Người Tây Nguyên tạc tượng và lập ban thờ Đại tướng

06:00 | 02/01/2014

1,051 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cùng với cả nước, người dân Tây Nguyên nói chung, phố núi Pleiku nói riêng luôn hướng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với những tình cảm sâu nặng. Từ ngày Đại tướng ra đi, nhiều người dân đã lập ban thờ, ngày đêm dâng hoa, dâng hương tưởng niệm người con anh hùng của dân tộc, Đại tướng của nhân dân.

Năng lượng Mới số 287

Phường Phù Đổng và con đường Ung Văn Khiêm (TP Pleiku), từ khi Đại tướng qua đời, lúc nào cũng có rất nhiều người dân tìm đến ngôi nhà 07, tại đây nhà điêu khắc Lê Sỹ Soái đã làm xong bức tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cung kính đặt trên bàn thờ để người dân địa phương không có điều kiện ra Hà Nội, hay Quảng Bình tưởng nhớ Đại tướng đến dâng hương tưởng niệm, thể hiện lòng tri ân sâu sắc với Đại tướng.

Người dân địa phương đến thắp hương tưởng nhớ Đại tướng

Chưa tới 7 giờ sáng một ngày cuối tuần, nơi đây đã có rất nhiều người dân đến để thắp hương thành kính với Đại tướng. Gặp chúng tôi, tác giả bức tượng Đại tướng tâm sự: “Tôi nguyên là chiến sĩ Trung đoàn 16 pháo binh, thuộc tỉnh đội Bình Trị Thiên cũ, mặc dù chưa được lần nào trực tiếp gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy rất vinh dự và tự hào là người lính của Đại tướng văn võ song toàn, đánh đâu thắng đó mà chỉ nhắc đến tên là kẻ thù khiếp sợ và khâm phục. Sau khi xuất ngũ, tôi vào học Trường ĐH Mỹ thuật Huế, ra trường vào Gia Lai lập nghiệp. Vẽ chân dung Đại tướng, làm tượng Đại tướng tôi đã làm nhiều lần, có lúc thời gian kéo dài đến 6-7 tháng nhưng không thành. Chỉ đến khi quân và dân cả nước chúng ta đón mừng Đại tướng tròn 100 tuổi và cũng thời gian đó tình cờ tôi nghe hai câu thơ của một người bạn: “Cuộc đời Bác tựa bài ca/ Khi là thầy giáo, khi là tướng quân”. Quá cảm kích trước hình ảnh dung dị, đời thường nhưng cũng rất oai nghiêm, lỗi lạc của vị tướng tài, tôi nảy sinh ý tưởng tạc lại tượng chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Để không đi theo những lỗi lầm từ những sáng tác trước đây, tôi lục tìm tư liệu trong trong sách, hình ảnh trên mạng và trên các đĩa hình… nghiên cứu kỹ lưỡng tính cách, từng đường nét của Đại tướng, rồi lựa chọn từng khoảnh khắc đẹp, xuất thần của Đại tướng để thổi hồn vào bức tượng sao cho sống động nhất. Cũng từ lúc đó, tôi ngày đêm say mê bắt đầu làm lại tượng Đại tướng và chỉ một tháng sau thì bức tượng đã hoàn thành. Tượng Đại tướng cao 1,2m, rộng 90cm, làm bằng nguyên liệu thạch cao, phủ màu xanh đen thẫm, đây là một trong những bức tượng thành công nhất của tôi từ trước tới nay và được đồng nghiệp đánh giá rất cao.

“Khi nghe tin người Anh Cả của Lực lượng Vũ trang qua đời, để tỏ lòng biết ơn và kính trọng Đại tướng, tôi quyết định lập ban thờ và đưa bức tượng này để lên trên ban thờ một cách trang trọng nhất. Ngoài gia đình, mình còn để cho bà con địa phương ngày đêm đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Đại tướng. Vị Tướng đức tài vẹn toàn đã cống hiến cho nhân dân và dân tộc từ lúc còn trẻ cho đến hơi thở cuối cùng. Tên tuổi của Đại tướng sẽ mãi mãi trường tồn trong lòng mỗi người dân và dân tộc Việt Nam nói chung, Tây Nguyên nói riêng...”.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi: Vì sao anh lại tạc tượng và lập ban thờ Đại tướng…? Nhà điêu khắc Lê Sỹ Soái bộc bạch: “Việc gia đình tôi cũng như người dân địa phương tỏ lòng kính trọng biết ơn Đại tướng mà lập ban thờ cũng là điều dễ hiểu. Công lao Đại tướng to lớn với đất nước, với nhân dân, với quân đội, Đại tướng xứng đáng được nhân dân tôn thờ…”. Một bức tượng vừa mang khí phách, bản lĩnh của một vị tướng, vừa mang nét dung dị, hiền hậu của một nhà giáo thuần Việt đã khiến rất nhiều người đến viếng rơi lệ vì quá giống con người thật của Đại tướng.

Ông Hoàng Xuân Trình ở đường Nguyễn Đức Cảnh, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, người từng được gặp Đại tướng vì mẹ ông là cán bộ tiếp tế lương thực, thực phẩm cho Đại tướng khi còn ở Hòa Bình. Khi mẹ ông mất, đích thân Đại tướng cho người đưa vòng hoa đến viếng và tỏ lòng tri ân, thương tiếc. Khi biết nhà điêu khắc Lê Sỹ Soái tạc tượng và lập ban thờ Đại tướng ngay trên mảnh đất phố núi, ông đã nhờ con đưa đến viếng, nén hương thơm và nỗi lòng xúc động, nuốt nước mắt vào lòng, ông thầm thì: “Bác đã đi thật rồi! Con nhớ Bác quá…”.

Bà Rơ Lan HLêl (67 tuổi) dân tộc Giơ rai ở Trà Bá (TP Pleiku) dắt tay đứa cháu nhỏ cũng đến thắp hương tưởng niệm Đại tướng. “Bà con mình xúc động và rất tiếc thương Đại tướng của nhân dân. Mặc dù chưa được gặp Đại tướng, nhưng từ nhỏ tôi đã nghe nhiều người nói về ông, một vị tướng đã cống hiến cả cuộc đời cho lý tưởng của Đảng và hạnh phúc của nhân dân. Người rất quan tâm đến cái ăn, cái ở của bà con đồng bào dân tộc thiểu số mình…”. Bà HLêl xúc động cho chúng tôi biết.

Đem đến một lẵng hoa tươi, cung kính đặt lên ban thờ dưới bức tượng Đại tướng, sau khi thắp hương tưởng niệm xong, ông Đoàn Ngọc Bình (60 tuổi) ngụ tại phường Yên Thế, TP Pleiku (Gia Lai) tâm sự: “Tôi quê ở Quảng Trạch, Quảng Bình, mảnh đất mà Đại tướng chọn làm nơi yên nghỉ cuối cùng, tôi thấy sung sướng quá, tự hào quá. Đại tướng trở về Quảng Bình là nơi chôn nhau cắt rốn thì đó là tình cảm rất tốt đẹp, vì quê hương là nơi nuôi dưỡng, dạy dỗ chúng ta, những bài học làm người sâu sắc nhất. Hôm Đại tướng ra đi, tôi định về quê để cùng bà con đón linh cữu Đại tướng vào và đốt nén hương thơm dâng lên Đại tướng để tỏ lòng biết ơn. Nhưng biết tin Nhà điêu khắc Lê Sỹ Soái đã làm tượng Đại tướng và lập ban thờ, tôi đã cùng vợ con đến đây dâng hương tưởng niệm. Chuyện anh Soái và nhiều người dân trên đất nước mình lập ban thờ Đại tướng để tri ân, hiếu nghĩa tôi thấy rất hay, đó là nét đẹp văn hóa của dân tộc, tưởng nhớ vị Đại tướng mà họ vô cùng kính yêu”.

Hôm Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với ông bà tổ tiên, trong dòng người đến viếng và thắp hương tưởng niệm, ông Phạm Xuân Vũ - Giám đốc sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai đã nghẹn ngào nói: “Bức tượng đã nói lên tất cả, từ cuộc sống dung dị đến tâm hồn thanh cao của Đại tướng, một con người vĩ đại của dân tộc, cả cuộc đời vì nước thương dân... Tôi rất cảm phục tác giả đã tạc bức tượng về Đại tướng có hồn như thế!”.

Đại tướng đã hòa vào trong lòng đất Mẹ. Nhưng đến đây, dưới bức tượng của Đại tướng, hàng triệu người dân Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng vẫn ấm lòng mình trước những tình cảm sâu nặng mà lúc còn sống khi vào thăm người dân địa phương đi đến đâu, ghé thăm nhà nào, ông cũng ân cần bắt tay từng người, hỏi thăm sức khỏe, công việc nương rẫy… và không quên nói về sức mạnh đoàn kết dân tộc, nói chuyện truyền thống đánh giặc của người dân Tây Nguyên. Khuyên dặn bà con phải biết nghe lời cán bộ địa phương, lời bộ đội, biết trồng cây lúa nước, cây cà phê… để thoát nghèo đói, chung sức xây dựng một Tây Nguyên giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng an ninh.

Lê Quang Hồi

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...