gai dính nước. Xe máy dựng lại ven đường, khom người men theo hàng rào dây thép gai của vườn chanh leo còn đang xanh là đến hàng rào gỗ ngăn gia súc. Vượt qua rào chắn, tầm mắt mở ra cả một thung lũng tràn nắng, cỏ cây hoang sơ, thơ mộng. Gần 20 nếp lán, nhà bằng gỗ, dựng cao như nhà sàn, mái phủ proximăng dựa vào núi, hướng mặt ra thung lũng. Bò đen, bò vàng nhởn nhơ gặm cỏ. Thi thoảng một chú lợn bản lưng võng mõm dài thủng thẳng đi qua. Ngan, vịt bản địa, chân ngắn, bộ lông xanh xám cũng lạch bạch quanh lán, uống nước ở cái máng làm bằng chiếc lốp xe ôtô xẻ đôi...

Chợt thấy cả một mùa xuân hiện diện từ sâu thẳm. Còn gì tuyệt hơn khi được vươn mình hít thở không khí không Covid-19, đón ánh mặt trời tinh khôi trên thảo nguyên, chạm tay vào dòng nước chắt từ mạch ngầm mát lành của núi. Nếp nương thơm dưới nắng, gia súc thong thả trên đồng cỏ...

Hang Táu là một nhịp sinh hoạt lý thú còn lưu giữ những tập tục truyền thống của bà con dân tộc Mông của Tà Số. Mỗi ngày họ đều đến đây chăn gia súc, gia cầm, trồng cấy, thu hoạch nông sản, khâu vá, thậm chí đá bóng, vui chơi..., đến tối mới quay về bản.

Rời Hang Táu, lại lên dốc, xuống dốc ra đến con đường bê tông thì chúng tôi bắt gặp ngôi nhà của một gia đình người Mông. Người mẹ trẻ hai tay hai chiếc gậy gỗ ngồi đập lúa vừa phơi trên tấm bạt dưới sân nhà như một dấu tích của lối canh tác, thu hoạch xa xưa.

“Sự hoang dã là chất liệu thô sơ mà con người đã dùng để rèn giũa nên tạo vật gọi là văn minh nhân loại. Sự đa dạng giàu có trong văn hóa thế giới loài người phản chiếu một sự đa dạng tương tự trong thiên nhiên, nơi đã sản sinh ra nó” - tôi lại nghĩ về những trang viết của Aldo Leopold, nhà môi trường học, nhà triết học, nhà địa chất học người Mỹ (cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX) trong tác phẩm “Niên lịch miền gió cát”.

Hang Táu, Tà Số chính là cao nguyên trong trẻo, bình yên với những vườn cải trắng như “hoa cải báo xuân” mà Aldo Leopold miêu tả: “Những cánh của nó trắng nhạt một màu. Từng phiến lá phủ lên mình một lớp nhung che chở... Dù sao thì nó cũng không phải là loài hoa mùa xuân, mà chỉ là một bông hoa báo xuân, một dòng tái bút cho một mùa hy vọng”. Thiên nhiên hoang sơ và trong trẻo ở mọi nơi có lẽ đều có chung một điểm là sinh ra, tồn tại qua trùng điệp thời gian để dự báo những mùa xuân hy vọng!

Cao Hà Chi