Nhiều học sinh không còn ôm 'giấc mơ' Đại học

07:20 | 01/05/2016

2,635 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không chỉ riêng học sinh ở Nghệ An mà nhiều tỉnh khác, số lượng học sinh chọn không xét tuyển vào ĐH cũng tăng lên. Ở một góc độ, thì đây được xem là tín hiệu đáng mừng. Cho thấy, quan niệm “Phi đại học, bất thành nhân” đã hết thời.

Thông tin từ Sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) Nghệ An cụ thể như sau: Kỳ thi THPT Quốc gia 2016 toàn tỉnh có 31.698 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, có khoảng 12.113 thí sinh đăng ký thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp, chiếm khoảng 40%. Con số này đưa Nghệ An trở thành tỉnh có thí sinh không xét tuyển ĐH cao nhất cả nước.

Trả lời giới truyền thông, ông Thái Huy Vinh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng: “Đây là kết quả của công tác hướng nghiệp cho học sinh trên toàn tỉnh Nghệ An. Gần 40% học sinh của tỉnh nhà không chọn thi ĐH mà chọn con đường học nghề”.

Nghệ An được mệnh danh là đất học, nơi mà việc học để lấy được một tấm bằng ĐH luôn là mối ưu tiên hàng đầu. Việc gần 40% học sinh không chọn đường vào ĐH quả là một thay đổi lớn.

Thực tế thì những năm trở lại đây tấm bằng ĐH đã không còn trở thành “chiếc chìa khóa thần” để mở cánh cửa đến tương lai của những người trẻ. Có nhiều lý do khiến cử nhân không tìm được việc làm nhưng rõ ràng việc mở ồ ạt các trường ĐH và đào tạo một cách vô tội vạ đã khiến tấm bằng ĐH “xuống giá” như hiện nay.

nhieu hoc sinh khong con om tham vong vao dai hoc
Học sinh đăng ký xét tuyển ĐH

Với góc độ của một giáo viên phổ thông đã và đang từng trực tiếp giảng dạy, bồi dưỡng học sinh ôn thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh vào đại học nhiều năm qua, Th.S Trần Trung Hiếu, GV trường THPT Phan Bội Châu (Nghệ An) cho rằng: Đó là một tín hiệu vui và đáng trân trọng bởi nhiều lý do.

Thứ nhất, trong nhiều năm gần đây, số lượng học sinh phổ thông đăng ký dự thi tuyển sinh vào đại học rất nhiều, nhưng đến ngày thi thì số lượng thí sinh tham gia dự thi lại ít hơn. Điều đó đã gây sự lãng phí và tạo nên sự bị động cho nhiều Hội đồng Coi thi của nhiều trường đại học bởi thí sinh “ảo”.

Thứ hai, việc nhiều học sinh lớp 12 năm nay chỉ đăng ký xét tốt nghiệp THPT, tôi cho rằng đó là sự lựa chọn sáng suốt và phù hợp.Trí tuệ thì không phân phối đều cho tất cả mọi người và nguyện vọng, thậm chí là tham vọng không phải bao giờ cũng tương thích với thực lực  và nỗ lực. Thực tế lịch sử trường học và trường đời đã chứ minh rằng, đại học luôn là ước mơ chính đáng nhưng đó cũng phải là con đường duy nhất.Theo tôi, có hai lý do căn cơ nhất dẫn đến sự lựa chọn đó.

Trước tiên là tính đến đên thực lực học để tính “đầu vào”. Do điều kiện cụ thể của gia đình và khả năng học các môn thi theo từng khối thi, tổ hợp môn thi không đồng đều  của nhiều học sinh khi đăng ký dự thi đại học rõ ràng là không an toàn. Nếu đăng ký thi trường top trên thì không thể, mà trường top dưới ở các địa phương thì lại không muốn thi.

Nhìn lại thực tế vấn đề giải quyết “đầu ra”, Th.S Trần Trung Hiếu cho rằng: Thời đại bùng nổ thông tin đã giúp học sinh bây giờ có cách nhìn nhận tỉnh táo hơn và sự lựa chọn thực dụng hơn. Nếu tính toán theo số học đơn thuần, 4 năm học đại học trong 1 gia đình bình dân sẽ mất đi một số tiền khá lớn từ tiền học phí, tiền ăn, quần áo, tài liệu học tập và thực tập, tiền thuê phòng trọ, tàu xe đi về và vô vàn phí không tên khác.

Nếu các em lực chọn thi và học một trường cao đẳng hay trung nghề nào đó thì sẽ đỡ hao tốn thời gian và tiền bạc của gia đình, điều quan trọng hơn là sau khi tốt nghiệp có thể có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm hơn.

Hơn nữa, việc học và làm bây giờ lại không hoàn toàn giống nhau. Thời buổi của tiền bạc và quyền lực được xem là “văn minh” thì việc học xong đại học, thậm chí là cao học để kiếm một công ăn việc làm là một vấn đề nhức nhối và nan giải đối với nhiều gia đình công nhân viên chức và nông dân. Để xin được việc trong 1 cơ quan nhà nước đối với họ hầu như là việc bất khả kháng.

Theo thầy Hiếu, thực tế câu chuyện “Đại học không còn là con đường duy nhất dẫn tới thành công” đã được nói đến nhiều trong những năm gần đây, khi mà tỷ lệ cử nhân thất nghiệp ra trường ngày một nhiều. Thế nhưng để cởi bỏ quan điểm này thì vẫn còn khó khăn.

nhieu hoc sinh khong con om tham vong vao dai hoc
Th. S Trần Trung Hiếu

Vì vậy: "Điều cốt lõi nhất để khắc phục từng bước tình trạng này trước tiên cần phải thay đổi về nhận thức lựa chọn nghề nghiệp. Chúng ta không được chọn nơi mình sinh ra nhưng chúng ta có thể được chọn lựa cách mình để sống, nghề nghiệp để mưu sinh", Th.S Trần Trung Hiếu khẳng định.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc hướng nghiệp cho học sinh ở bậc THPT còn quá kém. Dẫn đến việc đứng trước ngưỡng lựa chọn con đường mới, quan trọng như học nghề hay vào ĐH khiến nhiều học sinh vẫn còn hoang mang.

Tuy nhiên, theo thầy Hiếu ở hầu hết trong hệ thống các trường chuyên trên toàn quốc, do tính chất, điều kiện đặc thù của trường chuyên thường có tỉ lệ học sinh có học lực khá giỏi khá cao nên tình trạng học sinh cuối cấp rơi vào sự lúng túng, hoang mang là không có.

"Trường của chúng tôi có thể nói đã có sự phân hóa, phân luồng khá hiệu quả khi học sinh bắt đầu lên lớp 12 để giáo viên chủ nhiệm và bộ môn có kế hoạch bồi dưỡng phù hợp với trình độ, khả năng của từng nhóm học sinh giỏi và khá. Và thông qua nhiều lần tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực và kỹ năng làm bài thi, học sinh dần có sự tự tin khi lựa chọn trường thi, ngành thi, môn thi phù hợp", thầy Hiếu chia sẻ.

Th.S Trần Trung Hiếu khẳng định: Một thực tế mà chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận là việc tuyển việc làm luôn đòi bằng cấp ở xứ ta cũng đã và đang  “tiếp tay” cho tình trạng đua nhau học đại học đã dẫn đến thực trạng ai cũng thích làm “thầy” chứ không muốn làm “thợ” và điều đương nhiên là dẫn đến tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.

Vì vậy, tôi mong các em học sinh cuối cấp hiện nay cần nên hiểu rằng, dù học đại học hay cao đẳng, trung cấp thì suy cho cùng cũng chỉ là học một cái nghề vì mưu sinh. Học để làm gì, sau đó căn cứ vào thực lực của bản thân và thực trạng kinh tế xã hội của đất nước hiện nay là học và thi trường nào để xác định : Học xong để làm gì và làm như thế nào?

Những kiến thức lý thuyết được học ở trường là điều kiện đầu tiên, căn bản và cần thiết. Những kinh nghiệm được đúc rút trong quá trình làm việc và khả năng thích nghi, hội nhập với công việc, năng lực học hỏi một cách nhạy bén, linh hoạt trong thực tiễn mới chính là yếu tố quyết định thành công hay thất bại.

Huyền Anh

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...