13:27 | 14/09/2022   5,492 lượt xem

Kỳ 1: Từ con số 0 đến tuyến ống huyền thoại

Đường ống xăng dầu - “Huyền thoại” Trường Sơn

Cuối những năm 60 của thế kỷ XX, cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày càng khốc liệt, xăng dầu là vấn đề cấp bách trên chiến trường. Gần 7 năm băng sông, vượt núi dưới mưa bom bão đạn, Việt Nam đã xây dựng thành công tuyến ống dẫn xăng dầu kéo dài từ biên giới phía Bắc đến tận miền Nam. Tướng Đồng Sỹ Nguyên từng nói: “Nếu đường Trường Sơn là huyền thoại, thì đường ống xăng dầu là huyền thoại trong huyền thoại đó”.

Đường ống xăng dầu - “Huyền thoại” Trường Sơn

Tháng 3-1968, Tổng thống Mỹ phải quyết định ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra miền Bắc. Tuy nhiên, từ vĩ tuyến 20 trở vào, Mỹ lại cho không quân và hải quân “dội mưa bom” cày nát các tuyến đường giao thông huyết mạch khiến việc chi viện cho miền Nam vô vàn khó khăn. Từ Vinh (Nghệ An) trở vào, các cảng như Bến Thủy (Nghệ An), Sông Gianh (Quảng Bình) bị thủy lôi phong tỏa, tê liệt.

Đường ống xăng dầu - “Huyền thoại” Trường Sơn

Trước đó, tuyến vận chuyển 559 đã được thành lập. Đây là tuyến vận tải xăng dầu, vũ khí, đạn dược, bộ đội vào miền Nam do Binh đoàn Trường Sơn thực hiện. Trên tuyến này, xe chở xăng dầu là một mục tiêu ném bom trọng điểm của máy bay Mỹ. Việc Mỹ tăng cường ném bom các tuyến giao thông khiến tuyến đường này tê liệt. Đây được xem là một đòn “hiểm” khiến chiến trường miền Nam thiếu hụt xăng dầu trầm trọng, có lúc chỉ có xe cứu thương mới được cấp xăng.

Trung tá Đỗ Ngọc Ngạn (sau này là Vụ trưởng Vụ Lao động tiền lương, Tổng cục Dầu khí) chia sẻ trong hồi ký của mình: “Đoàn 559 có 2.000 xe nhưng chỉ dùng được một nửa, có lúc chỉ đủ xăng cho 20% xe hoạt động. Dãy Trường Sơn núi cao, có đoạn còn lầy lội, khiến nhiều xe không thể qua được. Dù đã thử nhiều biện pháp như cho xăng dầu vào thùng thuy, túi nilong thả trôi theo suối, sông hay gùi xăng trong bao nilong, ống tre lồ ô nhưng không hiệu quả, hay bị tổn thất. Các chiến sĩ gùi xăng dầu còn bị bỏng, bị thương do bom bi do địch thả xuống. Việc tiếp tế xăng dầu gặp muôn vàn khó khăn”.

Đường ống xăng dầu - “Huyền thoại” Trường Sơn

Trước đây, toàn bộ lượng xăng dầu đều được vận chuyển trong thùng phuy bằng xe ôtô, thường tiêu tốn khoảng 1/3 tổng nhiên liệu, lại phải di chuyển tuyến đường dài rất mất thời gian và là mục tiêu dễ bị địch phát hiện, bắn phá. Bên cạnh đó, thùng phuy bị thiếu, sau này được các binh trạm đề nghị thay bằng can nhựa.

Sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân, tình trạng thiếu xăng dầu trầm trọng cho chiến trường ngày càng trở nên cấp bách. Trước tình thế đó, Việt Nam cần tìm ra giải pháp để vừa có thể vận chuyển xăng dầu nhanh chóng, vừa phải bảo đảm an toàn trước sự bắn phá không ngừng nghỉ của địch.

Đường ống xăng dầu - “Huyền thoại” Trường Sơn

Năm 1967, đoàn công tác do Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị dẫn đầu sang Liên Xô và phát hiện tại đây đã sử dụng những đường ống dẫn dầu dã chiến. Các đường ống này dài 100km, nối từ từng đoạn ống dài 6m, sử dụng 10 bơm cao áp PNY có sức đẩy 10-12km. Tướng Đinh Đức Thiện biết được tin, liền đặt vấn đề với Phó Thủ tướng Chính phủ Đỗ Mười và Đại tướng Võ Nguyên Giáp xin viện trợ. Kế hoạch xin viện trợ được thực hiện và Liên Xô đồng ý.

Ban đầu, 2 bộ ống và 20 máy bơm PNY cùng một số xe chuyên dụng được Liên Xô viện trợ trước. Bộ ống gồm có nhiều đoạn ống dài 6m, đường kính 100mm, nặng 40kg, là loại khớp nối hai đầu. Đây được xem là nền móng đầu tiên trong hành trình “xẻ dọc” Trường Sơn xây dựng đường ống dẫn dầu.

Đường ống xăng dầu - “Huyền thoại” Trường Sơn

Trên thực tế, để đưa đường ống dẫn xăng dầu đi vào Trường Sơn cần một hệ thống ống dài hàng nghìn km. Tuy đã sử dụng ống dẫn xăng dầu, nhưng Liên Xô không có kinh nghiệm làm những đường ống dài hàng nghìn km. Trong điều kiện chiến tranh khốc liệt tại Việt Nam, việc này lại càng khó.

Để giúp Việt Nam, ngoài hỗ trợ đường ống, Liên Xô còn cử 2 chuyên gia sang hướng dẫn kinh nghiệm lắp đặt. Tuy nhiên, máy bay Mỹ đánh phá quá ác liệt, khiến 2 chuyên gia này không thể tiếp cận khu vực cần lắp hệ thống ống. Do đó, các cán bộ kỹ thuật và chiến sĩ Việt Nam phải tự lắp đặt toàn bộ đường ống.

Đường ống xăng dầu - “Huyền thoại” Trường Sơn

Tháng 3-1968, Cục Xăng dầu - Bộ Quốc phòng được thành lập, chỉ định Thượng tá Phan Tử Quang làm Quyền Cục trưởng và Đại tá Nguyễn Chí Thành làm Chính ủy. Một tháng sau, Tổng cục Hậu cần ra quyết định thành lập đơn vị xây dựng tuyến ống với 34 cán bộ, chiến sĩ, đa số là sinh viên Đại học Bách khoa vừa tốt nghiệp và một số kỹ thuật viên của gang thép Thái Nguyên. Đơn vị do Thiếu tá Mai Trọng Phước (giảng viên Học viện Hậu cần) làm Đoàn trưởng và bộ chỉ huy gồm các ông: Trần Xanh, Đặng Thế Hải, Nguyễn Sùng, Đỗ Ngọc Ngạn, Phan Ninh...

Đại tá Phan Tử Quang kể về những khó khăn về kỹ thuật của đoàn lắp đặt ống dẫn xăng dầu lúc đó, đa số cán bộ kỹ thuật đều không được học về đường ống, những sinh viên tốt nghiệp đại học vừa mới ra trường, chỉ có một số cán bộ đi học ở Liên Xô về. Tuy nhiên, tất cả đều chưa có kinh nghiệm trong kỹ thuật xây dựng đường ống dẫn dầu. “Tôi đã suy nghĩ về việc phải sử dụng nhiều cán bộ kỹ thuật, gồm các kỹ sư về thủy lợi, điện, chế tạo máy nổ, thợ hàn... Tất cả kết hợp lại mới có thể chế tạo được máy bơm xăng dầu và cùng nhau nối tuyến ống dẫn dầu từ Lạng Sơn đến Sông Bé”, ông Quang kể lại.

Đường ống xăng dầu - “Huyền thoại” Trường Sơn

Ngày 29-4-1968, đơn vị xây dựng tuyến ống được dời về Nghệ An, đổi tên thành Công trường 18 thực hiện nhiệm vụ chuyên xây dựng hệ thống ống dẫn xăng dầu. Nghệ An được chọn là nơi xây dựng tuyến dẫn xăng dầu đầu tiên. Đại tá Phan Tử Quang trực tiếp chỉ đạo Ban chỉ huy Công trường 18 thi công tuyến ống dẫn dầu từ Truông Bồn (huyện Đô Lương, Nghệ An) qua sông Lam về Nga Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh). Tuyến ống dẫn dài 42km, mang mật danh là X42, được thi công trong vòng 41 ngày. Khởi công từ đầu tháng 7 đến ngày 15-8-1968 thì hoàn thành, 4 ngày sau dòng xăng đầu tiên từ Truông Bồn được bơm vào kho Nga Lộc.

Mồng 1 Tết Kỷ Dậu (1969), tuyến ống kéo dài ra hai đầu phía Nam theo đường 12 vượt dãy Trường Sơn, băng qua biên giới Việt Nam xuống hạ Lào ở ngã ba Lùm Bùm được hoàn thành. Dòng xăng từ Nghệ An đã vượt đỉnh Trường Sơn chảy thẳng sang nước bạn Lào. Thành tựu này khiến Trung Quốc và Liên Xô khâm phục. Trung Quốc đã ra quyết định cho đoàn chuyên gia quân sự vào tận Trường Sơn để khảo sát và cấp tốc sản xuất các bộ ống dã chiến và ống hàn, chi viện cho Việt Nam.

Đường ống xăng dầu - “Huyền thoại” Trường Sơn

(Bài viết sử dụng tư liệu từ sách Lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam)

Nội dung: Thanh Hiếu - Thành Linh

Thiết kế: Thành Linh