Giảng dạy tích hợp: Có giảm được số môn học?

08:00 | 24/10/2013

2,563 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong Dự thảo Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục”, Bộ GD-ĐT đã đề xuất hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam thông qua tăng cường tích hợp và phân hóa trong quá trình dạy học.

>> Sách giáo khoa sau năm 2016: Phát huy tối đa năng lực của học sinh

Ngày 9/10/2013, Đề án đã được Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng lần thứ 8 thảo luận và quyết định ra Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. 

Trong đó, Dạy học tích hợp và phân hóa là một trong những giải pháp được Bộ GD-ĐT khá kỳ vọng để thiết kế nội dung giáo dục phổ thông nhằm giảm số môn học bắt buộc, tăng số môn học tự chọn và rèn luyện kỹ năng cho học sinh.

Lồng ghép để giảm thiểu môn học

Bộ GD-ĐT đã đề xuất phương án tích hợp và phân hóa trong chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam sau 2015 đối với từng bậc học. Theo đó, việc lồng ghép các môn học cũ sẽ hình thành các môn học mới ở mỗi cấp.

Cụ thể, ở bậc Tiểu học, tăng cường tích hợp trong nội bộ môn Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội (các lớp 1, 2, 3) và lồng ghép các vấn đề lớn như: môi trường, biến đổi khí hậu, kỹ năng sống, dân số, sức khỏe sinh sản… vào các môn học và hoạt động giáo dục.

Lớp 4 và lớp 5 thực hiện điều chỉnh thành 2 môn Khoa học và Công nghệ (chủ yếu dựa trên cơ sở môn học này ở các lớp 4, 5 của chương trình hiện hành; Tìm hiểu xã hội (chủ yếu dựa trên cơ sở môn Lịch sử và Địa lý các lớp 4, 5 của chương trình hiện hành và thêm một số vấn đề xã hội).

THCS tăng cường tích hợp trong nội bộ môn học Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, Công nghệ, Giáo dục công dân… và lồng ghép các vấn đề như môi trường, biến đổi khí hậu, kỹ năng sống, dân số, sức khỏe sinh sản… vào các môn học và hoạt động giáo dục.

Các môn học sẽ được tích hợp để giảm tải cho học sinh.

Ngoài ra, xây dựng hai môn học mới là Khoa học tự nhiên (trên cơ sở các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học hiện hành) và môn Khoa học xã hội (trên cơ sở các môn Lịch sử, Địa lý hiện hành và một số vấn đề xã hội). Hai môn này được xây dựng đảm bảo tính logic, nội dung các phân môn được sắp xếp hỗ trợ nhau và tránh trùng lặp, có những chủ đề liên kết giữa các phân môn.

THPT tiếp tục thực hiện tích hợp một số nội dung chưa thành môn học nhưng cần thiết giáo dục cho học sinh vào các môn học và hoạt động như đã làm trong chương trình hiện hành.

Về việc dạy phân hóa sẽ thực hiện theo nguyên tắc phân hóa sâu dần và mạnh ở cuối cấp THPT. Tiểu học và THCS, ngoài những môn học bắt buộc, học sinh sẽ được chọn thêm chủ đề, hoạt động khác phù hợp năng lực, sở thích. Sau THCS, học sinh sẽ phân luồng vào các trường THPT hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp. THPT tổ chức dạy phân hóa theo hướng tự chọn.

Ở lớp 10, giáo viên sẽ bước đầu định hướng nghề cho học sinh. Các em sẽ học 7 - 10 môn bắt buộc, còn lại là các môn và hoạt động giáo dục tự chọn nhằm giúp học sinh có nhận thức thấu đáo hơn các lĩnh vực kiến thức khác nhau, làm cơ sở cho việc định hướng nghề nghiệp sau này.

Lớp 11 và 12 là giai đoạn thực hiện phân hóa mạnh và hướng nghiệp cao. Học sinh học ít môn, trong đó có 3 môn bắt buộc (Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ) và 3 môn tự chọn (như Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Công nghệ, Khoa học về máy tính, Kinh doanh, Ngoại ngữ 2, Nghệ thuật, Hướng nghiệp...).

Đánh giá về tính khả thi, Bộ GD-ĐT cho rằng việc dạy học tích hợp theo phương án đề xuất sẽ không gây ra sự xáo trộn về số lượng và cơ cấu giáo viên, không nhất thiết phải đào tạo lại mà chỉ cần bồi dưỡng một số chuyên đề dạy học tích hợp; không đòi hỏi phải tăng cường quá nhiều về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; cán bộ quản lý có thể tổ chức và điều hành hoạt động của nhà trường khi thực hiện phương án tích hợp này…

Về dạy học phân hóa sẽ thay đổi khá căn bản ở THPT như: bỏ hình thức phân ban, chuyển sang dạy học tự chọn; lớp 11 và 12 học rất ít môn bắt buộc vì thế có thời gian tập trung cho các môn học tự chọn.

Các trường có thể chủ động lựa chọn các nghề ở địa phương, chủ động cùng các doanh nghiệp, nhà máy, công ty địa phương liên kết về dạy các nghề này, phục vụ công tác dạy nghề, hướng nghiệp của trường. Học sinh sẽ được học các môn hoặc các chủ đề tự chọn phụ thuộc vào khả năng đáp ứng tăng dần của các nhà trường hoặc được giới thiệu đến học ở các trường, các doanh nghiệp, nhà máy…

Tuy nhiên, do chưa kịp chuẩn bị nội dung môn học tự chọn mới, nên thời gian đầu các môn tự chọn chủ yếu là các môn học cũ, có thêm một số môn mới như kinh doanh, nghệ thuật… Sau đó tích cực chuẩn bị các môn học mới, cứ sau vài năm có thể tăng thêm một số môn tự chọn.

Phát triển năng lực của học sinh

Phát biểu về Đề án đổi mới toàn diện, căn bản giáo dục, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, thực hiện dạy tích hợp và phân hóa sẽ giảm tải số lượng môn học so với hiện nay.
Thứ trưởng cho biết: “Tích hợp sẽ giảm số môn, dạy phân hóa thì học sinh ít phải học các môn bắt buộc hơn, mà học tự chọn nhiều, khắc phục được tính dạy dàn trải, phát huy được năng lực riêng của học sinh”.

Theo đó, khi dạy tích hợp, giáo viên và học sinh phải vận dụng kiến thức tổng hợp, vì thế yêu cầu cao hơn, làm tăng khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp. Hướng đến việc học sinh làm được gì sau khi học chứ không phải là học được cái gì.

Trước mắt, các nhà trường có thể tự chủ động các môn học tự chọn.

GS Đinh Quang Báo (Thành viên ban soạn thảo chương trình, SGK mới sau năm 2015) cho rằng: “Tích hợp là kết hợp kiến thức liên môn để từ đó học sinh có được nhiều thông tin hơn. Vì thế, về thực chất, là tăng tải chứ không phải giảm tải. Tuy nhiên, với nội dung và phương pháp dạy mới, điều này không làm nặng nề cho người học mà làm cho người học hứng thú, giống một người thích công việc thì không biết mệt khi làm việc.”.

Chung quan điểm này, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Minh Hạc cũng cho rằng việc thực hiện phương pháp này sẽ gặp không ít khó khăn vì trên thực tế Việt Nam đã áp dụng tích hợp một số môn học nhưng giáo viên rất lúng túng. Giáo viên đã quá quen với phương pháp giảng dạy truyền thụ thuần túy kiến thức một môn độc lập trong hàng chục năm, từ khi họ đi học đến khi họ làm thầy nên để thay đổi không đơn giản.

Vì thế, theo GS Phạm Minh Hạc, triển khai phương pháp này một cách toàn diện như Đề án đưa ra thì khâu tập huấn giáo viên rất quan trọng. Làm sao để tư tưởng giáo dục mới đến với cả triệu giáo viên trên cả nước là không đơn giản. Bên cạnh đó, SGK cũng phải cụ thể hóa tối đa các nội dung để người thầy có thể dựa vào đó như một cẩm nang để vận dụng trong giảng dạy.

Khánh An