Mỹ phẩm rẻ tiền làm phiền chị em

07:00 | 30/11/2014

2,486 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chỉ tiếp xúc với bề mặt da, không ai nghĩ rằng, mỹ phẩm lại có thể gây hiểm họa với con người về sức khỏe. Thế nhưng thực tế, không khác gì thực phẩm bẩn, mỹ phẩm cũng là nguyên nhân của những bệnh “chết người” như ung thư, da liễu… mà các nhà y khoa đã tìm ra, cảnh báo nhất là những mỹ phẩm chứa hóa chất độc hại.

Năng lượng Mới số 378

Dầu tắm “thương hiệu” có chất gây ung thư

Không có gì “rúng động” hơn khi năm ngoái dầu tắm và gội Johnson and Johnson, loại dầu gội và tắm nổi tiếng của Mỹ được trẻ em trên toàn thế giới tin dùng, trong đó có trẻ em Việt Nam bị phát hiện có chứa hóa chất gây ung thư là formaldehyde và 1,4 - dioxane. Các tổ chức sức khỏe ở Mỹ như Hiệp hội Y tá Mỹ, Quỹ Chống ung thư, Chiến dịch Mỹ phẩm an toàn… là những cơ quan đã phát hiện ra và gây áp lực để buộc Hãng Johnson and Johnson ngưng sản xuất loại dầu tắm này nhằm bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng. Thực ra, phát hiện này từ tháng 3-2009 đã được thông báo nhưng Johnson and Johnson, 2 năm qua đã không có động thái gì để chứng tỏ thiện chí của mình, bằng chứng là sản phẩm của hãng lưu hành tại 13 quốc gia vẫn chứa 1,4 - dioxane, quarternium - 15 có tác dụng diệt khuẩn bằng cách giải phóng formaldehyde.

Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ đã cảnh báo về tác hại của formaldehyde là gây ung thư ở người đồng thời cũng là một chất gây dị ứng phổ biến có thể kích ứng da, làm viêm da, nổi mụn…

Thu giữ mỹ phẩm giả tại Hà Nội

Trước sức ép này, Hãng Johnson and Johnson đã tuyên bố sẽ cắt giảm số lượng sản phẩm chứa chất bảo quản thải ra formaldehyde đến 33% trên phạm vi toàn cầu và hơn 60% tại Mỹ. Hãng này cũng hứa sẽ ra dòng sản phẩm gọi là Johnson Natural là dòng sản phẩm tự nhiên không chứa các chất bảo quản. Tuy nhiên, điều đáng nói là thời hạn để thực hiện tuyên bố trên, Hãng Johnson and Johnson lại không đưa ra một cách cụ thể. Bởi vậy, các tổ chức bảo vệ sức khỏe của Mỹ, đặc biệt là Chiến dịch Mỹ phẩm an toàn buộc Johnson and Johnson phải thông báo cụ thể nếu không họ khuyến cáo công chúng gây áp lực để công ty Johnson ngưng sản xuất loại dầu gội gây ung thư cho trẻ.

Tương tự, mới đây các sản phẩm làm trắng da của “My Miu” (ở địa chỉ 5A, ngõ 20, Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân, Hà Nội) một “tên tuổi” nổi lên sau khi kinh doanh qua… facebook trở nên rầm rộ đã bị cơ quan chức năng thu giữ. Sở dĩ bị thu giữ như vậy là vì sau khi có một khách hàng làm việc ở Bộ Y tế đã phát hiện ra giấy chứng nhận mà “My Miu” “trưng” lên facebook không đúng với mẫu giấy chứng nhận của cơ quan chức năng cũng như tên của vị lãnh đạo ký và đóng dấu trong giấy chứng nhận đó không đúng với thực tế nên đã thông báo cho cơ quan quản lý để thu giữ số sản phẩm đó. Số sản phẩm này, theo thông tin tìm hiểu được thì từng gây “sốt” trong giới trẻ bởi tác dụng “trắng siêu tốc” mà lại rẻ tiền, chỉ 200-300 nghìn đồng/hộp khoảng 250g dưới dạng kem dưỡng da hoặc mỹ phẩm tắm trắng. Tổng số sản phẩm thu giữ của My Miu có gần 300 loại nhưng không loại nào có nguồn gốc xuất xứ, mặc dù được quảng cáo trên mạng chủ yếu của Thái Lan. Chủ hàng khai, hàng nhập từ TP Hồ Chí Minh nên cũng không biết nguồn gốc từ đâu. Nhưng điều đáng nói hơn là số mỹ phẩm của My Miu chủ yếu là các loại kem… trộn lẫn với nhau. 

Đẹp nhưng nguy hiểm

Không chỉ dầu tắm - gội, kem trắng da mà son môi, một loại mỹ phẩm dường như không người phụ nữ nào là không có trong túi đựng đồ trang điểm của mình cũng đang bị các nhà khoa học khuyến cáo: chứa đầy độc chất, đặc biệt là chì. Có một điểm cần nói là dù cao cấp hay rẻ tiền thì loại son nào cũng đều có độc, chỉ khác là hàm lượng ít hay nhiều mà thôi. Tất nhiên, “tiền nào của nấy” son càng rẻ tiền, càng độc hại. Như loại son xuất xứ Thái Lan chuyên dành cho trẻ em (có cả trẻ sơ sinh), trong đó có loại dùng để dưỡng, có loại dùng để trang điểm nhẹ được phát hiện có độc chất, nguy hiểm đến sức khỏe của người sử dụng. Sở dĩ có kết luận như vậy là vì các bệnh viện da liễu ở cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận nhiều ca cấp cứu là trẻ nhỏ bị triệu chứng sưng vù, ngứa rát tạo thành bóng nước, mụn mủ… Khi được hỏi nguyên do bắt đầu từ đâu thì nếu có 10 bà mẹ thì cả 10 bà đều nói cho con sử dụng son môi Thái Lan này để dưỡng.

Khảo sát tại những khu vực bán mỹ phẩm rẻ tiền tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, chúng tôi đều thấy son môi xuất xứ Thái Lan này với hình dáng rất bắt mắt, giá lại chỉ có 25-55 nghìn đồng/hộp. Cho nên các bà mẹ Việt rất… chuộng ngay cả khi bên ngoài bao bì không có lấy một chữ tiếng Việt nào mà toàn chữ Thái Lan. Khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ của loại son trên, chủ một cửa hàng không biết trả lời ra sao ngoài việc đưa phần chữ Thái ra và nói: “Hàng Thái Lan” nhưng không biết cụ thể “hãng” nào sản xuất, thành phần ra sao… Bên cạnh đó, còn rất nhiều loại son môi rẻ tiền khác giá bán chỉ khoảng 100 nghìn đồng/thỏi (hoặc hộp) nhưng ngoài bao bì toàn tiếng nước ngoài.

TS Nguyễn Thị Lai, chuyên khoa da liễu, Bệnh viện Việt - Xô cho biết: “Son môi nếu đã gây dị ứng 100% cho trẻ em như vậy chắc chắn có hóa chất độc hại. Nếu không bị phai màu nữa thì càng độc hại do phản ứng hóa học cơ bản là “bám càng lâu độc tính càng mạnh” và ảnh hưởng càng lâu đối với cơ thể. Do son có thể được nuốt vào trong khi người dùng liếm môi trong quá trình ăn uống nên không chỉ gây độc, dị ứng cho làn môi mà còn tác động gây rối loạn hệ tiêu hóa, nhất là với cơ thẻ trẻ thì càng không thể lường trước được những tác hại”.

Không chỉ đối với son môi dành cho trẻ em có xuất xứ Thái Lan vừa kể mà son môi nói chung theo bác sĩ chuyên khoa Lê Quang Lộc nhận định, son môi bao giờ cũng có chì, hàm lượng dù ít hay nhiều thì thần phần sản xuất son môi này bao giờ cũng gây độc cho cơ thể, ngay cả trong phạm vi cho phép. Nếu hàm lượng cao thì hậu quả xảy ra nhanh, còn hàm lượng thấp thì về lâu dài, cơ thể sẽ bị ảnh hưởng. Một nhóm chuyên gia ở Mỹ cũng đã chứng minh: trong số những hợp chất hóa học như triclosan, cadmium, chì, paraben… có trong son môi thì triclosan ảnh hưởng nhất đến hoạt động của cơ tim, thậm chí gây vô sinh ở nữ giới. Bởi khi vào cơ thể, triclosan làm gián đoạn dòng chảy của các ion canxi, có nhiệm vụ dẫn truyền các tín hiệu từ não đến các mô cơ. Cho nên nếu chỉ cần 20 phút phơi nhiễm với triclosan cũng làm giảm 25% chức năng hoạt động của tim.

Nếu thường xuyên phơi nhiễm nữa với triclosan thì cơ thể sẽ sản xuất hàm lượng hormone nam nhiều hơn khiến phụ nữ bị rối loạn chu kỳ kinh nguyệt dẫn đến khả năng khó sinh nở.

Còn bác sĩ Nguyễn Thanh Hương, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội khuyến cáo: “Bên cạnh son môi, những sản phẩm mỹ phẩm rẻ tiền, nhất là loại dùng để dưỡng da thì thay vì công hiệu như nó quảng cáo, sẽ tàn phá da của người sử dụng do các hoạt chất có thể bảo vệ da rất đắt tiền. Nếu mỹ phẩm bán với giá rẻ nghĩa là sản phẩm không có hoạt chất ấy. Cho nên da sẽ hỏng. Chưa kể đến, người sử dụng phải tiếp nhận những chất như crom, cadmium, chì… sẽ gây hại đến dạ dày và hệ thống thần kinh.

Các bác sĩ chuyên về da liễu tư vấn: Không nên dùng mỹ phẩm rẻ tiền, đặc biệt là loại hàng “fake”, nhái hàng. Phải dùng hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, của hãng mỹ phẩm nổi tiếng càng tốt nhằm giảm sự độc hại. Sau khi dùng mỹ phẩm phải tẩy trang sạch sẽ… Trước khi sử dụng chính thức nên thử “phản ứng” trên mu bàn tay. Tuyệt đối không dùng bất kể loại son nào, kể cả son dưỡng cho trẻ em, trẻ sơ sinh.


Mỹ Anh

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...