29,9 điểm mới đỗ ngành Báo chí: Thủ khoa cũng có thể trượt đại học

14:06 | 20/09/2022

307 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thời điểm các trường Đại học công bố điểm trúng tuyển, mức điểm chuẩn cao nhất gọi tên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) với khối ngành xã hội.

“Lạm phát” điểm chuẩn Đại học

Đỗ Huyền (SN 2004) cho biết, trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua, bản thân chọn xét tuyển tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) vào khối ngành xã hội của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Tổng điểm 3 môn của Huyền là 28,25. Huyền thuộc tốp học sinh giỏi trong lớp, được mọi người tư vấn, em mạnh dạn đặt Báo chí lên nguyện vọng 1. Nữ sinh nuôi hi vọng có thể đặt chân đến ngành học mơ ước.

Cũng như Huyền, Thiện (SN 2004) chia sẻ: “Tổng điểm tổ hợp C00 của em là 29,25, cao hơn mức điểm chuẩn ngành Báo chí năm ngoái nên em tự tin đặt nguyện vọng 1 ngành Báo chí”. Trung bình mỗi bài thi nam sinh được 9,75 điểm.

Năm ngoái, ngành Báo chí lấy điểm chuẩn khối C00 - 28,8 điểm; khối A01 - 25,8; khối D01 - 26,6; khối D04, 06 - 26,2; khối D78 - 27,1 và D83 - 24,6.

Thời điểm Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn công bố điểm chuẩn, Huyền và Thiện bất ngờ khi điểm trúng tuyển ngành Báo chí là 29,9, vượt xa kỳ vọng của các em.

Thiện cho biết: "Không phủ nhận Báo chí những năm gần đây là một trong những ngành hot, được nhiều thí sinh đăng ký. Nhưng đạt mức điểm chuẩn gần như tuyệt đối như vậy em không ngờ tới".

“Dù đỗ nguyện vọng 2 vào ngành Văn học của trường nhưng em thấy buồn khi không thể trở thành sinh viên của viện Báo. Em sẽ suy nghĩ thi lại vào năm sau hoặc học văn bằng 2 Báo chí. Quyết không từ bỏ đam mê”, Huyền nói.

Điểm chuẩn cao kỷ lục một số ngành xã hội Đại học KHXH&NV
Điểm chuẩn cao kỷ lục một số ngành xã hội Đại học KHXH&NV

Ngoài Báo chí, ba ngành của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội có điểm chuẩn cao nhất gồm: Hàn Quốc học, Đông phương học và Quan hệ công chúng (29,95 điểm). Các sĩ tử gần như phải đạt điểm tuyệt đối mới mong đỗ vào các ngành hot của trường.

Thủ khoa của tổ hợp C00 năm nay đạt 29,75 điểm, thấp hơn điểm chuẩn 0,15 - 0,2 điểm. Nếu không có điểm cộng vùng, thí sinh thuộc quận nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương sẽ trượt nguyện vọng. Nhiều ý kiến cho rằng, mức điểm chuẩn đề ra như vậy có thể tạo ra sự bất công cho các thí sinh.

PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Phó hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, những ngành lấy điểm chuẩn cao thường là những ngành hot trong những năm qua được nhiều thí sinh đăng ký.

“Năm nay, số lượng thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên nhiều hơn các năm trước. Điểm chuẩn vào trường tăng, phổ điểm cao hơn. Điểm Ngữ văn có hơn 43% đạt loại giỏi, Lịch sử cũng cao hơn năm trước”, cô Hương nói.

PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Phó hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội)
PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Phó hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội)

Theo cô Hương, nguyên nhân khiến điểm chuẩn đạt ngưỡng gần như tuyệt đối như vậy do phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ là 1 trong 5 phương thức xét tuyển vào trường.

Năm nay, trường có 5 phương thức xét tuyển là: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ GDĐT (gồm cả đối tượng là học sinh dự bị đại học dân tộc và người nước ngoài); Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định đặc thù và hướng dẫn tuyển sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội; Xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực (HSA) năm 2022 do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức; Xét tuyển chứng chỉ quốc tế và Xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Trong phương thức 5 xét điểm thi tốt nghiệp THPT thì có rất nhiều tổ hợp như A01; C00; D01, D04; D78; D83. Vì vậy khối C00 là 1 trong rất nhiều nhánh xét tuyển. Nhà trường tính điểm từ trên xuống nên lựa chọn thí sinh đào tạo có chất lượng nhất.

Nhiều thí sinh lựa chọn phương án xét tuyển thẳng

Như Hương (SN 2004) cho biết, em lựa chọn phương án xét tuyển thẳng vào trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Với thành tích cao: giải nhì học sinh giỏi cấp tỉnh môn Văn, giải nhì môn khoa học kĩ thuật… Hương tự tin nộp hồ sơ xét tuyển nhiều trường đại học.

“May mắn hồ sơ xét tuyển của em phù hợp với tiêu chí trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đề ra. Đến với Báo chí cũng là cái duyên và đúng với đam mê của em”, Hương nói.

Đại học KHXH&NV Hà Nội
Đại học KHXH&NV Hà Nội

Nghĩa Bách (SN 2004) chia sẻ: “Em xét tuyển thành tích và học bạ tại nhiều trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Trước khi các trường công bố điểm chuẩn, em đã nhận được tin báo trúng tuyển nên không lo lắng đến việc điểm chuẩn biến động”.

PGS.TS Đặng Thị Thu Hương nhận định, nhiều phương thức xét tuyển khiến chỉ tiêu trúng tuyển trên mỗi tổ hợp thu hẹp, dàn đều. Từ đó, tăng tỉ lệ chọi giữa các thí sinh trong mỗi tổ hợp dẫn tới điểm chuẩn tăng cao.

Với ngành Báo chí, thí sinh trúng tuyển theo khối C00 năm nay có 9 thí sinh trong số 55 chỉ tiêu đề ra, 46 em còn lại là trúng tuyển ở tổ hợp khác hoặc theo phương thức xét tuyển khác.

Báo chí đang là ngành hot bởi ngày càng nhiều vấn đề xã hội xuất hiện. Nhưng không nhiều người biết rằng, hầu hết các nhà báo có tên tuổi ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt là những cây bút viết phóng sự gạo cội lại không xuất thân từ các trường đào tạo báo chí. Muốn trở thành nhà báo giỏi thì quan trọng nhất phải có năng khiếu kèm theo đó là quá trình rèn luyện và học tập trau dồi bản thân.

Nhiều sinh viên học trường báo chí khi về làm việc tại các tòa soạn đều phải học hỏi rất nhiều mới có thể đáp ứng yêu cầu công việc.

Minh Đức