Nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines phạm tội như thế nào?

05:54 | 26/05/2012

754 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ đầu năm 2012, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã xác minh những dấu hiệu sai phạm trong quá trình sửa chữa ụ nổi 83M thuộc Dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía nam, từ đó Cơ quan điều tra làm rõ hành vi phạm tội của Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam và một số cán bộ liên quan.

Đường đi của ụ nổi 83M

Trong quá trình điều tra việc sửa chữa ụ nổi 83M thuộc Dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam, tháng 1/2012, Cơ quan CSĐT – Bộ Công an đã phát hiện ông Trần Hải Sơn, Tổng giám đốc; ông Trần Văn Quang, Trưởng phòng Kế hoạch cùng một số cán bộ liên quan thuộc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines đã thông đồng với Trần Bá Hùng, cán bộ Huyndai Vinashin và Phạm Bá Giáp, Giám đốc Công ty Nguyên Ân (Nha Trang) đã sử dụng pháp nhân của Công ty Nguyên Ân lập khống 2 bộ hồ sơ hợp đồng, chứng từ quyết toán khống khối lượng sửa chữa phần đáy ụ nổi 83M và gửi giá 10.000 đồng/kg thép hàn vào hợp đồng để chiếm đoạt của Vinalines số tiền 2,5 tỉ đồng. Trần Hải Sơn được chia 900 triệu đồng, số tiền còn lại Trần Văn Quang chiếm dụng.

Cơ quan CSĐT - Bộ Công an khám nhà Dương Chí Dũng

Vì vậy vào tháng 2/2012, Cơ quan CSĐT – Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Tham ô tài sản”, khởi tố và bắt tạm giam đối với các bị can là Trần Hải Sơn, Trần Văn Quang, Trần Bá Hùng và Phạm Bá Giáp. Tại Cơ quan điều tra các bị can trên đã khai nhận hành vi phạm tội và xin nộp lại số tiền trên 1,2 tỉ đồng.

Cơ quan CSĐT cũng đã trưng cầu giám định, xác định hành vi của các bị can đó gây thiệt hại khoảng 2,9 tỉ đồng. Điều đáng nói là trong quá trình điều tra vụ án “Tham ô tài sản” liên quan đến ụ nổi 83M trên, Cơ quan CSĐT – Bộ Công an đã phát hiện (vào thời gian trước đó) đã xảy ra những sai phạm nghiêm trọng trong việc mua ụ nổi 83M (nằm trong dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam), những sai phạm này liên quan đến ông Dương Chí Dũng (SN 1957), ở ngõ 26, đường Nguyên Hồng, quận Đống Đa, TP Hà Nội, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines, đang là Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT).

Cụ thể: ngày 31/8/2006, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo về ý kiến của Phó thủ tướng Chính phủ “Đồng ý về mặt nguyên tắc cho Vinalines lập báo cáo đầu tư dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam đúng các quy định hiện hành; Giao Bộ GTVT cập nhật dự án vào quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”. Nhưng trong khi chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bổ sung dự án vào quy hoạch, thì ngày 27/6/2007, ông Dương Chí Dũng (lúc đó là Chủ tịch HĐQT Vinalines) đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng mức đầu tư trên 3.800 tỉ đồng (có hạng mục mua, lắp đặt một ụ nổi). Sau gần một năm (ngày 17/7/2008), dự án này được ông Mai Văn Phúc, Tổng giám đốc Vinalines ký văn bản trình và được ông Dũng phê duyệt chính thức, với tổng mức đầu tư lên tới 6.489 tỉ đồng.

Ụ nổi mà Vinalines mua được sản xuất năm 1965, sức nâng 25.000 tấn với tổng mức đầu tư 14,136 triệu USD (trong đó có chi phí mua, sửa chữa tại Nga và cước vận chuyển là 12,5 triệu USD. Tuy nhiên, sau đó Vinalines không thực hiện việc mua ụ nổi theo phương án trên, mà ngày 14/2/2008, ông Chiều lại có tờ trình, rồi ông Phúc lại ký văn bản và một ngày sau đó (ngày 15/2/2008), ông Dũng lại ký quyết định phê duyệt điều chỉnh thay đổi phương án mua ụ nổi dẫn đến chi phí thực tế cho việc mua, vận chuyển ụ nổi về Việt Nam sửa chữa tổng chi phí là 24,3 triệu USD.

Mặc dù kinh phí mua ụ nổi theo quyết định phê duyệt ngày 15/2/2008 đã đội lên so với dự án ban đầu là 10 triệu USD, nhưng từ đó đến nay ụ nổi 83M không đủ điều kiện, đăng kiểm tại Việt Nam. Trong thời gian qua Vinalines còn phải chi phí cho việc thuê nơi neo đậu, thuê bảo vệ, sửa chữa ụ nổi 83M, trả lãi vay ngân hàng… với số tiền đến 100 tỉ đồng…

Truy nã đặc biệt đối với bị can Dương Chí Dũng

Theo lãnh đạo Cục Phòng chống tham nhũng, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an cho biết, quá trình điều tra vụ án mua ụ nổi 83M, Cơ quan Công an đã nhiều lần triệu tập các ông Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều đến làm việc, họ thừa nhận đã làm trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được ngày 17/5/2012, Cơ quan CSĐT – Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bổ sung quyết định khởi tố vụ án ngày 1/2/2012, ngoài tội danh Tham ô tài sản, thêm tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Đồng thời ra quyết định khởi tố, ra lệnh bắt, khám xét đối với các ông Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc và Trần Hữu Chiều để điều tra hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng chỉ bắt được Mai Văn Phúc và Trần Hữu Chiều, còn bị can Dương Chí Dũng đã bỏ trốn. Mặc dù sáng 17/5, ông Dũng vẫn đến cơ quan. Ngày 18/5, Cơ quan CSĐT – Bộ Công an đã ra quyết định truy nã đặc biệt đối với bị can Dương Chí Dũng.

Tại cuộc họp báo công bố kết quả điều tra ban đầu về vụ án trên vào ngày 22/5, Đại tá Trần Duy Thanh, Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an cho biết, các lực lượng chức năng vẫn đang truy bắt bị can Dũng và chưa rõ động cơ bị can Dũng bỏ trốn. Cũng trong cuộc họp báo này, một câu hỏi được đặt ra là trong trường hợp nếu không bắt được bị can Dương Chí Dũng thì việc điều tra có gặp khó khăn do thiếu lời khai của bị can này không. Tuy nhiên, Cơ quan điều tra cho rằng, điều này không ảnh hưởng nhiều đến kết quả điều tra vụ án trên, vì ngoài lời khai bị can, Cơ quan điều tra còn căn cứ vào những tài liệu khác đã thu thập được để làm rõ hành vi phạm tội của từng bị can.

Hiện Cơ quan CSĐT, Bộ Công an đang tích cực phối hợp với các lực lượng, truy bắt bị can Dương Chí Dũng. Nếu bị can Dương Chí Dũng bỏ trốn ra nước ngoài thì Cơ quan CSĐT sẽ phối hợp với Văn phòng Interpol Việt Nam để phát lệnh truy nã quốc tế đối với Dương Chí Dũng.

Vĩnh Hà

Năng lượng mới số 123, ra thứ 6 ngày 25/5